LỄ ĐẠI BỘI

A. Ý Nghĩa: Lễ Đại Bội bao giờ cũng cử hành liền sau lễ Xây Chầu, vì thế thường gọi là lễ Xây Chầu Đại Bội. Trong nghi lễ này, chủ yếu là cử hành ý nghĩa phát sinh vũ trụ theo Dịch lí (xin xem chú thích 9). Thái cực (Nhất nguyên động, Đạo)là nguồn gốc của vũ trụ. Thái cực sinh Lưỡng nghi (Âm Dương). Lưỡng nghi sinh sinh Tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát quái...Thêm vào đó là Tam tài và Ngũ hành là những yếu tố quan trọng thuộc vũ trụ quan. Kinh Lễ cũng nói: "Người là cái đức của Trời Đất, sự giao hợp của Âm Dương, sự hội tụ của thần linh, là cái khí tinh túy của ngũ hành(kim mộc thủy hỏa thổ). Nhờ có tinh thần linh diệu và khí chất tinh túy, con người linh hơn vạn vật, có địa vị tôn qúy trong vũ trụ, được sánh ngang với Trời Đất trong ba ngôi tam tài Thiên-Địa-Nhân".

Như thế cử hành lễ Đại bội theo quan niệm phát sinh vũ trụ là một chủ ý thâm sâu cầu mong cho được "An Đạo Trời, Vuông Đạo Đất, Sáng Đạo Người" (Tam tài: Thiên, Địa, Nhân). Trời Đất mà giao hòa, con người mà an Đạo thì người người hưởng thái bình, vạn vật được phồn thịnh.

B. Nghi thức cử hành: Lễ Đại Bội có 6 nghi thức chính và một nghi thức phụ. Tất cả như là các vũ điệu nghệ thuật, do các diễn viên Ban Hát chầu thủ diễn(10).

1.Lễ Khai Thiên Tịch Địa: Thủ vai Thái Cực là một diễn viên, gọi là ông Bàn Cổ, hóa trang mặt rằn, râu đen, áo ngạch dơi, cầm bó nhang ra múa (không hát), gọi là điểm hương chiều gió bốn phương trời.

2.Lễ Xang Nhật Nguyệt: Một diễn viên nam tượng trưng cho Dương, mặt đỏ, áo long bào, quần giáp, đi hia, cầm cái đĩa tròn bọc vải đỏ. Đó là mặt trời: Nhật. Một diễn viên nữ tượng trưng cho Âm, mặt trắng, áo hài, cài trâm, bí tất trắng, tay cầm cái đĩa bọc vải trắng. Đó là mặt trăng: Nguyệt. Diễn viên nam ra trước, múa một lát. Diễn viên nữ ra sau, cùng múa, nhìn mặt nhau, cho mặt trời chạm vào mặt trăng (vì thế còn gọi là lễ xang mặt). Múa 3 lần

3.Lễ Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân (còn gọi Tam Đa: Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ; Tam Tinh: 3 ngôi sao Phúc, Lộc Thọ). Một diễn viên tượng trưng Phúc là ông gìa mặt trắng, râu 5 chòm màu đen, áo viên bào, mũ đằng cân, xiêm trường, quần giáp, đi hài, một tay bồng hài nhi, một tay cầm quạt ra vẻ phong cách thần tiên. Một diễn viên tượng trưng cho Lộc là ông gìa mặt trắng, râu 5 chòm màu đen, áo dao bào, mũ bình thiên, xiêm trường, quần giáp, đi hia, một tay cầm bình hoa, một tay cầm quạt.Một diễn viên tượng trưng cho Thọ là ông gìa da đồi mồi, mày bạc, râu 5 chòm màu trắng, đầu bịt khăn đỏ, áo tiên tay rộng, quần đỏ, một tay cầm quạt, một tay cầm gậy có bầu rượu. Ba ông ra một lượt, sắp hàng ngang, không múa, chỉ xướng, nói lối và hát khách những bài chúc tụng Phúc, Lộc, Thọ.

4.Lễ Tứ Thiên Vương: là lễ tượng trưng cho Tứ Tượng (Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương). Diễn viên là 4 ông vua, trang phục giống nhau, mặt trắng, mũ kim khôi, mình đai giáp, thắt lưng đỏ, đi hia, lưng dắt 4 cây cờ lệnh. Tứ Thiên Vương lần lượt ra múa, rồi chụm lại, mặt quay ra 4 phương trời, dâng cho dân chúng 4 câu liễn viết: Thọ Tỷ Nam Sơn. Thánh Thọ Vô Cương. Quốc Thái Dân An. Phúc Như Đông Hải.
5.Lễ Đứng Cái: Là lễ tượng trưng cho Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Diễn viên gồm 1 nam và 4 nữ. Diễn viên nam phải đứng tuổi, gọi là cái đứng ở giữa. Bốn nữ là con, đứng 4 bên. Vì có cái có con nên gọi là lễ Đứng Cái. Bốn con là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa (còn gọi Tứ Thời, Tứ Hữu. Bốn con ra trước, sắp hàng ngang và thài (hát) những điệu chúc tụng. Sau đó Cái (Thổ) mới xuất hiện, mặt trắng, áo cẩm bào, mão Cửu Long, tay cầm quạt, lậy Thần 3 lậy rồi hát những bài chúc tụng thánh chúa, chúc phúc lộc cho bá tánh. Cái và các con thay phiên chúc tụng. Khi lễ xong, con bái Thần vào trước, Cái bái Thần vào sau.

6.Lễ Bát Tiên Hiến Thọ: Là lễ tượng trưng cho Bát Quái. Diễn viên là 8 vị tiên. Ðó là các ông:

- Hán Chung Ly: Mặt đỏ, râu 5 chòm màu đen, mũ Xuân Thu, áo tiên rộng, lưng thắt, xiêm trường, quần giáp, đi hia, tay cầm quạt.
- Trương Qủa Lão: Mặt trắng, mày rậm và bạc, râu cũng bạc, mũ bình thiên, áo dao bào, xiêm trường, quần giáp, đi hia, tay cầm quạt.
- Hàn Tương Tử: Mặt trắng, môi đỏ, đầu bịt khăn ngang mỏ rìu, áo tiên chít, xiêm trường, quần giáp, đi giầy, tay cầm quạt.
-Tào Quốc Cựu: Mặt trắng, mày bạc, râu 5 chòm cũng bạc, mão phương phát, áo dao bào, xiêm trường, quần giáp, đi hia, tay cầm quạt.
-Lam Thái Hòa: Mặt trắng, môi đỏ, đầu thắt đúm, buộc giải ngũ sắc, áo tiên chít, xiêm trường, quần giáp, đi hia, tay cầm quạt.
-Lí Thiết Quài: Mặt đen, mày trắng, râu quắn đen,, đầu bịt khăn ngang mỏ rìu, áo đen, xắn một tay áo, xiêm trường, quần giáp, chân không. Một tay chống gậy, một tay cầm quạt.
-Hà Tiên Cô: Mặt thoa phấn, mũ thắt phượng, áo cung trang điểm xiêm hồng, bít tất trắng, tay cầm quạt.
-Lã Đồng Tân: Mặt thoa phấn hồng, râu 3 chòm đen, mũ đằng cân, áo viên bào, xiêm trường, quần giáp, đi hia, tay cầm quạt.

Bát Tiên thường cầm trên tay cam, táo, một khúc cây để tượng trưng cho những vị thuốc trường sinh là bàn đào, hỏa táo, quế chi và nhân sâm. Bát Tiên xuất hiện cùng lúc, xếp hàng ngang. Mỗi vị xướng một câu nói về đặc tính xuất xứ của mình, rồi cùng nói lối và hát khách những bài chúc thọ bằng văn Hán Việt, chỉ nhhững người có Nho học mới hiểu nổi. Hát xong, Bát Tiên dâng phẩm vật cho dân làng. Một vị đại diện tiếp nhận phẩm vật và đặt trên bàn thờ, rồi thưởng tiền cho các diễn viên.

7. Lễ Gia Quan Tấn Tước: Đây là lễ phụ, không thuộc vào Lễ Đại Bội. Mục đích chính của lễ này là cầu chúc cho dân làng được phát lên về đường công danh, hoạn lộ. Một diễn viên thủ vai, gọi là linh quan, vì tin ông nói lời linh nghiệm. Linh quan mặc áo cẩm bào, đeo mặt nạ, tay cầm quạt, múa những điệu bộ khôi hài. Sau đó viết câu: Gia Quan Tấn Tước và dâng cho dân làng. Vị đại diện tiếp nhận và đặt trên bàn thờ.

KẾT LUẬN

Xuân mới. Đất trời đổi mới. Người người đổi mới, vui tươi hơn, tốt đẹp hơn. Với điều kiện Đông phải lụi tàn, những gì tiêu cực cần phải biến đổi.

Để có được mùa Xuân mới, Giáo hội hoàn vũ đã xét mình và lên tiếng hối lỗi về Thánh Chiến, về các toà án dị giáo, về vụ Gallilê, làm lành với các anh em Tin Lành, Chính Thống, Do Thái, và mới đây đã xin lỗi nước Trung Hoa vì trong lịch sử truyền giáo đã có lúc không tôn trọng đủ những giá trị tín ngưỡng, phong tục tập quán của dân tộc vĩ đại này.

Để có được mùa Xuân mới, Giáo hội Công giáo Nhật bản đã xin lỗi vì đã sai lầm thoả hiệp với chính sách Đại Đông Á, đi xâm lăng các nước Á Đông do Nhật Bản phát động hồi trước 1945 (Đại chiến thứ hai).

Và hôm nay, để có được mùa Xuân mới, Giáo hội Công giáo Việt Nam, đứng đầu là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trước Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu, cũng đã lên tiếng phản tỉnh Thần học: nêu lên những vấn đề Kitô học, Giáo hội học và vấn đề rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh văn hoá đặc biệt phong phú và thâm sâu ở châu Á và vấn đề hội nhập văn hoá.

Ý thức mỗi tín hữu là một ngành thuộc cây nho Giáo hội, chúng ta hãy lắng nghe các vị chủ chăn nhắn nhủ:"...không chỉ khép kín trong đời sống thuần tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống..." (HĐGMVN. Bản Trả Lời Các Câu Hỏi. Định Hướng số 16, trang 90).

Riêng phần trình bầy vài nghi lễ mùa Xuân cổ truyền của chúng tôi trên đây là do sự gợi ý nhân được đọc các bài tham luận và các ý kiến trong Bản Trả Lời Các Câu Hỏi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khi tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu 1998, đặc biệt là lời phát biểu của Hồng y giáo chủ Phạm Đình Tụng:" Chúng con, những Giám mục Việt Nam, xác tín rằng không thể tiên thiên coi thường những tín ngưỡng ấy như là mê tín dị đoan. Đối với những kẻ thực hành những tín ngưỡng ấy, đó là một con đường cụ thể và hằng ngày cho phép họ gần gũi với Mầu Nhiệm Ông Trời trong mức độ nào đó. Mầu nhiệm này bao trùm và thấm nhập mọi sự..." (Định Hướng số 16, trang 91).

Nếu đọc qua một vài nghi lễ cầu an mùa Xuân cổ truyền trên đây, chúng tôi tin chắc qúy vị đồng đạo sẽ đồng ý với lời phát biểu của Ðức Hồng y giáo chủ.

Giáo hội Việt Nam đã phản tỉnh. Mỗi tín hữu Việt Nam cũng phản tỉnh, xét lại mình, học tập và thay đổi quan niệm sống Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Đó là con đường mới, tốt nhất, đúng nhất, để có thể cùng với các thành phần dân tộc khác góp sức xây dựng một mùa Xuân đích thực cho quê hương Việt Nam mến yêu.


CHÚ THÍCH:

1. Nhân đây cũng xin nhắc lại tất cả 53 sắc chỉ cấm đạo từ các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cho đến vua Tự Đức, chỉ luôn nại lí do tôn giáo, phong tục, chứ không hề nêu lề do chính trị. Chẳng hạn như: "ngày đêm dụ dỗ kẻ ngu dại, thảy đều mê đắm" (Việt Sử Cương Mục, Hiến Tôn năm Cảnh Hưng thứ 16 (1754), "đầy rẫy những thói tục ghê gớm, ở truồng nghe giảng, ở chung hỗn tạp" (Đại Việt Sử Ký, Huyền Tôn, năm Cảnh Hưng thứ 1, (1663), "chưa kể những chuyện móc mắt người chết, quyến rũ đàn bà", "mê hoặc dân ngu và làm hư hỏng phong tục" (chiếu chỉ Minh Mạng ngày 12/2/1825. (Xin xem Nguyễn Văn Chức. Việt Nam Chính Sử. Tiền Phong,trang 181. Tác giả đã dẫn lời của Gs. Nguyễn Ngọc Lan trả lời Nguyễn Khắc Viện trong bài "Nói Truyện Tử Đạo Với Ông Nguyễn Khắc Viện"...

2. Tài liệu về Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước Thượng Hội Đồng Giám Mục Á châu rất phong phú. Ở đây chúng tôi chỉ trích dẫn những đoạn có liên quan trực tiếp tới bài viết. Và vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng và tế nhị, theo kinh nghiệm thì rất dễ bị "dị ứng", cho nên chúng tôi tự chế không thêm thắt những ý kiến cá nhân.

3. Trước năm 1975, chúng tôi đã có nhiều dịp tham dự các diên tế long trọng và vẫn thầm ao ước có một vị giáo sư Thần học nào đó (môn Phụng vụ) đưa các sinh viên của ông tới tham dự một diên tế tại một ngôi Đình hay một đền thờ Thần, ít là một lần, thì chắc hẳn sẽ giúp cho các vị ấy thêm sự hiểu biết, thêm cảm xúc, rất ích lợi cho việc đối chiếu nghi lễ phụng vụ và cho nỗ lực muốn đem Tin Mừng vào lòng dân tộc bằng phương cách của dân tộc. Theo thiển ý, các diên tế rất trang nghiêm, uy nghi và gây nhiều cảm xúc tốt đẹp.

4.Hướng đại lợi là hướng tốt nhất trong năm. Để tìm hướng đại lợi, người ta căn cứ vào hình Bát Quái Sơn Hương thường vẽ trong lịch Tầu hay lịch Tam Tông Miếu.

5. Ấn quyết: Dùng ngón tay cái bấm vào một trong 12 cung, mang tên thập nhị chi, trên đầu và trên các ngón tay. Như thế gọi là bắt ấn quyết. Làm thế người ta tin có thể trấn áp được ma quy, không cho chúng xâm nhập vào thân mình.

6. Chú: Là những câu tụng niệm, mục đích xin các Đấng thiêng liêng trừ ếm tà ma (Thần chú).

7. Bùa Tứ Tung Ngũ Hoành: Bùa là những hình vẽ đặc biệt dùng để chống lại tà ma, nhờ sự can thiệp của Thái Thượng Lão Quân. Bùa Tứ Tung Ngũ Hoành là bùa vẽ 4 vạch dọc nằm trên 5 vạch ngang. 4 vạch: Mỗi vạch ngăn cấm một loại quy ma. 5 vạch ngang: Tượng trưng Thiên, Địa, Nhân, Sông, Biển.

8. Từ khi đạp lên 2 chữ "SÁT QuỶ", chấp sự viên không được nhấc chân ra vì đây là một loại bùa trấn ếm ma qu›, nếu nhấc chân ra, người ta tin là sẽ bị ma qu› nhập vào và làm hại.

9. Thái Cực Đồ: Là hình biểu diễn lí thuyết phát sinh vũ trụ vạn vật:
Nếu dùng những đường thẳng vẽ ra những hình chữ nhật nằm chồng lên nhau thì trên cùng là Thái cực (Đạo, Nhất nguyên động). Thái cực sinh Lưỡng nghi (Âm, Dương: Nhị nguyên). Âm - Dương là cặp phạm trù căn bản, có thể áp dụng vào mọi sự, mọi vật trên vũ trụ này. Nhờ Âm, Dương giao hòa mà tạo sinh vạn vật. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát quái, v.v., cứ thế mà chẻ ra các hào các quẻ, lập thành một tiến trình sinh hóa vô tận.
Nếu Thái cực biểu diễn là một hình tròn thì hình tròn ấy tuyệt hảo, không bao giờ có trên thực tế mà chỉ có trong óc tưởng tượng của nhà toán học. Hình tròn ấy chính là Tuyệt Đối, là Tối Cao, là Chung Nhất bao gồm tất cả, mệnh danh là Đạo. Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo. Âm Dương là hai yếu tố tương khắc nhưng không bao giờ tiêu diệt nhau, trái lại chúng liên hệ bù trừ cho nhau. Khi Âm thịnh thì Dương suy, khi Dương thịnh thì Âm suy. Dương mà tới cực đại thì phản hồi dần dần về Âm. Âm mà tới cực đại thì phản hồi dần dần về Dương. Chính ở chỗ cực Âm đã nằm sẵn một nhân chủng Dương và chính nơi cực Dương cũng có một nhân chủng Âm mai phục. Âm Dương cứ thế mà xoay vần, biến hóa vô cùng theo đường vòng ảo diệu, nhưng không bao giờ vượt ra khỏi vòng tròn Đạo được. Sự cùng tắc biến, vật cực tắc phản. Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai!

Với Thái cực đồ thuyết, người Á Đông chúng ta tin tưởng rằng muôn người, muôn vật, muôn sự bắt nguồn từ Đạo và sẽ trở về với Đạo. Cho nên mặc dù thế nào, ai cũng cầu mong sao được "an Đạo Trời, vuông Đạo Đất, sáng Đạo Người" (Tam tài: Thiên, Địa, Nhân). Trời đất mà giao hòa, con người mà an Đạo thì người người hưởng thái bình, vạn vật được phồn thịnh. Đó chính là ý nghĩa cốt tủy của lễ Kì Yên (cầu an), lễ Xây chầu Đại bội, là tín ngưỡng phổ biến của người Việt Nam trước đây.

Chính Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã hiểu Đạo với ý nghĩa hết sức đặc biệt: " Cách nhận thức về Thiên Chúa, quan niệm về thực tại tối hậu nơi người Á châu không giống với Tây phương. Có hai đặc điểm chính của triết học và tôn giáo Á châu, đó là trước hết, người ta có một cái nhìn tổng hợp, hài hòa về mọi thực tại, kể cả thực tại tối hậu, mà người ta gọi là Trời, Thiên, Đại Ngã, Brahman hay Đạo...Đây là một cái nhìn hài hòa, kết hợp Âm Dương, nội -ngoại, siêu việt - nội tại..." (Định Hướng số 16, trang 86).

Riêng người tín hữu chúng ta, có cảm thấy mối tương đồng nào không, giữa Đạo trong câu nói của người Á Đông: "Triêu văn Đạo tịch tà khả hĩ" (sáng mà nghe Đạo thì chiều có thể chết được rồi) và Chúa trong câu nói của một nhà tư tưởng phương Tây: "Linh hồn con bồn chồn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa" (Thánh Augustinô)?

10. Nguyễn Long Thao. Nghiên Cứu Một Ngôi Đình Làng Miền Nam: Phú Nhuận Đình. Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1973.(Xin cảm ơn tác giả đã gửi cho chúng tôi tài liệu Lễ Đại Bội trích trong tác phẩm nêu trên).