Cần vượt qua cái vòng luẩn quẩn « ai thắng ai »



Biến cố cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm Sứ, cũng như vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà đang là một điểm nóng có tính cách thời sự đối với xã hội VN hôm nay. Dù báo chí trong nước không hề loan tin, nhưng điều đó không có nghĩa là không có vấn đề. Tốt hơn là hãy chấp nhận nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết và vượt qua nó. Sự hiện diện của ông thủ tướng tại Tòa Khâm Sứ cho thấy mức nghiêm trọng của vấn đề đang diễn ra mà các cơ quan chức năng cố gắng ém nhẹm và phớt lờ những đòi hỏi chính đáng của HĐGM và người Công Giáo VN.

« Biến cố Tòa Khâm Sứ » và « biến cố Thái Hà » diễn ra đúng vào mùa Giáng Sinh 2007, mùa mà đáng lẽ những người Công Giáo cần có sự yên bình và hân hoan mừng lễ của mình. Thế nhưng, họ đã bị các cơ quan chính quyền nhà nước tước đi niềm vui của họ, đặt họ vào một hoàn cảnh « đối đầu » không cần thiết. Chính vào mùa Giáng Sinh này mà các cơ quan chính quyền VN đã có những động thái coi thường những người Công Giáo khi họ ngang nhiên đơn phương tiến hành những vi phạm trên những mãnh đất đang còn tranh chấp. Tại sao lại tìm cách phá hoại đi niềm vui linh thiêng của một tôn giáo ? Nhiều người chỉ biết đến Kitô Giáo là một tôn giáo bác ái, và đôi khi đề cập tới với vẻ mỉa mai, nhưng họ quên rằng Kitô giáo còn là một tôn giáo của công bằng và công lý. Bác ái và công bằng hay công lý là hai trụ cột chính không thể tách rời nhau của học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Và hai trụ cột này có một ánh sáng dẫn đường, đó là chúng được xây dựng trên phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, con người theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Vấn đề Tòa Khâm Sứ … thật ra chỉ là bề mặt nổi của một tảng băng chìm, vấn đề sâu xa bên dưới, đó chính là mối tương quan giữa Nhà Nước với các Tôn Giáo nói chung và với Giáo Hội Công Giáo nói riêng. Xã hội thay đổi, thế giới thay đổi, trí tuệ thay đổi…, thế nhưng não trạng và tư duy của một số người vẫn không muốn thay đổi. Họ vẫn muốn nhìn hiện tại với đôi mắt của quá khứ. Họ vẫn nhìn các tôn giáo như là một mối đe dọa, như là cái « ruột thừa » của xã hội cần phải cắt bỏ, đè bẹp và không được quyền bình đẳng trong một xã hội. Họ vẫn không thấy được tầm quan trọng của các tôn giáo trong việc xây dựng xã hội, thăng tiến hòa bình và giáo dục con người. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo, với bức thư chung của HĐGM VN năm 1980, « Sống đức tin giữa lòng dân tộc », đã đi một bước mạnh mẽ khép lại quá khứ để cùng nhau xây dựng xã hội hôm nay. Thế những sứ điệp « mở » và đối thoại chân thành này có đựoc lắng nghe bởi các quan chức chính quyền hay không, tại sao lại vẫn tiếp tục ký thị và chèn ép tôn giáo ? Không có tôn giáo, đó là một xã hội chết, vì nó mất đi chiều kích tâm linh của con người, cần thiết cho xã hội trong vấn đề thăng tiến nhân bản ở chiều sâu. Một chính quyền chỉ lo chú tâm vấn đề kinh tế mà quên đi vấn đề tâm linh, luân lý và nhân bản của con người, thì chính quyền đó đã và đang thấy được những hệ quả nghiêm trọng do nó gây nên là như thế nào ! Đã qua rồi cái thời xung đột và đối lập Nhà Nước và Tôn Giáo, Nhà Nước và Giáo Hội. Đây là thời của cùng nhau cộng tác trong sự tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhằm thăng tiến và xây dựng xã hội tốt đẹp. « Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda ». Hãy nhìn nhận và trân trọng những thẩm quyền riêng của mỗi bên. Hòa bình và sự hài hòa sẽ đến trong đó mỗi người đều nỗ lực cho công lý và công ích. Đã đến lúc cần phải vượt qua cái não trạng hẹp hòi và hiếu chiến « ai thắng ai » để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và pháp quyền, trong đó nhân quyền và phẩm giá con người được tôn trọng.

Cách đây cũng đúng một năm, cũng đúng vào mùa Giáng Sinh này, giáo sư Tương Lai đã có viết một bài hết sức « tiến bộ » với tựa đề « Ngôi sao trên cây thông Noel 2006 », được đăng trên trang báo điện tử Vietnamnet (http://vietnamnet.vn/chinhtri/2006/12/647071/). Trong bài viết này ông đã đánh dấu cho thấy sự trở lại của « cái tôn giáo », kêu gọi nhà nước hãy nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng của vai trò các tôn giáo trong xã hội và đồng thời ông cũng kêu gọi hãy « thể hiện một tầm nhìn mới, vượt qua những ràng buộc hạn hẹp của quan điểm “ai thắng ai” lấy vấn đề ý thức hệ là điểm quy chiếu tuyệt đối của một thời đã qua, để thấy được rằng, hiện nay đồng thuận xã hội chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. » Trước đó, ông đã trích dẫn lời nói của chủ tịch Hồ Chí Minh, liên quan đến truyền thống khoan dung tôn giáo của VN rằng: « “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. phân tích những kỳ thị và xung đột tôn giáo trên thế giới, giáo sư Tương Lai đã phát biểu về Công Giáo như sau, kèm theo trích dẫn lời của chủ tịch Hồ Chí Minh: « Có thấy ra điều ấy mới càng thêm quý trọng ý nghĩa sâu xa của tinh thần thân ái mà người công giáo được răn dạy và ra sức giữ gìn và phát huy trong cuộc sống. Vì vậy, đón mùa Giáng sinh 2006, càng thấm thía ý nghĩa “cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào đã sâu”, đó là lời Chủ tịch Hồ chí Minh gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam nhân dịp lễ NOEl, 4 tháng sau ngày Tuyên bố Độc lập 2.9.1945 ».

Một loạt những trích dẫn và bình luận trên đây của giáo sư Tương Lai cho thấy « thiện chí » của một chiến sĩ cộng sản đang tìm cách khép lại quá khứ. Vượt qua cái vòng luẫn quẫn « ai thắng ai » này. Điều đó muốn nói rằng xã hội bây giờ không phải được xây dựng trên sức mạnh quân sự hay quyền lực …, nhưng là trên chân lý, công lý, và pháp luật. Cần có bước can đảm và đột phá để vượt lên cái vòng luẫn quẫn đó.

Lời mời gọi này một lần nữa lại vang lên trong « biến cố Tòa Khâm Sứ » và « biến cố Thái Hà » hôm nay. Hãy tìm xây dựng một xã hội đồng thuần chứ đừng gây chia rẽ và bức xúc. Đừng dùng sức mạnh quân đội để đẩy người dân đến bước đường cùng. Đừng vi phạm sự thánh thiêng của các cơ sở tôn giáo nhưng hãy nhìn nhận vai trò của các tôn giáo trong xã hội, trong những gì mà chúng có thể đem lại cho các linh hồn: “ nếu các tôn giáo bắt đầu làm cho nhau trở thành phong phú hơn thì chúng sẽ cấp cho linh hồn điều mà thế giới đang tìm kiếm”. Hình như nhà nước VN đã chuẩn bị thật nhiều để mở cửa ra với thế giới, nhưng lại chưa chuẩn bị từ bên trong là mở cửa ra đón nhận các tôn giáo, vị thế và vai trò của chúng, để tất cả cùng nhau làm nên một đất nước vững mạnh thật sự. Giáo sư Tương Lai đã chỉ ra yếu kém này khi ông trích dẫn Hồ Chí Minh: « ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”. Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, những lời nhận xét ấy vẫn còn nguyên giá trị…». Nhìn nhận vai trò của các tôn giáo, đều đó có nghĩa trứoc tiên là cần phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mỗi người dân và những gì đi kèm với quyền tự do đó. Thừa nhận trên giấy tờ, trên Hiến Pháp mà thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải trong thực tế. Ở đây một lần nữa trích dẫn tư tưởng « tiến bộ » của giáo sư tương lai: « Tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người cần được thể chế hoá và được thực sự tôn trọng. Hiểu thật đúng thì tôn giáo sẽ là một sức mạnh xây dựng và một động lực tích cực của cá nhân và cộng đồng. »

Viết bài này, người viết một lần nữa không có ý gì hơn là mời gọi mọi người cùng trở về thái độ căn bản cho việc xây dựng con người và xã hội đích thực, đó là tôn trọng công lý, nhân quyền và phẩm giá con người. Cần và phải vượt qua thái độ hả hê thắng thua để tập trung vào một xã hội pháp quyền đem lại sự an tâm và tin tửong cho người dân Việt Nam. Những người giáo dân Công Giáo Hà Nội đã chấp nhận đứng lên phản đối lại sự bất công và ngang ngược của các quan chức chính quyền VN khi cậy quyền cậy thế để trấn áp họ. Họ không muốn bước vào thế đôi co, đối đầu và hơn thua. Họ chỉ muốn công lý được tôn trọng. Họ chỉ muốn rằng tôn giáo của họ được đối xử công bằng, và họ chỉ muốn rằng họ có thể tham gia vao công cuộc xây dựng con người và xã hội VN, với những phương tiện của họ. Một lần nữa, tôi kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy lắng nghe nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của người Công Giáo VN, của HĐGM VN.