Hàng chục ngàn nam giới gốc Ả rập, Hồi Giáo và Nam Á đang tranh cãi về việc có nên tuân thủ chương trình đăng ký nhập cư mới mà Mỹ mới đưa ra hay không. Họ lo sợ rằng có thể bị giới chức Hoa Kỳ bắt giữ hay trục xuất và do vậy có thể bị phân ly giữa các thành viên trong gia đình.

Thắt chặt quy định nhập cư

Kể từ khi chương trình này được áp dụng vào tháng Giêng, 1200 người đàn ông đã phải chịu những phiên xét xử để quyết định về khả năng trục xuất. Điều này đã gây ra một làn sóng hoảng loạn trong cộng đồng dân nhập cư, đặc biệt là cộng đồng Pakistan đông đúc.

Chương trình này gồm hai phần. Một phần áp dụng với những người vào Mỹ từ tháng 9 năm ngoái bằng visa ngắn hạn; những người này sẽ phải đăng ký tại sân bay và các cửa khẩu nhập cảnh.

Phần kia áp dụng với nam giới từ 16 tuổi trở lên từ 25 quốc gia tới Mỹ từ trước tháng 9 năm ngoái; là những người sẽ phải đăng ký tại các văn phòng Sở Di Trú, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi quy định mới này.

Tập trung vào Hồi giáo

Trừ Bắc Hàn, các quốc gia bị liệt kê trong chương trình này đều là các cộng đồng đông người Hồi Giáo. Mohamad là công dân Pakistan đã sinh sống ở Mỹ từ hai năm nay. Đơn xin visa làm việc tại Mỹ của ông đã bị từ chối sau vụ tấn công 11/9 và visa ngắn hạn của ông sẽ hết hạn vào cuối tháng Giêng này.

Ông ta tin rằng nếu như tham gia chương trình đăng ký thì ông ta sẽ có nguy cơ bị trục xuất và nếu vậy thì thà ông ta tới Canada còn hơn.

Về mức độ chính trị, Pakistan là quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất chương trình này. Hôm Thứ Ba vừa qua, tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Pakistan Kurshid Kasuri nói rằng Pakistan là một đồng minh giá trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố và ông muốn chính phủ Mỹ nương tay cho những người Pakistan bị ảnh hưởng bởi chương trình này.

Ông Kurshid Kasuri nói: "Những người Pakistan đầu tiên nhập cư vào Mỹ là bác sĩ, kỹ sư tin học, kỹ sư dân dụng và những đóng góp của họ ở Mỹ đã được công nhận. Ở rất nhiều vùng nông thôn, nếu như không có bác sĩ và y tá người Pakistan thì các trung tâm y tế sẽ không hoạt động được."

Lời kêu gọi của cộng đồng người Pakistan đối với chính phủ Mỹ là: “Hãy xem những hồ sơ lưu trữ về họ, họ có những trách nhiệm nặng nề với gia đình. Họ không chỉ là trụ cột gia đình ở Mỹ mà còn phải giúp đỡ người thân ở Pakistan, và như vậy thì về bản chất họ không phải là kiểu người đi làm những kẻ khủng bố."

Mỹ đang hành động hợp lý

Dù cho có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã bị bắt hay bị trục xuất kể từ khi áp dụng chương trình đăng ký, Jorge Martinez, phát ngôn viên của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, là bộ chủ quản của Sở Di Trú, đã không thừa nhận là những người này bị đối xử không công bằng vì lý do chủng tộc.

Ông Jorge Martinez nói: "Thực tế là các tiêu chí được đưa ra hoàn toàn dựa trên tin tức tình báo và các quan ngại về an ninh quốc gia mà thôi. Không phải do nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo hay là dân tộc của từng người.

"Có những người đã ở đây bất hợp pháp và hậu quả là họ đã vi phạm pháp luật. Chúng ta không thể sống trong một xã hội xáo trộn được. Chúng tôi phải xác định các cá nhân để tìm ra bọn khủng bố. Bọn khủng bố là những kẻ hết sức nguy hiểm và hiển nhiên là việc chúng phạm tội sẽ không cho phép chúng được ở lại đất nước này."

Khó khăn về pháp lý

Aziz Ahsen là luật sư Mỹ gốc Pakistan, đã từng tư vấn pháp lý cho những người nhập cư Pakistan ở New York về chương trình đăng ký này. Ông nói rằng rất khó tư vấn vì trong một số trường hợp người ta tuy ở quá hạn visa nhưng vẫn chưa nhận được trả lời về việc có cho phép ở lại hay không, thế nhưng họ lại bị tống khứ khỏi Mỹ.

Aziz Ahsen nói rằng theo quy định mới, Sở Di Trú có thể trục xuất các ông bố và như vậy là chia lìa cha con.

Ông nói: "Về mặt pháp lý thì chính quyền có thể làm như vậy và chúng tôi đang cố gắng để Sở Di Trú quan tâm tới vấn đề này. Chính phủ Pakistan và chính phủ các nước khác đang đưa vấn đề này ra ở mức ngoại giao, chính trị và ở mọi cấp độ khác.

"Thật không may là với tình trạng trục xuất ồ ạt như hiện nay thì cho tới lúc thay đổi được hệ thống hiện thời để hỗ trợ mọi người thì một số người trong số đó đã bị trục xuất mất rồi."

Pakistan quan tâm tới chuyện này ở mức cao nhất. Đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ đã gặp gỡ Tổng Chưởng Lý John Ashcroft và ngoại trưởng Kurshid Kasuri nói rằng vấn đề này sẽ được rất quan tâm trong kế hoạch làm việc của ông này trong chuyến đi tới đây tới Washington, từ ngày 23 đến 28 tháng Giêng.