Hà Tĩnh: Một làng có nguy cơ không còn đàn ông

Báo Tiền Phong Online số ra ngày hôm nay 6/11/2007 có đưa tin về một tìnht rạng rất khẩn trương về bênh ung thư đàn ông tại mộ số làng mạc ở Hà Tĩnh, nhiều làng chỉ còn lại một hay hai người đàn ông. đây là mối nguy cơ và hiện tượng rất bất thường. Chúng tôi xin được đăng lại để được rõ về một hiên5 tưỡng xã hội và sức khoẻ của một số nơi tại Việt Nam như sau:

TIỀN PHONG - Chị Phan Thị Phượng nghẹn ngào nói: “Cả xóm bầy tui có trăm mốt nóc nhà nay chỉ còn lại hai ông trung niên... Thê thảm quá!”.



Bà Lê Thị Hoàn ôm di ảnh chồng và con trai vừa chết (Ảnh Tiền Phong)
Chị nhắc đến cái chết của chồng mình là ông Phan Liên chưa tròn năm lại phải đi đưa tang nhiều người trong dòng họ, trong một tháng qua có hai cha con ông Phan Văn Cảnh và Phan Văn Yên.

Thị trấn Phố Châu là nơi giao nhau của QL 8A Việt - Lào và đường Hồ Chí Minh. Từ ngã tư này đi về phía Nam theo hướng huyện Vũ Quang chừng 4 km gặp làng Đá Dong thuộc xã Sơn Trường, nơi mà 3 năm gần đây đã có hơn 20 người chết vì bệnh ung thư.

Đi về hướng Bắc ra phía Nghệ An cũng chừng 4 km có một địa chỉ ung thư với số bệnh nhân còn nhiều hơn. Đó là làng Kẻ Đọng, thuộc xã Sơn Tiến. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm nay đã có hơn 50 người chết trẻ vì căn bệnh hiểm nghèo này.

Anh Phan Tuấn, quê gốc ở xóm 13 thuộc làng Kẻ Đọng rời nhà xuống làm ăn ở TP Vinh dẫn chúng tôi đến từng nhà dân với tâm trạng buồn lo: “Nhìn nhiều lứa đàn ông trong làng lần lượt ra đi bỏ vợ con lại bơ vơ, chúng tôi và nhiều trai làng ở đây đã bước sang tuổi gần 40 vẫn chưa dám lập gia đình...” - Anh lo lắng.

Gia đình mà xóm trưởng dẫn chúng tôi đến đầu tiên là bà Lê Thị Hoàn mới ngoài 50 tuổi. Trên đầu người phụ nữ này một lúc phải cuốn đến 2 vành khăn tang. Một cho người con trai lớn tên là Phan Văn Yên sinh 1979 vừa mất cách đây vài tháng.

Bà Hoàn nghẹn ngào kể: “Trời chẳng thương làng xóm… chẳng thương nhà tui. Đứa con trai lớn nhất trong nhà sinh ra khỏe mạnh. Cách đây một năm cháu vào Vũng Tàu làm thuê đã mấy lần gửi tiền bạc về cho bố mẹ, vợ chồng bầy tui chưa kịp mừng thì thấy cháu đột ngột bắt xe về...

Nhìn dáng người của cháu gầy gò, da xanh tái, tui lo đến nghẹt thở. Nhà có thứ chi bán hết đưa cháu xuống viện tỉnh, người ta nói cháu bị bệnh ung thư nên gia đình chuyển ra bệnh viện K Trung ương. Hơn tháng sau thì cháu mất…”. Bà Hoàn khóc nức nở.

Anh Nguyễn Thái Học nối tiếp lời bà mẹ vợ kể về cái chết của ông Phan Văn Cảnh, 57 tuổi, sau con trai Phan Văn Yên chỉ có 63 ngày, cũng vì căn bệnh ung thư gan.

Gia đình bà Hoàn có 7 nhân khẩu, thì 2 người đàn ông đã vắng bóng vĩnh viễn.

Anh Nguyễn Thái Học mặt buồn rầu hồi tưởng lại: “Khủng khiếp nhất là năm 2000, tại đội 13 này có đến gần chục người chết. Xóm không tìm ra người đàn ông sống khoẻ mạnh để khiêng người chết ra nghĩa địa”.

Gia đình thứ hai mà chúng tôi đến là nhà chị Phan Thị Phượng - 50 tuổi ở xóm 18. Chị kể lại với giọng nghẹn ngào: “Chồng tui (ông Phan Liên) với ông Khuê, ông Hoà, ông Hoạt… mấy người làm chung trong tổ thợ mộc đang trẻ, khỏe lo toan cho vợ con mọi thứ, bỗng dưng đổ bệnh trong thời gian ngắn rồi lần lượt dắt tay nhau ra đi để lại mẹ góa con côi.

Mấy năm ni lợp nhà đàn bà phải leo lên ngồi mái; làm thịt chó, khiêng người chết đàn bà cũng phải ra tay...”.

Chị Phượng ngồi thống kê người trong họ Phan có mấy chục gia đình không còn đàn ông.

Một gia đình xấu số 4 anh chị em ruột đều ra đi trong thời gian ngắn đó là Lê Phúc, Lê Thành, Lê Quang và Lê Thị Mân. Danh sách những người chết vì bệnh ung thư được xóm làng kể còn dài dài. Hiện tại có mấy người đang ốm đi viện K vừa trả về.

Gia đình mà chúng tôi đến cuối cùng có nạn nhân tên là Lê Quế - 37 tuổi, cao trên 1m70, nặng 82 kg cũng vừa ra đi vì căn bệnh ung thư để lại một người vợ mới 31 tuổi và 3 đứa con dại.

Điều đáng nói ở Kẻ Đọng, có hàng chục trai làng ở độ tuổi từ 30-40 chưa dám lấy vợ, lo sợ căn bệnh quái ác có thể đang tiềm ẩn trong mình rồi bùng phát ra lúc nào chưa biết, lỡ khi đã có gia đình, người bố ra đi để lại đàn con thiếu người dạy dỗ.

Về nguyên nhân căn bệnh quái ác này, nhiều người không giải thích được.

Xóm trưởng Nguyễn Thái Học nhớ lại: Thời chiến tranh chống Mỹ có kho thuốc trừ sâu đựng trong mấy cái chum chôn ở trong vườn nhà kho ngày xưa, nay không nhớ chính xác ở vị trí nào. Có thể đây là nguyên nhân gây nên cái chết cho nhiều người dân Kẻ Đọng.

Dẫu sao đấy mới là lời đoán, muốn biết đích thực nguyên nhân sâu xa dẫn đến những cái chết tang thương này cần phải có sự vào cuộc của chính quyền và ngành y tế.

(Nguồn: Tiền Phong Onleine)