Duy trì một nghề truyền thống

SAIGÒN -- Nếu ai đó có dịp đi ngang qua khu vực giáo xứ Phú Bình trong những ngày tháng bảy, tháng tám âm lịch chắc sẽ thấy được không khí mua bán sầm uất ở đây. Ngay từ cổng giáo xứ Phú Bình trên đường Lạc Long Quân, quận 11 đi vào, chúng ta sẽ bắt gặp những cửa hàng bán lồng đèn đủ loại, đủ kiểu, từ đèn Trung Quốc xài pin phong phú mẫu mã, đến những chiếc đèn giấy kiếng hình các con vật, hay máy bay trực thăng, tàu thủy... Nơi đây là đại lý phân phối lồng đèn đi khắp nơi trong thành phố và các tỉnh thành lân cận.

Làm lồng đèn là một nghề truyền thống lâu đời ở khu Phú Bình từ mấy chục năm nay. Trên mảnh đất Sài Gòn này nói đến khu làm lồng đèn Phú Bình không ai mà không biết Ngày nay, lồng đèn giấy bóng kiếng dường như không còn hấp dẫn các em thiếu nhi như những năm thập niên 70, 80 về trước. Đến với giáo xứ Phú Bình hôm nay chúng ta sẽ chỉ đếm được trên dưới khoảng chừng 10 đến 20 hộ gia đình còn duy trì được nghề.làm lồng đèn. Không như trước đây, khi mà cái nghề này còn gọi là “sống được” thì các gia đình làm nghề rất đông. Mới đây thôi vào năm 1990, các gia đình làm nghề lồng đèn nhiều lan sang cả xứ bên cạnh thuộc địa bàn giáo xứ Tân Phú Hoà. Đa số các gia đình làm lồng đèn đều là người Công giáo niềm Bắc từ làng Báo Đáp di cư vào Nam năm 1954 khi mới lập xứ. Chia sẻ với chúng tôi, ông N. một nghệ nhân làm lồng đèn trên 30 năm đã nói “Nghề này bây giờ hết thời rồi anh ạ, từ khi đèn Trung Quốc tràn ngập thị trường mùa trung thu, loại lồng đèn này bán chậm lắm, bây giờ chỉ còn một số ít gia đình có tâm huyết muốn giữ gìn nghề của cha ông mà thôi” Ông nói thêm : “Một chiếc lồng đèn loại trung giá sỉ từ 3500/đ – 4000/đ lãi chẳng bao nhiêu mà lắm công phu, vốn bỏ ra hết một nửa, nào giấy bóng kiếng, tre nứa, tiền công thợ dán, lại phải làm sớm từ sau tết âm lịch”

Chúng tôi cũng nhận thấy điều này khi nhìn những nghệ nhân làm lồng đèn châm chút từng tí một cho sản phẩm của mình làm ra. Lồng đèn giấy bóng kiếng được làm hoàn toàn bằng tay, bắt đầu sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kiếng lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một tuy nhỏ nhặt nhưng bắt buộc người nghệ nhân không được bỏ qua phần nào. Vẽ là khâu cuối cùng mang tính quyết định chiếc lồng đèn đẹp hay xấu. Chúng tôi cũng thấy được tận mắt họ dùng những chiếc xe gắn máy chở lồng đèn đi bỏ sỉ ở Chợ Lớn, nơi chuyên phân phối những chiếc lồng đèn đi các tỉnh. Số lương lồng đèn tiêu thụ ở đây được xem là lớn nhất thành phố từ trước tới nay.

Đối với các gia đình làm lồng đèn truyền thống, đây không phải là một nghề mưu sinh chính. Họ chỉ làm lúc rảnh rỗi ở nhà. Trong gia đình, ai cũng có một cái nghề riêng để đi làm ban ngày, khi tối về mọi người lại quay quần bên nhau cùng làm lồng đèn. Làm lồng đèn chỉ là một nghề mang tính gia đình. Từng thành viên trong gia đình, không ai bảo ai, mỗi người một khâu để hoàn thành chiếc lồng đèn. Những đứa trẻ và người già thì cột dây, gắn lò xo đèn cày… Giáo xứ Phú Bình cũng là một địa bàn có đông người Hoa sinh sống. Cứ đầu tháng bảy âm lịch, họ cũng được thuê mướn dán giấy bóng kiếng những chiếc lồng đèn. Sau Tết Trung Thu, một số gia đình lại quay sang làm đèn Noel để bán ở các xứ đạo. Số lượng đèn Noel họ làm ít vì nó cồng kềnh và lượng người mua cũng ít hơn nhiều.

Viết đến đây, chúng tôi nhớ lại khung trời tuổi thơ của mình. Lúc đó ai cũng thèm một chiếc lồng đèn để rước với bạn bè khi trăng rằm tháng tám tới. Trẻ em gia đình nghèo thì tự chế những chiếc lồng đèn riêng độc đáo cho mình. Những ánh nền lung linh huyền ảo vào những đêm cúp điện thường xuyên như thắp sáng lên bao nhiêu hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Những chiếc lồng đèn giấy kiếng vẫn còn đó khi mùa trung thu về, thế nhưng hôm nay giữa muôn vàn đồ chơi hiện đại của trẻ em thành phố những nghệ nhân làm lồng đèn có tâm huyết đang phải cố gắng giữ gìn một cái nghề của cha ông để lại.