Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan: Hiện tượng bùng nổ khi nào?

I. LM Nguyễn Văn Hùng

Theo như LM Hùng, hiện tượng cô dâu Việt Nam bắt nguồn từ sau năm 1975, khi những người Hoa Kiều rời bỏ đất nước ra đi, sau đó cũng chính họ lại quay về Việt Nam lập gia đình với người Hoa, rồi trở thành trung gian mai mối cho những cô dâu Việt Nam sau này. Nhưng năm 2000 là năm quan trọng của hiện tượng cô dâu Việt Nam, bởi nó là cái mốc đánh dấu một giai đoạn khởi sắc để rồi cuối cùng bùng nổ biến thành phong trào mua bán vợ Việt Nam như những món hàng.

Riêng hiện tượng công nhân Việt Nam tại Đài Loan, theo như LM Hùng, khởi đi từ tháng 11 năm 1999 với 21 người con gái Việt Nam đặt chân tới phi trường Đài Bắc với visa công nhân. Sau đợt 21 người công nhân này, hiện tượng người Việt Nam ghi tên tham gia chương trình xuất khẩu lao động tại Đài Loan dần dần bùng nổ, cuối cùng lan tràn với con số 100,000 công nhân [vào năm 2005] trên đảo Đài Loan. Từ con số 21 của năm 99 cho tới con số 100,000 của năm 2005, bạn đọc có thể nhận ra tỷ lệ nhảy vọt đến là chóng mặt của số lượng người Việt Nam nhập cảnh vào Đài Loan theo diện công nhân chỉ trong vòng hơn 5 năm trời.

Tòa nhà nơi Thực Tập Sinh VN làm việc cho Bochang Towels, (Ảnh NTTây)
Tuy nhiên, cũng vẫn theo lời LM Hùng, trước tháng 11 năm 1999, cũng đã có các nhóm người Việt Nam (làm việc tại Việt Nam cho những chi nhánh của công ty mẹ tại Đài Loan) được gửi qua Đài Loan để học hỏi thêm về tay nghề với danh nghĩa Thực Tập Sinh. Nhưng trên thực tế, họ cũng không được học hỏi chi, nhưng bị bắt làm việc tăng ca (overtime) liên tục, có khi là 16 hoặc là 18 tiếng đồng hồ một ngày. Mỗi giờ họ được trả lương vào khoảng 50 cents tiền Úc năm 1999. Cuối cùng, những người công nhân bị bóc lột đã tìm cách liên lạc với nhiều linh mục Việt Nam tại Đài Loan nhờ các ngài can thiệp. Vào những năm đầu tiên của thập niên 2000, nhận thấy hiện tượng công nhân và cô dâu Việt Nam bị người bản xứ bóc lột và hành hạ ngày càng nổ tung đến mức báo động đỏ trên đất Đài Loan, LM Hùng cuối cùng quyết định thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý chuyên giúp đỡ cho Công Nhân và Cô Dâu Việt Nam trên đất Đài vào năm 2004.

II. LM Nguyễn Mai Sơn

Theo như LM Nguyễn Mai Sơn, vào những năm 1994 và 1995, Công ty BOCHANG Towels có chi nhánh làm khăn tắm tại Hố Nai, đã gởi sang Đài Loan nhóm Thực Tập Sinh đầu tiên trong vòng 3 tháng và 6 tháng để học tu nghiệp. Nhưng trên thực tế, những Thực Tập Sinh này cũng không được học hỏi chi về tay nghề, mà họ còn bị bắt phải làm tăng ca rất nhiều giờ trong vòng một thời gian dài.

LM Sơn trước cửa văn phòng Công ty Bochang Towels, (Ảnh NTTay)
Bởi Công ty BOCHANG có chi nhánh tại Hố Nai, cho nên phần lớn những người thực tập sinh làm việc tại Đài Loan vào năm 1994 và 1995 là những người Công Giáo. Bị bắt buộc phải làm việc một ngày 16, 18 tiếng, một tuần 7 ngày, thực tập sinh người Công Giáo không tham dự được Thánh Lễ hằng ngày hoặc Thánh Lễ Chúa Nhật. Khi đó những người công nhân Việt Nam mới bắt đầu liên lạc với Linh Mục Nguyễn Văn Của của địa phận Gia Nghĩa, nhờ ngài giúp đỡ về phần thiêng liêng. Nhận được lời kêu gọi, LM Của liên lạc với những người công nhân Việt Nam đầu tiên tại tỉnh Gia Nghĩa, giúp đỡ họ về phần tinh thần. Một thời gian sau đó, lại có thêm LM Sơn và nhiều linh mục cũng như tu sĩ Việt Nam khác của địa phận Gia Nghĩa và những vùng phụ cận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ, mỗi người một cách, cùng góp vào một bàn tay trong công tác mục vụ giúp đỡ công nhân và cô dâu Việt Nam tại miền Trung và miền Nam của Đài Loan.

LM Nguyễn Văn Của, địa phận Gia Nghĩa Đài Loan, Ảnh NTTây


www.nguyentrungtay.com