Hôm qua tôi đã khóc

Đôi lời giới thiệu: Chị Nguyễn Thị Vinh là trưởng nhóm Tiếng Vọng gồm có khoảng 15 anh chị em thiện nguyện đang xả thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Nhóm được linh mục Chánh xứ Nhà thờ Phú Trung, quận Tân Bình, cho sử dụng hai căn phòng nhỏ để làm nơi tham vấn và khám bệnh miễn phí cho các bệnh nhân, từ thứ hai tới thứ bảy. Ngày thứ ba, thứ sáu có linh mục bác sỹ Augustinô Nguyễn Viết Chung, dòng Vinh Sơn, ngày Thứ Hai, Thứ Tư có bác sĩ Phaolo Đỗ Văn Vinh giúp chẩn bệnh và kê toa thuốc.

Sau giờ phục vụ tại phòng khám, chị Vinh và các nhóm viên còn đi thăm viếng và chăm sóc các bệnh nhân nằm điều trị tại nhà của họ, và nhóm còn đi tìm thăm những bệnh nhân thương tâm không nơi nương náu, phải nằm ở ngoài đường, có khi ở trong ống cống, hay dưới gầm cầu, trong sự bỏ rơi xa lánh của gia đình và xã hội. Dưới đây là bài viết đầy tràn xúc động của chị Vinh về hai mảnh đời bất hạnh khốn cùng trong thân phận làm người. Mọi chia sẻ với chị Vinh, xin bạn đọc liên lạc theo địa chỉ email: echovinh@yahoo.com, hoặc điện thoại: (08) 846-0494 hay: (cell) 0908.325899.


1.

Em đến với tôi với một thân thể ốm yếu, mái tóc dài xơ xác, khuôn mặt gầy gò có đôi mắt to, đẹp nhưng chứa đầy sức cam chịu. Em có cái tên cũng đẹp: Nguyễn thị Thanh Vân. Vừa tròn 30 tuổi, có chồng và một con đều đã chết vì AIDS, em đã bị lây căn bệnh này từ chồng. Do không hiểu biết, em đã dấu hết mọi người kể cả những người thân trong gia đình. Bây giờ bệnh đã đi vào giai đoạn cuối, chẳng thể dấu ai được nữa, em để mặc cho người thân muốn làm gì thì làm và người ta đã mách cho em đến với tôi.

Sau nhiều ngày được chúng tôi chăm sóc tận tình, bệnh tình của em đã khá hơn. Khi sự gần gũi trở nên thân mật, cảm giác an toàn bên chúng tôi, em bắt đầu thổ lộ về cuộc đời của mình. Lúc chưa lấy chồng, em là một hoa khôi của một xứ đạo vùng ven thành phố. Em cũng là giáo lý viên và huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh thể của giáo xứ. Rất nhiều anh chàng xếp rồng xếp rắn trước cửa nhà em. Cuối cùng, em cũng chọn được người em ưng ý nhất. Chồng em là con của một ông trùm trong giáo xứ. Em cho chúng tôi coi những tấm hình sinh hoạt của em hồi còn niên thiếu và hình đám cưới của em. Chúng tôi ngạc nhiên đến sững sờ vì cô dâu rất đẹp, tựa như các cô người mẫu. Chú rể cũng rất điển trai, trông thật xứng đôi. Em say sưa kể về đời mình, cặp mắt sáng long lanh. Tôi yên lặng lắng nghe từng lời em nói. Cứ thế, ngày lại ngày, tôi nhận thấy rõ nét vui vẻ và tươi tắn hiện trên gương mặt em. Em không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng nữa. Tôi biết em đã tìm được sự bình an trong tâm hồn!

Rồi một ngày nọ, bẵng đi mấy tuần, tôi không thấy em tới lấy thuốc để uống. Nóng ruột, tôi kiếm địa chỉ của em để đến thăm. Chúng tôi phải vất vả lắm mới kiếm ra được nhà vì nơi ở cũ đã được mẹ em bán đi và chuyển sang ở một vùng xa hơn để tránh sự thị phi của làng xóm. Chị em dẫn tôi vào chỗ em nằm. Trong một góc phòng nhỏ hẹp, nhìn thấy em tôi giật bắn cả người, mới có ba tuần lễ không gặp mà thân thể em bây giờ teo tóp lại như một đứa trẻ lên ba, chỉ còn da bọc xương. Cặp mắt đẹp với hàng lông nheo cong vút ngày nào bây giờ trũng sâu. Ánh mắt ấy bỗng vụt sáng khi nhìn thấy tôi. Tôi lại gần cầm lấy bàn tay xương xẩu của em, đưa tay kéo lại mấy sợi tóc loà xoà trước vầng trán nhô ra của khuôn mặt bây giờ trông như cái hộp sọ. Em níu chặt tay tôi và nghẹn ngào. Em nói em không muốn chết, tại sao Chúa lại bắt em mang căn bệnh này? Em khóc lạc cả giọng, khóc trong nỗi tuyệt vọng, đớn đau. Em đang cố gắng chiến đấu với thần chết. Muốn giúp em nhưng tôi chẳng thể làm gì được, chỉ biết nhìn em mà hai hàng nước mắt tôi tuôn rơi. Tôi không thể cầm lòng nổi trước mặt em, tôi khóc thương cho số phận trớ trêu, định mệnh sao quá tàn ác và khắc nghiệt với em. Tôi liên tưởng đến hình ảnh em vô tư nói cười khi tâm sự với tôi, nhớ đến những tấm hình em là cô dâu xinh tươi, kiêu sa lộng lẫy trong chiếc áo cưới soire tương phản lại hẳn hình hài em trong lúc này, chẳng lẽ số kiếp con người bọt bèo như thế này sao? Chúa có đối xử bất công với em không? Em cũng như tôi, cũng một thân phận đàn bà mà sao em gặp phải những nghịch cảnh éo le, hà khắc đến như vậy. Tôi nghĩ số phận của em chắc chắn sẽ khác đi nếu ngày xưa gia đình em đi vượt biên trót lọt, hoặc cuộc đời của em sẽ không đến nỗi khốn khổ như thế này nếu em gặp được người đàn ông khác làm chồng…

2.

Tôi tìm thấy anh trong một cái ống cống nằm trơ trên mặt lộ cạnh bến xe miền Đông. Anh trốn trong đó để tránh cái nắng gắt của buổi trưa mùa hạ. Người thân và bạn bè không cho anh ở nhờ dù chỉ là trên cái vỉa hè, vì anh đang bị mắc phải căn bệnh mà ai nghe cũng phải sợ hãi. Tôi lại gần ống cống, cúi thấp người và gọi anh ra. Anh ngần ngại vì có lẽ anh chẳng biết tôi là ai, và cũng có thể là do mặc cảm nên không muốn ra. Tôi phải dùng lời ngọt ngào để “dụ” anh ra. Một số người ở hai bên đường tò mò tiến lại chỗ chúng tôi và săm soi quan sát anh. Tôi nghe họ xì xào: “Đáng đời, ăn chơi cho lắm thì bây giờ phải chịu thôi, mấy thứ này giúp làm gì”. Bỏ ngoài tai những lời bình phẩm, tôi tiếp tục thuyết phục anh. Phải tốn rất nhiều... hơi mới “lôi” được anh ra khỏi cái ống cống, tôi mượn một chiếc ghế của quán cà phê ven đường cho anh ngồi, rồi bắt đầu hỏi về “lý lịch” của anh. Nhưng câu trả lời tôi nhận được là “không”. Cuối cùng tôi hỏi anh là muốn được giúp gì, lúc này anh mới trả lời là muốn được điều trị bệnh vì cả tuần qua anh bỏ ăn, chỉ uống được nước. Tôi chẩn đoán sơ bộ biết anh mắc bệnh lao nên thuê một chiếc xe xích lô chở vào bệnh viện lao Hồng Bàng. Tại đây người ta bắt tôi phải đóng 500.000 đồng mới cho nhập viện và trong khi điều trị tôi phải đóng tiền tiếp tục cho đến khi bệnh nhân xuất viện. Chúa ơi! biết lấy tiền đâu ra bây giờ? Việc này làm tôi bối rối, tôi thầm nguyện cầu. May sao, tôi gặp được một ông bác sĩ người Công giáo, cũng làm việc tại bệnh viện này. Nghe tôi trình bày, ông bác sĩ nói tôi chịu khó đóng cho anh 500.000 đồng để nhập viện, phần còn lại để ông lo cho. Tôi mừng húm. Bây giờ chỉ còn phải lo cái ăn cho anh ấy hàng ngày nữa là xong. Người ta mách cho tôi biết ở cuối bệnh viện có các Sơ chuyên phục vụ bữa ăn từ thiện. Tôi xuống tìm gặp các Sơ để “ngoại giao”. Các Sơ đồng ý, tôi đưa tên tuổi và số phòng nằm của anh cho Sơ. Thế là xong! tôi thở phào. Lúc này, trời đã chập choạng tối, tôi mệt lử cả người nhưng ra về lòng lại thấy nhẹ nhàng, thanh thản…

Cứ vào chiều thứ bảy hàng tuần, chúng tôi thay nhau đến thăm, mua quà bánh và những thứ cần dùng cho anh. Tuần nào vì nhiều công việc chúng tôi không đến được thì anh buồn bã, trông chờ. Thấm thoát hai tháng trôi qua, anh được xuất viện, sức khoẻ của anh cũng đã được hồi phục. Tôi đoán anh không dám làm phiền tôi nữa, vì đã lặng lẽ rời bệnh viện mà không hề cho tôi biết. Một tuần sau, có người phone báo tin cho tôi ở quận Phú Nhuận có một người mắc bệnh AIDS đang nằm trước cửa nhà họ. Tới nơi, tôi nhận ra là anh. Thấy tôi, anh đưa mắt nhìn như cầu cứu. Mới có 1 tuần mà sắc diện anh trông xuống dốc hẳn đi. Tôi lại phải đi tìm một nơi ở cho anh. Tôi cùng với mấy nhóm viên thuê cho anh một “túp lều” rộng 9m2 ở mãi tận quận Bình Tân. Phải đi xa như thế tiền thuê mới rẻ! Lần này chúng tôi phải đi sắm nồi niêu soong chảo, bát đĩa, bếp nấu… và nhiều vật dụng linh tinh để anh tự thân nấu ăn. Hàng tuần, chúng tôi lặn lội tới nơi ở của anh để đưa thuốc uống điều trị bệnh và đưa tiền cho anh mua thức ăn. Ở đây, xa thành phố ồn ào, cây cỏ nhiều, còn một khoảng trời xanh rộng rãi nên bầu không khí thiên nhiên thật tốt cho người bệnh. Một buổi chiều nọ, anh ngỏ ý xin thêm tiền nhưng tôi không cho vì nghĩ nếu là tôi thì với số tiền này cũng sống tạm được. Kể từ lúc đó tôi giúp gì anh nhận nấy và không thấy anh đòi hỏi gì nữa.

Rồi sức khoẻ anh ngày một yếu dần, lúc này anh mới chịu “tiết lộ” về đời tư của mình cho tôi nghe. Ngày xưa, anh là một trưởng Công an của một phường ở quận BT, anh đã có vợ và 1 con trai 16 tuổi, nhưng vợ con anh đều đã từ bỏ anh lâu lắm rồi. Anh không dám quay về để xin lỗi và gặp mặt đứa con thân yêu nữa, tài sản của anh có tới 3 căn nhà phố lầu, nhưng đã bay theo những cuộc ăn chơi trác táng của anh hết rồi. Lúc còn tiền của - xung quanh anh rất nhiều bạn bè, bây giờ thân tàn ma dại chẳng còn một ai thèm ngó tới, nhất là lại mắc thêm căn bệnh này nữa, họ lại càng kinh tởm, xa lánh. Anh cho biết còn một người anh trai hiện đang làm thiếu tá CSCĐ thành phố và cho tôi số điện thoại của ông anh để tôi liên lạc giúp, nếu anh có mệnh hệ gì (sau này tôi đã bị ông thiếu tá này từ chối thẳng khi nghe nói về anh). Anh tâm sự với tôi với giọng buồn rầu nhưng bình thản. Anh cảm ơn tôi và ngỏ ý là rất tiếc không có cơ hội để đền đáp.

Một tuần sau, chúng tôi tới thăm, thấy hai con mắt của anh trũng sâu xuống, tôi hỏi thăm về sức khoẻ thì anh cho biết ba ngày qua anh đi tiêu chảy rất nhiều. Linh cảm là anh không còn sống được bao lâu nữa, tôi vội gởi anh về Trung Tâm Mai Hoà là nơi mà các Sơ lo giúp cho những người mắc bệnh AIDS không thân nhân được về với Chúa bình an. Anh về đây được hai tuần lễ, Sơ Giám Đốc phone cho tôi báo tin sức khoẻ anh rất kém, có lẽ không qua khỏi và anh rất muốn gặp tôi. Dù bận rộn và xa xôi, sáng hôm sau tôi cũng cố gắng thu xếp công việc tới với anh để thoả ý nguyện của người sắp lìa trần.

Khi tôi bước chân vào tới cửa phòng, tôi thấy anh đang nằm thở thoi thóp, hàm đã cứng không còn nói được gì nữa. Vậy mà không hiểu sao, khi biết tôi có mặt, anh như tỉnh lại. Tôi cầm tay anh hỏi còn nhận ra ai không, anh chớp mắt khẽ gật đầu. Giữa khoảnh khắc sự sống và cái chết, tôi thầm thì với anh những lời an ủi, khích lệ anh sắp về thiên đàng gặp Chúa là nơi mà anh được hưởng hạnh phúc thực sự. Cặp mắt nhợt nhạt của anh nhìn tôi chăm chăm, miệng ú ớ muốn nói gì đó, nhưng không ai hiểu được anh muốn nói gì.

Một Sơ đứng bên cạnh hỏi anh còn muốn gặp ai nữa, anh cố gắng phát âm nhưng không được. Tôi chợt hiểu ra, nên hỏi anh còn muốn gặp đứa con nữa phải không, anh mừng quá chớp mắt. Nhưng giờ ra đi của anh đã cận kề và tôi cũng chẳng biết con anh ở đâu mà tìm. Tôi đành phải nói cho anh yên lòng là con anh hiện rất ngoan, học giỏi và đang sống rất tốt với mẹ nó, nếu sau này có cơ hội gặp, tôi hứa sẽ chuyển ý của bố nó đến với nó. Nghe tôi nói vậy anh nhìn tôi như cảm ơn, tôi hỏi anh còn muốn gì nữa không, anh lắc nhẹ đầu rồi nhắm mắt lại và từ đó không nói gì nữa.

Biết anh chuẩn bị được Chúa rước về, chúng tôi hát nhè nhẹ bài “Trong trái tim Chúa yêu nhân từ” cùng hiệp thông với anh. Khi chúng tôi kết thúc bài hát là anh trút hơi thở cuối cùng. Hồn của anh đã bay về với Chúa. Tôi đưa tay vuốt mắt cho anh lần cuối cùng và thầm nhủ: từ nay tôi sẽ không bao giờ còn gặp anh nữa, không còn phải lo đến chiều thứ bảy đi thăm anh, không còn cơ hội để lo đến miếng ăn, chỗ ở cho anh, tôi sẽ không còn…

Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt tôi tuôn trào, tôi khóc ngon lành trước mặt các Sơ ngơ ngác nhìn. Không ai hiểu được tại sao tôi không thân thích, họ hàng, không bạn bè, không thân cận mà tôi lại khóc thương anh đến thế. Vâng, đúng như vậy, chỉ có mỗi mình tôi hiểu là tại sao tôi khóc thôi. Tôi khóc vì hối hận – tại sao tôi lại không đối xử tốt với anh thêm một chút nữa nhỉ? Nhưng những giọt nước mắt của tôi muộn màng mất rồi vì tôi nhớ đến lúc anh còn sống, còn ăn uống được, anh đã xin tôi thêm tiền và tôi đã keo kiệt mà không cho….