Người Samaria Nhân Hậu: Đám tang tử tế



Đám tang tử tế, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6 năm 2007 đã tới. Thành phố Melbourne tấp nập nhộn nhịp như thường lệ. Hai bên lề đường Flinder, tiếng chân bước nhanh nhanh tới công sở vẫn đang rộn ràng khua vang. Tại góc đường William, đèn xanh bật sáng, hàng xe hơi bám sát nối đuôi nóng nẩy gầm gừ phóng tới. Tháng 6, Úc Châu mùa Đông, mây xám dầy cộm che kín bầu trời. Một vài khuôn mặt ngái ngủ tay giơ cao che miệng ngáp mắt lơ đãng nhìn hai ba người đang ồn ào to tiếng cãi nhau tại một góc phố. Tự nhiên nhiều tiếng súng nổ vang! Có người lầm tưởng tiếng nổ của bánh xe. Người người quay ngang ngó dọc tìm kiếm để rồi nhận ra ngay tại góc đường William Street và Flinder Lanes, hai người đàn ông và một cô gái té ngã xuống mặt đường. Máu đỏ bắt đầu chầm chậm loang lổ đất cát! Nhiều người che miệng, có kẻ rú to, vài người bỏ chạy! Mấy phút sau, xe cảnh sát nóng nảy chớp đèn đỏ phóng tới kéo theo xe cứu thương phía sau hấp tấp hú còi khua vang. Một buổi sáng thứ Hai bận rộn của thành phố Melbourne dừng lại. Không ai hiểu chuyện chi đã xẩy ra.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, qua hệ thống tin tức truyền hình và truyền thanh, cư dân Melbourne mới biết nguyên nhân nào đã dẫn đến những tiếng súng nổ vang một góc đường sáng nay. Hóa ra đây cũng chỉ là một câu chuyện tử tế. Nhận ra cô Kara Douglas đang bị hung thủ Christopher Hudson nắm tóc hành hung ngay giữa phố thị, Brendan Keilar và Paul de Waard, hai người khách qua đường cùng nhảy vào can thiệp. Hung thủ Christopher mặt sắt lạnh lùng rút súng bắn trọng thương Brendan và Paul, đả thương trầm trọng cô Kara. Một tiếng đồng hồ sau, bệnh viện đưa tin Paul và cô Kara còn đang trong tình trạng hôn mê, nhưng riêng ông luật sư Brendan 43 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng trong phòng cấp cứu, để lại vợ và ba người con thơ ấu.

Tiếng đạn nổ vang vào lúc 8:20 buổi sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6 ngay giữa khu phố sầm uất của Melbourne đã lấy đi một mạng người, đả thương hai người, và tệ hại hơn nữa tiếng súng của hung thủ Christopher Hudson cũng đã đả thương trí mạng hình ảnh người Samaria Nhân Hậu của Tin Mừng Luca (10:25-37). Luật sư Brendan Keilar giờ này đã ngủ yên trong nghĩa trang. Nhưng người Samaria Nhân Hậu của Tin Mừng Luca vẫn còn đang nằm hấp hối không biết sống chết lúc nào trong đầu nhiều người dân của thị dân Melbourne. Giờ này, có lẽ người dân tiểu bang Victoria vẫn còn đang thắc mắc tự hỏi không biết từ bây giờ trở đi, mình còn nên tiếp tục hành xử như người Samaria Nhân Hậu nữa hay không, bởi coi chừng có ngày lại dám mất mạng như ông luật sư Brendan cho mà coi! Mà nếu bây giờ người vợ biết chồng mình có tính hào hiệp, giữa đường ưa nổi máu anh hùng Lương Sơn Bạc nhào vào can thiệp chuyện người khác, liệu người vợ có còn nên tiếp tục giữ yên lặng nữa hay không? Bởi biết đâu, có ngày rồi chính mình và những đứa con cũng sẽ phải mặc áo tang màu đen đi theo sau quan tài của chồng và của bố như bà luật sư Alice Keilar và ba đứa con thơ ấu của bà vào buổi sáng thứ Bẩy ngày 23 tháng 6 vừa qua tại Nhà thờ Immaculate Conception của Hawthorne…

I. Người Samaria Nhân Hậu: Coi chừng!

Ngày hôm nay, bởi những luật lệ chằng chịt và ý thức hệ mới trong xã hội, người Samaria Nhân Hậu của những năm 2000 trước khi quyết định giúp người cũng phải hết sức mà cẩn thận, kẻo không phước đâu chưa thấy mà lại thấy rước họa vào người.

Khi gặp một em bé té ngã lăn quay nơi công cộng, một người cẩn thận và khôn ngoan sẽ không vội vàng chạy lại bồng em đứng dậy. Chớ! Chớ có mà dại dột, bởi ai biết đâu đấy, bố mẹ của em bé hoặc chính em sẽ đâm đơn kiện ngược lại người Samaria Nhân Hậu đã cố tình động chạm đến thân thể của em…

Trong một lần chạy bộ ngoài đường, tôi nhớ vừa mới chạy được mấy bước, tự dưng tôi nhận ra trước mặt thấp thoáng hai bóng người. Người phụ nữ có khuôn mặt Á Châu đang hốt hoảng khua tay miệng kêu lớn,

Help! Help!

Trong khi đó bên cạnh bà ta, một người phụ nữ Tây Phương khoảng bẩy mươi tuổi dáng nhỏ bé, khuôn mặt trầy trụa những vết bầm, đang lấy khăn tay cố gắng bôi xóa những dòng máu đỏ phun ra từ hai lỗ mũi. Tôi hốt hoảng dừng lại, vội vàng hỏi người đàn bà Á Đông, “What happens?”, mắt nhìn theo những dòng máu đỏ đang phun ra từ lỗ mũi của người đàn bà Tây Phương, trong lòng nghĩ tới số điện thoại cấp cứu. Nhưng người đàn bà Úc khoác tay điệu bộ dứt khoát xua đuổi, chân bước đi tới, miệng nói,

I’m OK. I’m fine.

Trong khi đó, người phụ nữ Á Châu mặt mày hốt hoảng tiếng Anh tiếng đực tiếng cái kể chuyện bà vừa mới thấy người đàn bà Úc xiêu vẹo té ngã sấp mặt xuống mặt đường xi măng ra sao, rồi máu chảy từ lỗ mũi của bà ta như thế nào. Nghe thủng lỗ tai câu chuyện của người phụ nữ Á Châu, tôi quyết định chạy đuổi theo bóng người đàn bà Úc đang dần dần biến mất nơi cuối đường. Nhưng nhận ra tôi, người đàn bà Úc tiếp tục lập lại điệp khúc cũ, “I’m fine. I’m OK”, trong khi đó bà ta một tay tiếp tục cầm khăn tay lau những dòng máu đang tuôn chảy từ mũi, một tay ra hiệu như muốn xua đuổi tôi đi.

Tôi cuối cùng dừng lại những bước chân, không đi theo người đàn bà Úc nữa, nhưng quay lại phân bua với người Samaria Nhân Hậu có khuôn mặt Á Châu,

Sorry! What can we do?

Phải, chúng ta có thể làm được chi, nếu bạn đang sống trong một xã hội mà ý thức hệ về tự do cá nhân được tôn trọng, con người có quyền từ chối không chấp nhận những giúp đỡ đến từ những người lạ mặt, và ngay cả những người thân trong gia đình.

II. Người Samaria Nhân Hậu: Làm được chi?

Đúng là như thế, chúng ta có thể làm được chi, nếu người hàng xóm đã từng được chúng ta giúp đỡ trong cơn túng thiếu, giờ này bỗng dưng trở mặt, không còn nhớ tới tình hàng xóm tối lửa tắt đèn và luôn cả số tiền mà họ đã nhăn mặt nói khó, rồi chìa tay ra mượn năm xưa.

Mà nói có Ông Trời chứng giám, một lần gặp phải đốm đen trần thế như thế này, nhân gian có thể nhắm mắt nhịn nhục bỏ qua. Nhưng hai lần, rồi ba lần, lòng kiên nhẫn và lòng tử tế của nhân loại rồi cũng sẽ nổ tung như bọt bong bóng. Chẳng trách chi tâm hồn của trần thế tiếp tục trở nên giá băng lạnh cứng như tâm hồn của một cô gái đang tâm bỏ lại người con sơ sinh mới chào đời trước cửa bệnh viện Dandenong vào sáng sớm ngày 13 tháng 5. Mà mỉa mai thay, ngày 13 tháng 5 vừa qua cũng chính là ngày của những người Hiền Mẫu.

Bởi trái tim của trần gian đã đóng băng, chẳng trách chi, những người đàn ông Úc gốc Tây nhắm mắt làm ngơ, tỉnh bơ tiếp tục câu cá trước cái xác trương phềnh của thiếu nữ thổ dân Úc đang nổi lềnh bềnh trên mặt hồ nước như bộ phim Jindabyne trình chiếu tại Úc vào năm 2006 đã đặt vấn đề, đã từng chất vấn lương tâm của tất cả những người dân Úc trước thảm nạn của thổ dân Úc.

Nếu Đức Giêsu phải kể lại câu chuyện Người Samaria Nhân Hậu tại thành phố Melbourne trong thiên niên kỷ thứ 3, không biết Ngài sẽ kể như thế nào? Chẳng lẽ Ngài không còn chọn lựa nào khác, nhưng đành phải để cho người Samaria nhắm mắt yên lặng bỏ đi thẳng một mạch trước hình tượng nửa sống nửa chết của một mạng người đang nằm ngay bên vệ đường?

III. Người Samaria Nhân Hậu: Đám tang tử tế

Thiên hạ bây giờ, gặp cảnh ngộ tương tự như thế, chắc cũng chẳng có mấy người dám dừng lại một nhịp chân như người Samaria Nhân Hậu thủa xưa. Nói có thể phách hiển linh của ông luật sư Brendan chứng dám và tha lỗi, lâu lâu mới có một người vớ vẩn như ông! Chẳng trách chi ông ngã gục. Chưa hết, ông luật sư lại còn tạo thêm môt cơ hội cho phe tà cầm kiếm sắc lụi thẳng vào ngực khiến mạng của người Samaria Nhân Hậu trong Tin Mừng giờ này chỉ mành treo chuông. Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, thiên hạ sẽ lại sụt sùi, ngậm ngùi nước mắt mang xác người Samaria Nhân Hậu đi chôn. Mà coi chừng đó, một khi nắp hòm của người Samaria Nhân Hậu đã đóng lại và đám tang tử tế đã cử hành, sự tử tế coi như cũng được mồ yên mả đẹp, thiên hạ cũng sẽ thôi không còn đối xử tử tế với nhau nữa.

Mà nếu sự tử tế chết đi, thì thiệt tình là kẹt, bởi không biết lúc đó thiên hạ sẽ đại loạn tới cỡ như thế nào? Chồng không còn tử tế với vợ, con dâu không còn tử tế với mẹ chồng, hàng xóm không còn tử tế với láng giềng, nhà thờ không còn tử tế với giáo dân, chính phủ không còn tử tế với dân chúng!

Đại loạn! Thiên hạ đại loạn!

Thiệt tình là như thế, trong một xã hội mà sự tử tế đã chết đi, mái âm thân thương là không còn ngọt ngào thân thương nữa, vợ chớ có cả tin mà thả lỏng dây cương, nhưng lo mà giữ chồng kè kè sát ngay bên, bởi ông bà mình đã từng dạy rằng, “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Mẹ chồng lo mà cẩn thận giữ thân trước khi đưa vào miệng chén cơm trắng cá kho do cô con dâu vừa từ dưới bếp bưng lên, bởi câu chuyện dài của mẹ chồng nàng dâu thì vẫn chưa tới hồi chung cuộc, mà biết lúc nào thì thiên hạ sẽ đọc được đoạn kết? May ra tận thế!

Đáng ngại là như thế đó!

Trong một xã hội mà sự tử tế đã chết đi, hàng xóm láng giềng lo mà khóa cửa nhà cho chặt, bởi có ai mà tin được ai! Cẩn tắc vô ưu, đi ra ngoài đường là phải thủ sẵn trong người, nhẹ thì dao găm nặng hơn thì súng lục. Vô tới nhà thờ rồi, giầy dép thì để ngoài sân, nhưng dao găm và súng lục vẫn còn nhét sâu trong người. Cha cụ cử hành thánh lễ trên cung thánh, ở dưới giáo dân miệng lẩm bẩm câu kinh, nhưng mắt thì lấm lét ngó trước nhìn sau, một tay chắp trước ngực, tay kia đặt trong túi quần nắm chặt chuôi dao găm hay báng súng lục. Thánh lễ vừa tan, vừa bước ra khỏi nhà thờ, giáo dân tay dao tay súng kéo nhau tới nhà Thôn trưởng, nhẹ thì xin tí huyết, nặng thì bặp luôn bởi tội ăn trên ngồi chốc áp bức dân làng từ bao nhiêu năm nay. Thế là huyết lưu mãn địa! Cứ thế, Thôn này nối tiếp Huyện kia. Huyện kia cộng lại với Tỉnh khác, cả hai nhân lên hóa ra cả nước. Nước Úc nối tiếp nước Mỹ biến thành toàn cầu.

Đại loạn toàn cầu bởi sự tử tế đã chết đi, đám tang tử tế đã được cử hành, quan tài sự tử tế đã bị chôn sâu dưới ba thước đất là như thế đó!

(Trích một đoạn trong tiểu luận “Người Samaria Brendan: SỰ TỬ TẾ” sẽ xuất hiện trong Dân Chúa Úc Châu số 149, tháng 8, 2007)

www.nguyentrungtay.com