KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA



của thánh Bernard de Clairvaux - dòng Xitô ( 1090-1153)và nhà thần bí Johannes Eckhart – dòng Đaminh ( 1206-1328)

Mở đầu

Trong xã hội tiêu thụ hôm nay, chiều hướng đi tìm kiếm một linh đạo mới đang hấp dẫn rất nhiều người, nhất là ở các nước phát triển Châu Âu. Cuộc tìm kiếm hướng về chiều kích thần bí (mystique) đang rất thời thượng của những tâm hồn khao khát tìm kiếm điều cốt lõi của ý nghĩa cuộc sống và nhân sinh, như Michel Cornuz - tác giả cuốn: Thiên đàng trong tâm hồn nhận xét : « Hôm nay, kinh nghiệm thần bí rất đang thời thượng. Đó chính là một dấu chỉ của một cuộc tìm kiếm tâm linh mãnh liệt (…), của một sự đói khát điều Tuyệt đối, một sự băn khoăn cho việc phát triển nhân vị. Đó cũng là một ước muốn làm hoan hỉ lòng người. »[1] Thật vậy, theo nhà thần học Schillebeeckx, chính kinh nghiệm tôn giáo (expérience religieuse) et kinh nghiệm nhân sinh (expérience humaine) là hai nguồn cơ bản của nền thần học hiện đại. Hai nguồn kinh nghiệm này cho phép người tín hữu hôm nay có thể trả lời cho những ai chất vấn về đức tin và niềm hy vọng của họ.[2]

Đây chính là cơ hội thuận tiện để viết một bài ngắn về « Kinh nghiệm về Thiên Chúa » của hai tác giả tu đức thời Trung cổ, đó là thánh Bernard de Clairvaux et nhà thần bí Johannes Eckhart. Những bài giảng và những tác phẩm của hai tác giả này diễn tả kinh nghiệm thần bí cá nhân với Thiên Chúa. Kinh nghiệm này vượt lên trên những ý niệm triết học và thần học về Thiên Chúa là Tình yêu và Siêu Việt. Chúng ta được mời gọi, đến lượt mỗi người đi vào tương quan với Thiên Chúa hằng sống và là một Đấng Khác (Tout Autre). Nhờ đó mà đức tin của chúng ta thêm sống động và thêm chiều sâu.

Bài viết này không phải là một bài nghiên cứu sâu rộng tư tưởng của hai nhà tu đức và giảng thuyết lớn của thời Trung cổ. Mục đích học hỏi của tác giả chỉ giới hạn trong bài giảng có thể nói là hay nhất của thánh Bernard : Bài giảng số 74 – « Cuộc viếng thăm của Ngôi Lời Thiên Chúa » (La visite du Verbe de Dieu) và trong bài : « Luận về đức Siêu thoát » (Du Détachement) của nhà thần bí Eckhart.

I. Kinh nghiệm về Thiên Chúa của thánh Bernard de Clairvaux

Bernard de Fontaine sinh năm 1090 trong một gia đình danh giá có 7 anh chị em, tại Château de Fontaine lès Dijon, Pháp. Năm 1112, được gởi vào nhà dòng tại Xitô. Năm 1115, Bernard trở thành Viện phụ đan viện ở Clairvaux. Năm 1128, Bernard tham gia công đồng thành Troyes với tư cách là thơ ký, tham gia công đồng Reims năm 1148 và tuyên bố bản án chống bè rối Gilbert de la Porré, Giám mục Poitiers. Suốt cuộc đời, Bernard thành lập 74 đan viện trên khắp Âu châu. Viện phụ Bernard de Clairvaux chết năm 1153, thọ 63 tuổi.

Bernard de Clairvaux là một khuôn mặt lớn của thế kỷ XII với các tước danh : nhà giảng thuyết về sự hiệp nhất của Giáo hội, nhà bảo vệ sự độc lập của Giáo hội với thế quyền, nhà giảng thuyết của Thập tự chinh, là linh hồn của các Công đồng, nhà cải cách đời sống đan tu và là nhà thần bí. Đức Viện phụ Bernard (1090-1153) của Đan việc Xitô ở Clairvaux được phong thánh ngày 18 tháng 6 năm 1174 do Đức Giáo Hoàng Alexandre III và được tôn phong là Tiến sĩ Hội thánh bởi Đức Giáo Hoàng Piô VIII, năm 1830.

Với tu cách là Viện phụ, thánh Bernard đã giảng dạy và hướng dẫn các tu sĩ của mình. Những người mới bắt đầu cũng như những người đã dấn thân trên con đường hoàn thiện và lớn lên trong đời sống của Chúa Kitô. Qua các bài giảng và huấn đức tỏa sáng bởi chính kinh nghiệm thiêng liêng của ngài về Thiên Chúa, để chính những người nghe cảm nhận được trong thâm tâm của họ sự kết hợp với Con Thiên Chúa trong tình bác ái trọn vẹn. Để được như thế, chính bản thân Bernard đã chọn cho mình một phương châm sống là nhận biết và bước theo chân Chúa Giêsu Kitô như ngài viết : « Nhận biết Chúa Giêsu và Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là tột đỉnh kim chỉ nam sống của tôi. » (Bài giảng 63 về Diễm Tình Ca, số 4). Từ chọn lựa nền tảng này, thánh Bernard dẫn chúng ta vào trong thế giới kinh nghiệm thần bí của ngài qua những chiêm niệm và suy niệm Kinh thánh dựa trên truyền thống các Giáo phụ. Chính vì thế, thánh Bernard luôn bắt đầu bài giảng của mình với một câu kinh thánh. Thánh nhân không chỉ giảng dạy và huấn luyện các tu sĩ như một Viện phụ mà còn truyền đạt cho các môn sinh chính kinh nghiệm thiêng liêng của mình nhờ tiếp xúc với Lời Thiên Chúa và với chính Chúa Giêsu Kitô. Kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Bernard mang những đặc điểm sau đây :

- Kinh nghiệm sống được hiện tại hoá qua ngôn ngữ.

- Kinh nghiệm về việc « Viếng thăm của Ngôi Lời Thiên Chúa»

Kinh nghiệm sống được hiện tại hoá qua ngôn ngữ

Trong bài giảng số 3 về Diễm Tình Ca, thánh Bernard viết : « Hôm nay chúng ta đọc sách « viết lại những kinh nghiệm » (sách Diễm Tình Ca) : mỗi người trong anh em hãy làm như vậy cho chính mình. Ước gì mỗi anh em cảm nghiệm được những gì sẽ được nói đến trong sách. »[3] Bernard không nói đến kinh nghiệm của ngày hôm qua mà nhấn mạnh đến kinh nghiệm hiện tại hôm nay. Chính kinh nghiệm hiện tại là kinh nghiệm sống động, cụ thể. Cho nên thánh nhân mời gọi « mỗi cá nhân hãy cảm nghiệm » cho riêng mình chính kinh nghiệm được chia sẻ. Điều mà thánh nhân nhằm đến là không chỉ là đọc sách thánh như đọc bất cứ sách nào mà là mặc lấy, sống lại một lần nữa chính kinh nghiệm được ghi lại trong sách thánh và để cho bản thân được hướng dẫn bằng chính lương tâm cá nhân. Theo triết gia Heidegger, ông cho rằng : là kinh nghiệm cá nhân là một kinh nghiệm có thể mô tả.[4] Chúng ta không dừng lại để bàn rộng thêm ý tưởng triết học về Hiện tượng luận của Heidegger. Điều chúng ta muốn nói về kinh nghiệm chính là kinh nghiệm riêng lẻ, cá nhân mà chúng ta có được trong cuộc sống tâm linh trong liên hệ với Thiên Chúa. Chính kinh nghiệm này mà chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ với người khác và có thể làm mới lại, chứ không phải chúng ta dừng lại để phân tích, giải thích về chính kinh nghiệm của mỗi người.

Kinh nghiệm của thánh Bernard chính là điều ngài đã sống. Chúng ta làm sao có thể đọc lại và bình giải những kinh nghiệm tỏa sáng bởi một ước ao mãnh liệt muốn kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa trong những trang sách của thánh Bernard ? Khi đọc lại và chú giải Diễm Tình Ca, thánh Bernard hiểu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người được diễn tả qua mối tình giữa người nam và người nữ. Hay chính xác hơn là giữa Thiên Chúa (Hôn phu) và Giáo hội (Hôn thê). Chính vì lý do này mà thánh Bernard trở thành tổ phụ của trào lưu thần bí phu – thê (la mystique amoureuse ou sponsale). Sau này thánh nữ Tiến sĩ Thérèse d’Avila (thế kỷ XVI) đã kể lại kinh nghiệm thần bí giữa thánh nữ và Thiên Chúa qua hình ảnh Hôn phối thiêng liêng.

Bài giảng 74 về Diễm Tình Ca là một bài giảng điển hình mà thánh Bernard diễn tả kinh nghiệm thiêng liêng của ngài về cuộc viếng thăm của Ngôi Lời Thiên Chúa. Kinh nghiệm này được mô tả qua những hình ảnh rất tình tứ của một cặp tình nhân và mang những đặc điểm như sau : thầm kín và không lời hay đúng là hơn vượt lên tất cả mọi mô tả.

Kinh nghiệm về việc « Viếng thăm của Ngôi Lời Thiên Chúa »

Bài giảng 74 về Diễm Tình Ca bắt đầu bằng một lời mời gọi « Hãy đến ». Lời mời gọi ngắn gọn « Hãy đến » này được trích ở sách Diễm Ca chương 2, câu 7. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để khơi dậy chiều kính thần bí diễn tả qua những hình ảnh trong Kinh thánh. Lời này được thốt ra từ miệng của Hôn thê – linh hồn, đến với Hôn phu - Ngôi Lời, diễn tả mong ước gặp lại người mình yêu nay đang ở xa. Để có thể đáp lại một lời gọi, chỉ có thể là sự hiện diện mà thôi ![5] « Bởi vì khi Hôn thê gọi Hôn phu, cô muốn chính sự hiện diện của người yêu. Nói cách khác, cô ta không nhắc lại mà là cô mời gọi người cô yêu… »[6]

Trong thế kỷ XII người ta mong chờ sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giêsu, được cụ thể hoá trong phụng vụ. Lòng mong chờ này được coi như một biến cố Cánh chung. Nhà thần học Jean Yves Lacoste nhận xét : « Trong phụng vụ, người ta diễn tả sự mong chờ sự trở lại của Thiên Chúa trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện chưa tỏ tường của Thiên Chúa. »[7] Thật vậy, Chúa Giêsu chưa trở lại sau một ngàn năm. Việc chưa trở lại của Chúa thúc đẩy một lối suy tư mới về thời gian. Thiên Chúa luôn có mặt trong thời gian. Điều này không có nghĩa là tận thế.

Thánh Bernard nhìn thời của ngài như thời gian vắng mặt của Hôn phu mà Hôn thê (Giáo hội) luôn chờ đợi và mong muốn gặp lại. Chính vì lý do này mà thánh nhân đã làm hiện tại hoá hiểu quả của mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa qua kinh nghiệm về cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu trong chính ngày lễ Giáng sinh. Điều mà thánh Bernard cảm nghiệm cũng chính là kinh nghiệm của Giáo hội. Bởi kinh nghiệm về Hôn phu giáng thế chính là kinh nghiệm của Giáo hội – Hôn thê. Trong ngày lễ Giáng sinh, Giáo hội không cử hành một sự kiện quá khứ : con Thiên Chúa sinh hạ ở Bêlem nhưng là sự sinh hạ hiện tại của Con Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta. Thánh Bernard không phải là người tác giả đầu tiên nói về sự giáng sinh liên tục của Con Thiên Chúa trong tâm hồn các tín hữu. Các Giáo phụ như thánh Clément d’Alexandre, Origène, thánh Augustin đã có bàn đến. Thánh Bernard dựa vào truyền thống các Giáo phụ để phát triển thần học của ngài. Mối tương quan giữa Giáng sinh và Quang lâm cho phép Bernard nghĩ đến thời gian trung chuyển giữa hai sự kiện. Đối với Bernard, thời gian này thật là dài, dài lê thê đến nỗi con người không thể hiểu nổi. Ngài viết : « Nhường như thời gian rất dài, dài khủng khiếp làm cho con người không hiều được xen kẻ giữa lần ra đi và lại đến của Ngôi Lời. »[8] Sự xen kẽ giữa lần Giáng sinh làm người thứ nhất và lần Quang lâm sau cùng là lần viếng thăm thứ ba khi Chúa đến trong tinh thần và chân lý trong tâm hồn người tín hữu.[9] Chính kinh nghiệm về lần viếng thăm thứ ba của Ngôi lời mà thánh nhân nói cho chúng ta biết thế nào là kinh nghiệm thiêng liêng khi Ngôi lời viếng thăm. Những kinh nghiệm như thế có tác dụng như thế nào ? Và làm sao giải thích lòng khao khát của Hôn thê muốn kết hợp với Hôn phu lúc vắng mặt ?

Những kinh nghiệm như vậy không đóng kín nhưng mở rộng và làm khơi dậy trong tâm hồn lòng ao ước tiếp xúc với Thiên Chúa. Chính lòng ao ước mãnh liệt này trở nên tiếng gọi gởi đến Hôn phu. Thánh Bernard giải thích như sau : « Chính khao khát của tâm hồn cất tiếng gọi vị Hôn phu của mình, vì chính tâm hồn đã được thưởng thức sự dịu ngọt của Ngôi Lời. Lòng khao khát có phải là một tiếng gọi không ? Phải, đó thật là một tiếng gọi, và còn một tiếng gọi to nữa… Lúc Hôn phu ra đi, Hôn thê chỉ còn biết lên tiếng gọi. Ước muốn duy nhất, lời cầu khẩn duy nhất của Hôn thê chính là : Người yêu ơi, anh hãy đến ! » (Bài giảng 74) Lời khẩn thiết của Hôn thê không phải chỉ là lòng nhớ mong mà là chính là tất cả nhân vị của Hôn thê lên tiếng. Chính vì lý do này mà thánh Bernard là « con người của lòng khao khát »[10]. Điều lạ thường nơi con người Bernard là lòng khao khát kết hợp yêu thương với Hôn phu nhưng lại không bao giờ muốn biến người yêu thành một người khác. Tại sao vậy ? Vì đó là bằng chứng của sự chờ đợi chan chứa tình yêu và tình yêu chính là sự chờ đợi người mình yêu. Bernard gọi đó là « tình cảm nhân ái ». Lại một lần nữa, với « tình cảm nhân ái », Bernard kể chi tiết với chúng ta lần viếng thăm của Ngôi lời trong tâm hồn. Kinh nghiệm thần bí này vượt lên trên ngôn ngữ diễn tả của con người với những đặc điểm sau :

1. Hiện diện thầm kín nhưng mãnh liệt

Thăm Viếng của Ngôi Lời

"Tôi thú với anh em

là tôi đã đón nhận sự thăm viếng của Ngôi Lời.

Và thật thế, không những một mà nhiều lần;

Nhưng mặc dầu Người đến với linh hồn tôi nhiều lần, tôi không bao giờ có thể xác-định chính-xác Người đến lúc nào.

Tôi biết rõ sự hiện-diện của Người trong tôi.

Tôi nhớ lại Người đã có mặt, đôi khi tôi linh-cảm Người đang đến;

Nhưng không bao giờ tôi "nắm" được Người khi Người vào,

hay khi Người rút lui.

Chắc chắn rằng Người không vào qua con mắt,

bởi vì Người không có mầu sắc;

Cũng không phải qua tai

vì Người không có tiếng động;

Cũng không phải qua khứu-giác.

Bởi vì sự lẫn-vào của Người là bằng trí,

Không phải là qua lớp không-khí.

Người cũng không vào qua miệng

vì Người không phải là cái gì có thể ăn hay uống.

Xúc-giác lại càng không thể đạt tới Người

vì người hoàn toàn không thể sờ mó được.

Vậy thì Người vào cách nào?

Hay nói đúng hơn

là tuyệt nhiên Người không vào,

bởi vì Người không phải là cái gì ở ngoài ta?

Nhưng tôi cũng không thể nói là

Người đến tự trong thâm-tâm tôi

Tôi đã lên chỗ cao nhất trong người tôi

và tôi đã thấy Ngôi Lời còn cao hơn!

Tôi đã xuống để thăm dò chỗ sâu-thẳm nhất của con người tôi

nhưng chỉ thấy Người ở chỗ còn sâu hơn.

Tôi nhìn ra bên ngoài, tôi thấy Người ở bên kia cái xa nhất;

rồi tôi nhìn vào bên trong,

tôi thấy Người ở chỗ sâu-xa nhất.

Thế rồi tôi hiện-thực được câu nói rằng:

"Chúng ta sống, chúng ta cử-động. và

chúng ta có sự-hữu ở trong Người."

Hạnh phúc cho linh hồn được Chúa ngự,

được sống trong Chúa, và được tác-động bởi Chúa!"

(Bài giảng Diễm Tình Ca, Số 74: 5 - bản dịch của Cha Giuse Chu Công)

Thánh Bernard cảm nhận nhiều lần Ngôi lời Thiên Chúa đến với tâm hồn ngài. Lần viếng thăm của Con Thiên Chúa vượt quá một cảm nghiệm có thể diễn tả hết bằng ngôn ngữ con người. “Tôi thú với anh em là tôi đã đón nhận sự thăm viếng của Ngôi Lời. Và thật thế, không những một mà nhiều lần. Nhưng mặc dầu Người đến với linh hồn tôi nhiều lần, tôi không bao giờ có thể xác-định chính-xác Người đến lúc nào”. Chúng ta thấy gì qua đoạn văn ngắn này? Thứ nhất, chúng ta không thể tường thuật về một kinh nghiệm đang khi diễn ra. Chúng ta chỉ có thể nhận biết nhờ hiệu quả của kinh nghiệm mà thôi. Cũng như, không ai trong chúng ta có kinh nghiệm về lúc mình được sinh ra, mà chúng ta chỉ biết mình được sinh ra mà thôi. Vì thế kinh nghiệm thiêng liêng của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cũng không thể tường thuật tại chỗ được. Thứ đến, kinh nghiệm mà thánh Bernard mô tả trong bài giảng 74 vượt lên trên chính kinh nghiệm. Sự hiện diện của Ngôi Lời đòi hỏi một cuộc “trở về nội tâm” và chỉ nhận biết qua trung gian của những hiệu quả sau đó. “Tôi biết rõ sự hiện-diện của Người trong tôi.Tôi nhớ lại Người đã có mặt, đôi khi tôi linh-cảm Người đang đến; Nhưng không bao giờ tôi "nắm" được Người khi Người vào, hay khi Người rút lui”. Theo thánh Bernard, sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chính là ơn Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khao khát Ngài và dưới nhiều cách thức khác nhau. Ngài cho biết: "Có một lối chiêm-niệm Thiên Chúa khác với những lối tôi đã nói, ấy là lối chiêm-niệm sâu-xa hơn. Trong lối này chính mình Chúa hạ-cố thăm viếng linh hồn đang tìm-cầu Chúa, miễn là linh hồn đó hiến-dâng tất cả ao-ước và mến yêu về việc truy-tầm này. Nhưng anh em phải coi chừng, xin đừng hiểu rằng tôi có ý nói sự kết hợp giữa Ngôi Lời là cái gì thể-xác có thể nhận-biết bằng giác-quan". Tôi nói như thánh Phaolô: "Ai kết hợp với Chúa thì trở nên một thần-linh với Chúa." Kết-hợp đây là kết-hợp thiêng-liêng bởi vì "Chúa là Thần-Linh," và Chúa ao-ước vẻ đẹp của linh hồn mà Chúa biết là đang bước đi trong thần-linh, và không lo tham-mê xác-thịt. "Hơn nữa, bạn trăm năm sẵn sàng và đáng yêu như thế sẽ không thoả mãn với những việc Chúa đã tỏ ra cho nhiều người khác qua tạo-vật, cả những cái Chúa hạ-cố tỏ ra cho họ trong thị-lực (vision) hay trong giấc mơ. Linh hồn đó sẽ không thoả mãn, chỉ khi nào, với một ơn riêng, Chúa từ trời cao xuống trong họ, để họ có thể ôm lấy Chúa với một tình yêu mạnh mẽ và nồng-nhiệt từ trung-tâm trái tim họ. » (Diễm Tình Ca 31, 4-6) Những lần viếng thăm của Thiên Chúa đến với tâm hồn, chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng không bao giờ biết được cách thức Thiên Chúa đến viếng thăm. Cuộc viếng thăm diễn ra trong tĩnh lặng tràn đầy mà ngôn ngữ không thể diễn tả nổi. Chính thánh Bernard thú nhận điều này khi ngài viết: “Chắc chắn rằng Người không vào qua con mắt, bởi vì Người không có mầu sắc; Cũng không phải qua tai vì Người không có tiếng động; Cũng không phải qua khứu-giác. Bởi vì sự lẫn-vào của Người là bằng trí, Không phải là qua lớp không-khí. Người cũng không vào qua miệng vì Người không phải là cái gì có thể ăn hay uống. Xúc-giác lại càng không thể đạt tới Người vì người hoàn toàn không thể sờ mó được. Vậy thì Người vào cách nào? Hay nói đúng hơn là tuyệt nhiên Người không vào, bởi vì Người không phải là cái gì ở ngoài ta? Nhưng tôi cũng không thể nói là Người đến tự trong thâm-tâm tôi”. (Bài giảng 74)

2. Hiện diện thay thế cho ngôn từ

Kinh nghiệm của thánh Bernard là một kinh nghiệm tuyệt đối nội tâm. Ngôi lời Thiên Chúa không phải là đối tượng để nắm bắt nhưng là một sự hiệp nhất hữu thể. Chính nhờ Ngôi lời mà tất cả được tạo thành, tất cả được tạo thành trong Ngài và cho Ngài. Chính vì thế mà “chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17, 28) Và thánh nhân khuyến khích: “phúc cho những ai hiện hữu trong Ngài, sống vì Ngài và hành động bởi Ngài”. Chiêm niệm Lời Chúa với hết cả con người hiện hữu của chúng ta chứ không phải chỉ chiêm ngắm Thiên Chúa trong tâm trí mà thôi. Ý tưởng của thánh Bernard nằm trong dòng suy tư của các Giáo phụ, cụ thể là thánh Augustin. Trong phần tiếp theo của bài giảng 74, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng tư tưởng của thánh Augustin trong cuốn Tự thuật III, IV, 11: “Thiên Chúa ở sâu thẳm trong tôi hơn tôi”. Thánh Bernard phát triển tư tưởng này của thánh Augustin khi ngài viết: “Tôi đã lên chỗ cao nhất trong người tôi và tôi đã thấy Ngôi Lời còn cao hơn! Tôi đã xuống để thăm dò chỗ sâu-thẳm nhất của con người tôi nhưng chỉ thấy Người ở chỗ còn sâu hơn.Tôi nhìn ra bên ngoài, tôi thấy Người ở bên kia cái xa nhất; rồi tôi nhìn vào bên trong, tôi thấy Người ở chỗ sâu-xa nhất.” (Bài giảng 74, số 5) Quả thật thánh Bernard chịu ảnh hưởng các Giáo phụ đặc biệt là thánh Augustin, nhưng không phải chỉ lặp lại những gì đã nói mà thêm vào đó chính kinh nghiệm cá nhân của mình, đúng như nhận xét của Rigolot: “ Khi đọc lại các tác phẩm của thánh Augustin, thánh Bernard viết lại dựa vào những kinh nghiệm về Thiên Chúa và con người theo phong cách riêng của mình”.[11]

Những kinh nghiệm về Thiên Chúa trong nội tâm đã tạo nên những xúc cảm tâm linh và làm nảy sinh những hoa trái cụ thể trong đời sống hàng ngày. Đó là: sức mạnh của các nhân đức, sự khôn ngoan sâu thẳm, sự tốt lành và thương xót, vẻ đẹp và vĩ đại khôn tả của Thiên Chúa.(x. Bài giảng 75, số 6) Thánh nhân kết thúc bài giảng của mình bằng cách chất vấn về đặc tính của chính kinh nghiệm riêng tư về Thiên Chúa. Theo ngài, những kinh nghiệm thiêng liêng này không có tính thường xuyên. Chính vì thế phải khao khát liên tục và cầu khẩn không ngơi sự viếng thăm của Thiên Chúa trong tâm hồn bằng lòng ao ước mãnh liệt. “Lời cầu khẩn: Hãy đến mà tôi luôn kêu cầu với một ao ước mãnh liệt của con tim.” (Bài giảng 74, số 6)

Chúng ta vừa lượt qua những điểm nổi bật trong kinh nghiệm về Thiên Chúa của thánh Bernard de Clairvaux. Những kinh nghiệm này được mô tả qua hình ảnh yêu đương giữa Hôn phu – Ngôi Lời và Hôn thê – Giáo hội trong các bài giảng về Sách Diễm Ca. Sự hiệp nhất thiêng liêng mà thánh Bernard mô tả với nhiều hình ảnh và màu sắc của những cảm xúc và tình cảm nam nữ. Một câu hỏi được sẽ đặt ra: Trong kinh nghiệm thần bí, có thể có một sự hiểu biết về Thiên Chúa vượt lên trên hết tất cả những hình ảnh và cảm xúc không? Nói cách khác, có thể có được sự hiểu biết về mầu nhiệm Thiên Chúa khi gạt ra bên lề tất cả những hình ảnh và ý niệm thần học không? Nhà thần bí dòng Đaminh - Cha Johannes Eckhart, đại diện cho một trào lưu thần bí khác với thánh Bernard khi cha đề nghị phải chối bỏ tất cả những hình ảnh, ý niệm và cảm xúc trong sự hiểu biết về mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá tư tưởng của Cha Eckhart trong bài viết “Luận về đức Siêu thoát” (Du Détachement).

II. Kinh nghiệm về Thiên Chúa của nhà thần bí Johannes Eckhart

Johannes Eckhart sinh năm 1260 tại vùng Hochheim, Đức. Eckhart vào nhập dòng Đaminh rất trẻ. Học thần học tại học viện dòng Đaminh tại Erfurt, Cologne và Paris. Eckhart trở thành giáo sư Đại học Paris năm 1302. Do đó Eckhart còn được gọi là Tôn sư Eckhart (Maître Eckhart). Năm 1312, trở thành cha Bề trên dòng Đaminh vùng Strasbourg, đặc trách việc giảng dạy trong nhà dòng và cho các nữ tu Đaminh, đồng thời làm cha linh hướng cho họ. Năm 1327, một số tư tưởng của cha bị kết án lạc giáo vì những báo cáo và giải thích sai lạc. Tôn sư Eckhart chết 1 năm trước khi bản án của Toà thánh ở Avignon, do Đức Giáo Hoàng Gioan 22 ký ngày 27 tháng 3 năm 1329.

Bài viết “Luận về Đức Siêu thoát”, Eckhart trình bày đường hướng tu đức thần bí, hướng tới việc thần hoá con người nhờ đức Siêu thoát. Đức Siêu thoát là điều kiện tiên quyết để kết hợp với Thiên Chúa và để Thiên Chúa giáng sinh trong tâm hồn. Hoa trái của sự kết hợp này là con người được thần hóa nên giống Thiên Chúa nhờ ân sủng. Đường hướng tu đức mà Eckhart đề nghị cho những người nghe cha giảng, chính là công cuộc tìm kiếm cá nhân trong suốt cuộc đời của Tôn sư Eckhart, được cô đọng trong những câu đầu của “Luận về đức Siêu thoát”:

“Tôi đã đọc rất nhiều sách của những bậc thầy dân ngoại cũng như các ngôn sứ, Cựu ước và Tân ước. Tôi tìm kiếm với tất cả sự nghiêm túc và với hết trí khôn để nhận biết đâu là nhân đức cao trọng nhất và lý tưởng nhất nhờ đó mà con người có thể liên hệ mật thiết và dễ dàng với Thiên Chúa và nhờ đó mà con người có thể trở nên nhờ ân sủng điều mà Thiên Chúa là nhờ bản tính. Và cũng nhờ đó mà con người tìm lại hình ảnh đầu tiên của mình trong Thiên Chúa lúc mà Thiên Chúa và con người không tồn tại sự khác nhau trước khi Thiên Chúa sáng tạo thế giới. Khi tôi đào sâu tư tưởng các sách đã đọc cùng với sự hiểu biết đến cùng, tôi không thấy gì khác hơn ngoài sự Siêu thoát tuyệt đối. Nhân đức Siêu thoát này vượt lên trên tất cả các nhân đức khác. Bởi vì, các nhân đức khác đều có những liên hệ tới tạo vật, trong khi đó nhân đức Siêu thoát gạt ra bên ngoài tất cả mọi liên hệ với tạo vật….”[12]

1. Đức Siêu thoát là nhân đức cao trọng nhất

Sau khi đã xác định đức Siêu thoát là nhân đức cao trọng và thiết yếu nhất trên con đường hướng về Thiên Chúa và được thần hoá nhờ ân sủng và nên giống Thiên Chúa, Tôn sư Eckhart đưa ra lý do tại sao nhân đức Siêu thoát lại được xếp ở vị trí cao nhất.

Đối với những bậc tiến sĩ trong Giáo hội, ngay cả thánh Phaolô và các bậc thầy đều khẳng định các nhân đức: đức ái, đức khiêm nhường và đức hay thương xót là quan trọng, nền tảng và cao trọng nhất. Thực hành một trong các nhân đức này, người ta phải ra “khỏi chính mình” để đến với người khác hay đến với các tạo vật khác. Hay nói cách khác, các nhân đức trên đều mang một liên hệ với các tạo vật đồng thời gắn liền với tạo vật: “Đức ái thúc đẩy tôi yêu mến Thiên Chúa, đức khiêm nhường hoàn hảo làm cho tôi biết hạ mình xuống trước người khác, còn đức hay thương xót không gì khác hơn là làm cho con người “ra khỏi bản thân” hướng về nỗi đau khổ của người anh em làm cho con tim thổn thức.” (Du Détachement) Ngược lại, Eckhart lại nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự Siêu thoát. Đức Siêu thoát toàn hảo “không ra khỏi chính mình”, bất động nhìn mọi thứ xảy ra xung quanh. Với đức Siêu thoát, con người không cần thiết phải có liên hệ với các tạo vật, với điều này hay việc nọ. Bởi vì, “điều này, vật kia” đều gắn liền với một nơi hay một người. Như vậy đức Siêu thoát bao trùm lên các nhân đức khác: đức ái, đức khiêm nhường và đức hay thương xót theo nghĩa là đức Siêu thoát bao hàm các nhân đức khác trong toàn thể. Chính vì thế mà Eckhart ca ngợi và tán dương đức Siêu thoát lên trên các nhân đức khác, cha viết: “khi tôi xem xét tất cả các nhân đức, tôi không tìm thấy nhân đức nào khả dĩ giúp con người hiệp nhất với Thiên Chúa ngoài đức Siêu thoát.” (Du Détachement) Thật vậy, một khi sống nghiêm túc đức Siêu thoát hoàn hảo, con người không còn sống trong thế gian mà sống trong vĩnh cửu với Thiên Chúa. Con người đó chỉ có Thiên Chúa mà thôi. Đó là hạnh phúc lớn nhất của con người vì đối với những người như vậy, Thiên Chúa không còn làm gì khác hơn là tự trao ban chính mình cho họ.[13] Chúng ta thấy Maître Eckhart phản ánh lại tư tưởng của thánh giáo phụ Irênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và vinh quang của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa.” Theo logic này, thì chính sức mạnh của đức Siêu thoát bắt buộc Thiên Chúa phải đến với người thực hành đức Siêu thoát hoàn hảo. Ơn lớn nhất ban cho con người chính là chính Thiên Chúa. Nhờ đó mà con người nên một với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà con người trở nên chính Thiên Chúa. Người Siêu thoát tuyệt đối “nên như Thiên Chúa nhờ ân sủng điều mà Thiên Chúa là nhờ bản tính.” Khi đó, người này đã chết đối với vạn vật và thế giới mà chí sống cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Thật là một cuộc trở lại toàn diện, con người trở về nơi đầu tiên của mình trong Thiên Chúa. Và “cũng nhờ đó mà con người tìm lại hình ảnh đầu tiên của mình trong Thiên Chúa lúc mà Thiên Chúa và con người không tồn tại sự khác nhau trước khi Thiên Chúa sáng tạo thế giới.” Con người được thần hoá toàn diện nhờ nên một với Thiên Chúa. Cha Eckhart còn đi xa hơn nữa khi viết: “Tôi với Thiên Chúa là một!”[14]

2. Các đặc tính của nhân đức Siêu thoát

Chúng ta đã hiểu lý do tại sao, theo cha Eckhart, đức Siêu thoát lại ở trên các nhân đức truyền thống: đức ái, đức khiêm nhường và đức hay thương xót. Nhưng đâu là những đặc tính của nhân đức cao trọng này? Chúng ta thấy có 3 đặc điểm như sau: Siêu thoát bản thân, Siêu thoát các tạo vật và Siêu thoát các ý niệm thủ đắc về Thiên Chúa.

a. Từ bỏ chính bản thân

Theo cha Eckhart, từ bỏ bản thân chính là Siêu thoát ý riêng và tạo vật. Đây là sự từ bỏ quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất để đạt đến việc từ bỏ hoàn toàn các thụ tạo và đạt đến sự kết hợp với Thiên Chúa trong tâm khảm. Chính trong tâm khảm sâu kín nơi con người mà Thiên Chúa Cha sinh con Ngài trong tâm khảm của linh hồn và đến lượt linh hồn cùng với Thiên Chúa Cha sinh Chúa Con. Chính vì lý do này mà Eckhart bắt buộc thực tập ngay từ đầu: “ Hãy bắt đầu với chính mình, và từ bỏ chính bạn!” (Linh hướng, số 3) Tại sao lại phải nhấn mạnh việc này? Bởi vì, “khi một người từ bỏ tất cả những gì mình sở hữu như lâu đài, của cải, vương quốc… mà không từ bỏ chính mình, họ chẳng từ bỏ gì hết. Ngược lại, một người thực sự từ bỏ chính mình, dù cho họ có sở hữu gì đi nữa, họ đã từ bỏ tất cả.” (Du Détachement, p. 56) Đối với một người đã từ bỏ chính bản thân và thế giới vì Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho họ “cả thế giới và sự sống đời đời.” (Bài giảng số 12, p. 138) Nếu biết từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa, thật là đáng khuyến kích và rất tốt. Nhế nhưng, đối với cha Eckhart, một khi ý của Thiên Chúa hợp với ý con người thì thật tuyệt vời. Khi đó, con người hoàn toàn ở trong Thiên Chúa và nên một với Ngài. “Nên một với Thiên Chúa” chính là mục đích của linh đạo thần hóa của cha Eckhart. Khẳng định “nên một với Thiên Chúa” không có nghĩa là con người trở nên Thiên Chúa. Cha Eckhart chỉ muốn nói là: khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người không tồn tại nữa. Bởi vì, theo Cha, tất cả những chia rẻ là nguồn gốc của sự dữ và dẫn đến sự dữ.[15] Jean François Malherbe, lập lại lời của Tôn sư nhưng lại áp dụng vào cho con người : “Khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người là nguồn gốc của mọi đau khổ trong cuộc đời”.[16] Cách nói “nên một với Thiên Chúa” nhằm loại bỏ và vượt lên trên khoảng cách giữa Thiên Chúa và tạo vật chính là kiểu nói của các nhà thần bí. Con đường dẫn tới việc “nên một với Thiên Chúa” chỉ có thể là con đường của sự Siêu thoát hoàn toàn. Con đường này dẫn con người đi từ việc “sở hữu” đến việc “hiện hữu” - từ “có” đến “là”.

b. Siêu thoát các tạo vật

Đối với Eckhart, Thiên Chúa là Duy nhất, trong khi đó tạo vật thì vô số và khác nhau. Tất cả tạo vật đều xuất từ Thiên Chúa là Duy nhất và lệ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng Hiện hữu, tạo vật là hư không. Do đó, “nếu Thiên Chúa quay lưng đi trong giây lát, tất cả các tạo vật sẽ không hiện hữu nữa.” Vì Thiên Chúa là Duy nhất - có nghĩa là Vĩnh hằng, không thay đổi, không thêm bớt, tất cả những gì xuất hiện trong thời gian và thay đổi đều xa lạ đối với Thiên Chúa. Chính vì thế mà những ai tìm kiếm Thiên Chúa phải loại bỏ tất cả những gì là thời gian và hay thay đổi, và phải trở về với chính mình trong sâu thẩm tâm hồn, nơi đó Thiên Chúa hiện diện và nói trực tiếp với linh hồn. Trong bài giảng số 11 và 12, cha linh hướng của chúng ta chỉ cho thấy 3 rào cản chính làm cản trở con người tiến về Thiên Chúa, ở lại trong Vĩnh cửu, trong Thánh Thần, trong sự Duy nhất và ngăn cản con người lắng nghe Lời Thiên Chúa. Đó là: thời gian, thân xác và sự đa dạng. Ba đặc tính này là những đặc tính chung của thế giới tạo vật. Một khi Siêu thoát tất cả những liên hệ với thế giới tạo vật, con người nhận được niềm vui của Thiên Chúa và ở lại với Ngài và Ngài với linh hồn nơi mà Thiên Chúa thưởng thức niềm vui sướng của Ngài.( Cf. Bài giảng 73)

c. Siêu thoát các hiểu biết thủ đắc về Thiên Chúa

Từ bỏ chính bản thân và thế giới tạo vật là những giai đoạn cần thiết để trở về với tình trạng con người trong Thiên Chúa trước khi được tạo dừng và đón nhận sự giáng sinh của Con Thiên Chúa trong linh hồn. Đó có phải là điểm đến cuối cùng của tiến trình từ bỏ chưa? Giai đoạn cuối cùng của con người từ bỏ là biết Siêu thoát ngay cả tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa.

Chịu ảnh hưởng của thần học phủ định, cha Eckhart nhấn mạnh đến sự Siêu việt của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những gì người ta có thể nói về Ngài, vượt lên trên tất cả mọi tên gọi và không ai có thể đặt tên cho Thiên Chúa. Trong bài giảng số 83, Eckhart viết rất mạnh mẽ và đầy xác tín: “Thiên Chúa không có tên, không ai có thể nói về Ngài và hiểu được Thiên Chúa… Nếu tôi nói: Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Không phải thế! Tôi cùng tốt lành, Thiên Chúa không tốt lành. Tôi nói thêm: tôi tốt lành hơn Thiên Chúa. Bởi vì những gì tốt lành có thể trở nên tốt lành hơn, Thiên Chúa không thể trở nên tốt lành hơn. Vì Ngài vượt lên trên tất cả… Nếu tôi nói thêm: Thiên Chúa là Đấng Hiện hữu, cũng không đúng. Thiên Chúa là sự hiện hữu siêu việt, Ngài là một Hư vô siêu việt.” (Bài giảng 83)

Theo thần học phủ định, Thiên Chúa là “Hư vô siêu việt”, không có nghĩa là Thiên Chúa không hiện hữu nhưng muốn nói đến sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những hiểu biết của con người về Ngài. Vậy nếu Thiên Chúa là Hư vô siêu vời, vượt lên tất cả những ý niệm và hình ảnh và nếu linh hồn muốn tìm gặp Thiên Chúa, thì linh hồn phải loại bỏ tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Và trong Thiên Chúa, linh hồn sẽ nhận biết Thiên Chúa thật và cũng nhận biết rõ ràng thế giới thụ tạo mà linh hồn đã Siêu thoát.

Tóm lại, sự Siêu thoát tuyệt đối phải được thực hành trong suốt cuộc đời. Bắt đầu bằng việc từ bỏ bản thân, thế giới thụ tạo và những sự hiểu biết về Thiên Chúa. Nhờ đó, con người tìm gặp lại tình trạng đầu tiên của mình trong Thiên Chúa trước khi được tạo thành. Khi đó, con người trở nên nhờ ân sủng điều mà Thiên Chúa là nhờ bản tính. Đó chính là phúc thật của con người. Hay như thánh Phaolô có kinh nghiệm: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa sống trong tôi.” (Gal 2, 20)

3. Kinh nghiệm về thần hóa nơi Tôn sư Eckhart

Cũng như thánh Bernard, Cha Eckhart cũng đã cảm nghiệm sự viếng thăm của Thiên Chúa trong nơi sâu thẳm của linh hồn và đã cố gắng viết lại cho chúng ta. Với thánh Bernard chúng ta học hỏi về sự hợp nhất với Thiên Chúa qua những hình ảnh yêu đương của đôi trai gái, tượng trưng cho Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài. Với cha Eckhart, chúng ta thấy có sự khác biết rất lớn trong ngôn ngữ về kinh nghiệm thiêng liêng. Nó vượt lên trên tất cả những ý niệm và hình ảnh mà con người có thể nghĩ ra được. Con người đi vào hợp nhất với bản tính Thiên Chúa. Đó chính điều mà cha Eckhart diễn tả qua lời xác tín: nhờ đức Siêu thoát, “con người có thể trở nên nhờ ân sủng điều mà Thiên Chúa là nhờ bản tính.” Điều mà Eckhart xác tín nằm trong dòng suy tư của các Giáo phụ Hy lạp và là trọng tâm của nền thần học Đông phương. Đó là: “Thiên Chúa làm người để con người thành chúa.” (Thánh Irênê). Chính nhờ Con Thiên Chúa làm người mà con người được quyền trở nên con Thiên Chúa (Jn 1, 12). Do đó “hồng ân lớn nhất của Thiên Chúa ban cho con người là được trở nên con Thiên Chúa. Và ý muốn lớn nhất của Thiên Chúa là sinh Con của Ngài trong tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa không thể thoã mãn khi chưa ban Con của Ngài cho chúng ta và linh hồn chúng ta cũng không bao giờ hết khao khát nếu chưa đón nhận Con của Ngài.” (Bài giảng 11). Sự sinh hạ Con Thiên Chúa trong linh hồn chính là mục đích sống của người tín hữu, chính là ơn cứu độ của họ. Đó là câu trả lời cho tất cả những câu hỏi liên quan đến đời sống đạo. Cha Eckhart viết: “Tại sao chúng ta cầu nguyện, ăn chay, thực hành tất cả những việc bác ái? Tại sao chúng ta chịu phép Rửa tội, và tại sao Thiên Chúa làm người? Tôi trả lời: Để Thiên Chúa sinh đến trong linh hồn và linh hồn sinh đến trong Thiên Chúa. Đó là tất cả lý do mà Kinh thánh được viết ra và cũng là lý do Thiên Chúa sáng tạo thế giới và các thiên thần. Tất cả để Thiên Chúa sinh đến trong linh hồn và linh hồn sinh đến trong Thiên Chúa.” (Bài giảng số 38)

Làm sao giải thích việc “con người” được mời gọi trở nên “Con Thiên Chúa với Đức Kitô”? Để trả lời cho câu hỏi này, Cha Eckhart phân biệt rõ ràng giữa ý niệm “người” và “nhân tính”. Ý niệm “người” nhằm chỉ đến những cá nhân riêng lẻ như ông này, cô kia…, còn ý niệm “nhân tính” chỉ bản tính chung của tất cả mọi người. Nếu chúng ta áp dụng vào con người Giêsu - vừa thật là Chúa vừa thật là người không lẫn lộn, không chia cắt (Công đồng Chalcédoine), chúng ta phải phân biệt “nhân tính” và con người-Thiên Chúa. Như vậy, trong mầu nhiệm Giáng sinh, Con Thiên Chúa không chỉ làm người mà còn mặc lấy bản tính nhân loại nữa. Eckhart viết: “Hãy chú ý! Ngôi Lời vĩnh cữu không mặc lấy người này hay người khác, mà Ngài mặc lấy bản tính nhân loại tự do và không phân chia.” (Baì giảng số 46) Trong phần tiếp theo, cha giải thích lý do tại sao một “người” trở nên chính con của Thiên Chúa Cha: “Chính bản tính nhân loại của mỗi người anh chị em, được Ngôi lời vĩnh cữu mặc lấy, trở nên con Thiên Chúa với Chúa Kitô. Chính nhân tính của anh chị em đã được trở nên Chúa”. (Bài giảng số 46) Đó là lý do tại sao ân sủng lớn nhất của Thiên Chúa ban cho con ngừời chính là được trở nên con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Ngôi Lời đã làm người và con người được thần hoá nên con Thiên Chúa giống như Chúa Giêsu. Nói cách khác, con người trở nên “ nhờ ân sủng điều mà Thiên Chúa là nhờ bản tính”.

Kết luận

Chúng ta vừa tìm hiểu hai khuôn mặt nổi bật của thời Trung cổ là thánh Bernard de Clairvaux và Tôn sư Eckhart. Mỗi người cho chúng ta thấy hai cách tiếp cận khác nhau về cùng một đối tượng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta và cũng là Đấng Siêu việt, là Đấng Khác.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa của thánh Bernard chứa đựng trong bài giảng đặc thù 74. Các đặc tính nổi bật là: nội tâm, thầm lặng. Kinh nghiệm tuy là riêng biệt của thánh Bernard nhưng không hề cá biệt. Tất cả các Kitô hữu đều có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa cách này hay cách khác về sự có mặt – vắng mặt của Ngài. Kinh nghiệm thiêng liêng chỉ là một khoảng khắc trong đời sống tâm linh và thần bí. Nó không bao giờ là mục đích của đời sống thiêng liêng cả. Mục đích của đời sống tâm linh Kitô giáo chính là sự kết hợp với Thiên Chúa, chứ không phải là những khoảng khắc của kinh nghiệm. Những kinh nghiệm thiêng liêng luôn cần mở rộng để đón nhận những điều mới mẻ trong tâm linh và cũng để điều chỉnh những thiếu sót của kinh nghiệm cũ.

Với cha Eckhart, chúng ta tiếp cận một cách khác về mầu nhiệm Thiên Chúa cao vời khôn ví, vượt lên trên và vượt xa những hiểu biết của con người. Do đó, con người không thể nói là minh đã biết hết về Thiên Chúa, có thể nắm Thiên Chúa trong bàn tay. Không, Thiên Chúa luôn mời gọi con người đến với Ngài để được chiêm ngắm sự cao siêu khôn thấu mà cùng gần gũi chúng ta hơn chúng ta tưởng. Nhờ nhân đức Siêu thoát tuyệt đối, con người đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa và sống trong Ngài. Được sống trong và nên một với Thiên Chúa, là chúng ta được hưởng trước nước Thiên đàng ngay khi còn sống. Nói cách khác, nước Thiên Chúa chính là Thiên Chúa được hứa ban cho người ai sống trọn vẹn mối phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5, 3)

Hai dạng kinh nghiệm về Thiên Chúa không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau để cùng làm giầu cho đời sống đức tin của người Kitô giáo, nuôi dưỡng đời sống đạo đức của những tâm hồn khao khát Thiên Chúa và tìm kiếm thánh ý của Ngài. Đó cũng chính là hoa trái của Chúa Thánh thần hoạt động trong Hội thánh và trong tâm hồn của những người thiện tâm. Nhất là trong những con người dám để cho Thần khí của Thiên Chúa hoạt động tự do trong tâm hồn thoát tục, những con người sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Lm. Tôma Thiện Trần Quốc Hưng

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Michel Cornuz, Le ciel est en toi, Labor et Fides, 2001, p. 11.

[2] Cf. Edward Schillebeeckx, Exprérience humaine et foi en Jésus Christ, Paris, Cerf, 1981, p. 29.

[3] Œuvres complètes de Saint Bernard (O. C), traduction nouvelle par Charpentier, Paris, Louis Vivès, 1867, vol. IV, sermon III, n°1, p. 140.

[4] Cf. Philippe Nouzille, Expérience de Dieu et théologie monastique au XIIe siècle, Paris, Cerf, 1999, p. 11.

[5] Đọc thêm bài : Trần quốc Hưng, Câu hỏi và Lời gọi, www. tgmmt.org, 2006.

[6] Bài giảng 74, số 3, p. 522.

[7] J-Y Lacoste, Expérience et absolue, Paris, P.U.F, 1999, p. 55.

[8] Bài giảng 74, p. 522.

[9] X. Bài giảng Mùa Chay, số 5.

[10] Lode van Hecke, Le désir dans l’expérience religieuse, Paris, Cerf, 1990, p. 31.

[11] I. Rigolot, Bernard de Clairvaux, lecteur de saint Augustion, in « Collectanea Cisterciensia », n° 54, (1992), p. 144.

[12] Maître Eckhart, Du Détachement, Payot & Rivage, Paris, 1995.

[13] Cf. Maître Eckhart, Du Détachement, p. 55.

[14] Du Détachement

[15] Cf. Louis Cognet, Introduction au mystiques rhéno-flammands, Desclée, Paris, 1968, p. 72.

[16] Jean François Malherbe, Maître Eckhart « Souffir Dieu », Cerf, Paris, 2003, p. 27.