Một Tấm Gương Yêu Mến Giáo Hội: Bà cố Anna Nguyễn Thị Đoài (1907-2007)

Nhìn năm sinh và ngày mất của bà cố Anna Nguyễn Thị Đoài, ai cũng thấy bà đã sống rất thọ. Sống đến tuổi 70, đối với xã hội cũ đã là chuyện hi hữu, huống hồ bà đã hưởng được 100 năm tuổi trời. Xã hội Á đông quan niệm sống thọ là một trong ba điều đáng quý: Đức độ, Chức tước và Tuổi thọ,
Bà tới Mỹ năm1984, lúc đã được 77 tuổi. Ai gặp bà cũng nghĩ bà là một bà lão như bao bà lão khác. Nhưng tìm hiểu một chút, chúng ta thấy bà là mẫu người phụ nữ Việt Nam đảm đang, gan dạ và được tín nhiệm, chẳng những lo lắng cho gia đình mà còn có những đóng góp ý nghĩa cho Giáo phận Vinh trong một giai đoạn rất khó khăn của đất nước trước đây hay bảo trợ các thầy, các sơ tu học, đặc biệt các Đại chủng sinh Vinh tu học tại Đại chủng viện Vinh Thanh, Nghệ An trong thời gian sau này.

Bà sinh năm 1907 trong một gia đình Công giáo tại Tân Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lúc mới sinh được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Thị Thư. Mồ côi cha sớm, 16 tuổi cô Thư đã bắt đầu tập tành buôn bán. Vì sợ mẹ bắt nghỉ buôn, cô đã tiêu pha dè sẻn, ăn uống đạm bạc để đưa cho mẹ nhiều tiền lời, muốn mẹ thấy cô đi buôn có lời nhiều để được tiếp tục nghề buôn. Quảng năm 1933, cô Thư kết duyên với cậu Trần Văn Đoàn. Cậụ Đoàn lúc đầu vốn tên là Đoài. Nhưng sau khi cậu thành hôn với cô Thư, cô lại dùng tên Đoài của cậu, do đó cậu phải lấy tên là Đoàn. Cô Thư lập gia đình muộn. Hai người có với nhau được sáu người con: năm gái và một trai là Trần Thị Xuân Hoan (mất), Trần Thị Xuân Hương, Trần Thị Xuân Hường, Trần Thị Xuân Hoa (mất), Trần Thị Xuân Huệ và Trần Thái Hà. Cô gái út hiện là Sơ Bề trên của Dòng Chúa Quan phòng tại Đàlạt, cô gái thứ ba là thân mẫu của Linh mục Nguyễn Trần Tuấn Anh.

Nghệ an là một tỉnh quan trọng về Chính trị và Văn học trong Lịch sử nước nhà, nhưng lại không được thiên nhiên ưu đãi về mặt Kinh tế. Sinh kế chính của đa số dân ở miền này là nông nghiệp nhưng đất đai chẳng có phì nhiêu. Nổi trăn trở của các bà mẹ và bà vợ là lo sao cho chồng, cho con có cái ăn, cái mặc. Muốn gia đình được ấm no - bà thấy chỉ có con đường buôn bán: “Phi thương bất phú” (không buôn bán thì không làm giàu được). Nhưng lối buôn của ba không phải kiểu buôn thúng bán mẹt, mua chợ sáng, bán chợ chiều, hay buôn bán ở mom sông như bà Tú Xương. Một mình làm chủ ba chiếc ghe mành lớn, mỗi chiếc chạy một lộ trình rêing, bà cố Đoài đã buôn từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ Vinh ra Thanh hóa, tới Hải phòng vào Phát diệm, rồi lại từ Bắc vào Nam, tới Huế, vào tận Phan thiết. Lộ trình và hoạt động buôn bán của lớp phụ nữ như bà đã được ca dao Việt nam mô tả qua hình ảnh con cò, một hình bóng thân thương và gần gủi với người Việt:

Hỏi cò vội vã đi đâu?
Xung quanh mặt nước một màu bao la.
Cò tôi bay lả bay la,
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng.
Trời sinh, mẹ đẻ tay không,
Nên tôi bay khắp tây đông kiếm mồi.
Trước là nuôi cái thân tôi,
Sau nuôi đàn trẻ nên đời cò con.
Một mai khôn lớn vuông tròn,
Rủ nhau bay khắp nước non xa gần.
Kiếm mồi tự lập lấy thân,
Vẻ vang hãnh diện cho dân con cò.


Chiều thứ sáu ngày 1 tháng 6 năm 2007, khi nói chuyện với một số anh em trong Ban Điều Hành Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Giáo Phận Vinh đến thăm bà cố Đoài tại Bệnh viện Little Company of Mary Hospital ở Torrance, CA. do các Sơ Dòng Chúa Quan Phòng điều hành, ông Trần Thái Hà đã khen “mẹ buôn bán giỏi lắm, sinh con được một thời gian, giao cho người khác trông nom, mẹ lại ra đi buôn”. Bà cố Đòai, một thời bận rộn với thương nghiệp, bây giờ nằm đó, bất động, thân thể được nhiều dây nhợ nối với các máy móc giúp chuyền thuốc hay thức ăn cho bà tiếp tục được sống. Mặc dầu ông Hà, con trai của bà lay gọi, báo cho bà biết có người vào thăm, nhưng bà gần như không biết gì.

Mô tả của ông Hà về mẹ mình, khiến chúng ta nghĩ đến bà Tú Xương, một người đàn bà buôn tảo bán tần lo nuôi con, nuôi chồng, cho chồng được thong dong lo việc của ông.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi nổi năm con với một chồng


Văn học và Lịch sử Việt Nam đề cao bà Tú Xương, bà Phan Bội Châu và những người phụ nữ như thế.

Bà cố Đoài không phải chỉ biết buôn bán kiếm lời thôi. Bà cũng chia sẻ những lo toan, trăn trở của người khác, cụ thể là của các cấp lãnh đạo Liên đoàn Công giáo Việt Nam Giáo phận Vinh, của Đức Giám mục Giáo phận, trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, của Giáo hội.

Sau Cách mạng tháng 8/1945 chừng một năm, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ. Việt Minh áp dụng chính sách tiêu thổ kháng chiến: mọi thị trấn trên khắp đất nước phải san bằng bình địa, mọi con đường huyết mạch bị đào bới, phá hủy để ngăn chặn các cuộc hành quân của Pháp. Việt Minh bắt đầu tiêu diệt các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Chính quyền Việt Minh cũng để ý đến khối Công giáo. Không khí khủng bố bao trùm khắp nơi.

Nhưng lúc đó lại có một nơi sinh hoạt bình thường là Phát diệm, nhờ sự lãnh đạo của Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Phát diệm trở thành khu thanh bình và an toàn cho dù không biết kéo dài được bao lâu.

Phát Diệm trở thành nơi tá túc của các chiến sĩ quốc gia, của các cán bộ Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam. Bà cố Đoài, chủ nhân của ba chiếc ghe mành, nhờ quen thuộc đường đi, cũng như do gan dạ và ý thức về công việc chung, vì yêu mến Giáo hội, bà đã nhiệt thành giúp đỡ các cha, đưa nhiều thanh niên và cán bộ công giáo Giáo phận Vinh từ Liên khu tư ra Phát diệm. Phương tiện đi lại trên sông biển thời đó là ghe, thuyền mà xác xuất bị đắm không phải là thấp vì cuộc hành trình trên biển kéo dài nhiều ngày - chẳng hạn từ Hải phòng tới Phát diệm mất hai, ba ngày- nếu gặp thời tiết xấu thì nguy cơ ghe bị đắm dễ xảy ra. Trong lúc Việt Minh chủ trương tiêu thổ kháng chiến, buôn bán đã là một trọng tội, huống hồ còn giúp cán bộ quốc gia tẩu thoát, tránh sự ruồng bắt của Việt Minh. Bà cũng phải đề cao cảnh giác với các đồng nghiệp khác để khỏi bị tố giác, giành giật khách hàng và thị trường. Bà cố Đoài được bề trên và cán bộ quốc gia tin tưởng, nên mới giao sinh mạng cho bà. Trong số những cán bộ GP Vinh được bà cố Đoài giúp đến vùng an toàn Phát diệm, đến miền đất tự do có các ông Bùi Quang Nga, Antôn Trang và Peter Phùng. Ông Nga sau này trờ thành Dân biểu Quốc hội thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một người có lòng kính mến Chúa cao độ, dức tin mạnh mẽ. Có lần khi gặp hai Linh mục và vài người quen đến thăm, ông đã xin mọi người đọc kinh tạ ơn Chúa rồi mới ngồi xuống nói chuyện. Ông Trang sau khi du học ở Pháp về cũng phục vụ cho chế độ VNCH. Còn ông Peter Phùng du học Mỹ, tốt nghiệp Tiến sĩ hóa học tại Đại học Notre Dame, Indiana. Hiện nay ông đã nghỉ hưu, dùng ngòi bút để bênh vực Giáo Hội, cổ vỏ các giá trị đạo đức truyền thống. Theo lời ông Nguyễn Văn Huê thì ông cậu của ông, một thành viên của Ban chấp hành Liên đoàn CGVN Giáo phận Vinh cũng đươc gia đình bà Đoài che chở, ở trong nhàcủa bà một thời gian.

Làm thế nào mà bà cố Đoài có thể đưa người ra Phát diệm cách an toàn? Phát diệm lúc đó là khu an tòan, không thiếu bất cứ mặt hàng nào nơi các cửa tiệm từ thuốc tây, thuốc lá, rượu ngon, viết máy, đông hồ, vải vóc, áo quân, vỏ ruột xe, xe đạp v.v. tất cả đều do các tay buôn chuyển từ thành ra hậu phương. Sở dĩ việc buôn bán này trót lọt và kéo dài là chính vì cán bộ và bộ đội của bác Hồ là giới tiêu thụ nhiều nhất. Thủ tục “đầu tiên” không phải mới xuất hiện gần đây mà nó đã bén rễ trong lòng người từ lâu rồi. Có tiền mua tiên cũng được, huống hồ chỉ khéo léo hối lộ mấy ông bộ đội, cán bộ Việt Minh làm ngơ cho hàng và người đi qua trạm gác.

Theo phận nước nổi trôi, năm 1954 gia đình bà cố chạy vào Binh Tuy, vẫn theo nghề buôn. Trong thời gian này, bà vẫn tiếp tục giúp đỡ các cha, đặc biệt là có công nuôi hai cha Cao Hữu Hân và Cao Hữu Tạo. Tại Bình Tuy xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa bà cố và ông Chủ tịch Hội đồng tỉnh Bình tuy mà cuối cùng bà đã thắng vì bà biết cách thức phải giải quyết như thế nào. Từ Bình tuy bà đã vào Sài gòn nhờ luật sư và báo chí giúp lên tiếng, đòi ông Chủ tịch trả lại đất hay phải bồi thường những phí tổn mà bà đã thuê người khai khẩn đất đai, mà nay Tỉnh muốn lấy để làm đường. Chuyện này cho thấy tính tình cứng rắn của bà. Cá tính đó không khỏi gây nên đụng chạm với người khác.

Như đẵ thấy trên, bà tới Mỹ năm 1984. Năm 1989, đáp lời kêu gọi của Đức cha Trần Xuân Hạp, Giám mục Giáo phận Vinh, kêu gọi bà con Vinh hải ngoại giúp đỡ việc đào tạo Tân linh mục tại Giáo phận, Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu Giáo Phận Vinh đã được khai sinh tại nhà ông bà cố Nguyễn Xuân Tỏan vào chính ngày lễ Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, ngày 1/10/1989. Trong dịp này bà cố Đoài đã nhận bảo trợ việc tu học của năm Đại chủng sinh Vinh tại Đại chủng viện Vinh Thanh, Nghệ An, kéo dài trong 6 năm. Bà cũng bảo trợ một số các thầy thuộc các Giáo phận trong Nam tu thành linh mục. Bà cũng không quên bảo trợ các sơ. Thành ra bà là mẹ có con gái là nữ tu, có cháu ngoại và nhiều nghĩa tử là Linh mục, là nữ tu. Ngoài ra khi có các Đấng bậc, các cha hay các sơ từ Việt Nam sang, bà cũng chia sẻ và giúp đỡ các vị. Có những lần không được kêu gọi, bà cũng tự nguyện giúp.

Tục ngữ có câu “lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”. Lối sống biết chia sẻ với tha nhân của bà đã ảnh hưởng đến những người khác, trước hết là trên con cái, cháu chắt mà những ai quen biết đều nhận thấy.

Bà cố Anna ra đi về nhà Cha, để lại cho chúng ta một tấm gương yêu Giáo hội, yêu công việc và say mê làm việc, nhờ đó bà có thể san sẻ những gì bà có cho những người chung quanh, tức là bà đã sống đức ái một cách cụ thể. Sống bác ái là tấm thông hành mà Chúa đòi hỏi để mỗi ngươi được bước vào Thiên đàng.