Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh, B

Bài Đọc 1: Is 60: 1- 6


Trong đêm tối thì ánh sáng của chiếc đèn pin hay của ngọn đèn dầu nhỏ bé cũng có thể được nhìn thấy từ khoảng cách rất xa. Tiên Tri Isaiah nói đến ánh sáng của Thiên Chúa đến với Giêrusalem. Trong bóng tối của thế gian, dân chúng đang bị phủ kín bởi u minh; tối tăm đang bao bọc địa cầu, và ánh sáng của Thiên Chúa xuất hiện. "Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dạy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dạy." Cũng thế, ánh sáng của Chúa Kitô đã đến và đang được tiếp tục phản chiếu qua đời sống đức tin của Giáo Hội nơi các Kitô hữu chúng ta.
ª Bạn đã có những nỗ lực nào để phản chiếu ánh sáng Kitô giáo ra trong đời sống?

Bài Đọc 2: Eph 3:2- 3, 5- 6

Dân Do Thái là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn để mặc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa, chứ không phải họ là dân tộc duy nhất được hưởng ơn cứu độ. Do đó Thánh Phao- lô trong thư gởi Ephêsô đã tuyên bố, "Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự."

Chúa Kitô xuống thế làm người, rao giảng và hiến mạng sống của Ngài cho toàn thể nhân loại, chứ không riêng cho một dân tộc hay một nhóm người nào. Chúng ta là những người thuộc giòng giống dân ngoại đã được nhận lãnh Tin Mừng và được hưởng quyền thừa tự là con cái của Thiên Chúa.

  • Bạn nghĩ sao và có thể làm gì khi biết rằng ngày nay dân số Việt Nam lên tới 75 triệu người mà chỉ có 8% tới 10% là Kitô giáo?
  • Trong cuộc viếng thăm Châu Á ở An Độ hồi tháng 11 năm 1999, Đức Gioan Phao-lô II nhận định là ở thiên niên kỷ thứ nhất Kitô Giáo phát triển ở Âu Châu, và ở Thiên niên kỷ thứ 2, Kitô giáo phát triển ở Châu mỹ Latin và ở Phi Châu. Trong Thiên Niên Kỷ thứ 3 Giáo Hội nhằm phát triển Kitô Giáo ở Châu Á. Vậy bạn có thể đóng góp như thế nào vào việc phát triển truyền giáo ở Á Châu trong thiên niên kỷ này?


Bài Phúc Âm : Matt 2:1- 12

Lễ Ba Vua hay còn được gọi là Lễ Hiển Linh là truyền thống lâu đời nhất gắn liền với lễ Chúa Giáng Sinh. Nhiều nơi vẫn mừng lễ Hiển Linh là lễ trọng nhất của mùa Giáng Sinh. Ngày lễ này kỷ niệm việc Chúa tỏ mình ra cho những nhà đạo sỹ từ phương đông. "Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người." Các nhà đạo sỹ này đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới. Họ đã nhận ra ánh sáng cho thế giới nơi hài nhi Giêsu. Họ đã quỳ gối sụp lạy Người, và dâng lên Ngài lễ vật, vàng, nhũ hương và mộc dược.

  • Bạn nhìn và cảm nghiệm thấy những gì khi đứng trước hang đá và máng cỏ?
  • Là Kitô hữu, chúng ta đã nhận được ánh sáng của Đức Ktiô. Chúng ta có thể dâng lên Ngài những gì?
  • Bạn hiểu thế nào về sự liên hệ của bạn và của Giáo Hội với những người không đồng tôn giáo?


Bài Giảng Gợi Ý

Một người bị rơi xuống một thung lũng sâu tối tăm. Ông ta cố gắng tìm cách để trèo lên nhưng quá khó khăn không thể tự mình trèo lên để ra khỏi cái hang tối tăm đó. Khổng Tử đi ngang qua nhìn thấy người đó ở dưới thung lũng bèn nói, "Thật đáng tiếc, giá nó nghe lời giáo huấn khôn ngoan của ta thì nó đâu có phải rơi xuống cái thung lũng tối tăm đó!" Và rồi đức Khổng Tử tiếp tục lên đường.

Sau đó thì Đức Phật đi ngang qua và cũng trông thấy người đó dưới thung lũng bóng tối. Đức Phật liền nói, "Thật tội nghiệp giá hắn ta lên được trên này có thể ta sẽ giúp đỡ hắn." Và sau đó thì Đức Phật cũng tiếp tục lên đường.
Sau cùng thì Đức Giêsu đi ngang qua. Ngài nhìn thấy người đàn ông cố gắng trong vô vọng và bất lực dưới thung lũng tối tăm. Ngài thương cảm và liền nhẩy xuống để cứu ông ta lên.

(Jack Mcardle "Incarnation", 150 More Stories for Preachers and Teachers # 98).


Ý Nghĩa Hiển Linh

Lễ Hiển Linh có nghĩa là ngày lễ kỷ niệm việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua việc Chúa Giêsu Kitô sinh xuống làm người ở giữa nhân loại. Tiên tri Isaiah trong bài đọc thứ nhất công bố rằng Thiên Chúa sẽ xuất hiện cách rõ ràng sáng tỏ. Vinh quang của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và chư dân sẽ tìm về sự sáng. Tất cả sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa. Bài trích thư gởi tín hữu Ephêsô trong bài đọc hai xác nhận rằng những lời tiên tri và mặc khải của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là nguyên nhân cho sự đoàn kết hợp nhất của mọi dân tộc. Bài Phúc âm kể lại câu truyện ba nhà Đạo sỹ từ Đông phương nhận ra ngôi sao lạ, và họ đã tìm đến Giêrusalem hỏi thăm, "Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?" Họ đã tìm đến để thờ lạy tôn phục và dâng lên Người lễ vật của họ bởi vì họ đã lâu ngày dầy công tìm hiểu và họ nhận ra danh tánh của Hài Nhi Giêsu nơi Bethlehem là ai.


Thiên Chúa Hiện Diện

Văn hóa thời xưa nhận ra Thiên Chúa và quyền lực của Ngài qua thiên nhiên, nơi bão gió, sắm sét, mặt trời, mặt trăng và tinh tú sao trời, cây cối cổ thụ, sông núi biển khơi. Nhiều nơi tôn thờ thần núi, thần sông, thần cây, thần cá, thần đá. . . Những người Hy Lạp và La mã cổ xưa tìm Thiên Chúa qua những huyền bí và những giấc mơ thần tiên. Văn hóa Đông phương tìm Thiên Chúa qua năng lực của tâm lý linh thiêng nơi con người, và qua vận mệnh tướng số. Người Do Thái tôn thờ một Thiên Chúa qua lịch sử của dân tộc. Và từ Do Thái Giáo, Kitô giáo trở nên một tôn giáo có đặc tính riêng tin tưởng rằng Thiên Chúa đã bày tỏ chính Ngài qua việc Đức Giêsu Kitô sinh hạ làm người. Qua nhiều thời đại, con người đã suy nghĩ tìm hiểu lý do và ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng Mầu nhiệm Đức Giêsu Con Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ có thể hiểu được qua lăng kính tình yêu. Đức Giêsu Kitô là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài thương yêu nhân loại và Ngài xuống thế làm người để cứu nhân loại. Chúng ta có nhận ra Đấng Cứu Thế và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta hay không?


Thấy Hài Nhi

Khi những nhà đạo sỹ đến Bethlehem và nhìn thấy Hài Nhi Giêsu, chắc hẳn họ đã không nhìn thấy một em bé có hào quang lộng lẫy và ánh sáng tỏa chiếu khác thường để nói cho họ biết đó là Vua trời đất và là Con Thiên Chúa. Trái lại bằng con mắt nhân loại, họ cũng chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu Hài Đồng như một em bé đơn sơ yếu đuối, bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Họ chỉ nhận ra Hài nhi Giêsu là Con Thiên Chúa, là ánh sáng thế gian nhờ con mắt của đức tin.

Chúng ta thấy có một sự liên hệ gần gũi thật đẹp với những nhà Đạo Sỹ. Họ đại diện cho chúng ta là những người ở các thế hệ sau vẫn tiếp tục trong cuộc hành trình đức tin đi tìm gặp Đấng Cứu thế. Từ đâu đó lóe lên trong chúng ta một sự hiểu biết và một ước muốn đi tìm chân lý. Chúng ta cũng là những người đang nhìn và bước đi trong ánh sáng đức tin trong mọi nẻo đường của cuộc đời, khi vui cũng như khi buồn, khi cô đơn đau khổ cũng như lúc hạnh phúc vui tươi; khi thành công cũng như lúc thất bại; khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau. Chúng ta đang là những nhà đạo sỹ, những người khôn ngoan của thời đại đi tìm gặp Đấng Cứu Thế và làm sáng tỏ sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Chúng ta có vai trò phải đóng và nghĩa vụ phải chu toàn; đó là làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi nẻo đường của cuộc sống bằng cách luôn biết tìm hiểu và đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta để tiếp tục công việc của Ngài. Thêm vào đó, những nhà Đạo Sỹ khôn ngoan đã không đến gặp Chúa với đôi bàn tay trắng, nhưng họ đã đến với những lễ vật đặc biệt quý giá biểu tượng cho sự dấn thân và quy phục của họ đối với Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa lễ vật bằng sự dấn thân hy sinh của chính chúng ta và những sản vật do tay chân và công sức của chúng ta để nói lên sự quy phục đối với Đức Kitô Đấng Cứu Thế của chúng ta.


Lời Mời Gọi của Lễ Hiển Linh

Do đó, Lễ Hiển Linh không phải là chỉ là lễ nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà thôi; trái lại lễ Hiển Linh cũng còn là một lời mời gọi chúng ta chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa nơi cuộc sống của mỗi người. Là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi trở nên chính sự bày tỏ của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình yêu. Do đó bằng một cách nào đó, tất cả mọi tình yêu đều bày tỏ Thiên Chúa. Đây chính là lý do và ý nghĩa làm Kitô hữu: Bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc chúng ta dấn thân quyết tâm sống yêu thương. Thiên Chúa vẫn luôn luôn vô hình cho tới khi được chúng ta bày tỏ Ngài qua những cử chỉ và lối sống yêu thương của chúng ta đối với nhau.

Bạn và tôi chúng ta có bằng lòng chấp nhận cái ách làm Kitô hữu như thế hay không? Chúng ta có bằng lòng làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa được bày tỏ qua lối sống yêu thương hay không?

Trích Người Tín Hữu