Thầy ban Bình an cho anh em

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

“Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27). Đức Giêsu ám chỉ đến bình an nào trong đoạn Tin mừng này? Ngài không nói tới một sự bình an bề ngoài, chủ yếu là không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau. Ngài nói đến sự bình an đó trong những dịp khác, chẳng hạn khi nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Ngài nói đến một sự bình an khác, bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Điều này thật rõ ràng nơi lời nói mà Đức Giêsu thêm vào liền theo đó trong đoạn văn này của thánh Gioan: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại. Một tỉ giọt nước bẩn chẳng làm nên một đại dương trong sạch và một tỉ tâm hồn xao xuyến không đem lại bình an cho nhân loại.

Từ Đức Giêsu sử dụng là “shalom.” Người Do Thái chào chúc lẫn nhau với lời này và vẫn còn làm thế; chính Đức Giêsu đã chào các môn đệ với lời này vào buổi chiều Phục sinh và truyền cho các môn đệ chào hỏi dân chúng cùng cách thức như thế: “Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: 'Bình an cho nhà này“ (Lc 10,5-6).

Để hiểu ý nghĩa của sự bình an mà Đức Kitô ban tặng, chúng ta cần nhìn vào Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, “shalom” còn hơn là tình trạng vắng bóng chiến tranh hay không mất trật tự. Nghĩa tích cực là hạnh phúc, nghỉ ngơi, xác tín, thành công, vinh quang. Quả thế Kinh Thánh nói đến “bình an của Thiên Chúa” (Pl 4,7) và “Thiên Chúa của bình an” (Rm 15,32). Bình an không chỉ có nghĩa là điều Thiên Chúa ban nhưng còn là điều Thiên Chúa là. Trong một bài thánh ca, Giáo hội gọi Ba Ngôi là “đại dương của bình an.”

Điều đó nói với chúng ta rằng sự bình an của tâm hồn mà tất cả chúng ta khao khát không bao giờ có thể được chiếm hữu trọn vẹn và bền vững nếu không có Thiên Chúa, bên ngoài Người. Trong “Thần Khúc” Dante Alighieri đã tổng hợp tất cả những điều đó trong câu này mà mọi người xem là hay nhất trong tác phẩm của ông: “Trong thánh ý Ngài là sự Bình an của chúng con.”

Đức Giêsu cho chúng ta hiểu điều gì đối nghịch với bình an – lo lắng, xao xuyến, sợ hãi: “Anh em đừng để lòng mình xao xuyến.” Nói thì dễ -- có người sẽ phản đối. Làm thế nào để xoa dịu nổi băn khoăn, bất an, lo lắng đang dày xéo tất cả chúng ta và không cho chúng ta vui hưởng bình an? Một vài người do bởi tính khí dễ dàng bị tác động hơn những người khác. Nếu có nguy hiểm nào, họ thổi phồng lên gấp ngàn lần, nếu có khó khăn nào, họ coi như núi. Bất cứ điều gì cũng có thể là nguyên nhân của lo lắng.

Tin mừng không hứa ban một phương thuốc cho tất cả những vấn đề ấy; tới một mức nào đó, chúng là thành phần của thân phận con người, hứng chịu những sức mạnh và hiểm nguy to lớn hơn chúng ta nhiều. Nhưng Tin mừng chỉ ra một phương thuốc. Chương mà đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay trích từ đó bắt đầu như sau: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tin vào Thiên Chúa, đó là phương thuốc.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một cuốn sách được ấn hành dưới đầu đề “Những lá thư cuối cùng từ Stalingrad.” Đó là những lá thư của các binh sĩ Đức đang chờ đợi cuộc tấn công cuối cùng của quân đội Nga vào Stalingrad, tại đây tất cả họ đều bị giết. Những lá thư đã được gởi đi trên chiếc máy bay cuối cùng đã tẩu thoát khỏi thành phố. Trong một lá thư, tìm thấy khi cuộc chiến kết thúc, một người lính trẻ viết cho cha mẹ: “Con không sợ chết. Đức tin ban cho con sự xác tín đẹp đẽ ấy.”

Giờ đây, chúng ta biết điều chúng ta muốn chúc cho người khác trong Thánh lễ khi ban bình an. Chúng ta chúc cho nhau hạnh phúc, sức khỏe, mối tương quan tốt với Thiên Chúa, với chính mình và với người thân cận. Nói cách khác, chúng ta chúc cho nhau một trái tim tràn đầy “bình an của Đức Kitô vượt trên mọi hiểu biết.”

Phan Du Sinh chuyển ý