Niềm tin Việt Nam: Cây nho và hạt gạo

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Đường mùa thu, Nguyễn Trung Tây
Tháng Mười, trời chuyển màu xanh sang màu xám. Thu về, bầu không khí lành lạnh kéo tới thổi tung bay những chiếc lá phong vàng tươi trong sân vườn của hai vợ chồng. Nhìn lá phong vàng che phủ kín mặt đất, vợ lắc đầu,

— Khổ rồi! Chồng tôi lại phải cong lưng trên sân vườn hốt đống của nợ.

Chồng phản đối ngay,

— Ê, tui cũng không có qưởn đâu nhé. Không phải chỉ có một mình ai đó đi cày, còn người kia nằm ở nhà đi ra đi vào bẩy nghề thất nghiệp. Tui cũng đi làm như ai, đầu tắt mặt tối. Cho nên mùa thu về, tình nghĩa vợ chồng không chỉ là đầu ấp tay gối, mà còn là…

— Còn, còn là cái gì?

Chồng tỉnh bơ đọc bài thơ tự chế,

— Còn là, “Thu về, vợ quét lá vàng. Chồng buồn đứng ngó, thương nàng cực thân”.

Vợ sờ vào trán chồng,

— Để em “dzờ dzờ” xem coi trán của anh có mát hay không?

Chồng giãy lên như phải bỏng,

— Anh lạy em! Đừng có dê đạo lộ như vậy nhé!

Vợ cười tỉnh,

— Đừng có mà ăn mày mà lại mơ xôi gấc. Em chỉ muốn chẩn mạch xem coi anh hồi xưa có sanh ngược hay không, mà sao ăn nói nghe nó ngượng ngùng, ngược ngạo làm sao. Bài thơ con cóc của anh phải đọc cho nó chính xác là như thế này, “Thu về, chồng quét lá vàng. Vợ buồn đứng ngó, thương chàng cực thân”.

Chồng sửa lưng vợ,

— Người đẹp ơi! Đụng tới tác quyền rồi. Dám lấy thơ của người ta ra xài không buồn xin phép. Tội đó đền chưa xong lại phạm tiếp sang tội thứ hai là tội dám sửa lời thơ của tác giả. Cái này là đụng chạm nặng rồi đó nhé. Bây giờ mà mang nàng ra gặp quan tòa là đời nàng lúa…

Vợ thách thức,

— Anh muốn một mình nuôi thằng Bòn với con bé Bon thì xin mời cứ tự nhiên… Đằng này vác chiếu theo hầu.

— Tui ngán ai mà không dám… Nhưng thôi, cũng phải tha thứ, bởi vì Chúa dạy phải tha tới bẩy mươi lần bẩy cơ mà. Rõ là khổ! Ai biểu tôi sinh ra làm người Công Giáo.

Vợ chộp lấy cơ hội ngàn vàng,

— Amen. À! Mà quên, em có phải vỗ tay khen hay không?

Chồng lắc đầu cười,

— Không! Em không phải làm chi hết. Nom nom và nghe nghe chồng em giảng đạo là được rồi. Nhưng nói chơi vậy thôi, chứ anh là người yêu vợ nhất trên trần gian, ai nỡ để vợ còng lưng hốt lá vàng?

Chồng nhìn lên bầu trời xám xịt,

— Mùa thu ở đâu thì cũng đẹp. Nhưng ước chi lá đừng có vàng thì đỡ khổ bao nhiêu. Hồi xưa lúc chưa có nhà, hai đứa sống ở căn apartment, anh yêu mùa thu hơn, bởi vì không phải quét lá vàng.

Vợ phản đối,

— Mùa thu mà, lá phải đổi màu xanh sang màu vàng thì mới là mùa thu chứ.

Vợ cúi xuống, nhặt lên chiếc lá phong màu vàng tươi cầm trên tay,

— Lá vàng mùa thu làm em nhớ tới bài Phúc Âm Chúa ví Ngài với cây nho. Chúa nói nếu cành nho mà lìa cây là cành nho héo tàn. Mà em không hiểu tại sao Chúa lại ví mình với cây nho nhỉ? Tại sao Ngài lại không so sánh mình với cây xoài, cây bưởi, hay là cây nào khác?

— Người đẹp ơi! Đừng có quên Đức Giêsu là người Do Thái, chứ Ngài đâu có phải là người Việt Nam để mà có vụ cây xoài với cây bưởi ở đây.

Vợ lườm chồng,

— Chưa chi mà đã ra vẻ ta đây rồi. Nói như anh, nếu vậy ở bên Do Thái cây nho mọc lềnh khênh như cỏ dại hay sao?

— Anh đã qua đất thánh bao giờ đâu để mà biết ở bên đó cây nho mọc lềnh khênh như cỏ dại. Nhưng theo như anh biết cây nho trong văn hóa Do Thái là một biểu tượng cho vùng đất hứa (Psalm 80:8), cho nên mình mới thấy Đức Giêsu dùng cây nho để diễn tả mối liên hệ mật thiết và cũng là sinh tử giữa Thiên Chúa và con người. Mật thiết ở đây là như cành liền cây, sinh tử ở chỗ là nếu không có Thiên Chúa làm thân cây ban phát nhựa sống, cả cành và cả lá đều úa tàn và chết khô.

Vợ tươi nét mặt,

— Hèn chi em thấy Chúa Giêsu cứ hay dùng dụ ngôn vườn nho, người làm vườn nho, và người con của ông chủ vườn nho (Matt 20:1-16, 21:33-42)… Bây giờ mới hiểu tại sao.

Chồng gật đầu,

— Đúng rồi! Nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều thí dụ khác về nét Do Thái của Đức Giêsu mà thôi. Tân Ước còn minh họa rất nhiều nét Do Thái khác của Ngôi Hai Thiên Chúa. Bây giờ anh hỏi em câu này để xem coi vợ của tôi có thông minh hay không nhé. Em còn nhớ câu nói nổi tiếng “Ta là bánh hằng sống” của Đức Giêsu chứ gì? Đố vợ tôi biết bánh ở trong câu nói này là bánh chi vậy? Em mà trả lời được là anh sẽ săn tay áo lên hốt sạch đống lá vàng này cho em liền đó. Còn nếu em mà cứ lúng ta lúng túng như mèo ăn vụng bột thì anh sẽ để một mình em tự do mình ên, muốn làm chi thì làm với cái vườn ngập lá vàng này.

Nghe chồng hỏi, vợ yên lặng, vầng trán trán nhăn nhăn thoáng nét suy tư,

— Em nghĩ chắc bánh này là bánh của cây lúa miến?

Chồng lắc,

— Không phải.

— Nếu vậy bánh này là Mình Thánh Chúa mà mình nhận được qua bàn tay của vị linh mục trong thánh lễ.

Chồng vừa gật vừa lắc,

— Đúng mà cũng không hoàn toàn đúng cho lắm. Cho em biết chữ bánh ở trong câu này có liên quan đến lương thực, đến thức ăn hằng ngày của người Do Thái đó.

— Anh muốn nói đến bánh mì?

Chồng giơ tay lên trán trong tư thế như đang chào, gật đầu,

— Yes, ma’am. Bánh này là bánh mì đó. Gớm! Vợ tôi vừa đẹp lại vừa thông minh nhỉ, vừa được cả thanh lại còn được cả sắc. Thế mà cứ kêu ca càm ràm là Chúa chỉ bố thí cho con được có một nén à, còn Chúa rộng tay ban phát dư dả năm nén, mười nén cho khắp cùng thiên hạ.

Chồng nghiêm trang giải thích,

— Theo như anh biết người Do Thái không ăn khoai tây, dù là khoai tây hấp trộn với mè hay khoai tây đánh tan thành bột có trộn bơ; không, họ không có ăn khoai! Mà người Do Thái cũng không ăn cơm, dù là cơm tấm hay là cơm chiên, cơm gạo nàng Hương hay là xôi gạo nếp Một; không, họ không có ăn cơm! Nhưng người Do Thái họ ăn bánh mì. Em còn nhớ hồi xưa trong sa mạc người Do Thái được Giavê Thiên Chúa vào mỗi sáng sớm cho mưa trời Manna rơi xuống đất sỏi trong sa mạc để họ lấy những bột mì Manna làm bánh mì ăn hay không? Hay là em còn nhớ câu chuyện Đức Giêsu làm phép lạ biến năm ổ bánh mì ra con số hằng nghìn hằng vạn để nuôi đám đông trong sa mạc hay không? Nhớ chưa? Gật gật đầu như vậy là nhớ rồi, phải không? Anh hỏi em, tại sao hồi đó Chúa lại không làm phép lạ mưa khoai tây cho dân du mục Do Thái trong sa mạc, hoặc là cơm tấm cho đám đông hơn năm nghìn người trong hoang địa?

Vợ chép miệng,

— Thì bởi vì dân du mục trong sa mạc là người Do Thái và Đức Giêsu cũng là người Do Thái. Nhưng mà anh thấy có mấy ai mà để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như vậy.

Chồng nhún vai,

— “Có mấy người mà để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như vậy”, em nói như vậy mà không sợ Chúa buồn thiu trên cây thánh giá. Mình làm người Công Giáo nhưng mù lòa Lời Chúa thì cũng giống y như sẩm đi xem voi mà thôi. Kẻ nói cái vòi là con voi, người nói cái tai mới là voi. Đặc biệt trong câu tuyên bố bất hủ “Ta là bánh hằng sống” của Đức Giêsu mà không hiểu chữ bánh ở trong câu này là bánh gì thì cũng giống như hai vợ chồng mình, anh nói một đàng em hiểu một nẻo. Anh nói em quét lá vàng, em thì lại ù ù cạc cạc cứ y như vịt nghe sấm. Đến là chán!

Vợ cản lại ngay,

— Anh đừng có nói ngược. Phải nói là giống như hai vợ chồng mình, em nói một đường, anh làm một nẻo thì đúng hơn.

Chồng giơ cao hai tay,

— Thôi, thôi, được rồi. Em đúng! Em lúc nào cũng đúng.

Vợ lắc đầu, cười nho nhỏ,

— Không, em không muốn nói là lúc nào em cũng đúng. Nhưng trong trường hợp này thì em đúng. Nhưng mà thôi, quay lại chuyện bánh hằng sống đi. Nói theo như anh, nếu Đức Giêsu sinh ra làm người Nga, Ngài đã nói, “Ta là khoai tây hằng sống”, và nếu Đức Giêsu sinh ra làm người Việt Nam, Ngài đã nói, “Ta là cơm hằng sống”, có đúng hay không ông xã của tôi?

Chồng né sang một bên,

— “Ông xã của tôi”. Sao tự nhiên lại ăn nói nghe ngọt ngào cứ như nước mắm củ kiệu chan vào đĩa cơm tấm sườn thịt nướng thế kia? Có chuyện chi cần đến tui hay không mà sao tự nhiên lại đổi sang đài 1400 AM, Chương trình Ngọt Ngào Lời Ăn Tiếng Nói. Nhưng mà người đẹp nói đúng rồi. Nếu mà Đức Giêsu sinh ra làm người Việt Nam, Ngài đã nói, “Ta là Cơm hằng sống”, bởi vì người Việt Nam không ăn bánh mì, mà là ăn cơm. Không có gạo, không có cơm thì ai tui không biết, chứ hai vợ chồng nhà mình thì đi bán muối ngay.

— Em cũng đồng ý với anh, bởi vì hồi còn nhỏ cứ mỗi lần khám phá ra gạo đã cạn đáy lu, em nói với mẹ, “Mẹ ơi! Nhà mình hết gạo rồi”, thì em nhớ lúc đó mặt mẹ em tái xanh; nhất là vào cái thời mà bố em đi cải tạo, một mình mẹ em loay hoay chạy gạo từng bữa nuôi đủ bẩy người con…

— Vậy là em hiểu điều Đức Giêsu muốn nói rồi đó. Không có Chúa hiện diện trong tâm hồn của mình, thì mặt mũi linh hồn của mình cũng sẽ xanh, không phải là màu xanh của “Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi” hay là “Khi ta yêu, trái tim ta màu xanh” của cố nhạc sĩ Nhật Trường đâu, nhưng là cái xanh lét của người chết đói năm Ất Dậu 1945.

— Anh làm em một chợt nhớ tới một bộ phim nói về cảnh chết đói năm Ất Dậu. Đoạn làm em nhớ nhất trong bộ phim là đoạn mà cảnh Sở Vệ Sinh Hà Nội đang khiêng một người gần chết đói ra xe chở xác mang đi chôn. Ông này thì gầy ơi là gầy, gầy trơ xương trơ thịt, lại gần chết rồi. Thế mà khi nhân viên Sở Vệ Sinh đang khiêng ông ta ra xe xác, ông này cứ mở miệng thều thào năn nỉ, “Con chưa chết, xin đừng chôn con! Con chưa chết, xin đừng chôn con”…

Chồng nói chen vào,

— Người đẹp ơi! Không cần phải coi đoạn phim đó thì mình mới thấy cảnh chết đói. Anh nghĩ nếu không có Đức Giêsu, Cơm Hằng Sống, thì hai vợ chồng mình cũng sẽ giống như người chết đói năm Ất Dậu mà thôi. Không có Cơm Trời, vợ chồng mình cũng sẽ rút hết thịt da, gầy trơ xương trơ thịt, mở miệng năn nỉ với ma quỷ là, “Con chưa chết, xin đừng chôn con”…

Vợ nhăn nhăn mặt,

— Khiếp! Anh nói nghe thấy mà sợ.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, hồi xưa, bởi có Thiên Chúa làm Manna rơi xuống đất cát sa mạc, người Do Thái đã không chết đói trên cuộc hành trình bốn mươi năm tiến về đất hứa; hồi xưa, bởi có Thiên Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong hoang địa, người Do Thái có bánh mì hằng sống ăn no nê, ăn dư thừa. Cám ơn Chúa đã làm Cơm Trời nuôi sống chúng con trong ngày hôm nay. Lạy Chúa, xin hãy tiếp tục làm Cơm Trời để linh hồn chúng con không chết đói xanh xao, nhưng trưởng thành khỏe mạnh bước đi những bước vững chắc với đời sống trần gian và đời sống đức tin.

www.nguyentrungtay.com