Hôm nay thứ Năm 22/3/2007 tại Rôma sẽ diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Hồi Giáo trong bối cảnh Trung Á và vùng Caucas: diễn tiến Chính Trị Xã Hội” do Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô và tòa đại sứ Ba Lan cạnh Tòa Thánh phối hợp tổ chức. Diễn giả chính trong cuộc hội thảo này là ba giáo sư Jacek Cichocki, Maciej Falkowski và Krzysztof Strachota thuộc học viện Đông Phương Học của Ba Lan.

Trong khi thế giới hướng về Iraq và quy trách cho Hoa Kỳ đã gây ra một làn sóng bành trướng chủ nghĩa Hồi Giáo quá khích trong vùng, người ta không mấy để ý rằng theo sau sự tan rã của Liên Bang Sô Viết, các nước phương Tây đặc biệt là Âu Châu đã vì lợi nhuận trong quan hệ buôn bán với Nga mà bỏ lơ không đề cập đến vấn đề nhân quyền và mặc tình cho Nga phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối với các phong trào đòi độc lập trong vùng Caucas. Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Cichocki, chủ nghĩa Hồi Giáo quá khích đã phát triển vũ bão trong toàn vùng Trung Á và Caucas.

Học Viện Đông Phương Học của Ba Lan chủ trương rằng vùng Trung Á và Caucas nằm ngay trung tâm Á Âu và tiêu biểu cho điểm gặp gỡ giữa Châu Âu, Nga, Trung quốc và thế giới Hồi Giáo.

Hồi Giáo quá khích tại Trung Á
Với sự sụp đổ của Liên Sô, nhiều quốc gia độc lập đã giành lại được chủ quyền như Georgia, Armenia và Azerbaijan ở Nam Caucas; và Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan ở Trung Á. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Sô cũng đánh dấu sự khai sinh chủ nghĩa quốc gia trong nhiều nước cộng hòa Bắc Caucas vẫn còn nằm trong đường biên giới của Nga. Những dân tộc này trong nhiều phương diện gần gũi hơn với miền Nam Caucas và vùng Trung Á hơn là phần còn lại của Liên Bang Nga.

Vùng này đã trở nên khu vực tranh giành ảnh hưởng giữa Nga, Hoa Kỳ, Trung quốc, và các thế lực trong vùng như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, phương Tây đã đóng một vai trò rất mơ hồ trong việc kêu gọi dân chủ và nhân quyền. Thông thường, quyền lợi kinh tế chi phối mọi hoạt động của Tây Phương trong vùng.

Trong bối cảnh đó, Hồi Giáo, đặc biệt là thứ Hồi Giáo quá khích đã phát triển mạnh đến mức chính phủ các nước trừ Georgia và Armenia đều coi mình là quốc gia Hồi Giáo.

Theo truyền thống các cộng đồng Hồi Giáo trong vùng thường có quan hệ cởi mở với Chính Thống Giáo, đặc biệt là dưới thời Liên Bang Sô Viết. Sự tan rã của Liên Sô đã có một hệ quả tức khắc là việc nhập các nước trong vùng vào Isamic Ummah – Vương Quốc Hồi Giáo và vì thế ảnh hưởng mạnh đến tình hình trong vùng, đặc biệt tại A Phú Hãn và Iraq.

Sự thất bại của Nga trong cuộc tranh chấp tại Chechnya và những sai lầm trong việc đàn áp các phong trào quốc gia trong vùng đã tạo nhiều thuận lợi cho sự lớn mạnh của Hồi Giáo trong vùng. Nhiều nơi căng thẳng đã lên tới cực điểm như tại thành phố Uzbek của Andijan (5/2005) và tại thành phố Nalchik ở phía Bắc Caucas(10/2005). Chính quyền địa phương đã thẳmng tay đàn áp trong khi Tây phương giới hạn trong phạm vi chỉ đưa ra các tuyên cáo phản đối.

Học Viện Đông Phương Học của Ba Lan cho rằng “ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, xã hội, và kinh tế thúc đẩy các trào lưu Hồi Giáo cực đoan không có khuynh hướng giảm sút và người ta cần chuẩn bị tâm lý để thấy tình hình trong vùng càng ngày càng mất ổn định”