Bên giường bệnh Linh Mục Hoài Ðức, tác giả “Cao Cung Lên” (Kỳ II)



Kỳ II: Một đời để phụng sự, một thời để nhớ

LTS.- Một cộng tác viên của Nhật Báo Người Việt tại Việt Nam đã đến Khu Hưu Dưỡng Linh Mục Hà Nội (nơi đã từng cưu mang chủng sinh Hà Nội hồi di cư vào Nam năm 1954), để thăm Linh Mục Hoài Ðức, tác giả bài thánh ca “Cao Cung Lên.” Vào ngày ấy, người phụ trách cho biết, nhà hưu có 11 linh mục nhưng hôm nay có lễ giỗ nên chín linh mục mạnh khỏe đi dâng lễ, hiện nhà chỉ còn hai cha già bệnh nặng, không đi được; một trong hai người là Linh Mục Hoài Ðức (tên thật là Giuse Lê Ðức Triệu, sinh năm 1922) ở ngay phong đầu dãy C (phòng 01C). Trong số báo hôm nay, chúng tôi tiếp tục đăng tải phần hai của bài viết về Linh Mục Hoài Ðức, nhấn mạnh về âm nhạc của ngài, đặc biệt là hoàn cảnh sáng tác nhạc phẩm “Cao Cung Lên.”

SÀI GÒN - Chính những ca khúc giản dị, di vào lòng người từ các bài thánh ca, nói riêng những sáng tác của Linh Mục Hoài Ðức đã hun đúc, nuôi dưỡng lòng đạo đức của bao người, bao thế hệ. Ông Lê Ðình Bảng đã từng viết: “Thủa nứt mắt, lớn lên tôi được hát thánh ca, thứ âm nhạc cách tân bằng tiếng mẹ đẻ. Ði đến đâu, ở bất cứ cộng đoàn nhà thờ xứ đạo, tôi đều được nghe, được thấy, được hát, được sống, được cảm nhận, được rung động đến ngây ngất của thánh ca. Nếu cơm gạo đã nuôi lớn tôi phần xác thì lời ru, tiếng đàn bầu của cha và thánh nhạc thánh ca nhà thờ xứ đạo đã nuôi tôi phần hồn... Xin cảm ơn các nhạc sĩ Công Giáo, các nhạc sĩ Công Giáo Việt Nam, xin cảm ơn riêng Linh Mục Nhạc Sĩ Hoài Ðức - qua những bài thánh ca phụng vụ - đã giữ gìn tôi, đã giúp thân phận bèo bọt của tôi biết yêu nỗi cô đơn, biết sống trong lặng thầm khốn khổ, biết chạy đến với thiêng liêng.”

Linh Mục Hoài Đức sau 1975
Chúng tôi chào ngài ra về, khi bước ra khỏi phòng linh mục, tôi sực nhớ đến ca từ trong nhạc phẩm “Thân phận linh mục” (Hoài Ðức): “Linh mục là người nên người ơi âm thầm vào đời, âm thầm vào đời, âm thầm vào đời. Xin nhớ linh mục là người trần... người trần rồi sẽ bơ vơ. Người trần rồi sẽ cô đơn, sẽ chìm xuống trong tiếng kinh chiều bên bóng giáo đường đổ dài lê thê... Linh mục dù là người nhưng người ơi linh mục đời đời, linh mục đời đời...”

Thế ư, cha Hoài Ðức đã thấy trước, đã biết trước “thân phận linh mục” nhưng ngài chấp nhận và không quản ngại dấn thân. Dù thân xác úa tàn theo năm tháng, dù bệnh tật đã tiêu hao nhiều giác quan, sức khỏe, nhưng tôi tin, đức tin của ngài vẫn cường tráng, sống động như những lời ca bất hủ ngài cưu mang, sáng tác. Bằng chứng dù bệnh tật, đau yếu sáng sáng ngài vẫn ra dấu bảo cô cháu đẩy xe lăn để ngài được dâng hy tế tạ ơn.

Năm 1996, ông Lê Ðình Bảng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Linh Mục Hoài Ðức. Xin mạn phép đăng lại nội dung cuộc phỏng vấn này.

Phỏng vấn tác giả “Cao Cung Lên”

PV: Cao Cung Lên là một hiện tượng, một trong những bản thánh ca Giáng Sinh được nhiều người biết, hát thuộc lòng và mến mộ nhất. Cha có thể cho biết thời gian sáng tác và cảm hứng lúc ấy?

Linh Mục Hoài Ðức (Lm. H.Ð.): Năm 1945, đại chủng viện Xuân Bích tạm đóng cửa, vì quân đội Trung Hoa trưng dụng cơ sở chủng viện để đóng quân, các chủng sinh phải sơ tán về nhà quê, địa phương gần đó. Tôi về Bút Ðông (Nam Ðịnh cũ - NV), xứ sở của linh mục bảo dưỡng tôi là Linh Mục Trần Tiến Ðức, và qua Noel năm 1945 ở đó. Cũng chính thời kỳ đó, tôi bắt đầu tập tễnh làm quen với sáng tác thánh ca. Một lần, tôi cùng với cộng đoàn giáo hữu đọc kinh chiều và làm giờ viếng hang đá vừa xong, giữa lúc mọi người về thì hồi chuông nguyện nổi lên. Lúc ấy tôi cũng đang bước trên bậc thang từ trên nền nhà thờ xuống sân bên ngoài, bỗng nhiên trong trí óc tôi nảy ra một cung điệu phảng phất âm thanh của tiếng chuông đang ngân vang trên tháp chuông. Tôi liền bước chậm lại và thả hồn theo tứ nhạc đó, khi xuống tới sân nhà thờ thì trong trí óc đã hình thành xong đoạn điệp khúc CCL. Ngay lúc đó, tôi về phòng riêng chép lại điệp khúc đó và phiên khúc 1 của bài hát thì nguồn cảm hứng tắt ngấm. Tôi liền đưa bản nhạc cho Nguyễn Khắc Xuyên xem, vì Nguyễn Khắc Xuyên cũng đang ở Bút Ðông. Nguyễn Khắc Xuyên khen tứ nhạc hay và hợp với bầu khí Noel, liền nhận lời đặt mấy phiên khúc sau. Nên người nào tinh ý sẽ nhận thấy ngay văn phong của những phiên khúc sau có đôi chút khác với văn phong của điệp khúc và phiên khúc 1.

PV: Ðấy là trang mở đầu của những bài thánh ca bằng tiếng Việt. Như vậy, thưa cha, trong điều kiện còn manh nha, việc khơi dòng thật khó. Vậy chứ, trường hợp và động cơ nào thúc đẩy cha đến với thánh nhạc, thánh ca?

Lm. H.Ð: Có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên. Suốt 6 năm tu học ở tiểu chủng viện Latinh Hoàng Nguyên, tôi không có gì xuất sắc về âm nhạc. Cũng có được tập đàn harmonium vài năm, sau vì kém mắt nên xin thôi. Tiếng thì khàng khàng, đục đục, lại ương ương, không thể hát hay được. Năm 1945, vì thời cuộc phải tạm nghỉ học triết lý ở đại chủng viện Xuân Bích, tôi về với cha nuôi xứ Bút Ðông, có Nguyễn Khắc Xuyên vốn quen biết Hùng Lân rồi. Tôi chưa có ý niệm gì về việc sáng tác nhạc cả. Nhưng chỉ có tấm lòng ước ao khao khát hòa bình cho đất nước, trước mắt là mong có hòa bình để mau được về tiếp tục học tại đại chủng viện. Với tâm tình đạo đức cầu nguyện đó, và với cái vốn ít ỏi hiểu biết về nhạc lý cộng với chút hiểu biết sơ đẳng về tư tưởng thần học, tôi nghêu ngao mấy câu để cầu nguyện xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu ban cho đất nước Việt Nam được hòa bình. Khi đã thành hình một bài hát, tôi ghi lại và đem gởi cho anh Hùng Lân làm lễ ra mắt để xin gia nhập nhạc đoàn. Cũng vì thế mà lúc đầu bài hát ấy như sau: “Giêsu, dưới chân Chúa con sấp mình, muôn vàn thiết tha dâng lòng thờ kính. Lòng còn tha thiết tháng năm sống đời an ninh. Chúa ơi nỡ tâm ngoảnh mặt làm ngơ sao đành.” Ðến sau tôi phải sửa lại thế này: “Giêsu, chúng con tới đây sấp mình, chân thành dâng Chúa tấm lòng thờ kính, đoàn con mong ước tháng năm sống đời an ninh, Chúa ơi hãy ban xuống cho Việt Nam thanh bình.”

Ðược anh Hùng Lân khích lệ và chỉ dẫn dần dần, tôi bước vào con đường sáng tác từ đấy, nhưng vẫn không có ý sống trong âm nhạc, và chỉ sáng tác những khi nào có hứng thực về chủ đề nào này ra trong trí óc, và tâm hồn sống với chủ đề đó. Không ham muốn sáng tác nhiều bài.

PV: Cha có thể phác họa lại hoàn cảnh lịch sử và những năm đầu của thánh nhạc thánh ca Việt Nam?

Lm. H.Ð: Có khi phải lấy thời điểm năm 1940. Trước thời điểm đó chưa có thánh nhạc Việt. Khi nói đến thánh nhạc là phải nói đến những bài hát trong phụng vụ. Mà tất cả nền phụng vụ bấy giờ đều được cử hành bằng tiếng Latinh. Thánh Lễ, chầu Thánh Thể phải đọc hay hát bằng tiếng Latinh. Những bài hát đều lấy từ cuốn Paroissien Romain hay cuốn Cantus Pro Festis Solemnioribus, hoặc là cuốn Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, và trong giờ chầu Thánh Thể thì hát những bài in trong sách Cantus Selecti Ad Bennedictionem, hoặc cuốn cantus ad Bennedictionem (quen gọi là cuốn Biton). Ðôi khi được hát những bài không phải là tiếng Latinh thì hát bài bằng tiếng Pháp, chủ yếu là lấy trong cuốn Cantiques de la Jeunesse. Còn những bài hát bằng tiếng Việt thì chưa có, hay nói cách khác là chưa có ai làm ra cả. Trong miền Nam có cha Phaolô Quy và Phaolô Ðạt có làm một ít bài: “Thanh niên với Ðức Mẹ”, “Thanh niên với Chúa Hài Ðồng”, tập cho các chủng sinh Latinh Hoàng Nguyên, hát được một vài lần rồi cũng rơi vào quên lãng.

Năm 1943 hay 1944, có một linh mục cao tuổi, quen gọi là Cha Già Vượng, ở xứ Nam Ðịnh, một mình đã cho ấn hành những 10 cuốn thánh ca, gồm có những bài ca lấy cung điệu ở những bài ca tiếng Pháp, hay tiếng Latinh, còn lời ngài đặt bằng tiếng Việt Nam, giọng văn đơn sơ, mộc mạc, đã được phổ biến mạnh trong một tời gian.

Còn kể đến bài hát bằng tiếng Việt Nam mà chưa được hát chính thức trong nhà thờ thời ấy, là bộ Vãn Dâng Hoa, được các hội dâng hoa các nơi sử dụng trong mùa hoa Tháng Năm. Nhưng không phải là các bài thánh ca phụng vụ, chỉ hát để dâng hoa kính Ðức Mẹ. Có nhiều bộ Vãn Dâng Hoa, ở địa phận Hà Nội thì khác, ở Bùi Chu thì lại khác. Có khi trong một địa phận, mỗi xứ hát một hay hai Vãn Dâng Hoa khác nhau, đặc biệt về ngôn từ và cung điệu.

Tóm lại, các nghi lễ thời ấy đều làm bằng tiếng Latinh, với linh mục chủ tế trên bàn thờ, còn giáo dân chỉ biết đọc kinh, ngắm lễ bằng tiếng Việt, chứ hát lời kinh bằng tiếng Việt thì chưa có, ngoại trừ Ca Vãn Dâng Hoa.

Rồi vào năm 1940 trở đi, đã xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn, nghĩa là do người Việt Nam soạn cả phần nhạc và lời, như Lê Thương với bài Ðàn Xuân, Ðặng Văn Hân với bài Men Cùng Sườn Non, Thẩm Oánh với bài Tâm Hồn Anh Tìm Em, rồi tới những bài hát hướng đạo của nhóm Hoàng Quý, như Trên Sông Bạch Ðằng, Lửa Rừng Ðêm, Nhớ Quê, tiếp những bài ca ái quốc như Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, Tiếng Quân Ca của Văn Cao, nung nấu lòng yêu nước của mọi người nhất là những thanh niên có học. Ðang lúc ấy, Hùng Lân với Thiên Phụng là những thanh niên vào lứa tuổi 20, đã nghĩ ngay đến việc tập hợp một số anh em để thành lập một nhạc đoàn chuyên soạn ra những bản thánh ca hoàn toàn Việt Nam thay cho những bài thánh ca tiếng nước ngoài như trước, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập tự do của người Việt Nam, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời từ đó.

PV: Cha có thể nhớ lại một số tác phẩm mà cha đã sáng tác từ thủa ban đầu cho đến ngày hôm nay?

Lm. H.Ð: Vì có chủ trương không ham sáng tác nhiều nên tôi nhớ mang máng con số những bài hát tôi sáng tác chỉ vào chừng 80 bài thôi; còn một số bài tôi đã nháp rồi thấy không ưng ý hay không thích nữa thì tôi bỏ luôn, cũng vào khoảng ba bốn chục bài nữa. Tôi nói thêm rằng: Thời gian sáng tác nhiều nhất là thời gian học ở đại chủng viện, “ăn cắp” giờ học riêng để làm bài hát. Nhưng luật chủng viện không cho phép, các cha giáo sư nghiêm ngặt về vấn đề đó, thậm chí đã có cha giáo khám túi chủng sinh xem có tờ giấy nháp nào về bài hát không. Ðến khi làm linh mục rồi, ra làm việc mục vụ thì rất ít có cơ hội để sáng tác cho ra hồn nữa. Ðó là kinh nghiệm của riêng tôi thôi.

Ghi chú:

Bài viết này có sử dụng tư liệu trong sách lưu hành nội bộ “Thánh Ca Hoài Ðức - Một Thời Ðể Nhớ,” được ủy quyền sở hữu cho ông Phanxicô Assidi Lê Ðình Bảng.