DÒNG MẾN THÁNH GÍA HUẾ ĐÓN SINH VIÊN CÔNG GIÁO
HUẾ -- Học hỏi, chia sẻ và cầu nguyện là những sinh hoạt nổi bật nhất trong ngày gặp gỡ cuối Năm của Sinh viên Công giáo vào Chúa Nhật 28/1/2007 tại Tu Viện Dòng Mến Thánh Gía An Lăng, Huế, cách thủ đô Hà Nội 658 Kilômét về phía nam. Một chị nữ tu lớn tuổi quả quyết rằng cả cộng đòan hy sinh cầu nguyện suốt tuần, nên trời Huế chiều nay chợt tạnh ráo và hừng lên nắng ấm để đón các bạn sinh viên. Đã có khoảng 670 Sinh viên Công Giáo đến từ các trường Đại học và Cao Đẳng Huế và Quảng Trị dến tham dự.
Trọng tâm của buổi gặp gỡ là bài chia sẻ sâu sắc của của Nữ tu Anna Trần thị Hồng Tuý, Tổng phụ trách Hội Dòng về ''Vai trò của Giáo luật trong đời sống của Giáo hội ''. Trích lời của Đ GP II từ Tông Hiến Sacrae Disciplinae Leges, chị nói: ''Bộ Giáo Luật rất cần thiết cho Giáo Hội. Xét vì được thiết lập như một đòan thể xã hội hữu hình, Giáo Hội cần có những quy luật để làm cho cơ cấu phẩm trật và hữu quan được rõ rệt, để việc thi hành chức phận mà Thiên Chúa trao phó...được tổ chức có trật tự...”
Chị cũng phân tích cho thấy trong ngôn ngự Việt, từ Giáo Luật – droit canonique - không chỉ gồm các luật của Giáo Hội – loi ecclésiastique - mà còn bao gồm cả những gì Thiên Chúa thiết lập gọi là “thiên luật”. “Thiên luật thì bất biến và luật của Giáo Hội thì có thể sửa đổi hay bãi bỏ.
Vị nữ tu 57 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ Giáo luật quốc gia tại Đại học Strasbourg ở Pháp, nhấn mạnh nhiều lần rằng trong Giáo Hội, luật lệ chỉ giữ vai trò phương tiện, chứ không phải cùng đích: “Ở chóp đĩnh, chị nói, là hồng ân cứu độ. Chúng ta đừng quên r8àng nguyên ủy và chủ động của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, chứ không phải là luật lệ, Vai trò của luật chỉ nhằm chuẩn bị cho con người có khả năng “tối thiểu” để đón nhận ân sủng hoặc thi hành đúng với ân sủng đã lãnh nhận”.
Đa số các bạn Sinh viên đều cho biết rằng họ chưa đuợc học về môn Giáo luật, vì môn học nầy theo họ chỉ dành riêng cho Tu sĩ.
Bạn Maria Nguyễn thị Thanh Tâm 23 tuổi, sinh viên năm 3 trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế cho biết, từ Mẫu giáo đến khi vào Trường Cao Đẳng, cô đều đã theo học các lớp Giáo lý, nhưng chưa nghe ai đề cập đến cụm từ Giáo luật theo nghĩa chuyên môn như bạn vừa được nghe hôm nay.
Tiếp đến là sinh hoạt theo nhóm. Xem ra đây là phần sinh hoạt sinh động nhất của Sinh viên Công giáo Huế, bởi vì mỗi người đều có cơ hội thực sự tham gia vào việc trao đổi, đào sâu mảng đề tài dành cho nhóm mình.
Chị Hồng Tuý cũng đã gợi ý một số câu hỏi để sinh viên thảo luận theo nhóm như sau: Bạn có khi nào nghe nói đến Giáo luật chưa? Đâu là sự khác biệt giữa Giáo luật và Dân luật? Giáo Hội lập luật với mục đích gì ? Giáo luật có quan trọng và cần thiết đối với đời sống Kitô hữu không? tại sao?.
Nhóm Sinh Lý Hoá và Môi trường cho biết: Nếu không có luật, chúng ta sẽ khó biết được mình làm đúng hoặc sai. Và hôm nay, hơn bao giờ hết, giữa một xã hội ngày càng phức tạp và rối rắm, chúng ta cần được Giáo Hội dẫn dắt và bản thân mẹ Giáo Hội cũng cần có những quy luật sáng suốt để dẫn dắt chúng ta. Cả nhóm kết luận rằng Giáo luật là ''kim chỉ nam'' hướng dẫn chúng ta trên con đường tìm gặp Chúa.
Nhóm Triết Luật đưa ra những điểm dị biệt giữa Giáo Luật và Dân Luật liên quan đến nguồn gốc, cách hình thành và mục tiêu nhắm tới. Nhóm cũng nhận định rằng có những trường hợp, cần phải can đảm tuân thủ Luật Chúa và Luật của Giáo Hội, mặc dù phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống.
Giải đáp cho những khúc mắc hay mâu thuẩn giữa Giao Luật và Dân Luật, Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Đặc trách Sinh Viên Công Giáo Huế đã khuyên các Sinh viên công giáo không nên coi thường Dân luật, bởi vì, trên nguyên tắc, Dân luật cũng phải được đặt nền tảng trên ''nhân phẩm'': mục tiêu của dân luật là nhằm bảo vệ công ích và công ích cuối cùng vẫn nhằm phục vụ con người đúng theo nhân phẩm. Đó cũng là lý do khiến Giáo Hội không ngừng nỗ lực đấu tranh và lên tiếng kêu gọi tất cả các Dân các nước hình thành những bộ Dân luật phù hợp với nhân phẩm, phù hợp với Thiên luật. Nhăc lại biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp Thủ tướng Viêt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng tại Vatican ngày 25/1/2007 vừa qua, cha đặc trách khẳng định đây quả là một tín hiệu tốt cho con đường cải cách luật pháp và hành chính giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thế giới. Tất cả Sinh viên đã vỗ tay chúc mừng cho sự kiện nầy.
Bầu khí thảo luận thật sôi nổi khiến cho người cầm chuông không thể nào ngắt được. Hai bạn MC sinh viên một nam một nữ lại giúp cho cử tọa “nổi Lửa lên” với những cử điệu dí dỏm, dễ thương tạo sự thân tình và gần gũi. Đặc biệt dịp này, nhóm 24 bạn sinh viên Công Giáo tại Quảng Trị trong số này có một bạn khuyết tật người dân tộc chỉ đi bằng đôi tay, nhưng luôn vui vẻ và hồn nhiên.
Và khi màn đêm vừa buông xuống, trong tiếng nhạc Xuân reo vui, tất cả các bạn trẻ chia sẻ với nhau những hộp cơm tối còn nóng ấm do những tấm lòng yêu sinh viên gửi tặng. Bổng có những tiếng vỗ tay vang lên đón Đức Tổng Giám Mục Têphanô đến chủ sự Giờ Tĩnh Nguyện và ban phép lành cuối năm cho Sinh Viên Công Giáo Huế.
Đọan phim về chuyến công du tìm về nguồn cội Đức Tin của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Thánh địa năm thánh 2000, nơi Ngài đã có dịp gặp gỡ hơn 100.000 bạn trẻ, như chuẩn bị cho tập thể sinh viên hiện diện ngày cuối năm này đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Suối Nguồn của Tình yêu và Sức sống.
Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt, quyền Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Huế, đã giúp các bạn sinh viên cầu nguyện thật sốt sắng với đọan Tin Mừng Lc 4, 21-30: “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh đã nói”. Mười bạn sinh viên đại diện cho các nhóm phân khoa đã đến quỳ trước Thánh Thể dâng lời cầu nguyện cho Giáo Hội, cho thế giới, cho Quê Hương, cho cha mẹ, bạn bè và cho bản thân...
Đáp từ những lời chúc mừng và tri ân dịp cuối năm học, Đức Tổng giám Mục đã thân tình gửi đến cha mẹ phụ huynh sinh viên Phép Lành cuối năm và lời chúc mừng đón xuân mới.
Dịp này, nhờ sự quan tâm của quý Hội Dòng, cha Đặc Trách và quý Ân nhân xa gần, sinh viên tại Huế đã có được niềm vui bốc thăm quà Xuân. Từng tràng cười giòn giã vang lên, mỗi khi có người trúng số. Hồi hộp nhất là khi người sinh viên gốc Nam Định mang số 333 đã trúng lô độc đắc là một chiếc xe đạp trị giá 700 ngàn đồng!
Buổi gặp gỡ đã được Nữ tu Anna Trần Thị Hồng Tuý khép lại bằng tâm tình tri ân và cảm nghiệm cuối ngày. Chị đánh giá cao về vai trò của người Sinh viên Công Giáo và ước mong sinh viên công giáo tại Huế sẽ ngày càng trưởng thành, sống một nếp sống có kỷ cương và đạo đức.
Buổi gặp gỡ cuối năm của sinh viên Huế thật tuyệt vời, bởi tất cả các sinh viên hiện diện hôm nay đều có ấn tượng tốt đẹp về sự vui vẻ đón tiếp nồng ấm và chan hoà tình yêu phục vụ vô vị lợi của tòan thể cộng đòan các nữ tu Mến Thánh Gía Huế. Ấn tượng tốt đẹp đó đã được khơi lên từ bài hò Lý Mười Thương với dàn nhạc đệm dân tộc thật công phu tới họat vũ “em được mẹ nuôi lớn và dạy dỗ để thành nữ tu Mến Thánh Giá”.
Được biết, dòng Mến Thánh Giá Huế đã được Đức Cha Lambert de la Motte thành lập từ năm 1719. Hiện nay, Hội Dòng Mến Thánh Gía Huế là Hội Dòng đông nhất trong 23 Hội Dòng Mến Thánh Gíá Việt Nam với 480 nữ tu khấn trọn và khấn tạm, 46 tập sinh, 49 thỉnh sinh và hơn 300 em đang ở vào các giai đoạn tìm hiểu. Hội dòng có trụ sở Nhà Mẹ tại 113 Trần Phú, Huế.
Các nữ tu của Hội Dòng hiện đang phục vụ tại các Giáo Phận: Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Xuân lộc, Bà Rịa, Nha Trang. Ngoài ra Hội Dòng còn 4 Cộng đoàn tại Ý và Pháp. Về đào tạo nâng cao, Hội dòng có hai học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đủ chỗ cho khoảng 60-70 nữ tu.