Mona Lisa với nụ cười bí hiểm
Một chuyên gia Italia vừa khẳng định người phụ nữ trong bức tranh nổi tiếng của Leonardo Da Vinci, bức Mona Lisa, hay còn gọi là Gioconda, đã chết năm 1542 như là một nữ tu tại tu viện Florence, nơi có lẽ bà đã được chôn tại đấy.

Theo báo Ý, La Repubblica, ông Giuseppe Pallanti, tác giả cuốn “Khám phá ra Mona Lisa: Căn cước đích thực của người mẫu của Leonardo” cho rằng người đã làm người mẫu cho Leonardo Da Vinci là Lisa Gherardini. Lisa Gherardini là vợ của ông Francesco del Giocondo. Khi chồng chết bà đã gia nhập tu viện Sant’Orsola và đã qua đời ngày 15/7/1542 thọ 63 tuổi.

Ông Giuseppe Pallanti cho biết đã tìm được các tài liệu trên trong tàng thư liên quan đến tu viện Sant’Orsola gần Vương Cung Thánh Đường San Lorenzo tại Florence. Tu viện Sant’Orsola giờ đây đã đổ nát nên người ta không biết chính xác ngôi mộ của bà ở đâu.

Ông Giuseppe Pallanti cho biết thêm là chồng bà Lisa Gherardini đã qua đời trước bà 4 năm. “Chính tại tu viện này Mona Lisa đã đem theo người con gái nhỏ nhất là Marietta, người sau này cũng trở thành nữ tu tại đây, theo như lời trối trăn của người chồng đã chết trước bà 4 năm. Bà đã sống hết cuộc đời mình tại đây”

Học giả Giuseppe Pallanti đã truy lùng trong các tàng thư của Giáo Hội tại Florence trong 3 năm qua để tìm ra tông tích của Mona Lisa.

Một học giả khác cũng là chuyên viên về Leonardo Da Vinci, ông Carlo Pedretti, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước khám phá của ông Pallanti và lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Italia giúp phương tiện để tìm ra ngôi mộ của Mona Lisa. Ông Carlo Pedretti hy vọng rằng các kỹ thuật tân tiến ngày nay sẽ giúp tạo lại những chi tiết trên khuôn mặt Mona Lisa và đó là một đóng góp rất đáng kể.

Trong những thế kỷ qua, ý nghĩa đích thực đằng sau nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa đã ám ảnh những người yêu nghệ thuật, nhưng giờ các nhà khoa học tin rằng họ đã có lời giải đáp.

Nàng Lisa cười bởi vì nàng hạnh phúc - hạnh phúc đo được là 83%, theo các nhà khoa học tại trường Đại học Amsterdam.

Sự kiện này có vẻ là một điều thích thú hơn là một thí nghiệm nghiêm túc. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhờ vào chương trình phần mềm theo dõi khuôn mặt “nhận dạng cảm tính” do giáo sư Tom Huang tại Đại học Illinois, Mỹ, phát triển, và được giáo sư Harro Stokman thuộc trường đại học Amsterdam thực hiện.

Bằng một chương trình máy tính được thiết kế để nhận diện cảm xúc khuôn mặt, họ đã tìm thấy người đẹp của danh hoạ Leonardo da Vinci có 83% hạnh phúc, 9% khinh bỉ, 6% sợ hãi và 2% giận dữ, và 1% trung dung.

Bằng cách so sánh bức hình với những đặc điểm chủ chốt trên khuôn mặt, như độ cong của làn môi, nếp nhăn trên khoé mắt, chương trình có thể tìm ra chỉ số cho 6 cảm xúc cơ bản của con người: hạnh phúc, ngạc nhiên, giận dữ, khinh bỉ, sợ hãi và buồn rầu.

Danh họa Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ bức tranh vào năm 1503, và hiện nay được treo tại Điện Louvre bên Paris.

Tác phẩm này được biết đến với tên là "La Gioconda," sở dĩ có tên này vì tin bức tranh vẽ vợ của ông Francesco del Giocondo. Và tên Gioconda theo tiếng Ý đại lợi cũng có nghĩa là “người đàn bà vui nhộn”.

Theo các nhà khoa học, công nghệ có thể được sử dụng để tạo ra những máy tính phản ứng với tâm trạng của người sử dụng.

Đã có rất nhiều giả thuyết về danh tính của người đàn bà đẹp và nụ cười của nàng. Có người cho rằng Mona Lisa đang mang thai vào thời điểm đó, hay thực ra đó là hình ảnh người tình đồng tính của hoạ sĩ, hay bức chân dung tự hoạ biến tấu.

Giáo sư Donald Sassoon, tại Đại học London nhận định: "Một trong những điều quan trọng nhất về bức hoạ là Leonardo đã sử dụng một kỹ thuật gọi là sfumato - nghĩa là mờ sương khói".

Khi được hỏi vì sao Mona Lisa lại cười, ông đáp: "Làm sao mà biết được vì sao người ta lại cười trong bức hình. Vào thế kỷ 15, răng của mọi người rất xấu nên họ sẽ không muốn khoe ra".

Nhà nghiên cứu Nicu Sebe đã dùng bộ mặt của 10 người phụ nữ từ hậu duệ của những người sống tại miền Mediterranean để tạo mẫu những dáng dấp trung lập về cảm tính. Sau đó so sánh các mẫu này với nụ cười vả mặt trên bức tranh. Ông đề ra 6 tiêu chuẩn: hạnh phúc, ngỡ ngàng, khinh bỉ, giận dự, khó chịu, sợ hãi và buồn phiền.

Các nhà nghiên cứu hình thể học không tham dự vào nghiên cứu nhưng nói rằng kết qủa này rất “hay” và dĩ nhiên không phải là lời cuối cùng về Mona Lisa.

Có người nói rằng: "Biết đầu trong 30, 40 hay 50 năm nữa người ta có thể nói trong đầu nàng Lisa nghĩ cái gì!”.