NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA DÂN TỘC
TỪ VÈ CỤ SÁU TỚI THAN MỒ VÀ VÃN DÂNG HOA
Hồ Linh Vũ Ngọc Anh
Vè là một hình thức văn chương rất bình dân của ta, có lẽ xuất hiện cùng thời với ca dao, trước khi có những bài thơ có tính cách khuôn mẫu, bác học biến thể từ ca dao như thơ cổ phong, lục bát rồi song thất lục bát hoặc du nhập từ Trung Hoa như Đường thi…
Vè không khác lắm với ca dao, tuy nhiên về hình thức, vè giản dĩ, gọn ghẽ, dễ thuộc, thường thì mỗi câu bốn chữ: về nội dung, ý tứ của vè không sâu xa như ca dao, nhưng có không khí vui tươi, rất thích hợp với người ít học hoặc trẻ em.
Thời ông nội chúng tôi ở tuổi thanh niên, Cha Sáu khởi công xây dựng Thánh đường Phát Diệm. Các họ đạo trong xứ đều tham gia, nhất là góp công. Các thanh niên khoẻ mạnh hàng ngày, sau cơm chiều, nghỉ ngơi chừng một vài tiếng, rồi thay phiên nhau vào giúp công xây nhà thờ. Cha Sáu tức Cha Trần Lục, chọn những giờ tối cho thanh niên vì không muốn làm cản trở công việc làm ăn của họ. Trong dịp này, cha luôn luôn đi lại xem xét công việc làm của từng nhóm, khuyến khích mọi người, đồng thời vừa để giải trí, vừa có mục đích giáo dục, cha đặt ra những bài vè, và dạy cho họ thuộc luôn tại chỗ làm việc. Sau này, những bài vè đó được thu thập lại, in thành Vè Cụ Sáu, rất nổi tiếng tại Phát Diệm. Đặc biệt Ca vè Cụ Sáu cũng sâu xa, tương tự như Gia Huấn ca của Nguyễn Trãi, nhưng trong đó có lồng thêm tinh thần công giáo. Bốn câu mở đầu:
Mấy lời hiếu tự nói qua
Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san nặng dày?
Sau mười mấy năm xây dựng, khu Thánh đường hoàn tất, ở đầu nhà thờ có ba ngọn giả sơn, với ba tên là núi Táng xác, núi Sinh nhật và vườn Giệtsêmani. Hàng năm, vào mùa Phục sinh xứ Phát Diệm đều có diễn lại cảnh Chúa bị bắt, chịu chết, táng xác trong mồ và sống lại. Đêm táng xác đựơc diễn ra trong núi, các họ chia nhau canh thức. Vì thế mới có các bài Than mồ được hát trong dịp này. Một trong những bài nổi tiếng nhất thời đó do cha Sáu đặt, không một người Phát Diệm nào không biết và ước ao được nghe một lần, vì tưởng như đã thất truyền:
Đứng trước Hiếu Sơn:
Đứng trước hiếu sơn khóc mà than rằng:
Cha Cả thương xem người thế,
Lòng nhân từ một trận bóng lan ra,
Ngôi Hai cứu chuộc loài hèn,
Sự thương khó nghìn trùng khôn xiết kể.
Vì Nguyên tổ trước tham lái cấm,
Cảnh thiều quang lên đất cỏ vườn gai,
Nay chúng con sau mắc lưỡi kẻ thù,
Bởi tội lỗi kể lá rừng cát bể.
Nên Chúa rủ lòng sai con xuống thế,
Bào thai trinh mẫu xác cùng hồn,
Bởi phép Thánh thần đổ nước xuân đài,
Đá với cỏ nhậm nơi đường bệ,
Một niềm một ý vâng lệnh Chúa Cha.
Ba mươi ba năm ở cùng Đức Mẹ,
Chịu cắt bì, giữ phép tổ tông,
Chịu rửa nước như người tội lệ,
Từ lúc tuổi còn thơ ấu
Nước Chi-tô đã phải lánh đi
Đến khi tuổi đã cả khôn
Thành Narét lại về chịu luỵ
Mong mỏi đã đến gần ngày khổ nạn,
Thành Giêrusalem giã mẹ trảy đi,
Lo buồn vì thấy tội nhân gian,
Vườn cầu nguyện tìm nơi vắng vẻ,
Tay nâng chén đắng sự khó quản chi
Máu mướt mồ hôi lòng thương vội với
Đức khiêm nhường đã tỏ ra cách lạ,
Nước rửa chân quì trước tông đồ
Hồn thiêng liêng toan nuôi đến hết đời
Thịt cùng máu truyền nên Thánh Thể
Phó mình quân dữ nào khác gì lũ sói vây quanh
Vâng ý Chúa Cha mong chịu lấy mang con dâng tế.
Bao sắt vả ngay trước mặt
Nhà Cai Pha đã thảm thương thay
Roi da đánh cả và mình
Dinh Trấn thủ càng đau đớn nhẽ
Bỏ vạ cáo gian đành chịu
Mão gai tròn đầu óc đội lên
Đường xa dặm ngái chẳng từ
Thánh giá nặng trên vai vác mẹ
Mình nằm ngửa trên giường thập tự
Mấy mũi đanh xương ngực giãn ra
Xác treo trên đỉnh núi Ca-la
Một giờ rưỡi trong lòng thầm thĩ
Đã ráo chân răng nước miệng
Bát giấm chua nào đỡ khát chút gì
Lại còn giọt máu lái tim
Lưỡi đòng sắt cũng mọc ra mọi tỳ
Chuộc tội việc đã hết đoạn
Xác cất xuống táng hang đá ấy
Thương Chúa tôi, lạy Chúa tôi hằng sống vô cùng
Mà rầy thụ tử, cục nhẽ nguồn cơn là thế
Đá cũng vỡ tan, màng cũng xé,
Huống nọ con là loài linh tính
Nhẽ nào con còn uốn chín khúc trong lòng
Phương chi con là loài thấp hèn
Sao không chảy đôi hàng giọt lệ
Ấy năm dấu danh là hoa nhuộm đủ mùi thơm
Để rửa sạch lòng tràn ô uế
Vậy nay đứng trước hiếu sơn viếng nơi táng địa
Năm dấu thánh chắp tay kính lạy
Tích vào lòng cho đến lọn đời
Mười bốn đàng quì gối ngắm suy
Trong ơn phúc để mà trả nghĩa…
Có lẽ cuối đời Cha Sáu mới có phong trào sùng kính Đức Mẹ bằng việc chọn tháng năm là tháng kính Đức Mẹ, còn được gọi là Tháng Hoa. Sở dĩ gọi như thế vì trong tháng này, ngoài những buổi chầu kinh, người ta còn tổ chức các buổi dâng hoa cho Đức Mẹ. Từ đó mới có những sáng tác về Vãn dâng hoa
Không biết có thể nói Dâng Hoa là một hình thức chuyển từ những lễ tế thần hoặc lễ gia tiên cổ truyền (Nam hoặc Nữ quan) mà ra không. Nhưng đặc biệt ở đây đều do các nhi nữ đảm trách, tay cầm bó hoa, múa hát, lúc quì, lúc đứng, khi thì đi song đôi, hàng bốn, hoặc hàng sáu… trước bàn thờ Đức Mẹ.
Những bài dâng hoa đầu tiên ở xứ Phát Diệm như thế nào, hiện nay không có tài liệu. Chúng tôi chỉ thu tập được một bài xưa nhất, không biết có đầy đủ không, và thuộc cung gì do các dì phước dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương dạy:
Lạy ơn rằng Thánh Nữ trung phúc lạ
Khóm mân côi.. a khóm mân côi gìn giữ các hoa thơm.
Đỏ chói vàng ươm.. hoa đỏ chói nhị vàng ươm
Trái cây mườn rằng mượn lá xanh um rườm…
Thật rằng cây rễ
Người ta vun trồng… vun trồng và rằng nghìn cây năm xưa…
Nhưng cho tới những năm thập niên 20 thế kỷ hai mươi, nhờ thân mẫu chúng tôi cũng từng là đoàn viên trong nhóm dâng hoa họ Lưu Phương, khi đó bà chừng 14, 15 tuổi (năm nay cụ tôi đã 87 tuổi), nên chúng tôi thu góp được một số tài liệu của thời này. Theo thân mẫu chúng tôi kể lại, sự tuyền chọn các cô này rất khó. Trước tiên, cô nào thích vào ban dâng hoa, đều được mời hết (có khi lên đến ba, bốn chục cô). Sau đó, quí vị trùm học trò tập cho tất cả hát một bài. Trong thời gian này, các cô bị loại dần… cho đến lúc chỉ còn giữ lại bốn cô có giọng tốt nhất coi như hát chính và mươi cô hát phụ. Trước tháng Hoa, các cô phải tập hát vào mỗi tối, chừng ba bốn giờ một lần, cho tới khi thành thực. Khi tập, thường cũng có đàn, trống và nhất là nhị để rước giọng ngân cho thêm dài…
Ngày đó xứ Phát Diệm có tất cả 12 họ chính như họ Phát Trung, được gọi nôm na là họ trị sở, họ Lưu Phương, Phu Vinh… và 6 hội Hiếu Sinh, hội Rosa. Các họ thường phụ trách mỗi họ hai buổi dâng hoa; các hội, mỗi hội một buổi cho đủ ba mươi ngày trong tháng Hoa.
Về Vãn dâng hoa, trong thời gian này, ba họ nổi tiếng hát hay nhất là họ Lưu Phương, nhờ có ông Bộ Thọ (lúc đó là thầy giúp xứ) và ông Cửu Diễm; họ trị sở nhờ bà Chánh Vọng, ông Giáo Huệ và họ Phát Ngoại nhờ bà Bá Thi. Hai bà là trùm học trò của hai họ. Họ nào yếu, không có bài hát mới, đến lượt mình phụ trách, phải đi nhờ một hội bạn tăng cường hoặc hát thế cho. Tuy không có giải thưởng gì cho các hội hát hay, nhưng sự ganh đua giữa các họ rất là sôi nổi. Và đặc biệt là chỉ có họ Lưu Phương là hát vãn bằng những cung âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Sở dĩ có hiện tượng này vì trong họ này có mấy vị nho học từng trải như ông Cửu Uy và ông Cửu Quắc tức ông ngoại chúng tôi là quyết tâm đưa âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào Thánh ca. Cha sở xứ Phát Diệm thời đó là cố Độ, một linh mục người Pháp rất rành văn hóa Việt Nam, lúc đầu phản đối họ Lưu Phương mang các cung “đời” thiếu trang nghiêm vào nhà thờ. Nhưng sau các vị nho gia trên giải thích sự quan trọng của tinh thần dân tộc trong tôn giáo, và đưa các cô học trò vào nhà xứ hát riêng cho cố nghe một cách rõ ràng lời của các bài vãn. Sau cùng, cố phải bằng lòng chấp thuận. Việc tranh đấu này rất gay go, và chỉ thành công được chừng hai, ba năm. Sau này, các xứ chỉ được hát những bài hát đã được in sẵn trong sách, và thường theo cung Latin. Rất tiếc, qua thế hệ của thân mẫu chúng tôi, không còn bài vãn nào theo điệu nhạc cổ truyền nữa.
Trước tháng Hoa, các xứ sáng tác và tập rất ráo riết. Các xứ đối thủ thường lén cho người đi rình rập, nghe lóm xem đối thủ của mình có bài gì, điệu múa có gì mới không, vì thế mà không khí rất hào hùng và căng thẳng.
Đội ngũ thường không khác nhau, có khác là ở áo quần, cách kết bó hoa và bài hát, điệu dâng hoa. Có họ kết những bó hoa rất đẹp và công phu (mùa này lại.. hiếm hoa), có họ dùng đèn (có chụp lớn bằng thuỷ tinh, cán để cầm), bóng sơn màu sắc khác nhau tuỳ theo màu áo của các cô, hoặc hoạ những hoa trên đó. Đội ngũ chia làm hai, mười cô nhỏ tuổi phụ trách dâng hoa, và một đoàn các cô lớn đứng dưới hát, cũng phải ăn diện đồng phục cho nổi.
Các buổi dâng hoa thường tổ chức sau các buổi làm việc đền tạ Đức Mẹ tại nhà thờ Lớn, chừng 4 giờ chiều. Đoàn dâng hoa được rước rất trọng thể từ cuối nhà thờ, đàn hát rất tưng bừng. Bàn thờ Đức Mẹ sẽ do họ dâng hoa ngày hôm đó trưng bày.
Một điều quan trọng ở đây là các bài vãn dâng hoa theo các cung dân ca cổ truyền đều là của họ Lưu Phương do thân mẫu chúng tôi còn nhớ được. Các bài hát này được trình bày theo cung chung, cung riêng và cung bè.
Bài hát theo điệu Tứ Đại Cảnh (bản ghi nốt nhạc số 1)
Con cúi đầu
Tấu lạy mẹ
Con là kẻ con cháu Evà
Chốn khách đầy hầu khỏi sa đắm sa…
Trông cậy Bà vạn sự sa-ga
Là Mẹ thật người ta
Xưa Chúa Lời
Sai con người
Xuống thế dân chuộc tội dân,
Ngự trong lòng Thánh Mẫu thân đồng thân
Ơn phúc gồm lọn vẹn phân mười phân
Là nguồn mạch mọi ân.
Ơn phúc lạ
Trong thiên hạ
Khắp cả gian trần gian
Mang tin hèn mừng rỡ hoan hỉ hoan
Chúc lạy mừng
Đức Mẹ khoan cực khoan, mà cực trọng, cực sang.
Cùng cùng nhau nay sum họp
Cùng nhau cám khen
Cám khen lạy mừng
Đóa hoa hèn lọm khọm tay bưng
Mà hợp ý kính dâng, kính dâng kính dâng Đức Bà
Này… tôn thành xin người nhận lấy
Lạy Đức Mẹ xin người nhận cho.
Bài này hát có kèm theo tiếng đàn nhị, đàn hồ, thời đó do cụ Kiểm Nghị phụ trách.
Bài hát cổ, dễ hát hơn là những bài theo điệu Lưu Thuỷ như bài sau đây:
Mừng Đức Bà, chức trọng quyền cao
Chúa ba ngôi yêu dấu cách riêng
Khắp nhân trần ai nấy đều khen
Họ chúng con nay xin hợp ý
Tiến chúc mừng một đóa hoa thơm
Sắc lạ quí thay
Rườm rà xanh tốt
Rủ lòng thương xin Mẹ nhận lấy
Chúng a chúng con khẩn van Bà
Xin hộ phù giữ đạo ân cần
Ban sự bằng yên trong giờ sau hết
Cảm mến khen Đức Mẹ Chúa Trời.
Nhưng, một cung cổ, mà chúng tôi nghĩ là rất quý giá, rất “cấp tiến”, đó là cung theo thể Hát Nói hay Ca Trù được gọi là cung phú, một văn thể rất bác học và việt nam. Nói tới thể Hát Nói, chúng ta nghĩ ngay tới những tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, cảu Dương Khuê, của Chu Mạnh Trinh với những câu đầy lãng mạn, gợi tình:
Hồng hồng, tuyết tuyết
Mới này nào chừa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã dến thì tơ liễu…
Nhưng có ai ngờ, có bài vãn dâng hoa được làm theo thể ca trù này (ảnh hưởng của cụ Nguyễn Công Trứ, ông vua hát nói, là người lập ra huyện KimSơn nhà ta chăng?)
Bài vãn dâng hoa theo lối Hát Nói, cũng được đệm bằng trống chầu (tom chát) và đàn đáy:
Bài thứ nhất
Chúc lạy mừng Thánh Nữ vương rất thánh
Đứng cõi trần không dính bụi trần ai
Tuyệt đồng trinh, vàng đá không phai
Người phúc lạ, vốn hay gồm phúc lạ
Đội ơn Chúa, ngự tòa cao cả
Xót loài trần tràng dạ tuý tinh
Chiếc thuyền bể khổ mông mênh
Bể sóng gió dợp dờn trên sóng nước.
Đã có Mẹ như ngôi sao đi trước
Chỉ thiên quang mà vuợt bước gian truân
Cứu đàn con được khỏi trầm luân
“Tự nhân thoát nhất sinh đắc sở”
Giơ tay dắt đàn con vào tới cửa
Đã có tòa sắm sửa sẵn sàng
Thú thiên cung đàn hát vinh quang
Cho hưởng phúc thiên đàng mãi mãi.
Thơ rằng:
Ân thị bầu cử kiền khôn đại
Đức luyện trung trinh nhật nguyệt trường
Minh kính tử tâm lâm thượng hạ
Bách thế đầu thượng đẩu trường thương.
Bài thứ hai cũng theo lối hát nói:
Thánh Mẫu phương danh tiêu hách hách
Phượng hình ý phạm yết chiêu chiêu
Khắp đông nam vũ nhạc tiêu thiều
Đường đông bắc ca dao thỏa thiết
Hoàng Kim điện uy linh lẫm liệt
Ánh vân thiêng nhuận biệt chung linh
Trận mưa thiêng chan chứa thân hình
Miền giác địa linh đình hoa tộc
Gương chính khí giữa trời sáng quắc
Cửa thiên môn một gốc linh phai
Ngành hoa quả đức lại vinh hoa
Mùi thơm ngát trên tòa kính đốc
Chúng con nay hiến thành cán bộc
Xin Đức Bà rộng đức khoan dong
Bốn mùa hòa khí xuân phong
Thơ rằng:
Nguy nga báu điện chiêm danh tiền
Tuyệt đảo thanh hòa thảo sắc nghiên
Nhất đức lưu huỳnh huân đế tạo
Bách hoa hiến thái vũ giai tiền.
Một cung khác rất đặc biệt, cũng khó có thể tìm thấy trong kho tàng văn hóa công giáo, bài vãn theo lối Kinh Sử, rất hiếm hoi, chỉ có được một bài duy nhất:
Ngũ sắc hoa trong trần thủy kính
Nhất thiên quang lãng diệu tinh qui
Mừng rỡ thay Trinh Mẫu hoa kỳ
Tòa ngự trị uy nghi chói lói
Chúng con nay khấn đầu cám đội… vẫn thiêng liêng
Gặp hội an hòa khắp đông tây
Điều được ơn Bà, hoa cỏ cũng rườm rà tươi tấn
Mẹ rất khoan nhân từ thiên tính… cửa thiên đường
Quyền bính Chúa trao đoái thương xem con mọn ba đào
Khỏi chìm đắm được vào nơi chí khánh.
Nếu có dịp, chúng ta thử cho hát lại các bài này với đủ trống phách chắc là thú vị lắm.
Sau những bài theo thể cổ, không biết do ai đặt (thời đó dùng chữ đặt chỉ việc sáng tác), ông bộ Thọ đặt lời vào một số bài hát cung Latin, hoặc Pháp cho những bài dâng hoa. Đây là một biến cố lớn cho các xứ đạo ở Phát Diệm thời đó.
Theo cung Latin Salve Mater:
Câu chung (điệp khúc):
Mừng Bà rất thánh
Phúc đức no đầy chan hòa
Bà là như neo để kẻ đi tàu trông nhờ
Lòng Bà nhân đức gồm no đầy ơn sa-ga
Thương xem chúng tôi đang phải mọi chức quỉ ma…
Ô Maria
Câu riêng:
Trinh khiết nhiệm mầu chúng con dâng cành hoa trắng
Mừng Đức Mẹ nay trắng tốt hơn tuyết cùng gương
Lóng lánh hơn các ngôi sao ở trên tầng mây
Nguyên tuyền trong suốt, dường như bảng tình sáng láng…
Ô Maria…
Chúng tôi nghĩ bài này bài này có lẽ có 5 phiên khúc cho năm màu hoa. Từ những cung này, các buổi dâng hoa đựơc đệm đàn phong cầm mà người nổi tiếng thời đó, ngoài ông bộ Thọ, còn có ông Phẩm.
Một bài khác có cung ngoại quốc sau đây:
Câu chung (điệp khúc):
Vui rất vui thay chốn đền thờ Bà Maria
Đàn ca chung, lũ tung hoa tiếng lừng khắp cả suối rừng khe núi.
Câu riêng 1:
Thềm vàng đua chen nở ngành hoa tươi tốt tươi
Vượt hơn cả trên thánh cung quần thánh nào bằng
Một niềm xưng trinh nữ là vua trí nhân hơn cả ở trên trần thế….
Câu riêng 2:
Ngoài thềm chung chinh cổ, kỳ tinh phấp phới
Rợp che những cây lớn lao ngành tốt tươi rườm rà
Nào người đi du cảnh được xem thấy nơi vui vẻ nhất trên trần thế…
Vãn dâng hoa được phát triển là nhờ công tập luyện của quí vị như ông Cửu Diễm, ông bộ Thọ. Một truyện rất lý thú được biết, thời đó ông bộ Thọ còn thanh niên, thầy lý đoán, lại phải tập hát cho các cô thiếu nữ dâng hoa, sợ tai tiếng, mất dịp làm linh mục (đâu có tự do như bây giờ!) nên thường đột xuất, đột biến tại nhà cụ Nghi Hổ. Nghe nói, có khi phải tập hát ở trong nhà bếp của cụ Nghị. Để bù vào, ông Cửu Diễm phải bao sân cho ông bộ Thọ (nhưng cuối cùng, thầy Thọ cũng không… “đậu cha”).
Vào thời chúng tôi có trí khôn, thân mẫu chúng tôi lo cho hội Rosa, một hội kẻ liệt được nhiều người biết, nhất là vào thời tháng ba đói 1945, thân phụ chúng tôi phụ trách đặt vãn. Hội có một thánh đường rất đẹp mà ông nội chúng tôi là một hội viên sáng lập, ở dưới dốc cầu Ngói, bên Phố Ngoài. Thời đó, những đĩa nhạc chơi bằng máy hát có dây cót, 75 tua, nhập cảng từ Pháp hay Hồng Kông rất thịnh hành. Tôi còn nhớ lõm bõm những bài dâng hoa được tập tại nhà tôi, hoặc tại nhà bác Quản Ngọ chúng tôi, các cô là các chị em trong họ, trong xóm Phố Ngoài. Bài sáng giá nhất thời đó theo cung Ave Maria của Schubert:
Con hèn cung kính dâng,
Lên trước tòa châu báu
Không khen bao lời ca Nữ Vương
Đồng trinh no đầy ơn phúc cao sâu
Bóng thiêng liêng bầy ra trước tòa thiêng liêng
Hằng tưởng nhớ quê thiên đường
Một mai hồn con lìa xa xác hèn
Về nơi ngàn năm tươi thắm êm đềm
Cùng theo lên trên nơi mây cao sáng trưng
Đầy ơn hát khen Đức Nữ Đồng Trinh…
Ave Maria.
Và một bài hát bằng tiếng Nhật Bản, không biết thân phụ chúng tôi có hiểu không, nhưng vì cung rất hay và vui tươi, nên đặt lời để hát dâng hoa. Sau này chúng tôi mới biết, đó là bài Tô Châu dạ khúc! Nhưng cũng được đi… Ngày xưa có cung Ca trù, ngày nay cung Tô Châu dạ khúc (China Night) không thể nói là bất kính.
Kính mừng Maria
Đấng đầy đủ mọi ơn lành giúp phù ta
Người thương con cái đêm đêm ngày
Nên ta cúi xin cùng người
Chớ bỏ dù mà chẳng thương con đến nài xin
Lạy Nữ Vương,
Mẹ Chúa Ngôi Hai sao sáng hằng soi, chỉ lối
Đưa đến cùng Đấng Con Người
Kính mừng Maria…
Tôi còn nhớ những nồi xôi chè ngan ngát mùi đậu, mùi khe của những trái cam tươi, quýt vàng (ăn để giữ giọng hát)… mà lúc còn bé chúng tôi được ăn ké với các cô trong đoàn dâng hoa của hội Rosa.
Một bà chị của người bạn thân của tôi, khi vào trong Nam, lần đầu tiên nghe bài Tô Châu dạ khúc trong radio, hô lên: “A, bài dâng hoa ngày xưa”. Anh bạn tôi không biết chuyện, nạt: “Tầm bậy, bài hát giữa chốn ăn chơi này mà là bài dâng hoa của bà à?” Thế là cãi nhau. Khi gặp tôi, bà này phân vua: “Rõ hồi đó bà Chánh tập vãn cho chúng tôi mà nó nói là không”. Sau tôi phải giải thích, anh bạn mới tin.
Dâng hoa không phải là một phụng vụ chính của Giáo hội, nhưng là một truyền thống tốt đẹp. Ngày nay, hát dâng hoa vẫn còn tồn tại trong các dịp lễ lớn của người công giáo, kể cả ở hải ngoại. Điệu dâng hoa ngày nay pha với các vũ khúc dân tộc như múa đèn, múa quạt. Các cô dâng hoa, từ nhỏ mươi tuổi tới các thiếu nữ đôi mươi hay lớn hơn, không hạn trong mươi người, mà có tới mấy chục. Bài hát thường đã theo tân nhạc hoặc dân ca với các nhạc cụ hiện đại. Có nơi dâng hoa theo nhạc đã ghi âm trong đĩa hát hoặc băng nên đã mất phần nào sống động.
Không những khu Thánh đường Phát Diệm mang nặng nét văn hóa dân tộc, mà tính chất này đã bàng bạc trong tất cả những sinh hoạt công giáo của người dân Phát Diệm nói riêng, của Giáo hội Việt Nam nói chung, mà âm nhạc cổ truyền Việt Nam như than và vãn Đức Bà là một. Điều đó chứng tỏ đạo công giáo từ rất lâu đã sống trong lòng dân tộc, nhìn cái nhìn của dân tộc, nói tiếng nói của dân tộc, nghe lời thắm thiết của dân tộc và rung động với hồn thiêng của dân tộc.
Tiếc rằng các bài vãn dâng hoa cho đến nay chưa ai sưu tập, nghiên cứu, từ nhạc cho tới các vũ khúc. Để kết luận, chúng tôi mượn lời của nhạc sư Nguyễn Khắc Xuyên trong cuốn Tiến trình thánh nhạc Việt Nam, phần nói về vãn dâng hoa, là muốn nghiên cứu một cách nghiêm túc, “công việc không phải là nhỏ và phải có cả một đoàn người làm việc này”. Vì thế, bài này chỉ có tính cách góp nhặt một phần để làm tài liệu.
www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo