Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Không thể có hoà bình giữa các
dân tộc trên địa cầu, nếu không
có hòa bình giữa các tôn giáo.
Hans Kung
Năm 1989, vào tháng hai, cơ quan Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Viện Văn Hóa của nước Đức (Goethe Institut) đã cùng tổ chức ở Paris một cuộc hội thảo về đề tài Các tôn giáo trên địa cầu và vấn đề nhân quyền. Nhân dịp đó, nhà thần học công giáo Thụy-sĩ là giáo sư Hans Kng có đọc một bài thuyết trình, trong đó có câu trưng dẫn trên đây.
Vấn đề là xưa nay trong thế giới của chúng ta, đã có và còn có nhiều nguyên nhân làm cho nhân xích mích, giai cấp đấu tranh, các dân tộc và quốc gia xung đột, gây ra tình trạng bất hòa, kỳ thị, đàn áp, vi phạm nhân quyền, mà tôn giáo lại là một trong những nguyên nhân đó. Không những là vì tư tưởng, lễ nghi và nếp sống đạo của người ta bất đồng mà thôi, mà còn vì lẽ trong nhiều xã hội người ta vẫn lẫn lộn tôn giáo với các yếu tố khác trong đời sống, nhất là với chính trị. Cho nên nhiều khi người ta lấy danh nghĩa tôn giáo để che đậy cho tất cả những tham vọng rất thế tục, chuyển tất cả thành cuộc thánh chiến, để dễ bề xách động quần chúng.
Ngay cả đạo Ki-tô, tuy rằng có nguyên tắc căn bản đòi phải phân biệt tôn giáo với chính trị và với các yếu tố văn hóa khác, nhưng người theo đạo nhiều khi phải ứng đối lại người chung quanh không biết phân biệt như vậy, cho nên lại cũng pha trộn việc đời với việc đạo như họ.
Nói cho cùng, cái mà người ta gọi là chiến tranh tôn giáo, không những giữa các tôn giáo, mà còn là giữa người theo và người không theo tôn giáo nào cả, thì xưa nay cũng thường là chiến tranh vì quyền lợi thế tục : vì người ta tham tài, tham sắc, tham quyền. Thiết tưởng vì thế cũng nên nói thêm rằng : cần phải có hòa bình giữa người theo và ngưới không theo tôn giáo nữa.
Tình trạng khó nghĩ
Hòa bình và tôn giáo có tương quan mật thiết với nhau. Tương quan tích cực đã vậy, mà tương quan tiêu cực cũng không thiếu.
Một đàng thì người dân ta thường nói : Đạo nào cũng tốt, cũng dậy người ta ăn ngay ở lành. Ta cũng thường nghe tín đồ các tôn giáo trưng dẫn kinh điển chính tông, để trình bầy và giới thiệu tôn giáo của mình là tôn giáo vốn có bản chất là khoan dung, hòa bình và giầu tình thương. Họ nói đúng, ít là đúng ở bình diện lý thuyết. Nhưng cái đó không thành vấn đề, vì vấn đề là đôi khi người ta có dụng ý hiểu ngầm rằng tôn giáo của người bên cạnh thì không như thế.
Đàng khác, những ai nghi ngờ, muốn phi bác thái độ tự đắc ấy, thì cũng không thiếu gì chứng lý. Có khi chứng lý lấy ra được từ kinh điển chính tông, có khi trích ra từ một ít bài giải thích, giảng thuyết, hay lời tuyên bố lập trường của những vị đại diện chính thức của tôn giáo. Không những có thể trưng dẫn ra những câu làm cho người nghe phải sợ dựng đứng tóc gáy, mà hơn nữa lại còn có thể đưa ra những trang lịch sử do tín đồ các tôn giáo đã viết ra, trong đó ta thấy đầy dẫy những kiểu áp bức : có quyền trong tay thì kỳ thị, đàn áp ra mặt, chưa nắm được chính quyền thì đe dọa ngấm ngầm, hay là khủng bố, nhất là khi người ta đồng nhất đạo giáo với tư lợi và tham vọng chính trị kinh tế của tập đoàn.
Muốn trình bầy tính cách cao siêu của tôn giáo của mình thì người ta thường lựa chọn trưng dẫn một vài câu lý thuyết rất hay. Nếu có ai nói đến hành vi không tốt của người trong tập đoàn, thì người ta gạt phăng đi, cho rằng hành vi của những người đó không thuộc về tôn giáo của mình. Trái lại, khi muốn công kích một tôn giáo khác, người ta hay căn cứ vào hành vi không tốt của một số tín đồ, rồi tổng quát hóa, cho rằng tất cả đều như thế, và chưa kịp tìm hiểu gì thêm nữa, đã kết luận ngay rằng thực chất của tôn giáo đó là mê tín, là phản khoa học, phản lý trí và vô nhân đạo, cần phải trừ khử đi, để cứu nguy cho dân tộc, cho nhân loại. Ngày nay vẫn còn nhiều chính khách trên thế giới giữ luận điệu ấy, tạo ra kẻ thù chung để xách động quần chúng.
Tuy nhiên có nhiều trường hợp tôn giáo thực sự là linh hồn cho những cuộc phản kháng, làm cho dân tộc này hay dân tộc khác duy trì được cá tính và bản sắc, chống lại những lực lượng ngoại lai muốn bóc lột, đàn áp và đồng hóa. Ví dụ như dân tộc Hi-lạp theo phái Chính-thống của đạo Ki-tô, đã duy trì được quốc thống sau mấy thế kỷ bị đế quốc Thổ-nhĩ-kỳ theo Hồi giáo thống trị. Cũng như dân tộc Ba-lan theo Công-giáo, bị chèn ép mấy thế kỷ giữa nước Phổ (Preussen) theo phái Tin-lành và đế quốc Nga theo phái Chính-thống, mà không mất truyền thống quốc gia. Trong những trường hợp đặc biệt như thế, tuy rằng đạo Ki-tô là tôn giáo phổ biến, chứ không phải là của riêng dân tộc nào, nhưng người ta vẫn có cảm giác rằng tôn giáo gắn liền làm một với dân tộc của mình.
Vì lý do như thế hiện nay vẫn còn một số người tung ra chiêu bài rằng đạo của mình và dân tộc của mình thì cũng là một. Cho nên thiểu số nào không theo đạo của mình thì bị coi là phản bội dân tộc. Luận điệu ấy – của hầu hết các nước theo Hồi giáo, nhưng không riêng gì Hồi giáo – đã đưa đến việc vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với thiểu số những người không theo tôn giáo đó. Ngoài mấy nước như thế thì đó đây vẫn còn ít nhiều chính khách tập sự cũng đang tập tễng đi vào vết xe như thế,bằng cách đòi đưa tôn giáo này hay tôn giáo khác lên làm quốc giáo, mà không nghĩ rằng họ đang lấy tôn giáo để biện chính cho lập trường bất khoan dung và bạo động của họ.
Nên theo giải pháp nào ?
Đứng trước tình trạng khó nghĩ như thế, nếu không có truyền thống phân biệt tôn giáo với chính trị, thần quyền với thế quyền, thì thiết tưởng rất khó tìm ra giải pháp.
Riêng đạo Ki-tô, vừa là đạo chung cho mọi người, chứ không phải là đạo riêng cho một quốc gia hay một dân tộc, lại vừa có nguyên tắc là phân biệt tôn giáo với chính trị. Vì thế không coi tôn giáo là phương tiện cho chính trị của một quốc gia, cũng không coi chính trị là phương tiện cho tôn giáo, cho nên người cầm quyền đáng lý ra không được nắm trong tay cả thế quyền lẫn thần quyền. Chính vì có phân biệt hai thứ quyền như thế, cho nên lịch sử Au châu đã có nhiều cuộc tranh chấp quyền hành : vua quan thì muốn dùng tôn giáo làm phương tiện trị nước; còn những người lãnh đạo tôn giáo thì, theo nguyên tắc, không chịu để cho vua quan can thiệp vào đạo giáo, nhưng rồi dần dần cũng bị lôi cuốn vào cuộc tranh dành chính quyền. Tình trạng lại càng khó xử, khi mà người làm vua quan nắm được thần quyền, hay là khi người làm chính trị và người lãnh đạo tôn giáo đồng lõa lợi dụng lẫn nhau. Đủ biết là người ta rất khó tách rời tôn giáo ra ngoài những tham vọng thế tục.
Trong truyền thống tôn giáo và văn hóa như thế, người Au châu đã phải suy nghĩ nhiều về các chiến tranh lấy danh nghĩa tôn giáo, và dần dần đi tới giải pháp là muốn hòa bình chung sống với nhau, thì cần phải trở về nguyên tắc tách rời tôn giáo ra ngoài các lãnh vực thế tục, như : chính trị, khoa học, triết học, luân lý đạo đức và nghệ thuật. Mỗi lãnh vực đều có tiêu chuẩn hoạt động riêng, không thể để cho lãnh vực khác chi phối.
Có lẽ ngoài khu vực văn hóa đạo Ki-tô ở Au châu ra thì chưa có văn hóa nào khác đã đặt vấn đề tục hóa đời sống một cách rõ rệt như thế, vì người ta không có nguyên tắc phân biệt tôn giáo với chính trị và văn hóa.
Chính trong truyền thống phân biệt hai phạm vi như thế đã có một phong trào cực đoan ở Au châu cho rằng không những phải biệt lập tôn giáo ra ngoài các lãnh vực khác, mà hơn nữa còn phải coi tôn giáo nhất thần là nguồn gốc sinh ra bất khoan dung, kỳ thị, bạo động và đôi khi đưa tới cuồng tín, và vì thế cần phải trừ khử đi, vì lẽ không thể khoan dung đối với những người không biết khoan dung.
Có nhiều tín đồ của một số tôn giáo cho rằng lập trường vô-tôn-giáo đó là quá khích, vì không nhìn nhận ra vai trò tích cực của tôn giáo trong lịch trình giáo hóa con người[i][1]. Tuy vậy họ vẫn chưa thoát hẳn được cái tật bất khoan dung : họ đinh ninh rằng chỉ có tôn giáo của họ mới thật là chân lý, vừa theo thiên đạo, vừa hợp nhân đạo, còn ngoại giả tất cả những ai tin theo các tôn giáo khác đều là sai lầm, ngu si, nếu không mê tín thì cũng là vô minh. Nói cho cùng thì nếu họ chỉ nghĩ như thế mà thôi, thì cũng chưa hẳn là thiếu khoan dung, vì như thế rõ ràng là họ có lập trường, khác hẳn những người chỉ biết tùy gió phất cờ, giữ thái độ « ba phải », rồi lại tự đắc cho rằng mình có thái độ khai phóng, không giáo điều.
Cả hai thái độ trên đây đều có thể đi tới bạo động, nhất là khi không phân biệt tôn giáo với chính trị. Người đồng đạo thì bị điều động, cưỡng bách phải tham gia; người khác đạo hay không theo đạo nào thì bị kỳ thị, đàn áp hay tiêu diệt. Đã thế người ta còn đi đến chỗ phá hủy những di tích văn hóa có tính cách tôn giáo, như : sách vở, tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ như gần đây phái Taliban theo Hồi giáo cực đoan đã cho phá tan những tượng Phật khổng lồ ở nước Afganistan. Lại nữa, ở An-độ một số người lấy danh nghĩa truyền thống tôn giáo quốc gia, đã phá bình địa một ngôi đền của người Hồi giáo xây trước đây mấy trăm năm. Ví dụ khác : sau Cách mạng Pháp (cuối thế kỷ XVIII), Nga và Y-pha-nho (đầu thế kỷ XX) có nhiều nhà thờ đạo Ki-tô đã bị sung công rồi bị tục hóa, có nhiều tượng đá bị bắn nát hay là bị chặt đầu. Đó mới thật là bất khoan dung, không riêng gì những người theo tôn giáo gây ra, mà còn do những người chống tôn giáo chủ trương nữa.
Giải pháp thứ ba là đối thoại giữa các tôn giáo, hay nói cho đúng hơn là đối thoại giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Giải pháp này đã được đưa ra từ hơn một thế kỷ nay.
Thực vậy, năm 1893 ở Chicago (Hoa-kỳ) đã nhóm họp lần thứ nhất Hội nghi các tôn giáo toàn cầu để phục vụ hòa bình. Hội nghị có chương trình dài hạn, nhằm giáo dục cho người ta tránh được hai giải pháp trước đây, bằng cách, một là tìm hiểu cho rõ mọi mặt của vấn đề, hai là chủ trương ai nấy phải tự kiểm thảo thái độ của chính mình, ba là nhẫn nại cùng nhau tìm các phương tiện để xây dựng hòa bình. Phải nhẫn nại là vì muốn đối thoại thì phải gác bỏ võ lực ra một bên, phải bỏ cái thói chửi bới vu khống, để dùng lời nói để giải thích, đồng thời phải chịu nghe lời giải thích của người đối diện. Đó cũng là như định chế « quốc hội » trong các nước dân chủ, dùng lời nói mà dàn xếp công việc với nhau. Người Pháp đã khéo dùng chữ « Parlement » (do chữ « parler » là « nói ») để gọi « quốc hội ». Chứ nếu muốn phá hoại hòa bình thì không cần đối thoại gì cả, chỉ cần một bên đơn phương gây hấn mà thôi.
Trong kỳ họp mặt ở Kyoto (Nhật-bản) năm 1970, Hội nghị đã đưa ra lời tuyên bố sau đây : «Là những tín đồ tin theo tôn giáo, chúng tôi thú nhận trong tinh thần khiêm nhượng và sám hối, là đã nhiều lần chúng tôi phản bội lý tưởng tôn giáo, phản bội quyết định sẽ ra tay phục vụ hòa bình. Không phải tôn giáo, nhưng là người theo tôn giáo đã phản bội hòa bình. Đã trót phản bội tôn giáo như thế thì bây giờ còn có thể và phải sửa đổi lại ».
Riêng đức giáo-tông Gio-an Phao-lô II thì năm 1986 đã mời một số các vị đại diện nhiều tôn giáo đến họp ở Assisi (Italia) và cầu nguyện cho hòa bình. Đến năm 1999 lại chính thức thú nhận tội lỗi của người công giáo từ xưa đến nay. Xét cho cùng thì đó không phải là sáng kiến gì mới lạ, cũng không phải là một mánh khóe để lấy lại uy tín đã mất –như những người không có thịnh tình phao đồn – nhưng chỉ là một cố gắng để đi sâu vào lập trường đã nêu ra trên đây do Hội-nghị các tôn giáo.
Đó là thái độ có ý thức trách nhiệm và nỗ lực của những người thành tâm theo đuổi lý tưởng tôn giáo, muốn đóng góp thiết thực vào việc xây dựng hòa bình.
Đứng trước thái độ như thế, lại có một số người hả hê xoa tay, rồi chưa tìm hiểu đến nơi đến chốn đã vội căn cứ vào hành vi không hợp giáo lý của các tín đồ mà kết luận ngay rằng tôn giáo nọ tôn giáo kia, thậm chí tất cả các tôn giáo đều có một thực chất là tội ác, là vô nhân đạo, cho nên có noi dến sám hối thì cũng chỉ là giả hình đạo đức, chẳng sửa đổi được gì cả. Thế là vừa lý luận sai, vừa « lại cầm bó đuốc mà rê chân người », trong khi không tự kiểm thảo, không chịu xem chân mình có vấy bùn hay không, không xét xem mình đã làm được những gì cho hòa bình.
Thực ra không phải cứ gạt tôn giáo nọ tôn giáo kia đi, không phải cứ gạt hết các tôn giáo đi, thì tự nhiên có hòa bình. Trong lịch sử, ở phương Đông cũng như phương Tây, đã có biết bao nhiêu là chế độ gây ra áp bức, chiến tranh, tàn sát sinh linh một cách vô nhân đạo, mà không do tôn giáo gây ra. Thiết tưởng chỉ cần nhắc đến mấy chế độ vô thần, vô tôn giáo, gần đây trong thế kỷ XX, do Hitler, Stalin, Pol Pot, vân vân, chủ trương.
Về mấy hình thức đối thoại
Nên chú ý rằng không phải vô cớ mà người ta tìm đối thoại với nhau. Mục đích đối thoại là để hai bên tìm hiểu nhau, dàn xếp với nhau, nhằm tránh xích mích hay là nhằm cộng tác với nhau cho có hiệu quả.
Đôi khi có người lấy danh nghĩa tôn giáo nọ, hay dân tộc kia, mà bô bô lên tiếng đòi người ta đối thoại, nhưng kỳ thực lại chẳng có lấy một trong ba thái độ mà Hội nghị các tôn giáo đã đề nghị trên đây, cũng chẳng chịu tìm hiểu người khác, chẳng muốn dàn xếp hay cộng tác, như thế rõ ràng là thái độ khiêu khích, như kiểu đô vật ở thôn quê, gọi sư phụ, gọi tổ sư người ta ra để hạch tội, để vu khống, và để kết án, làm như quan tòa trong các nước độc tài. Như thế đâu phải là muốn đối thoại.
Có một hình thức cũng gần như đối thoại, đó là liên quan giữa thầy và trò. Người đệ tử, nhất là người Au châu, đang ở trong một xã hội duy lý, bị khủng hoảng tinh thần sau khi các ý thức hệ bị phá sản, sinh ra nghi ngờ truyền thống của mình, không thấy tương lai ra sao, thành ra bơ vơ như con thuyền không lái, không biết làm gì cho phải, cho nên đi tìm bất cứ ai khác từ đâu đến – từ Mỹ, Au hay Á châu đều được cả – đem lại cho mình những chân lý khác, bất khả nghi. Ngài sư phụ là một nhân vật biết cách đáp ứng đúng cái mơ ước đó, cho nên vừa cho rằng mình không có thái độ giáo điều của truyền thống, vừa tuyên bố là mình dẫn dắt đệ tử vào chân lý chắc chắn về nhân sinh, hay vào kinh nghiệm sâu xa về giây phút hiện tại. Đệ tử có thể chất vấn qua loa, để khai mào cho sư phụ truyền đạo. Tuy rằng lời nói có trao đổi theo hai hướng như đối thoại, nhưng kỳ thực thì nội dung chỉ di chuyển theo một chiều. Cho đến khi một số đệ tử tỉnh ngộ bỏ đi, vì không hiểu ra, hay là vì có hiểu ra nhưng thấy là nghe không được.
Hình thức này đã được thể hiện trong « thể văn đối thoại », mà ta thấy trong các bài đối thoại về triết học của Platôn (lấy Socrates làm nhân vật chính yếu), hay là trong sách Luận ngữ trong Nho giáo (lấy Khổng tử làm thầy, « vạn thế sư biểu ») và trong vô số những bài đối thoại, ở phương Tây cũng như phương Đông, trong sách vở các tôn giáo cũng như trong văn chương ngoài tôn giáo. Đại ý là : thay vì viết một bài luận văn để trình bầy tư tưởng của mình cho khúc chiết, có hệ thống, nhưng khó đọc, thì mình trình bầy một cuộc đối thoại giả tưởng, trong đó nhân vật chính yếu trình bầy tư tưởng của mình, còn những nhân vật tùy phụ khác chỉ đưa ra những vấn nạn đã trù tính trước, những câu hỏi mà mình có thể giải đáp được. Tuy vậy cũng nên chú ý là những bài đối thoại của Platôn có điểm rất đặc biệt là thường bỏ dở chứ không đưa tới một kết luận dứt khoát, làm cho độc giả tinh ý nhận ra cái sở đoản của các quan niệm đã bàn tới, và thấy rằng cần phải đào sâu hơn nữa.
Thực ra đối thoại là một việc khó và đòi hỏi khá nhiều, vì trước hết phải biết kính trọng người khác, coi họ là người có lương tri, có tự do. Ta thấy ngay trong quốc hội, là chỗ để nói (Parlement) của một vài nước dân chủ, đôi khi các nghị sĩ không những mạ lỵ lẫn nhau, mà còn đứng lên quần thảo, ra tay đấm đá vật lộn nữa. Muốn đối thoại thật, thì ai nấy lại còn phải ý thức rõ về mục đích, hiểu rõ lập trường của mình và hiểu kha khá lập trường của người khác. Hơn nữa còn phải biết nghe người khác phân trần và nhân dịp đó sẵn sàng tự kiểm thảo và nếu thấy là phải thì đính chính lập trường của mình. John Cobbs là người Hoa-kỳ, giáo sư dậy thần học của đạo Ki-tô, đã lâu năm nghiên cứu và đối thoại với Phật giáo, Thiền tông và Tịnh độ tông, tại Nhật-bản, có chủ trương là còn cần phải đi xa hơn cả cuộc đối thoại và ai nấy phải sẵn sàng tùy theo đó mà thay đổi lập trường của mình nữa[ii][2].
Người viết những dòng này trước đây hơn hai mươi năm đã có chút kinh nghiệm đối thoại với một nhóm người ở thành phố Lille (Pháp). Trong nhóm gồm người Au, Á, Phi, có người công giáo, có người công giáo đã bỏ không tin nữa, có người vô tôn giáo. Buổi họp đầu tiên rất là lộn xộn, vì có một vài người đã vội cướp ngay lấy lời để thách thức, để hạch tội một cách tổng quát, chứ không tìm hiểu, không muốn nghe ai, cũng không đưa ra được một lập trường nào để trao đổi cả. Để tránh bế tắc ngay từ bước đầu, có người đưa ra đề nghị là muốn có đối thoại thì phải biết nói với nhau, muốn nói với nhau thì phải có người nói người nghe; lại khi nói thì tránh không nói về lập trường lý thuyết hay giáo điều của tập đoàn của mình, mà nói về kinh nghiệm riêng của bản thân mình về nhân sinh, về những giá trị làm cho mình tìm ra được lẽ sống. Vì lẽ rằng chỉ có đối thoại giữa những con người sống động, biết học hỏi, biết phê bình và chọn lập trường, chứ không thể có đối thoại giữa những giáo điều hay lý thuyết trừu tượng, đã trở thành những « bất động sản ». Lại nữa, về những lý thuyết trừu tượng thì ai nấy đều có thể bàn cãi vô tận như là người ngoại cuộc. Nhưng những cảm nghiệm, những kinh nghiệm bản thân về nhân sinh, cũng như những giá trị lấy làm lẽ sống, thì nó là của riêng của mỗi người. Mình có muốn nói ra là nói với tư cách là chứng nhân, mà chứng nhân thì không có thể và cũng không muốn làm áp lực gì ai. Đồng thời người nghe cũng không có lý do gì để nói rằng kinh nghiệm và quan niệm riêng của người kia thì không phải như thế, nhưng chỉ có thể xin giải thích thêm cho rõ ý mà thôi. Sau đề nghị đó, một vài người bỏ đi hẳn, vì họ không muốn đối thoại như thế.
Thiết tưởng có làm như thế mới tránh được những cuộc cãi vã suông vô ích, không liên quan đến bản thân ai cả. Và một khi đã nghe người khác trình bầy, thì ai nấy suy nghĩ, so sánh và tạo nên cuộc đối thoại ngay trong chính thâm tâm mình. Cũng như khi nói về văn hóa, thì cuộc đối thoại căn bản là đối thoại trong thâm tâm những người đã biết ít là hai văn hóa, chứ làm thế nào có đối thoại giữa những người chỉ biết có mình mà không biết có người khác.
Về nội dung của cuộc đối thoại
Có những lần chúng ta đi xe lửa, nói truyện hàng giờ với người bên cạnh. Nhưng về đến nhà thì không nhớ ra là đã nói những truyện gì. Thì ra nhiều khi ta nói truyện chỉ có tính cách xã giao, để làm quen, chứ không có ý nói về cái gì nhất định. Dù sao trong bước đầu cũng phải có làm quen như thế đã, thì sau mới có thể đối thoại hẳn hoi được. Cho nên nếu ngay từ đầu khi gặp người khác, mà không có một chút lịch sự xã giao thì không thể có đối thoại. Sau khi người ta đã quen nhau và hiểu biết khá nhiều về nhau mới có thể đi sâu vào đối thoại, theo từng bình diện khác nhau.
Về những cuộc gặp gỡ có tính cách chính thức
Những cuộc gặp gỡ chính thức giữa những vị lãnh đạo các tôn giáo hay là giữa các tông phái, có thể có một vai trò rất quan trọng. Nó có thể đánh dấu bước đầu của cuộc gặp gỡ, có thể khuyến khích cho các tín hữu bạo dạn đi vào con đường đối thoại, và sau cùng thì chính thức công nhận tất cả các thành quả.
Vì quan trọng như thế cho nên những cuộc gặp gỡ đó thường có tính cách công cộng, có những hình ảnh, những lời tuyên bố được quảng bá ra cho công chúng biết. Ví dụ như khi đức giáo tông Phao-lô VI, về phía Công giáo, và đức thượng phụ Athênagoras, về phía Chính thống Hi-lạp, đã đưa hai cánh tay vòng lấy nhau để chào hỏi, hay là khi đức giáo tông Gio-an Phao-lô II tọa đàm ở thành Assisi, năm 1986, với 130 vị lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới. Đó là những hình ảnh, những dấu hiệu đánh mạnh vào dư luận. Chưa cần phải bàn bạc về đề tài nào cả, chỉ có việc gặp gỡ nhau, ai nấy kính cẩn lắng nghe người bên cạnh, thì cũng đủ tỏ ra ý chí muốn lại gần nhau để hiểu nhau hơn và để cùng nhau xây dựng hòa bình trong một chương trình dài hạn.
Tuy những hình ảnh có giá trị tượng trưng rất lớn ấy rất là cần thiết, nhưng mới chỉ tạo ra bầu khí thuận lợi, để làm việc lâu dài. Nếu chỉ có thế thì cũng chưa đi sâu, chưa giải quyết được vấn đề nào cả. Vì chính trong lúc các vị lãnh đạo cấp trên có những cử chỉ xã giao như thế, thì ở cấp dưới những nhà chuyên môn về đạo lý khó mà tìm ra cách dung hòa lập trường của đôi bên, và nhiều khi các tín hữu vẫn cứ tiếp tục xô xát nhau. Trường hợp rõ rệt nhất là cuộc đối thoại với Hồi giáo ngày nay.
Đối thoại trên bình diện giáo lý hay đạo pháp
Đối thoại trên bình diện giáo lý hay đạo pháp là đi vào phần cốt yếu định hình cho nếp sống riêng của từng tôn giáo, nhưng đây là vấn đề vô cùng tế nhị. Lý do chính là nó đòi hỏi người muốn đối thoại phải biết lập trường của mình cho rõ ràng, đồng thời cũng phải hiểu kha khá lập trường của người đối diện. Chỉ cần nhìn qua các kinh điển chính tông, các sách chú giải, các nghi lễ, lịch sử và nếp sống mỗi tôn giáo, đã đủ thấy là quá mênh mông. Cho nên phải có thái độ khiêm tốn. Ai dám cho rằng mình quán xuyến mọi điều ?
Khiêm tốn đã vậy, lại còn phải kiên nhẫn nữa. Nhiều khi ta thấy những cố gắng tìm hiểu một tôn giáo của những người thành tâm, có thiện chí, bị người bên kia gạt phăng ra một bên, vì cho rằng nếu không tin theo và thực hành tôn giáo đó, thì không hiểu được gì hết. Như thế còn nói chi đến những người học bập bẹ được một vài câu đã lên mặt tự đắc là mình đã lột mặt nạ, phát giác ra cái thực chất của tôn giáo này tôn giáo khác. Vì đây là phạm vi quá chuyên môn, cho nên nếu những tín hữu, chưa rõ lập trường của mình, chưa hiểu quan niệm người khác, lại cứ gặp nhau, ăn nói lung tung, rồi hoặc cho rằng đạo nào cũng thế, hoặc công kích bừa bãi, thì đối thoại không đi đến đâu cả.
Lại còn có những người cho rằng mình có phương pháp khoa học, làm cho mình « đi guốc trong bụng » ngưới khác và hiểu họ hơn là họ biết về bản thân của họ. Ai giữ thái độ như thế tất nhiên sẽ coi cuộc đối thoại như chỉ là một cách để thuyết phục người khác, nhằm đưa họ theo về chân lý của mình. Những điều mình hiểu được về lập trường của người khác, thì mình đưa nó về lập trường của mình, nghĩa là cho rằng nếu người ấy suy nghĩ cho đáo lý thì sẽ phải tới lập trường của mình. Cái lối đối thoại như thế chỉ gây ra nghi kỵ, làm cho người khác tìm cách tự vệ chống lại mình mà thôi.
Như thế thì hỏi còn làm gì được ? Chẳng lẽ mỗi bên chỉ có việc nghe bên kia, rồi cái gì cũng ừ cho xong truyện ? Vẫn biết là bước đầu phải có như thế mới có thể tín cẩn vào nhau, nhưng như thế vẫn chưa phải là đối thoại. Lại nữa, nếu ai nấy đều muốn thay đổi lập trường cả, thì lấy gì làm tiêu chuẩn ? Mà thay đổi như thế chắc gì là sẽ đạt được một chân lý cao hơn ?
Cái khó khăn nhất của cuộc đối thoại về niềm tin, về giáo lý, là phải tìm cho ra chỗ đứng chung cho cả hai bên. Giữa các tông phái của một tôn giáo, như đạo Ki-tô, thì chỗ đứng chung đã có sẵn, đó là kinh Tin-kính. Còn giữa các tôn giáo khác nhau thì người ta thường nghĩ rằng chỗ đứng chung là kinh nghiệm về nhân sinh, căn cứ vào đó thì tất nói truyện được với nhau, vì ai cũng cho rằng tôn giáo của mình là hợp với kinh nghiệm về nhân sinh cả. Có điều kinh nghiệm, cũng như cảm nghiệm, là riêng của cá nhân, không thể truyền thông cho người khác được. Muốn truyền thông phải dùng ngôn ngữ mà nói lên, nhưng ngôn ngữ lại tùy thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Nói thế khác, không bao giờ có kinh nghiệm thuần túy, mà chỉ có kinh nghiệm đã được định hình theo ngôn ngữ của từng văn hóa. Cho nên khi phiên dịch sang ngôn ngữ khác, thì người nghe lại thường hiểu theo truyền thống riêng của mình, thành ra không đúng hẳn. Đã thế, trong mỗi văn hóa lại có những kinh nghiệm mà người ta cho là hiển nhiên, nhưng nó lại không hiển nhiên trong văn hóa khác. Ví dụ những từ ngữ như : nhân sinh, bản ngã, thực tại, ảo ảnh, sống lại, luân hồi, thì người ta hiểu theo nhiều nghĩa rất khác nhau.
Ngay trong các cuộc đối thoại nhằm đi tới mối đại kết giữa các tông phái của đạo Chúa Giê-su Ki-tô, tuy rằng đã có một chỗ đứng chung, tuy rằng đã có khá nhiều cố gắng, nhưng vì các tín hữu thuộc về những văn hóa và truyền thống lịch sử khác nhau, cho nên có những quan niệm khác nhau về tín lý, lễ nghi, đạo đức, cách thức tổ chức cộng đoàn, v.v., khó mà hiểu nhau. Thực ra cũng đã phải đối thoại nhiều năm mới đưa ra được một vài văn kiện chung.
Cuộc đối thoại giữa các tôn giáo lại còn khó khăn hơn nhiều. Không những vì văn hóa khác nhau, vì lịch sử khác nhau, nhiều khi lại còn hiềm khích nhau vì những chiến tranh tôn giáo, mà nhất là vì không có một chỗ đứng chung, là kinh nghiệm nền tảng về tôn giáo : ví dụ đạo Do-thái, đạo Giê-su Ki-tô và Hồi giáo thì tin có một vị Thiên Chúa, còn các tôn giáo khác của Trung quốc và An độ thì không tin hẳn như thế. Từ đó ngôn ngữ và luận thuyết khó mà phù hợp được với nhau. Ay thế mà vẫn có người có tính dễ dãi cho rằng Thái-cực, Phật, Ý thức tuyệt đối, Nguyên nhân thứ nhất hay Allah, Thiên Chúa, thì cũng là một. Có những điều xem chừng như nhau, nhưng xét cho kỹ thì lại rất khác nhau.
Thánh Phao-lô có nói rằng mình đã là người Hi-lạp với người Hi-lạp, là người Do-thái với người Do-thái. Ta cũng có thể nghĩ rằng mình phải là người An-độ với người An-độ, là người Trung quốc với người Trung quốc, là Phật tử với người Phật tử, và như thế thực là thái độ nhập thể : bỏ mình đi, để nhất tâm với người khác. Có một vài nhân vật công giáo đã hiểu như thế và đã dấn thân đi vào tôn giáo An-độ, như Monchanin và Le Saux. Linh mục J.-M. Aubert đã viết : « Đối thoại đòi phải biết đổi chỗ đứng, nó không phải chỉ là tìm biết các tôn giáo khác một cách lý thuyết, nhưng nó là con đường tinh thần mà người tín hữu phải đi, nó là cuộc đối thoại trong nội tâm của những ai muốn tìm ra con đường của mình và tìm thấy người khác ở ngay trong nội tâm của mình (...). Đi ra gặp gỡ các tôn giáo khác, đó là một cuộc phiêu lưu; trong cuộc phiêu lưu ấy người đệ tử của Chúa Ki-tô không biết là mình sẽ đi về đâu. Henri Le Saux đã chết đi, nhưng xem chừng vẫn chưa đạt được nguyện vọng, là tổng hợp được đức tin của đạo Ki-tô với quan niệm advaita (quan niệm vô nhị) của người An-độ »[iii][3]. Nói cho cùng thì không phải bất cứ ai cũng có đủ bản lĩnh để đi như thế theo con đường của Le Saux, mà không bị mất gốc, không đánh mất bản sắc của mình. Nếu vong thân, đánh mất bản sắc của mình, thì còn gặp gỡ gì ai nữa.
Đến đây ta thấy rõ tính cách hời hợt, nông cạn, của những người chỉ mới biết mấy điều lặt vặt trong một vài tôn giáo, mà đã vội cho rằng mình có thể tổng hợp được các tôn giáo.
Thống nhất, thì chưa chắc là được, mà làm cho mọi người nhất loạt tin như nhau thì cũng không thể được. Tuy vậy có thể có hòa bình, nếu ai nấy biết tôn trọng và tìm hiểu người khác. Nhưng hòa bình giữa tín hữu các tôn giáo, cũng như giữa những người có niềm thâm tín và khuynh hướng khác nhau, có thể và phải thực hiện trong đời sống thường nhật.
Đối thoại trong đời sống thường nhật
Hai lối đối thoại trước đây thường là dành riêng cho một thiểu số có điều kiện thuận tiện. Đó là điều thật khó khăn, tuy mới chỉ là đối thoại ở bình diện xã giao hay là ở bình diện lý thuyết trừu tượng, chứ chưa đi vào tới đời sống bản thân của người ta. Nhưng đối thoại như thế lại cũng chỉ có ý nghĩa, nếu nó giúp cho người ta hòa thuận được với nhau trong đời sống thường nhật là đời sống thiết thực.
Người tín hữu của các tôn giáo sống trong các xã hội có văn hóa và lịch sử riêng, chia sẻ với người khác những niềm vui, nỗi buồn, những nỗi lo lắng, những dự định, những hi vọng. Cần nhất là trong đời sống thường nhật nên giữ lấy tình liên đới, cộng tác với nhau, tìm những biện pháp để giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến mọi người, như nhân quyền, công bình, hòa bình. Có thế mới hiểu biết nhau, kính trọng nhau và dẹp bớt được những thiên kiến do người xưa truyền lại. Cũng không nên tranh luận vô ích về những chi tiết tế nhị khó hiểu trong giáo lý, vì như thế không phải là đối thoại, mà là đối đầu.
Sau giai đoạn thực tiễn đó, khi người ta đã tín cẩn vào nhau rồi thì sau cùng mới có thể trao đổi niềm thâm tín về những giá trị được coi là lẽ sống, về ý nghĩa sau cùng của nhân sinh, làm cho người ta lựa chọn hành động theo ngả này hay ngả khác. Và khi đó thì ai nấy tự do đề cập đến, với tư cách là chứng nhân, chứ không ai bắt buộc hay là thách thức được ai cả.
Còn một vấn đề nữa có thể làm cho ta thắc mắc, đó là vấn đề chân lý : nói truyện với nhau không những phải chân thành, mà còn phải chân thực nữa. Cho nên tuy rằng phải giữ tình liên đới, phải tôn trọng tự do của người khác, nhưng nếu biết rằng đạo của mình là đạo thật thì sao lại không muốn chia sẻ với người khác, nếu mình biết rằng mình đã « tự giác », thì sao lại không muốn « giác tha », để cho người khác đắc đạo hay là hạnh phúc hơn ?
Chân lý là một vấn đề gai góc, vì nó không phải là một khối duy nhất. Có nhiều phạm vi khác nhau, mỗi phạm vi có tiêu chuẩn riêng : cảm giác khác, lý luận khác. Rồi khoa học về thiên nhiên, khoa học về con người, triết học, luân lý, thẩm mỹ, v.v. mỗi phạm vi có phương pháp riêng để xác định và kiến tạo chân lý. Về cách truyền thông những chân lý sở đắc, thiết tưởng muốn tránh những cuộc đấu khẩu vô ích, nên phân loại ra làm hai.
Thứ nhất là loại chân lý khách quan về sự vật, đó là phạm vi khoa học. Phạm vi khoa học này lại có hai hạng. Một hạng thì minh chứng được, nó thuộc về luận lý học và toán học; nhưng khi minh chứng thì lại phải đưa nó về một vài tiên đề (axiomes) mà mình không minh chứng được. Còn hạng kia thì thực nghiệm được, nó thuộc về khoa học thực nghiệm; tuy vậy theo như triết gia khoa học Karl Popper (1902-1994)[iv][4] thì về mặt lý thuyết các định luật, cũng như lý thuyết khoa học có tính cách tổng quát, dù rằng thực nghiệm thấy là không sai, thì cũng chỉ là tạm thời, chứ không phải là chân lý tuyệt đối, vì ta không có cách nào mà nghiệm được hết tất cả hiện tượng đã và sẽ có. Như thế là chính trong phạm vi khoa học cũng có những điều không minh chứng được và cũng không thực nghiệm được. Tuy chân lý khoa học có giới hạn như thế, nhưng đã có thể áp dụng thành những kỹ thuật rất hữu hiệu. Ta có thể coi chân lý khoa học là chân lý chung cho mọi người. Chung của mọi người, chứ không phải là của riêng ai. Nhưng « cha chung không ai khóc » : không biết có nhà khoa học nào dám chịu tù tội, tra tấn hay là hi sinh mạng sống của mình, để bảo vệ cho một chân lý như « hai với hai là bốn » !
Thứ hai là loại chân lý bản thân, là lẽ sống của người ta. Đó là những lập trường về đạo đức, về tôn giáo, về tư cách con người. Người ta không minh chứng được nó bằng những tiên đề lý luận hay toán học, không thực nghiệm được nó bằng những sự kiện khách quan, nhưng chỉ có thể đem nếp sống của mình ra mà chứng thực. Nếu phải bỏ nó, người ta thấy mất mát đi một phần bản thân. Vì thế người ta có thể « vị nghĩa vong thân », dám hi sinh mạng sống của mình để chứng thực và giữ lấy chân lý bản thân ấy.
Chính vì không biết phân biệt hai loại chân lý như thế, cho nên khi muốn truyền bá hay là chia sẻ chân lý bản thân, ví dụ như tôn giáo, có những người rêu rao rằng tôn giáo của mình là khoa học, hay ít ra là hợp với khoa học. Nếu quả như thế thì sao từ lý thuyết và lịch sử tôn giáo đó không thấy nảy ra khoa học với những phương pháp thực nghiệm phổ biến trong thế giới ngày nay ? Lại nếu quả là như thế thì một khi người ta đã có khoa học rồi, còn cần gì tôn giáo đó nữa ! Chính vì không lấy chứng lý khoa học để thuyết phục được người khác, đồng thời lại không có thể đem nếp sống của mình ra chứng thực cho lập trường của mình, cho nên một số tín đồ của tôn giáo chủ trương « già đòn non nhẽ », lấy bạo động để truyền bá đạo giáo của mình.
Thế mới hay : tôn giáo tự nó không sinh ra bạo động, nếu người ta chịu dùng đời sống của mình để chứng thực. Nó chỉ là cái cớ gây ra bạo động, khi người ta vô tình lẫn lộn tôn giáo với khoa học, hay hữu ý dùng tôn giáo để phục vụ cho tư lợi.
Đó là một điểm quan trọng nữa cần phải chú ý trong khi đối thoại tôn giáo. Cũng như trước đây ta đã thấy là cần phải phân biệt đạo lý thanh cao với hành vi bất hảo, bất toàn, của những người cầu đạo, nhưng chưa thành đạo, chưa đắc đạo.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Hiện nay có một số người cho rằng quả thực là trong lịch sử quá khứ tôn giáo đã có vai trò tích cực trong việc giáo hóa con người khi còn ấu trĩ, nhưng bây giờ con người đã trưởng thành rồi, cho nên không cần tôn giáo nữa.
[2] Xem sách Beyond Dialogue. Toward a Mutual Transformation of Christianity and Buddhism (Fortress Press, 1982); bản dịch Pháp văn là : Bouddhisme et Christianisme. Au-delà du dialogue (Genève, Labor et Fides, 1988).
[3] J.-M. Aubert & G. Couvreur, Mission et dialogue inter-religieux, Lyon, 1990, tr 201-202.
[4] Tác giả cuốn The logic of scientific discovery, London, Hutchinson, 1959. Bản dịch Pháp văn là La logique de la découverte scientifique, Paris, Payot, 1972.
nguồn: www.dunglac.net