Ðạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Công giáo? Nên gọi thế nào cho chính danh?

Khi ta muốn nói đến một sự vật nào đó trong thiên nhiên, một sự kiện nào đó trong lịch sử, thì phải đặt cho nó một tên gọi. Có thế khi dùng tên ấy để nhắc đến nó trong những hoàn cảnh khác nhau, ta mới chắc được rằng ta vẫn nói về sự vật hay sự kiện ấy, mà người nghe cũng nhận ra như thế. Nếu mỗi lúc lại dùng một tên khác mà gọi, thì người nghe làm thế nào cùng biết được ta vẫn nói về một sự việc, một sự kiện, và rồi chính ta cũng không nhận ra được nữa. Vì, trừ những tên riêng ra, thì mỗi tên gọi có công dụng làm cho ta và người khác nhận định sự việc dưới một khía cạnh nhất định nào đó.

Chính vì thế mà các khoa học đều phải xác định danh từ chuyên môn, phải có chính danh, để ai nấy đều rõ ta muốn nói về cái gì. Danh từ chuyên môn trong các khoa học thường được định nghĩa một cách thực dụng, vì căn cứ vào những tác động và những kinh nghiệm có thể đo lường được, để ai nấy đều làm được như nhau và cùng hiểu đích xác như nhau. Ðó là lối định nghĩa khách quan. Nhưng những danh từ đó, nhất là khi phiên dịch từ ngoại ngữ, nếu không biết lựa chọn cho chính xác, thì làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hẳn đi.

Người Việt chúng ta, khi nói về các nhân vật, thường không bỏ được cái thói quen, là thêm vào tên gọi những tiếng nói lên tình cảm riêng của mình. Ví dụ khi muốn tỏ ra lòng kính trọng (thật hay giả, cũng vậy) thì thêm chữ “cụ”, “ngài”, v.v…; nếu muốn tỏ ý khinh bỉ thì thêm những chữ “thằng”, “tên”.

Các sử gia nghiên cứu ở Việt Nam về đạo Thiên Chúa, thường gặp thấy trong sách vở nhiều tên gọi khác nhau, như: đạo Ðức Chúa Trời, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Hoa Lang, đạo Khirixitô, đạo Kirixitô, đạo Kitô, rồi đạo Công giáo nữa. Những tên gọi khác nhau ấy, chắc gì có cùng một nghĩa như nhau. Cho nên vấn đề là phải gọi thế nào cho đúng, cho chính danh.

Cách gọi tên đạo Thiên Chúa của người Trung Hoa cũng rất lúng túng, nhất là khi người ngoại đạo đặt tên cho nó. Ví dụ trong buổi đầu, vào thế kỉ XVI, người ta gọi là thập tự giáo. Trong một cuốn từ điển in tại Trung Hoa, tôi thấy dịch chữ christianisme là Cơ Ðốc giáo, nhưng lại dịch chữ Catholicisme là Thiên Chủ giáo, và chữ Protestantisme là Gia Tô giáo. Cũng không trách được: chính vì hiểu biết mập mờ, cho nên phân loại lộn xộn, gọi tên không chính danh. Vì thế ta không nên cứ thấy người Trung Hoa dịch thế nào thì theo như thế. Bên Việt Nam ta quen gọi Catholicisme là đạo Công giáo, và Protestantisme là đạo Tin Lành. Như thế có phần đúng hơn, nhưng không phải là không có chỗ thiếu chính xác, gây nhiều thiên kiến, như tôi sẽ trình bày sau đây.

Thiết tưởng muốn gọi tên cho đúng thì người trong cuộc, để hiểu biết rõ hơn về đạo của mình, phải đứng ra giải thích cho rõ nghĩa và đề nghị tên gọi cho đúng ý. Có thế mới tránh được những cách gọi lầm, đưa đến những lối hiểu sai trong khi tìm hiểu và nghiên cứu. Ðó là dự định của tôi trong bài này.

Những cách gọi tên một tôn giáo

Theo thói quen, người ta có nhiều tiêu chuẩn để gọi tên một tôn giáo, một chi nhánh hay một tông phái.

Cách thứ nhất là gọi theo tên vị giáo tổ, hay vị đã khởi xướng ra giáo phái. Ví dụ: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, đạo Mahômét (Mohammed), đạo Luther, đạo Calvin, v.v…

Cách thứ hai là gọi tên theo đối tượng. Ðạo thờ vị nào thì gọi theo tên vị đó. Ví dụ: đạo Bàlamôn, đạo Siva, đạo Phật, đạo Cao Ðài, Thần đạo, đạo Thiên Chúa, v.v…

Cũng có khi lại gọi theo tên của dân tộc theo đạo. Ví dụ: Ấn (Ðộ) giáo, Hồi giáo (người Hồi ở Tây- Bắc Trung Hoa theo đạo Mahômét), Anh giáo (người nước Anh theo một tông phái của đạo Thiên Chúa). Tuy vậy, người tín đồ có thể ý thức được rằng đạo mình theo không phải là của riêng dân tộc nào, là đạo ai cũng có thể và nên theo. Ðó là lúc nảy ra ý thức truyền giáo. Truyền giáo để chia sẻ với người khác những niềm tin mà mình cho là cao quý nhất.

Như thế đủ biết là một tôn giáo có thể có nhiều tên gọi. Ví dụ đạo Mahômét (gọi theo tên vị giáo tổ) còn gọi là đạo Hồi hồi, hay Hồi giáo (vì là đạo của người Hồi theo), lại cũng có tên là đạo Islam (tên chỉ thái độ tuyệt đối quy phục Thiên Chúa); còn đạo do giáo tổ Giêsu, có biệt hiệu là Christos, truyền bá, thì người Châu Âu gọi là Chritianisme; người Trung Hoa có hai tên gọi: gọi theo tên vị giáo tổ là Yesu, đọc theo kiểu Hán - Việt là đạo Giatô; gọi theo biệt hiệu phiên âm là Jilisisu (Kilisitu), đọc theo kiểu Hán - Việt là Cơ lợi tư đốc, gọi tắt là đạo Cơ Ðốc; còn ở Việt Nam thì ngay từ buổi đầu đã phiên âm là đạo Khirixitô hay là Kirixitô, gọi tắt là Kitô.

“Ðạo” hay là “tôn(g) giáo”?

Trong truyền thống văn hóa của Trung Hoa không có sẵn từ ngữ nào để phiên dịch cho đúng từ ngữ religion của người Châu Âu. Học giả Léon Vandermeersch, chuyên gia về văn hóa Trung Hoa có viết: “Ngay từ ngữ đó cũng không có trong chữ Hán cổ điển, kiểu nói zong-jiào (tông giáo) là một từ ngữ cũng mới được đặt ra, trong kiểu nói ấy ta chỉ thấy có chữ jiào (giáo là dạy), nhưng nó không phải là từ ngữ riêng về tôn giáo. Còn về những lễ nghi trong Khổng giáo, thì chữ lỉ (lễ) dùng để chỉ nó, lại không thể dùng để chỉ các lễ nghi trong tôn giáo hiểu theo nghĩa của Châu Âu, vì thế cả Phật giáo lẫn Lão giáo cũng đều bỏ, không dùng đến nó” [1].

Tuy là mới được đặt ra nhân dịp tiếp xúc với người Châu Âu, nhưng từ tôn giáo chúng ta dùng đã quá quen rồi, cho nên thiết tưởng không nên thay đổi nữa. Tuy nhiên dùng nó không phải là không có cái bất tiện, bất cập. Thực thế, hiểu theo đúng nghĩa chữ, thì tông giáo có nghĩa là lời dạy (giáo) của ông tổ (tông). Dĩ nhiên là tôn giáo cũng là một di sản văn hóa được truyền lại. Nhưng nghĩa của nó quá rộng, vì bất cứ cái gì được truyền từ đời này sang đời khác đều có thể gọi là tông giáo cả. Cho nên có thể dùng nó để chỉ những cái mà người Châu Âu không gọi là religion. Chẳng lẽ chúng ta coi Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng là một loại như Bạch Liên giáo? Nói cho cùng, chính cái ý niệm tôn giáo đối với người Âu -Mỹ ngày nay cũng rất khó định nghĩa, vì trong định chế tự do tôn giáo, có nhiều người đem vào Âu-Mỹ hay là chế biến ra tại Âu-Mỹ những hệ thống tư tưởng và thực hành, viện cớ là tôn giáo mới, để được tự do truyền bá, tuy nhiều khi người dân Âu-Mỹ cũng khám phá ra trong đó có những điều nhảm nhí, lừa bịp để làm tiền.

Nói tóm lại, dùng từ ngữ tôn giáo chỉ nói lên được rằng đó là một truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không nói rõ được cái nội dung của những truyền thống ấy.

Trong tiếng Việt bây giờ người ta cũng hay dùng chữ đạo. Tôi nghĩ dùng như thế hay hơn, đúng hơn và giầu ý nghĩa hơn. Chữ đạo mà ta lấy lại của người Trung Hoa, vừa có nghĩa là đường, đường phải đi, lối phải sống, lại vừa có nghĩa là nguyên lí điều hòa vũ trụ, thiên địa nhân. Nó có tính cách thực hành, có liên quan đến hành vi, hạnh kiểm, nếp sống, như người ta nói: sống cho phải đạo.

Trong sách Phép giảng tám ngày, sách trình bày giáo lí của đạo Thiên Chúa, do giáo sĩ Alexandre de Rhodes soạn bằng tiếng Việt viết theo mẫu tự Latinh, có đối chiếu với tiếng Latinh và cho in tại Rôma năm 1651, ta thấy dùng chữ đạo để phiên dịch chữ Iex, nghĩa là lề luật (tiếng Pháp là: Ioi), chứ không phải để phiên dịch chữ religio (tôn giáo). Thực ra chữ Latinh Iex cũng như chữ Hy Lạp nomos đã được dùng để phiên dịch chữ torah trong Thánh Kinh của đạo Do Thái. Torah là bộ luật do giáo tổ Môsê (xưa ta phiên âm là Maisen) ban hành cho dân, để biết cách sống cho phải đạo. Vì Torah là sách chỉ đạo, chỉ cho tín hữu con đường phải theo, nếp sống phải giữ. Chính vì thế mà tôi nghĩ chữ đạo giầu ý nghĩa hơn chữ giáo.

Ðạo Thiên Chúa, đạo Ðức Chúa Trời

Trước khi đạo được truyền sang Việt Nam thì ở bên Trung Hoa các giáo sĩ Tây phương đã phải giải thích đạo của mình thờ vị nào. Họ làm việc một cách đường đường chính chính, viết xong sách thì dâng lên cho vua quan đọc. Khi vua Càn Long nhà Thanh cho làm sổ thư tịch bằng Hán văn ở Trung Quốc, có cho vào sổ đó ba cuốn sách trình bày đạo Thiên Chúa do ba vị giáo sĩ Tây phương soạn thảo [2]. Nhưng muốn gọi cho đích xác vị nào đạo mình thờ thì không dễ gì, vì trong các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật được thờ bên Trung Quốc, không thấy có vị nào như thế cả.

Khó gọi tên như thế là vì lấy gốc tích từ đạo Do Thái. Thực thế, dân Do Thái thờ phụng một vị không giống một nhân vật hay sự vật nào trong trời đất này cả. Vì thế không thể gọi tên được, cũng như ta đọc trong Ðạo Ðức kinh của Ðạo gia: “Danh khả danh phi thường danh”. Vì gọi tên ra được, tức là phân loại được, xếp được vào một loại như các nhân vật hay sự vật khác. Ðàng khác, cũng như ở Việt Nam có thói tránh tên huý, cho nên tên viết phải đọc trại đi; cũng thế, mà còn hơn nữa, người Do Thái chỉ viết tên vị đó bằng bốn phụ âm YHWH, mà không viết nguyên âm, vì thế không thể đọc lên được, vì không được phép gọi tên vị đó. Khi quan niệm tôn giáo ấy được truyền vào văn hóa Hy Lạp và Latinh, thì người ta tạm dùng từ ngữ Theos và Deus, có nghĩa là thần linh. Nhưng vì trong hai nền văn hóa đó người ta thờ bách thần, nghĩa là vô số thần linh, cho nên phải nói thêm ra rằng mình chỉ thờ có một thần linh mà thôi còn các thần linh khác thì mình coi là không có, và cũng vì thế người ta viết chữ hoa Theos, Deus, như là tên riêng vậy. Sau này người Châu Âu cũng viết chữ hoa như thế: Deus, Dieu, Dio, Dios, God, Gott, v.v…

Các giáo sĩ Tây phương đã bàn luận rất nhiều để tìm ra tên gọi cho chính danh. Họ đi tới quyết định là không dùng chữ Thiên, không dùng hai chữ Thượng Ðế, để tránh hiểu lầm, mà chỉ dùng hai chữ Thiên Chủ (hay là Thiên địa chân chủ, Chúa thật trời đất). Do đó gọi tên đạo là Thiên chủ giáo. Và vì các giáo sĩ truyền bá Thiên chủ giáo vào thế kỉ XVI và XVII đều thuộc về tông phái “Công giáo”, cho nên người ta cũng dùng những chữ Thiên chủ giáo để chỉ đạo “Công giáo”.

Khi đạo truyền vào Việt Nam, thì tên gọi đã được ấn định, cho nên người ta gọi theo chữ Hán – Việt là Thiên Chủ giáo, Thiên Chủ là Chúa Trời, nhưng người Việt ta đệm chữ Ðức để tỏ lòng cung kính, cũng như ta nói: Ðức Phật, Ðức Khổng Tử, Ðức Thánh Trần, và sau này người Công giáo Việt Nam cũng có cách gọi tên như: Ðức Chúa, Ðức Chúa Bà, Ðức Bà, Ðức Mẹ, Ðức Cha, Ðức Ông, v.v… Vì thế cho nên tên gọi đạo là đạo Ðức Chúa Trời.

Có một điều làm cho tôi hơi thắc mắc: vì sao người mình không đọc theo lối Hán – Việt là Thiên Chủ, mà lại đọc là Thiên Chúa? Tôi xin phép đề nghị một giả thuyết: Ðạo Thiên Chúa được truyền sang đất Ðại Việt vào thời Nam Bắc phân tranh: Ðàng Trong thì có chúa Nguyễn, Ðàng Ngoài thì có vua Lê, chúa Trịnh. Vua thì xưng hiệu là đế, là hoàng đế, còn chúa Nguyễn và chúa Trịnh, thì tuy chỉ có tước vương là vua, nhưng thực có binh quyền trong tay và tự quyết định lấy mọi việc. Vì thế khi nói về chúa Trịnh, các giáo sĩ Tây phương thời đó quen gọi là “le roi du Tonkin”. Biết đâu vì vua là hư vị, còn “Chúa” mới có thực quyền cho nên người ta phiên dịch chữ Deus là Thiên Chúa?

Nói cho đúng thì gọi là Thiên Chúa vẫn chưa đủ ý nghĩa, vì sách vở đời xưa cũng hay dùng kiểu nói Thiên địa chân chủ, Chúa thật trời đất. Nhiều khi lại gọi vắn tắt là Chúa, và để phân biệt được với chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thì các giáo sĩ thường đệm từ ngữ Deus, đáng lẽ phải phiên âm là Ðêu, nhưng lại viết theo kiểu người Châu Âu là Dêu, cho nên gọi là Chúa Dêu. Lối phiên âm này có điều bất tiện là: người Hà Nội đọc là Zêu, người miền khác lại đọc là Rêu, Giêu hay là Jêu!

Ðạo Hoa Lang, Ðạo Gia Tô?

Hai tên gọi này đã có từ thế kỉ XVII. Các sách Ðại Việt sử kí toàn thư (ÐVSKTT) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều có nhắc tới.

Về tên gọi Hoa Lang thì ÐVSKTT viết: (1663) Mùa đông tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây có người nước Hoa Lang vào nước ta, lập đạo lừa phỉnh dân ngu, đàn ông đàn bà ngu dốt nhiều người tin mộ, chỗ nhà giảng người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi, mà sách vở và nơi giảng hãy còn thói tệ chưa đổi. Ðến nay lại nghiêm cấm” (Q. XIX, Huyền tôn Mục hoàng đế, Cảnh Trị, bản dịch Nxb. KHXH, tập III, tr. 298).

Người Công giáo không chịu nhận tên gọi như thế và đã tìm cách giải thích từ lâu rồi. Tôi xin trưng dẫn ra đây chứng lí được in ra bằng chữ Quốc ngữ lần đầu tiên trong sách Chân đạo yếu lí do giám mục Paul – François Puginier (quen gọi là Ðức Cha Phước), coi sóc địa phận Tây Ðàng Ngoài cho in bằng chữ Quốc ngữ năm 1882, trang 124-125: “Có kẻ quen gọi đạo Thiên Chúa là Hoa Lang đạo; nhưng mà tiếng Hoa Lang có ít người hiểu. Vậy có sách rằng: tên Hoa Lang là tên đặt cho lái buôn kia chở những vóc có hoa như hoa khoai lang, cho nên gọi lái buôn ấy là Hoa Lang. Ðến ngày sau những người giữ đạo Thiên Chúa gọi là Hoa Lang đạo, vì giữ một đạo như lái buôn ấy; nhưng mà trong các sách đạo Thiên Chúa chẳng có dùng tiếng Hoa Lang bao giờ, một dạy kính chuộng một Thiên địa chân chúa trên hết mọi sự và yêu người ta bằng mình ta vậy”. Ðoạn văn đó căn cứ vào bản chữ Nôm in năm 1829, và có sửa ít chút; rồi bản chữ Nôm đó đã lấy lại trong cặp vở ghi chú của giáo sĩ Langlois viết vào cuối thế kỉ XVIII [3].

Trong thiên khảo luận viết bằng tiếng Pháp, nhan đề Truyền thống Việt Nam: Một quốc gia trong lòng văn hóa Trung Hoa, học giả Philippe Langlet viết: “Trong Minh sử, Ngoại quốc truyện, có gọi họ là Hoà Lan; họ là người phương Tây mà dân quê tôi gọi trại đi là Hoa Lang” [4]. Và ông ghi chú rằng đó không thể là Hoà Lan được, nhưng là người Bồ Ðào Nha, căn cứ theo lá thư của giáo sĩ Le Royer viết năm 1714 về vụ cấm đạo năm 1712, như sau: “Cũng như trước đây, sắc lệnh cấm đạo không bao giờ gọi tên là đạo Ðức Chúa Trời, nhưng đã cấm đạo dưới cái tên là đạo Hoa Lang, tức là đạo của người Bồ Ðào Nha” (Lettres édifiantes et curieuses, t. IV, tr. 538b).

Gần đây Alexander Barton Woodside lại đưa ra một lối giải thích khác trong cuốn sách Việt Nam và khuôn mẫu Trung Hoa. Căn cứ vào lối giải thích của một người Thái Lan, là Chule Chakrabongse [5], Woodside viết: “(cũng trong những tài liệu đó), Châu Âu, thường được gọi là Hoa Lang quốc, Hoa Lang là cách người Việt Nam phiên âm tiếng Xiêm farang, từ ngữ dùng để chỉ người da trắng” [6]. Tuy chưa có bằng chứng gì cả, nhưng tôi cũng tự hỏi: biết đâu chữ farang đó lại chẳng phải là từ chữ France (Pha Lang Sa) mà ra?

Còn về tên gọi đạo Gia Tô (cũng viết là Da Tô), thì dễ giải thích hơn. Ðây là lời giải thích trong sách Chân đạo yếu lí đã dẫn trên đây: “Bằng tiếng Da Tô kẻ ghét đạo quen dùng, thật là tiếng vô nghĩa trong nước Annam, vì kẻ đọc tiếng ấy cứ về chữ nho, song người Ðại Minh đọc tiếng ấy là Jêsu, như bổn đạo Annam cũng quen đọc, mà trong các sách đạo đã cắt nghĩa rằng: tiếng Jêsu nghĩa là đấng hay cứu” (tr. 137; bản Nôm năm 1828, tờ 126 a+b).

Như thế cũng đủ rõ là hai tên gọi Hoa Lang và Gia Tô không chỉnh. Có điều là các sắc lệnh cấm đạo thời xưa, và cả bài hịch Bình tây sát tả của Văn thân, thì đều viết bằng Hán văn, cho nên viết và đọc theo giọng Hán –Việt là đạo Gia Tô, chứ có lẽ không biết phải gọi là Giêsu. Về chữ Cơ Ðốc cũng thế, như đã nói trên đây. Ta thấy, viết như người Trung Hoa thì được, nhưng đọc lên theo giọng Hán –Việt thì sai đi nhiều. Ðó cũng là cái tật của người mình khi phiên âm tên ngoại quốc: thay vì phiên âm theo cách đọc của người ta, thì lại bắt chước cách viết của người Trung Quốc, rồi đọc sang giọng Hán – Việt. Ví dụ trước đây thay vì viết tên Rousseau và chỉ cách đọc là Ruxô, thì lại phiên âm là Lư Thoa; thay vì viết Platon và chỉ cách đọc là Pờlatôn, thì lại phiên âm là Bá Lạp Ðồ, v.v...

Vậy nên làm thế nào?

1. Ở Việt Nam người ta quen nói đạo của người Công giáo là đạo Thiên Chúa. Nói như thế đúng nhưng chưa rõ lắm. Thực vậy, các tín đồ của đạo Do Thái, của đạo Giêsu và của đạo Hồi hồi (Islam) đều cùng thờ một Thiên Chúa, một Thiên Ðịa Chân Chúa như nhau, nhưng họ khác nhau về quan niệm và về tương quan với Thiên Chúa, lại khác nhau về lối sống đạo và hành đạo.

Người Do Thái căn cứ vào lịch sử của họ mà tin rằng Thiên Chúa đã chọn riêng dân tộc của họ, chọn giáo tổ của họ là Môsê, cho họ biết dự định của Ngài về họ, và thành lập giao ước với họ, lại dẫn dắt họ trên đường đời. Ðạo của họ, tuy là có nói đến ý định của Thiên Chúa về vận mệnh của các dân tộc khác, nhưng không có tính cách phổ thông, vì dành ưu tiên cho một dân tộc, ít là trong một giai đoạn lịch sử. Cũng như hai tôn giáo sau đây, họ tin rằng Thiên Chúa là siêu việt, khác hẳn mọi vật trong trời đất này.

Còn môn đồ của đức Giêsu, cũng từ đạo Do Thái mà ra, thì tin rằng chính Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, để dạy dỗ và để tỏ ra mối tình thân ái đối với nhân loại. Ðó là giao ước mới của Thiên Chúa. Cũng như trong đạo Do Thái, họ tin tưởng rằng Thiên Chúa có tình riêng với nhân loại, chứ không hờ hững bất xét đối với người ta, như thần linh của các tôn giáo khác. Ðạo của Ngài có tính cách phổ thông, vì là đường lối đề nghị cho mọi người, chứ không dành riêng cho một dân tộc nào cả.

Hồi giáo cũng tôn thờ một vị Thiên Chúa như thế, nhưng họ đến sau hai tôn giáo kia, cho nên không cần kinh nghiệm nhiều thế kỉ trong lịch sử, không cần mất nhiều thì giờ, để nhận định là có một Thiên Chúa mà thôi. Nhưng họ không cho rằng Thiên Chúa nói với người ta một cách từ từ, qua những biến cố lịch sử của một dân tộc (Do Thái), hay là qua nếp sống của một nhân vật đặc biệt (Giêsu), mà là nói thẳng ra ngay bằng tiếng Arập cho giáo tổ là Mohammed nghe và cho chép lại thành cuốn Thánh kinh Coran. Ai nấy phải nghe và quy phục. Hồi giáo là đạo phổ thông, nhưng nội dung thì ít hơn đạo Do Thái và đạo Giêsu nhiều, vì Mohammed cho rằng hai đạo ấy quá rườm rà, và ông cho rằng làm như ông là trở về nguồn trong sáng và đơn sơ hơn. Ðại khái là như thế.

Người Công giáo thì theo đạo do Ðức Giêsu lập, tức là theo một trong ba tôn giáo thờ một Thiên Chúa. Cho nên đúng là họ theo đạo Thiên Chúa.

2. Nếu nói thêm ra rằng người Công giáo theo đạo do Ðức Giêsu Kitô (Jésus-Christ), thì cũng đúng nữa, nhưng vẫn chưa rõ lắm, vì Công giáo là một trong mấy tông phái của đạo Giêsu, như tông phái Chính Thống (Orthodoxe), và tông phái Tin Lành (évangélique, protestant). Riêng tông phái Tin Lành, cũng gọi là Canh tân giáo (réformée), trước đây đã chia ra làm nhiều chi nhánh, và ngày nay, nhất là bên Hoa Kỳ lại thêm ra vô số chi nhánh mới, nhiều khi không biết đến nhau và không lâu bền. Vì thế tông phái Tin Lành thấy cần phải thống nhất, và họ đã thiết lập ra Hội đồng Ðại kết. Nhưng thống nhất không phải là dễ, vì có nhiều điểm khác nhau, và ai cũng cho mình là đạo Giêsu chính hiệu.

Vậy phải gọi tên đạo của Ðức Giêsu Kitô thế nào cho đúng?

Theo như lịch sử thì cái tên christianus (chrétiens) và christianismus là tên người ngoại cuộc đặt cho môn đồ của Ðức Giêsu và đạo Ngài dạy, nghĩa là không đặt theo tên vị giáo chủ. Biệt hiệu tiếng Hy Lạp của Ngài là Christos (Christ): nghĩa là đạo do vị Christos (tiếng gốc Hipri là Masia), tức là vị mà Thiên Chúa sai xuống thế gian để cứu độ cho người ta. Như đã nói trên đây, người Trung Quốc phiên âm là Jilisisu hay là Kilisitu, đọc theo giọng Hán-Việt là Cơ lợi tư đốc, gọi tắt là Cơ Ðốc. Cho nên khi gọi đạo Ngài là Cơ Ðốc giáo tức là phiên âm chữ Christianisme. Ngoài ra người Trung Quốc cũng có danh từ Ye su jiào, đạo của Giêsu, nhưng giọng Hán – Việt lại đọc trệch đi là Gia Tô giáo, hay là đạo Gia Tô.

Bên Việt Nam buổi đầu người ta phiên âm chữ Christos là Khirixitô hay là Kirixitô và gần đây là Kitô. Xem chừng người ta đã bắt đầu quen dùng tên gọi đạo Kitô thay vì đạo Kirixitô. Cá nhân tôi thấy nó thế nào ấy, vì đọc lên không thấy có âm hưởng gì cả, lại không thấy giống chữ Christos là bao nhiêu. Có lẽ dùng mãi thì nó cũng quen đi. Nhưng tôi đề nghị nên dùng thêm mấy kiểu nói khác để dịch chữ Christianisme cho rõ ý nghĩa hơn, như: đạo Giêsu, đạo Chúa Giêsu, đạo Chúa Cứu Thế. Ðề nghị như thế là tôi căn cứ vào lời giải thích trong sách giáo lí, sách Bổn cũ, Phần I, đoạn 4: “Hỏi: Giêsu nghĩa là làm sao? Thưa: Nghĩa là đấng hay cứu….”. Như thế dĩ nhiên là bỏ mất chữ Christos, nhưng không thiệt gì cả vì chữ đó là tiếng Hy Lạp dùng để phiên dịch chữ Hipri Masia, có nghĩa là cứu tinh mà Thiên Chúa sai xuống thế gian để cứu độ cho người ta.

Phần Phụ lục: Về nguồn gốc hai chữ “Công giáo”

Cho đến hết thế kỉ XIX, đạo Giêsu Cứu Thế (Gia Tô, Cơ Ðốc) thường bị khó dễ, bắt bớ, cấm cách, vì nội dung của nó không được vua quan cho là hợp với đạo lí. Người theo đạo đã phải ra công minh chứng rằng đạo của mình không có gì là trái với tam cương ngũ thường. Nhưng vào thế kỉ XX, khi mà người theo đạo dùng hai chữ “Công giáo” để chỉ cho đích xác tông phái của mình, thì bị một số người ngoại cuộc hiểu lầm hay là hiểu sai đi, gây ra nhiều xích mích tai hại cho hoà bình. Không biết như thế là vô tình hay cố tình, nhưng những người này cho rằng hai chữ đó nói lên cái tham vọng của người Công giáo muốn đặt tôn giáo của mình lên làm tôn giáo của công quyền, làm tôn giáo của nhà nước, làm quốc giáo, nghĩa là nhà nước có thể dùng công lực và công quyền để bắt buộc mọi người phải theo, và dĩ nhiên là đi tới kì thị tôn giáo. Cái tham vọng đó, xưa nay nhiều tôn giáo đã, đang và còn sẽ thực hiện, nhất là khi người ta không phân biệt tôn giáo với chính trị. Nhưng đó không phải là lập trường của người Công giáo, vì trên bình diện lí thuyết họ đòi phải phân biệt tôn giáo với chính trị.

Thực ra cách đây hơn 60 năm tôi đã nghe một linh mục lão thành nói rằng dùng chữ “Công giáo” thì không chính danh, mà phải dùng hai chữ khác, ví dụ như “Phổ giáo” để nói lên rằng đó là đạo chung đón nhận mọi người, chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào.

Sau đây tôi xin nói lên cái nội dung và nguồc gốc của hai chữ “Công giáo”, để tránh những cái hiểu lầm tai hại.

Theo như chỗ hiểu biết của tôi thì trong sách vở của người theo đạo Giêsu Cứu Thế, từ thế kỉ XVII cho đến hết thế kỉ XIX, chưa bao giờ dùng hai chữ “Công giáo”. Mãi đến thế kỉ XX mới dùng, nhưng tôi chưa biết đích xác ai đã bắt đầu dùng ở Việt Nam, dùng từ bao giờ và trong văn kiện nào. Xin để các nhà nghiên cứu có phương tiện tìm giúp.

Như ai nấy đều biết, chữ “Công giáo” bây giờ dùng để dịch chữ “Catholica” (Catholique). Vốn chữ đó là do gốc Hy Lạp: kata = (theo như), holon (= cái toàn thể), dùng để chỉ một trong ba đặc điểm của giáo hội, nghĩa là của cộng đoàn những người theo đạo Giêsu Cứu Thế. Những người đó ý thức được và tuyên xưng (trong kinh Credo, tức là kinh Tin Kính) ra rằng cộng đoàn của họ là cộng đoàn duy nhất (una), không chia ra năm bè bảy phái, thánh thiện (sancta), nghĩa là có mục đích và các phương tiện giúp cho người ta thánh thiện. Còn đặc điểm thứ ba là chữ Catholica trong mấy thế kỉ đầu không tìm ra từ ngữ nào để dịch cho đúng, cho nên người ta chỉ biết lấy lại chữ Catholica rồi giải thích ý nghĩa của nó.

Muốn nói cho đầy đủ cũng cần phải thêm rằng: ngày xưa người ta chưa dùng chữ thánh thiện và chữ giáo hội (hội thánh) [7] để dịch chữ sancta và chữ ecclesia (église, giáo hội). Riêng chữ ecclesia, thì người ta còn phiên âm chữ Igreja từ tiếng Bồ Ðào Nha, thành ra nhiều kiểu.

Xin đơn cử ra đây một vài ví dụ: giáo sĩ Alexandre de Rhodes, trong sách Phép giảng tám ngày (Roma, 1651) thì dùng kiểu nói: “thánh ecclesia” (tr. 136). Trong Sách dạy những phép giúp lễ misa, viết tay tại Cửa Hát năm 1704 (Văn khố Hội thừa sai nước ngoài tại Paris, AMEP, số V – 1099) thì viết là Ighereja. Trong Sách giảng đạo thật viết năm 1785, (AMEP, số 1183) thì nói “thánh Igrêsa catholica”. Còn trong sách Bổn (sách giáo lí) tiếng Việt, có đề tên Latinh là Catechismus annamiticus (AMEP, số V-1092) - có lẽ đã soạn ra vào thế kỉ XVIII - thì viết: “Tôi tin có sangta Igheresa catholica” (tr. 117). Có lẽ Giám mục Bá Ða Lộc (Pierre Pigneaux Béhaine) là người đầu tiên dùng chữ “Hội thánh” thay vì chữ “ecclesia” trong sách Thánh giáo yếu lí Quốc ngữ” [8] (in năm 1774 tại Quảng Châu bằng chữ Nôm, có bản viết tay bằng chữ Quốc ngữ mẫu tự Latinh, AMEP số V-1095, tr. 42), nhưng cũng trong sách đó, trang 64, trong kinh “Tôi tin kính”, lại dùng kiểu nói cũ “Tôi tin có Sancta Ighêleja catholica”. Trong Sách sổ sang chép các việc, viết xong tại Lisboa (Lisbonne, Bồ Ðào Nha) năm 1822 (do Thanh Lãng giới thiệu và Viện đại học Ðà Lạt cho xuất bản năm 1968), thì tác giả Philiphê Bỉnh vẫn còn dùng kiểu nói “thánh Igreja” (tr. 262) và “thánh Igreja catholica” (tr. 194).

Về ý nghĩa chữ “catholica”, thì sách Thánh đạo đại nguyên, in bằng chữ Quốc ngữ tại Làng Sông, gần Quy Nhơn, năm 1907 giải thích như sau: “Chính mình Chúa xuống thế lập một hội chung cho các nước cả và thiên hạ” (tr. 199); Và ngày nay người Công giáo Việt Nam vẫn đọc trong kinh Tin Kính: “Tôi tin có hội thánh hằng có ở khắp thế này”. Những câu mà tôi cho in nghiêng đều chứng tỏ rằng những người đọc kinh như thế không có ý dùng công lực hay công quyền để bắt ép người khác phải theo đạo mình.

Như tôi đã nói trên đây, hai chữ “Công giáo” dùng để dịch chữ “catholica” thực ra không hợp với ý nghĩa của nó cho lắm, lại cũng có thể gây ra hiểu lầm. Nhưng người ta dùng cũng đã quen, cho nên vấn đề là phải giải thích cho người ta hiểu đúng. Nhưng hai chữ đó từ đâu mà ra?

Theo tôi hiểu thì có hai nguyên do đưa tới kiểu nói “Công giáo”.

Thứ nhất là về chữ “giáo”: Theo đúng nghĩa của nó thì tất cả những người theo đạo Giêsu Cứu Thế đều là thành phần của một cộng đoàn catholica, chung cho cả thế giới, không phân biệt quốc gia dân tộc, coi mọi người là anh em, con một Cha chung; vì cộng đoàn không có tính cách thế tục, hơn nữa lại cũng không phân biệt tông phái. Vì thế các tông phái, tuy nhiều khi không tự xưng là catholica, nhưng cùng có niềm tin một cộng đoàn catholica như nhau.

Vào thế kỉ XI vì một vài lí do có tính cách văn hóa và cách thức tổ chức, lại đôi khi có thêm lí do chính trị và kinh tế, hơn là vì lí do đức tin, nên có li khai thành hai tông phái, hai cộng đoàn: người miền Ðông Âu, nói tiếng Hy Lạp, thì tự xưng là “oxthodoxes”, có nghĩa là “chính kiến”, nhưng ta quen gọi là giáo hội “Chính Thống”; còn người miền Tây Âu, nói tiếng Latinh, thì không lấy tên gì khác, cho nên vẫn gọi là giáo hội catholica. Ðến thế kỉ XVI, lại có li khai nữa ở giáo hội Tây Âu: những người ở Bắc Âu đi theo phong trào cải cách của Martin Luther (1483-1546) và của Jean Calvin (1509-1564) thì tự xưng là “Tin Lành” (évangélique), “Cải giáo (réforme) hay là “Chống đối” (protestant, không nên dịch là “thệ phản”). Còn những người miền nam Châu Âu, không chống đối, không li khai với giáo tông, thì không có tên gì khác, cho nên vẫn gọi là giáo hội catholica. Từ đó, giáo hội gọi là catholica, chỉ còn là một tông phái, tuy là cộng đoàn đông người nhất, nhưng không thu họp được tất cả các môn đồ của giáo tổ Giêsu nữa. Những giáo sĩ đầu tiên sang truyền giáo ở Việt Nam đều thuộc về giáo hội catholica cả.

Thêm vào đó chữ catholica, theo lí thuyết phải dùng để chỉ một đặc tính của giáo hội, thì dần dần ở Châu Âu người ta dùng để chỉ tôn giáo. Vì lí do rằng mỗi tông phái trên đây đều cho rằng đường lối của mình là chính đạo. Từ đó, ngay từ bên Châu Âu người ta đã nói đến đạo Chính Thống (religion orthodoxe), đạo Tin Lành (religion protestante) và đạo catholica. Theo như tôi biết thì trong sách vở bằng tiếng Việt có lẽ Philiphê Bỉnh là người đầu tiên dùng kiểu nói “đạo catholica Romana”, “đạo catholica” (Xem Sách sổ sang chép các việc, đã dẫn trên đây, trang 177 và 191). Như thế là ta giải thích được chữ “giáo” trong kiểu nói “Công giáo”.

Thứ hai là về chữ “công”: Chữ catholica trước đây không được phiên dịch ra tiếng Việt, mà chỉ được giải thích là: “hội thánh hằng có ở khắp thế này”. Vì thế tôi nghĩ phải tìm trong sách đạo viết bằng chữ Hán dùng ở Việt Nam. Thực ra các giáo sĩ người Âu, trước khi họ sang Việt Nam, thì thường đã sang Trung Hoa trước, và đem sang bên ta một ít sách chữ Hán cho mình dùng, không những là sách giáo lí mà cả sách chép các kinh nhật tụng nữa. Ðặc biệt nhất là Kinh cầu Ðức Bà bằng chữ Hán, gọi là Kinh cầu chữ, mà trước đây thường đọc trong những ngày giỗ.

Tôi đã may mắn tìm được trong cuốn sách viết tay Bổn Ba Ngôi (AMEP, số V-1100) trang 115, có Kinh Tin Kính phiên âm Hán –Việt. Kinh bắt đầu thế này: “Thần tín tuyền năng giả Thiên Chúa Phatêrê tạo thành thiên địa, v.v…: (= Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, v.v…). Ðến chỗ nói về giáo hội thì phiên âm Hán-Việt là như sau: “Thần tín hữu thánh nhi công Ighêregia”. “Thần tín hữu” là “Tôi tin có”; “thánh” là dịch chữ “sancta” là “thánh thiện”; “nhi” là “mà, mà lại”; còn “Ighêrêgia” là phiên âm chữ “Igreja”, “ecclesia” (église), tức là giáo hội, hội thánh. Riêng chữ “công” ở đây là dịch chữ “catholica”, có nghĩa là (hội thánh) hằng có ở khắp thế này”, như đã giải thích trên đây.

Như thế đã rõ: tông phái catholica theo đường lối nào, theo đạo nào, thì đạo ấy gọi là đạo catholica, tức là đạo chung cho mọi người. Lại vì chữ “công” có nghĩa là “chung”, cho nên người Trung Hoa dịch “catholica” là “công”. Thành ra khi chuyển đặc tính catholica làm đặc tính của đạo, thì dĩ nhiên là người ta dùng hai chữ “Công giáo”. Tôi không biết người đầu tiên dùng hai chữ “Công giáo” có cân nhắc như thế không, nhưng tôi trộm nghĩ đó là cái lí sự làm nền tảng cho cách phiên dịch chữ “religio catholica”.

Vẫn biết là cần phải nói cho chính danh, mới tránh được hành động sai lầm, nhưng tôi nghĩ không nên câu nệ về từ nguyên [9]. Những kiểu nói tuy không hoàn toàn đúng, nhưng dùng đã quá quen, như hai chữ “Công giáo”, thì có lẽ không nên sửa lại nữa, nhưng cần phải giải thích để hiểu cho đúng./.

Trần Văn Toàn, GS. Ðại học Công giáo Lille, Pháp.

www. dunglac.net

--------------------------------------------------------------------------------

[1]“Tradition chinoise et religion”, trong cuốn sách tập thể Catholicisme et sociétés asiatiques, do Alain Forest và Yoschibaru Tsuboi thu thập, Nxb. L’Harmattan, Paris, 1988, tr. 21.

[2]Ba vị đó là Matteo đã viết cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa, Diego de Pantoja đã viết cuốn Thất Khắc (là bảy điều khắc kỉ, lấy bảy nhân đức để khắc phục bảy thói xấu. Sách chữ Hán này đã có dùng tại Việt Nam) và Ferdinand Verbiest đã viết sách trình bày đại cương các tín lí cơ bản của đạo Thiên Chúa. Trong bức thư viết tại Bắc Kinh, ngày 31-7-1778, một giáo sĩ có kể như sau: “Ðiều làm cho chúng tôi thích thú, là trong tủ sách có giá trị đó thì hoàng đế đã cho xếp vào đó ba cuốn sách do các giáo sĩ dòng Tên (tu hội lấy tên đức Giêsu mà gọi) biên soạn”, và ông kết luận: “Ðây là điều tiền hậu bất nhất của con người ta. Người Trung Quốc đem sách của đạo ta vào sổ các sách tốt nhất viết bằng Hán văn, nhưng họ lại bắt bớ cấm cách người theo đạo ta” (trong Nouvelles lettres édifiantes et curieuses, Lyon, 1819, tập XIII, tr. 519-520).

[3]Xem: Archives des Missions étrangéres de Paris (Văn khố Hội Thừa sai nước ngoài tại Paris), tập V-1102.

[4]“La tradition Vietnamienne: un Etat national au sein de la civilisation chinoise”, in trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (Saigon), bộ mới, tập XLV, số 2+3, 1970, tr. 101.

[5]Xem sách Lords of life: The paternal Monarchy of Bankok, London, 1960, tr. 36.

[6]Vietnam and the Chinese Model, Cambridge (Ma) and London, 1988, tr. 246.

[7]Cũng như bên nhà Phật, cộng đoàn những người đi tu theo Phật pháp gọi là Sâng, người Trung Hoa không dịch, nhưng phiên âm là seng (seng-jia), đọc theo giọng Hán –Việt là tăng (tăng già), nhưng hình như không còn hiểu là cộng đoàn, mà hiểu là cá nhân người đi tu, nghĩa là ông sư (người đi tu ngày xưa tự xưng là bần tăng). Thiết tưởng có lẽ vì thế mà ngày nay khi muốn nói đến cộng đoàn thì bên nhà Phật cũng dùng chữ giáo hội (église) như bên Công giáo.

[8]“Quốc ngữ” ở đây có nghĩa là tiếng nước ta, tiếng Việt, chứ không phải chữ Hán. Vì thế chữ Nôm cũng gọi là chữ Quốc ngữ.

[9]Ví dụ ở Châu Âu ngày nay ai nấy đều dùng Physiologie theo nghĩa là Sinh lí học, mà không xét rằng theo từ nguyên thì nó có nghĩa là Thiên nhiên luận, như triết gia Feuerbach đã dùng. Cũng như hai chữ Hán-Việt phương tiện thì Từ điển tiếng Việt, Hà Nội, 1967, định nghĩa là Vật sử dụng để làm một việc gì, để đạt một mục đích; nhưng trong Dictionnaire Chinois-Francais, Bắc Kinh, 1964, lại dịch hai chữ fang biàn (phương tiện) là Commode, Favorable, Commodité, Favoriser; và kiểu nói qù fang biàn (khứ phương tiện) phải hiểu là… đi nhà vệ sinh.