Tài liệu gợi ý học hỏi thơ mục vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (tiếp theo)



II. ĐỊNH HƯỚNG VIỆC SỐNG ĐẠO

16- Hỏi: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng về việc sống đạo như thế nào?

Thưa: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã định hướng sống đạo dưới ba chiều kích:

Một là: Canh tân bản thân.

Hai là: Dấn thân phục vụ.

Ba là: Góp phần xây dựng một xã hội công bằng.

17- Hỏi: Tại sao sống đạo trước tiên phải canh tân bản thân?

Thưa: Bởi vì hoàn cảnh xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách của một con người. Vì thế, “trước những thay đổi hiện thời của xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ và lối sống của nhiều người, nhất là người trẻ” (Thư Mục Vụ số 5), một lộ trình sống đạo khởi đi từ việc canh tân bản thân là điều quan trọng.

18– Hỏi: Phải canh tân bản thân như thế nào?

Thưa: Trước tiên mỗi một người tín hữu phải “ý thức và sống đúng với phẩm giá của mình; bởi lẽ phẩm giá con người là quà tặng do Thiên Chúa ban” (Thư Mục Vụ số 5 § 2). Phẩm giá con người chính là được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và chính phẩm giá này “đòi hỏi ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác của mình, đừng để thân xác nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình” (GS 14, 1).

Ngoài ra, mỗi người “cần được huấn luyện để có một lương tâm ngay chính” (Thư Mục Vụ số 5 § 23). Lương tâm hiện diện trong lòng con người và kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện và tránh điều ác. Để cho tiếng nói lương tâm luôn chính trực ngay thẳng, cẩn phải rèn luyện bằng Lời Chúa, bằng cầu nguyện, lắng nghe lời giáo huấn của Giáo Hội, của các chủ chăn và của các thầy dạy khôn ngoan, tuân giữ các giới răn, thực thi đức yêu thương và công bằng.

19 – Hỏi: Tại sao phải rèn luyện lương tâm?

Thưa: Bởi vì trong một xã hội chủ trương hưởng thụ và tục hóa hôm nay, tiếng nói lương tâm con người đang bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng (Thư Mục Vụ số 5 § 3), cho nên mỗi một người kitô hữu phải quan tâm đến việc rèn luyện lương tâm ngay thẳng. Phẩm giá con người bao hàm và đòi buộc con người phải có lương tâm ngay thẳng (x. GLCG 1780).

20 – Hỏi: Tại sao sống đạo là phải dấn thân phục vụ?

Thưa: Bởi vì sống đạo không chỉ đóng khung trong những giờ cầu nguyện, việc lãnh nhận các bí tích, nhưng còn phải làm cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bằng chính việc phục vụ tha nhân. Và cũng qua việc phục vụ nầy, người tín hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn (x. Thư Mục Vụ số 6 § 1), như Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã viết: “chính việc phục vụ tha nhân đã mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào” (Thông điệp: Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 18).

21- Hỏi: Tại sao tín hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa rõ nét hơn qua việc phục vụ?

Thưa: Bởi vì khi phục vụ tha nhân, người tín hữu không chọn lựa đối tượng phục vụ, nhưng là phục vụ hết mọi người, ngay cả người không quen biết hay không thích. Sự phục vụ như thế chỉ có thể thực hiện được từ một cuộc gặp gỡ thẳm sâu với Thiên Chúa “một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập trong tình cảm” (Thông điệp: Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 18).

22- Hỏi: Đâu là nền tảng của việc dấn thân phục vụ?

Thưa: Nền tảng của việc dấn thân phục vụ chính là bác ái yêu thương, vì đấy là giới răn quan trọng nhất (x. Mt 22, 37 – 39) và là dấu chỉ tỏ bày người tín hữu thuộc về Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy chính là: anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35) (x. Thu Mục Vụ số 6 § 2).

23- Hỏi: Tại sao Thiên Chúa được nhận biết qua việc thực hiện bác ái yêu thương?

Thưa: Bởi vì tình yêu tha nhân không chỉ mang đặc tính nhân ái thường tình trong cách đối nhân xử thế, nhưng nó còn mang tính cách tôn giáo, vì tình yêu nầy phát xuất từ khuôn mẫu tình yêu Thiên Chúa và phát xuất từ chính Thiên Chúa. Tình yêu nầy đến từ Thiên Chúa và trở về cùng Thiên Chúa: khi yêu mến tha nhân, chính là yêu mến Thiên Chúa (Mt 25, 40). Và do đó, việc thể hiện tình yêu đối với tha nhân không chỉ dừng lại ở cảm tính thương xót nhất thời, nhưng nó phải phát xuất tử một thái độ sống đức tin: nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân.

24- Hỏi: Phải dấn thân phục vụ như thế nào trong năm sống đạo nầy?

Thưa: Thư Mục Vụ 2006 mời gọi chúng ta trong năm Sống đạo nầy “phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc…” (Thư Mục Vụ số 6 § 3).

25- Hỏi: Phát huy tinh thần liên đới và yêu thương là gì?

Thưa: Giáo Hội Chúa Giêsu tuy có nhiều đoàn sủng khác nhau, nhưng cũng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều ơn gọi khác nhau nhưng cũng chỉ có một sứ vụ: sống chứng nhân. Do đó, “tất cả các tín hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống được tháp nhập vào Người và nên giống Người nhờ Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận cộng tác với nhau vào việc phát triển và bành trướng thân thể Người, để thân thể nầy được sớm đạt tới chiều kích sung mãn” (AG số 36). Thư mục vụ kêu gọi sự liên kết dấn thân phục vụ giữa các dòng tu, các hội đoàn, các giới trong tinh thần huynh đệ anh chị em với nhau.

26- Hỏi: Tại sao Thư mục vụ nhấn mạnh đến việc dấn thân phục vụ cho người nghèo?

Thưa: Vì sứ vụ của Đức Kitô là loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Sứ vụ đó cũng được trao cho Giáo Hội. Giáo Hội chỉ tìm thấy căn tính đích thật của mình trong mối tương quan với người nghèo. Giáo Hội phải là Giáo Hội của người nghèo. Phục vụ cho người nghèo thuộc bản chất của Giáo Hội. Vì Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo, nên Giáo Hội phải luôn luôn quan tâm đến việc hiện diện hữu hình trong đời sống hằng ngày qua việc dấn thân phục vụ người nghéo khó.

27- Hỏi: Như thế nào được hiểu là người nghèo?

Thưa: Những người nghèo trong ý nghĩa của Phúc Âm là những người vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nghèo về khía cạnh vật chất, như cuộc sống dưới mức tối thiểu để có thể được gọi là đủ sống; nghèo về khía cạnh xã hội, như bị kỳ thị, cô độc v.v..; nghèo về khía cạnh thể chất và tâm lý, như bệnh tật và tàn tật; nghèo về khía cạnh chính trị, như bị ức hiếp, bóc lột, cưỡng bức; nghèo về khía cạnh đạo đức, như tội phạm. Họ là những người bị ngăn cản không được dự phần vào các sinh hoạt vào đời sống chung trong xã hội một cách thích hợp, và vì thế nhu cầu cấp thiết là phải giúp đỡ họ thể hiện vai trò “chủ thể” của họ phù hợp với phẩm giá con người.

28- Hỏi: Phải dấn thân phục vụ người nghèo như thế nào?

Thưa: Đức Giáo hàong Bênêđictô XVI đã dạy: Khi dấn thân phục vụ cho người nghèo, không chỉ là quan tâm thực hiện những diều cần thiết đúng lúc, nhưng trước tiên phải quan tâm đến kẻ khác bằng con tim, để cho người được phục vụ có thể cảm nhận được sự phong phú của phẩm giá nhân bản của họ. Vì thế, người tín hữu phải đào luyện cho mình một con tim yêu thương đích thật: “họ cần được hướng dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Chúa Kitô, cuộc gặp gỡ nầy sẽ đánh thức tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ cho tha nhân, đến độ tình yêu tha nhân đối với họ không còn là một giới răn được thiết đặt tự bên ngoài, nhưng đó là bước tiếp nối của đức tin, chính đức tin hoạt động trong tình yêu” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31 § a).

29- Hỏi: Đâu là nền tảng của đời sống đạo trong việc xây dựng một xã hội công bằng?

Thưa: Chính đức ái kitô giáo thôi thúc người tín hữu phải góp phần xây dựng một xã hội công bằng, ở nơi đó, con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi lẽ: con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban, để phục vụ xã hội một cách có hiệu quả nhất. Hơn nữa, mọi người đều là anh chị em với nhau, đều được mời gọi bước vào Vương quốc Thiên Chúa, nên mỗi một người đều phải được đối xử với sự kính trọng và lòng yêu thương chân thành. Không một ai bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, hay cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực (Thư Mục Vụ số 7 § 1)

30- Hỏi: Người tín hữu phải xây dựng xã hội công bằng như thế nào?

Thưa: Trước tiên người tín hữu cần được giáo dục kiến thức về những quyền căn bản của con người để nảy sinh lòng tôn trọng về các quyền căn bản đó. Người tín hữu cần phải nhận thức về sự bình đẳng căn bản giữa mọi người, để loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về phái tính, màu da, chủng tộc, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, tình trạng sức khỏe (GS số 29). Kế đến, người tín hữu nỗ lực xây dựng một cộng đoàn yêu thương và công bằng đích thực để như là men, là ánh sáng, là muối làm cho đời được ướp mặn tình yêu thương, được dậy bột công bằng, và nhận ra sự tôn trọng phẩm giá con người.

31- Hỏi: Đâu là điều kiện để có sự công bằng?

Thưa: Để xây dựng xã hội công bằng cần phải tôn trong sự thật. Bởi một xã hội công bằng luôn được nẩy nở từ một tình yêu đích thật, nhưng tình yêu đó chỉ có thể có được khi chân nhận ra sự thật. Sự thật đó là Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Ngài nắn đúc lịch sử con người theo trật tự của Ngài trong sự thật, trong công bình, trong tự do và trong tình yêu. Mọi người đều là thành viên của cùng một gia đình duy nhất. Chúng ta cần phải khôi phục cái ý thức rằng, chúng ta cùng tham dự vào một vận mệnh chung là qui hướng về Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài. Do đó mọi người và phải nỗ lực ngăn ngừa bất cứ hình thức gian dối nào phá hoại các mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.(x. Sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. ngày 01/01/2006). Chỉ trong mối tương quan với Thiên Chúa, mới có thể nầy sinh một xã hội công bằng.

Lm Hà văn Minh