Tài liệu gợi ý học hỏi Thư Mục Vụ 2006 của HĐGM VN



1- Hỏi: Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục VN là gì?

Thưa: Là Giáo huấn chung của các Đức Giám Mục VN gởi cho tất cả các thành phần Dân Chúa thuộc Giáo hội Việt Nam, nhằm đưa ra định hướng sinh hoạt mục vụ chung cho toàn Giáo hội Việt Nam

LỜI MỞ

2- Hỏi: Chủ đề Thư Mục Vụ năm 2006 là gì?

Thưa: “Sống đạo hôm nay” là chủ đề của Thư Mục Vụ năm 2006.

3- Hỏi: Tại sao Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn chủ đề này?

Thưa: Là để “mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết: “Đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2, 17) (Thư Mục vụ số 1)

4- Hỏi: Sống đạo là sống như thế nào?

Thưa: Sống đạo là cuộc sống “vừa gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta” (Thư Mục vụ số 1)

I. NỀN TẢNG VIỆC SỐNG ĐẠO

5- Hỏi: Nền tảng của việc sống đạo là gì?

Thưa: Có ba nền tảng cho việc Sống đạo:

Một là: Sống qui chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi

Hai là: Sống ơn gọi nên thánh.

Ba là Sống sứ mạng chứng nhân.

6- Hỏi: Tại sao nền tảng sống đạo qui chiếu vào đời sống Thiên Chúa Ba ngôi?

Thưa: Qua bí tích Rửa tội, người tín hữu được nhận một đời sống mới từ Chúa Cha, qua việc Ngài ban Con Một của Ngài xuống trần gian cứu chuộc con người.

Sự sống mới cũng đến từ Chúa Con, Đấng đã tự nguyện chịu chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa.

Sự sống mới nầy cũng chính là sự sống năng động trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần làm cho người tín hữu hiệp thông vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.

7- Hỏi: Chúa Cha là nền tảng sống đạo như thế nào?

Thưa: Thiên Chúa là tình yêu, cho nên sau khi loài người sa ngã, Ngài đã không bỏ rơi con người. Ngài đã ban Con Một xuống thế gian để thực thi ý định cứu chuộc loài người, và “ai tin vào Con của Ngài thì khỏi chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). “Chính nhờ tình yêu nầy, con người có thể nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa và hân hoan tìm đến với Ngài” (Thư Mục Vụ, số 2 § 1).

8- Hỏi: Sống đạo qui chiếu vào Chúa Con như thế nào?

Thưa: Chúa Con đã vâng lời Chúa Cha, hạ mình đón nhận cuộc sống hay chết của nhân lọai và “bằng lòng chịu chết, và chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Nhờ cái chết đó, Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi, mang lại cho con người nhiều ân huệ cao trọng mà con người đã bị mất đi vì tội lỗi. Và qua sự Phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết để mang lại sự sống đích thật cho con người, “làm cho nhân lọai trở nên con người mới, con người biết nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu (Ga 19, 37) để nhận ơn cứu độ. (Thư Mục Vụ số 2 § 2 ).

9- Hỏi: Chúa Thánh Thần đóng vai trò gì trong đời sống đạo?

Thưa: Chúa Thánh Thần là năng lực tình yêu, nhờ năng lực này, người tín hữu can đảm “bước theo con đường của Thầy Chí Thánh và sống theo gương Ngài” (Thư Mục Vụ, số 2 § 3). Có nghĩa là nhờ quyền năng Thánh Thần, người tín hữu được hiệp thông nên một với Đức Kitô trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh. Qua đó, người tín hữu sống từ bỏ ý riêng, theo ý Chúa, sống “bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22 -23). Chúa Thánh Thần còn mang lại cho chúng ta “ơn nghĩa tử”, được gọi Thiên Chúa là Cha và được thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta được dự phần vào sự sống đời đời.

10- Hỏi: Tại sao phải sống ơn gọi nên thánh?

Thưa: Vì được làm con Thiên Chúa, nên đòi buộc người tín hữu phải sống thánh thiện, tức là “lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng hơn với Chúa Giêsu, hiện thân của tình yêu” (Thư Mục Vụ, số 3 § 1). Ơn gọi sống thánh thiện thuộc bản chất người kitô hữu, Chúa Giêsu đã dạy: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cũng khẳng định: “tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái” (LG 40,2).

11- Hỏi: Sống thánh thiện như thế nào?

Thưa: Điều cần thiết trước tiên chính là thực thi đức ái Kitô giáo, vì “đức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài” (LG 42, 1). Đức ái thúc giục chúng ta ân cần lắng nghe Lời Chúa, thực thi Ý Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, chuyên cần cầu nguyện và từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ tha nhân, chân thành yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khó, túng quẫn và nỗ lực thực tập các nhân đức. Chính “đức ái là mối dây liên kết sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật … Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô” (LG 42, 1).

12- Hỏi: Sống sứ mạng chứng nhân là gì?

Thưa: Sống sứ mạng chứng nhân là “cách thế biểu thị sống động nhất sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa” (Thư Mục Vụ số 4 § 2). Noi gương Chúa Giêsu, đến trần gian không để mưu cầu vinh quang riêng cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu phần rỗi cho nhân loại, người tín hữu sống chứng nhân qua việc biến đổi cuộc sống của mình theo lời kêu gọi của Tin Mừng, và tiếp tục mang ánh sáng Tin Mừng đến cho mọi người sống quanh mình.

13- Hỏi: Sống sứ mạng chứng nhân như thế nào?

Thưa: Có hai cách thế để sống sứ mạng chứng nhân: cá nhân và tập thể.

14- Hỏi: Sống sứ mạng chứng nhân theo cá nhân là gì?

Thưa: Công đồng Vaticanô II. đã xác định: “mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa làm làm tông đồ cá nhân” (AA 16, 2). Sống sứ mạng chứng nhân theo hình thức cá nhân có nghĩa là làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy và đức ái. Đó là cách thể biểu lộ Chúa Giêsu đang sống động trong người tín hữu. Sống chứng nhân còn đòi hỏi người tín hữu bày tỏ bằng lời nói trong một số trường hợp, nhằm trình bày hay cắt nghĩa cho người ta hiểu cách đúng đắn về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Sau cùng, sống chứng nhân còn được bày tỏ trong chính đời sống hằng ngày bằng một đức ái sống động (x. AA 16).

15- Hỏi: Sống chứng nhân theo tập thể là gì?

Thưa: Sống chứng nhân theo tập thể có nghĩa là làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình, cũng như trong giáo xứ và giáo phận qua các đoàn thể (x. AA 18). Đây là một hình thức sống chứng nhân rất quan trọng, bởi trong giáo xứ, giáo phận hay trong các môi trường khác nhau, sống chứng nhân thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung (x. AA 16). Vì vậy, Giáo hội khuyến khích người giáo dân tham gia vào các hình thức của việc tông đồ tập thể, và nhất là các bậc cha mẹ phải thực hiện sứ mạng chứng nhân qua việc giáo dục đức tin cho con cái.

(còn tiếp)