ĐƯỜNG HƯỚNG MỚI VỀ PHỤNG VỤ VÀ ÂM NHẠC

Công đồng Va-ti-ca-nô II đã đưa ra một cái nhìn tổng hợp về vấn đề này. Chúng tôi xin lưu ý là Công đồng đã ngập ngừng và lưỡng lự khi sắp xếp cạnh nhau những quan niệm và từ ngữ bàn về phụng vụ và âm nhạc. Điều ấy chứng tỏ Công đồng muốn đưa ra một thỏa hiệp giữa các người mang nhũng não trạng khác nhau. Chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên, vì công việc cải cách nào cũng đòi phải dẹp bỏ những sơ đồ đã quá ăn sâu và cần phải nhẫn nại nhiều, trước khi đi tới một sự đồng tình hợp lý. Sau đây là một thí dụ lấy trong huấn thị Instructio de Musica sacra số 4 a :”Thánh nhạc là loại nhạc được sáng tác dể cử hành trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Nhạc này phải thánh thiện và có nghệ thuật”. Câu này cũng là câu lấy lại ý trong hiến chế Phụng vụ số 112 : “thánh nhạc càng thánh khi càng liên kết chặt chẽ với hành động phụng vụ…”

Nhưng lòng trung thành với Hội thánh của thời Công đồng trong vấn đề nhạc phụng vụ không thể dựa vào việc đọc những bản văn công khai về vấn đề này một cách đơn thuần, mà không đếm xỉa gì đến bối cảnh chung làm nền cho giáo huấn của Công đồng và sự thấm nhuần mỗi ngày một sâu đậm giáo huấn đó. Vì vậy, đề cao chương VI về âm nhạc trong hiến chế Phụng vụ mà không lưu ý đến chương VII về nghệ thuật thánh và nhất là quan niệm thần học rông rãi hơn ở chương I là không chỉnh. Cũng thế, phải đọc hiến chế Phụng vụ đối chiếu với hiến chế Anh sáng muôn dân và giải thích huấn thị về Thánh nhạc đối chiếu với hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 4-10 và nhất là chương II về việc cổ võ văn hóa và sự tiến bộ). Hơn nữa những hướng dẫn và qui định trong phần đầu các sách như sách lễ, sách các giờ kinh phụng vụ có liên hệ đến việc cử hành còn có giá trị hơn những gì khác. Dù khó thu tóm lại trong mấy câu toàn bộ cái nhìn của Công đồng Va-ti-ca-nô II về phụng vụ và âm nhạc, nhưng cũng phải gợi lại ít là những nét nổi bật nhất.

Khởi điểm không còn phải là thánh nhạc nữa mà là mầu nhiệm phụng vụ được Hội thánh cử hành như một biến cố vượt qua. Không phải là những đặc tính nội tại của một nghệ thuật thánh mà là một hành động phụng vụ được cử hành đích thực. Không phải là ca mục cũng không phải là nhạc khí nữa mà là những con người hành động trong nghi thức. Giọng hát và âm nhạc không phải là một tác phẩm đã hoàn thành nhưng là một cử chỉ. Một cử chỉ có tính Hội thánh được cộng đoàn dân Thiên Chúa biểu lộ, khi cử hành lịch sử cứu độ một cách tượng trưng.

Phụng vụ là một cuộc cử hành : một cuộc tham dự tích cực và ý thức của cả cộng đoàn và của mỗi cá nhân, điều ấy phải là mối bận tâm hàng đầu. Cuộc tham dự đó được thực hiện do những tác phong tượng trưng diễn ra theo hai hướng, một là lắng nghe và đón nhận Thiên Chúa, Đấng giao cảm với loài người; hai là câu trả lời và hiến lễ của một dân là tín đồ. Giọng hát và âm nhạc ở bên trong cuộc đối thoại này là những cách cư xử đặc biệt. Hai thứ đó có một uy lực thực là bí tích, khi chúng nói và làm cho nói ở giữa cộng đoàn được qui tụ lại.

Các thái độ phải có khi cử hành phụng vụ do các cấu trúc căn bản của việc cử hành đòi hỏi, thật là khác nhau : hình thức âm nhạc đi trước hoặc theo sau các thái độ đó phải khác nhau để nhiệm vụ nào riêng thì cũng có một hình thức thích hợp tương ứng.

Cộng đoàn là một đoàn thể có cấu trúc; trong đoàn thể này, hoạt động âm nhạc đòi phải có nhiều vai trò và nhiều đặc sủng xen lẫn với nhau.

Các ca mục đủ loại và các thứ nhạc khí phải được phân chia theo cái nhìn của nhà mục tử. Trong các cộng đoàn có một nền văn hóa sinh động, khi người ta đã quen cử hành phụng vụ một cách chân thực thì kho tàng âm nhạc chỉ càng thêm phong phú và hơn thế nữa, còn chứng tỏ Tin Mừng có nhiều con đường khác nhau để cùng đi tới một mục đích.

Các tiêu chuẩn thẩm định âm nhạc phụng tự sẽ không còn thuộc phạm vi thuần túy pháp lý hay thẩm mỹ nữa, nhưng dựa vào ý thức về Giáo hội của mỗi nhóm đứng ra lãnh trách nhiệm và lựa chọn trong tinh thần huynh đệ.

Những đường hướng chính yếu này đã gợi hứng cho nhóm Universa Laus suy nghĩ và thực thi việc cử hành phụng vụ. Tài liệu 1980 là bước điều chỉnh đầu tiên các kinh nghiệm và xác tín thu lượm được qua nhiều năm sau Công đồng.

Văn hóa-phụng vụ

Vấn đề không phải là bắt phụng vụ phải tùy thuộc văn hóa. Chúng tôi luôn coi trọng và đặt việc cử hành ở vị trí trọng tâm. Xếp đặt như thế chẳng qua là vì muốn làm nổi bật vai trò của môi trường xã hội-văn hóa. Chính tại đây đã nẩy sinh những cử chỉ và nghi thức làm trung gian cho Hội thánh sử dụng để diễn tả mầu nhiệm về Chúa Ki-tô.

Vì không một trung gian nào được sắp xếp mà không có chủ ý, trái lại luôn chứa đựng nhiều dụng ý đa dạng và khó kiểm soát, nên việc lắng nghe và phân biệt các chuyển đổi văn hóa chẳng những không phải là một xa xỉ phẩm mà lại là một bổn phận đối với phụng vu, cũng giống như bổn phận phải trung thành với lời lẽ hay lệnh truyền đã nhận được để truyền thông.

Dù được xây dựng vững vàng trên nền tảng thần học (nhất là hai chương 1 và 10), tài liệu Univers Laus vẫn phải lắng nghe các phong trào văn hóa, nhất là trong phạm vi âm nhạc.

Văn hóa-âm nhạc

Cách thế đề tài này được đề cập đến trong tài liệu Universa Laus có thể giải gỡ cho cuộc tranh luận bên trong Hội thánh một vài bế tắc và một số điểm lỗi thời. Phương pháp vận hành lý luận vừa có sức tranh cãi, vừa có sức giải phóng đối với nền văn hóa thế tục, hay ít ra đối với các khu vực khá bảo thủ, nhất là về vấn đề các liên lạc giữa âm nhạc và xã hội.

Một vài xác quyết của tài liệu mang đến một luồng dưỡng khí : giải gỡ và thúc đẩy người ta làm tất cả những gì phải làm để âm nhạc, món quà tặng của Thiên Chúa thực sự là điều thiện hảo cho mọi người.

Phụng vụ-âm nhạc

Đây là vấn đề riêng biệt của việc cử hành phụng tự trong Ki-tô giáo; vấn đề này trực tiếp liên hệ đến mục vụ cũng như sư phạm âm nhạc và phụng vụ. Ở đây mới thấy rõ các thay đổi quan trọng sau cuộc canh tân phụng tự, trong đó lời nói, tiếng hát và âm nhạc đóng một vai trò phục vụ rất đắc lực.

Trong bối cảnh đó, người ta lại gặp những sự kiện cần thiết để dùng những từ ngữ hợp lý mà xác định thêm mặt tích cực của quan niệm về tính thánh thiêng của loại âm nhạc dành cho việc thờ phượng. Mối tương quan giữa phụng vụ và âm nhạc không còn phải là hai thực thể đặt bên cạnh nhau mà thực sự hòa nhập vào nhau. Dùng âm nhạc nghi thức chính là để cử hành các lễ nghi qua việc sử dụng có ý thức các thứ tiếng vang, các dụng cụ âm thanh, các cử chỉ gắn liền với các yếu tố âm nhạc, hầu làm cho buổi cử hành được đầy đủ ý nghĩa.

Người ta không còn theo giai điệu ghê-go-ri-ô nữa mà dựa vào toàn bộ các yếu tố tượng trưng mầu nhiệm đang cử hành, được minh hoạ nhờ các hình thể trong sáng của âm nhạc, như bình ca đã làm với dòng nhạc đơn điệu của mình.

Vẻ huy hoàng tráng lệ của việc thờ phượng là lý tưởng của thần học và phụng vụ từ thời Công đồng Tren-tô đến nay đã nhường bước cho lối tham dự trang nghiêm và trật tự, cho niềm hân hoan lễ hội của một dân được giải phóng. Không còn hòa nhạc hay trình diễn nữa mà là hiến lễ bằng âm nhạc bên trong cũng như bên ngoài của mọi người, kể cả những người như bà góa trong Tin Mừng, chỉ có một đồng xu để dâng.

Tựu trung, nghệ thuật, âm thanh, tiếng hát, ca mục không phải là những sự vật mà phải là một công việc, một tác phẩm của con người. Nhạc kèm theo nghi thức không phải là một ông thầy phải phục vụ, nhưng là một phương tiện thăng tiến và giải phóng.

(Felice Rainoldi – La Maison-Dieu số 145, Editions du Cerf 1981. L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p. phiên dịch)