Kissinger nhận nhiệm vụ mớI

Tổng thống Bush đã chỉ định tiến sỹ Henry Kissinger, một nhân vật chính trị kỳ cựu của nước Mỹ làm chủ tịch Ủy ban độc lập điều tra về vụ 11 tháng 9 khi thành phố New York và thủ đô Washington bị tấn công.

Tòa Bạch Ốc đã cố gắng tránh việc thành lập một ủy ban điều tra nhưng một chiến dịch của những thân nhân của các nạn nhân ngày 11 tháng 9 đã thuyết phục tổng thống đổi ý.

Tuy vậy, phóng viên đài BBC tại Washington, Justin Webb nói là sự thành công của ủy ban này không hẳn là chuyện đương nhiên, và hiện đang có những tranh cãi gay gắt về vai trò chính của ủy ban là gì.

Tổng thống Bush nhấn mạnh đến những bài học cần học được về những kế hoạch tương lai của các kẻ thù của Hoa kỳ, nhưng một số thành viên của Ủy ban muốn tập trung vào những thất bại tình báo của Mỹ. Tổng thống đã đặt bút ký luật này trước sự chứng kiến của các dân biểu, thượng nghị sĩ và gia đình các nạn nhân.

Ủy ban 10 người này sẽ có được 18 tháng để xem xét mọi vấn đề từ an toàn không lưu đến công tác bảo vệ biên giới đến cả những vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan tình báo.

Một nhân vật gây tranh cãI

Khi ông Henry Kissinger được giải Nobel Hòa Bình cùng ông Lê Đức Thọ của Việt Nam năm 1973, nghệ sỹ châm biếm Tom Lehrer nói 'Đó là giờ phút nghệ thuật này bị khai tử". Ông Kissinger và các hoạt động của ông luôn gây tranh cãi. Giới báo chí cho ông là con người đầy mưu mô và đã có những người muốn cáo buộc ông về các tội ác chiến tranh.

Ông ra đời ở Bavaria, Đức năm 1923, đúng 10 năm trước khi phe phát-xít lên cầm quyền. Năm 1938 gia đình ông bỏ nước Đức sang Mỹ và định cư ở New York City. Ông Kissinger gia nhập quân đội Mỹ năm 1943 và làm phiên dịch cho quân Đồng Minh trong chiến dịch tiến vào nước Đức.

Sau khi tốt nghiệp đại học Harvard ông trở thành một chuyên gia chính trị học và chuyên về lịch sử châu Âu thế kỷ 18.

Cuốn Nuclear War and Foreign Policy (Vũ khí Hạt nhân và Chính sách Đối ngoại) với thuyết rằng chiến tranh hạt nhân giới hạn có thể đem đến chiến thắng đã làm nhiều người sởn gai ốc. Người ta cũng tin rằng ông Kissinger đã tạo cảm hứng cho đạo diễn Stanley Kubrick làm film Tiến sỹ Strangelove.

Trong thực tế, thuyết này của ông dưới thời Kennedy và Johnson đã trở thành một học thuyết chính trị-quân sự của Mỹ dùng vũ khí hạt nhân làm đối trọng với sự xâm lấn của phe cộng sản.

Dưới thời tổng thống Nixon, ông Kissinger làm cố vấn an ninh cho tổng thống và nhiều người tin rằng chính ông mới là người điều khiển chính sách đối ngoại của Mỹ chứ không phải ông Nixon. Khi chiến tranh Việt Nam trở thành một cái gai trong chính sách của Mỹ, tổng thống Nixon muốn chấm dứt cuộc chiến và đã nghe theo kế sách đàm phán của ông Kissinger.

Theo chiến lược của ông, Mỹ đã ném bom không tuyên chiến vào các tuyến đường cung ứng vũ khí và quân đội của miền Bắc Việt Nam vào Nam ở Campuchia, một nước khi đó hưởng quy chế trung lập. Ngoài ra là ném bom miền Bắc tùy theo từng giai đoạn đàm phán. Mục đích của các cuộc không kích là tạo sức ép lên Hà Nội.

Bên cạnh đó, tiến sỹ Kissinger có các cuộc đàm phán mật mở đường cho Nixon sang thăm Bắc Kinh và Maxtcơva là những bên cung cấp vũ khí và quân trang quân dụng chính cho miền Bắc Việt Nam.

Với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông Kissinger đã đàm phán bí mật với đại diện của Hà Nội là ông Lê Đức Thọ. Chiến lược vừa ném bom gây sức ép, mặc cả ngoại giao giữa các cường quốc và đàm phán mật song song với hội đàm hòa bình chính thức đã đem lại kết quả cho Mỹ là rút được quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Theo nhiều nhân vật thuộc chính quyền Saigon, một hậu quả của chiến lược này là Việt Nam Cộng hòa đã bị bỏ rơi hoàn toàn khi cuộc chiến chấm dứt.

Sau cuộc chiến Việt Nam ông Kissinger thực hiện các sứ mệnh "ngoại giao con thoi" ở Trung Đông khi nổ ra chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và các nước Ả Rập.

Trong thời gian xảy ra vụ Watergate ông vẫn có ảnh hưởng lớn đối với tổng thống Nixon.

Sau khi rời nhiệm sở năm 1977 ông trở thành một chuyên gia tư vấn về chính trị. Ông là người thường xuyên được mời giảng dạy ở các đại học và viện nghiên cứu chính trị trên thế giới.

Sách và các bài phát biểu của ông luôn được quan tâm theo dõi. Nhưng quan hệ của ông với các chế độ như của tướng Augusto Pinochet ở Chilê và Suharto ở Indonesia đã gây ra nhiều tranh cãi.

Trong năm 2001, thẩm phán Chilê Juan Guzman đã mở cuộc điều tra về vai trò của ông Kissinger trong vụ một nhà báo Mỹ mất tích ở Chilê năm 1973. Nhà báo Charles Horman bị coi là mất tích trong thời gian tướng Pinochet làm cuộc đảo chính khiến nhiều người Chilê và nước ngoài bị bắt, giết hoặc mất tích. Theo thẩm phán Guzman và gia đình Horman thì ông Kissinger biết về vụ này.

Về đời tư, trong những thời gian giữa các vụ ly dị, tiến sỹ Kissinger lại trở thành một biểu tượng nam tính sexy ở Mỹ, được gọi là "Henry the Kiss". Ông từng có quan hệ với một vài phụ nữ đẹp và nổi tiếng trên thế giới. Ông ưa uống rượu vang ngon và thích môn bóng đá. (BBC)