Niềm tin Việt Nam: Giả Kitô?
Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống Việt Nam và cách thức họ sống với niềm tin, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.Ngày thứ Bẩy trong tuần mùa đông, sáng sớm, bóng tối vẫn còn nhập nhòe lẫn lộn bao phủ bầu trời của một ngày Chicago mới tinh khôi, cậu Hai Hoàng bật máy pha ly càfe. Nhìn lên đồng hồ treo tường, kim dài đang nhích gần gần tới con số 11, trong khi đó, cây kim ngắn đang che ngang con số 6, mẹ an tâm ngồi xuống bàn cơm trong căn phòng ăn,
— Thằng Hai, con cho thêm một chút nước được không?
Ngáp ngắn ngáp dài, cậu Hai một tay che miệng,
— Hôm nay ông trời đi vắng, mẹ cũng đòi uống càfe.
Mẹ cười nhếch mép, mắng con trai,
— Làm như trên đời này chỉ có một mình mày là biết uống càfe. Hồi xưa, sau 75, mẹ mày cũng một thời bương chải đứng bán càfe viả hè, kiếm bạc lẻ, mua vàng cho hai anh em mày đóng tiền vượt biên đấy. Không có những ly càfe viả hè của một thời, bây giờ không biết hai anh em mày sẽ như thế nào? Dám bây giờ cũng chỉ, “Ai trà đá không? Ai miá ghim không?”, ở Bến Xe Miền Đông mà thôi…
Cậu Hai Hoàng chống chế,
— Con đâu có chóng quên như vậy. Con vẫn còn nhớ mà. Con nhớ hồi đó sáng sáng, mới năm giờ, trời còn tối mờ tối mịt y như bây giờ, mẹ lôi đầu con, “Hoàng! Hoàng! Dậy, dậy đi”, rồi mẹ chở con bằng xe đạp ra ngoài tiệm để mẹ mở cửa, dọn dẹp bàn ghế, con đốt than, nấu nước, chuẩn bị cho mẹ pha càfe. Cho nên hồi đó, mấy đứa bạn trong lớp nó cứ gọi con là, “Thằng Hoàng Càfe, bố đi cải tạo, mẹ bán trà đá pha đường sirô. Uống vào đau bụng, chạy vào bụi rậm, vãi ra đầy quần”…
Nghe con kể lại chuyện xưa, mẹ bật tiếng cười to.
— Đúng rồi, hồi đó bố mày đi cải tạo, một mình mẹ loay hoay nuôi hai đứa, thằng mười tuổi, đứa bốn năm. Thiệt là cực khổ. Hên, trong nhà có dì Minh bày cách cho mẹ lấn ra viả hè, mở cái lều nho nhỏ bán trà đá, càfe, thuốc lá…
Cậu Hai Hoàng nói,
— Hồi đó thằng Hưởng nó còn nhỏ, cho nên một mình con lãnh đủ. Có nhiều buổi sáng, buồn ngủ quá, ngồi ở cái yên đằng sau, con hai tay ôm bụng mẹ, mà cái đầu gật gù lên lên xuống xuống. Hên không té lăn xuống mặt đường…
Mẹ nhắc nhở,
— Đã kể thì phải kể ra cho hết. Mày hồi đó mắt nhắm mắt mở ngồi nấu nước nóng pha càfe, gật lên gật xuống như gõ mõ. Có mấy lần suýt nữa là té nhào vào bếp than…
Cậu Hai đưa khuôn mặt ra cho mẹ coi,
— Mẹ…nói! Con biết chớ, buồn ngủ thì buồn ngủ chứ con vẫn tỉnh như chim sáo đề phòng té vào lò than… Mẹ xem mặt con nè. Đâu có vết rỗ nào đâu. Than hồng đâu có văng vào mặt con được. Cũng phải biết né chớ mẹ. Nếu không, bây giờ mặt rỗ tổ ong, làm sao lấy được vợ?
Mẹ nhìn mặt con chăm chú,
— Giỏi! Cậu giỏi lắm…
Rồi mẹ nhìn lên đồng hồ, vọng ngóng ra ngoài cửa, dáng điệu tìm kiếm. Con cũng bắt chước mẹ, nhìn đồng hồ, nhìn mẹ,
— Mẹ đang đợi dì Minh hả? Hôm nay thứ Bẩy mà mẹ cũng đi làm sao?
Mẹ gật đầu,
— Thì ở nhà cũng đâu có làm cái gì. Mẹ với dì Minh, hai chị em rủ nhau đi làm overtime. Đi làm, kiếm thêm tiền, để dành tiền đô làm đám cưới cho mày với thằng Hưởng.
Mải nói chuyện, hai mẹ con quên không để ý tới cậu Ba Hưởng, người con trai thứ đang đặt những bước chân đầu tiên trong ngày trên mặt sàn gạch của căn nhà bếp. Cậu Ba Hưởng che miệng ngáp thật to,
— Good morning, Mommy! G’Morning, anh Hai! Mẹ với anh Hai đang nói cái gì đó? Con tưởng mẹ dành số tiền cày overtime để mua quần jean và dẫn dì Minh đi ăn phở ở dưới Uptown chứ.
Cậu Hai Hoàng phụ họa,
— Hêy, mày nói giống ý của anh Hai mày ghê! Anh cũng đang nghĩ y chang như chú mày vậy.
Mẹ trề môi dưới,
— Tôi biết, giờ hai cậu lớn rồi. Ông bà mình nói, “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tôi biết, tôi biết bây giờ tôi thì già rồi, lại mới qua, chân ướt chân ráo, không dành đường xá…
Cậu Hai Hoàng quay sang nói với em, che miệng, làm bộ như đang nói nho nhỏ,
— Phải công nhận, mẹ mình có cách nói nghe mát rượi như kem dâu, trà đá…
Cậu Ba Hưởng bậm môi, giơ cao tay, dáng điệu phân trần,
— Cái này là anh Hai nói chứ không phải là con đó nghen!
Cậu Hai Hoàng cộ mắt nhìn em,
— Đúng, cái này là con, chứ không phải thằng thỏ đế, xác to gan nhỏ, nói đâu mẹ…
Nhìn ra cửa sổ, cậu Hai lãng sang chuyện khác,
— Mẹ ơi, từ hồi dì Minh cười cười với ông cai, mang được mẹ vào trong hãng làm cho tới bây giờ, mẹ thấy công việc làm trong hãng ra sao? Dễ không mẹ?
Mẹ phì cười,
— Cũng dễ òm! Có gì khó khăn đâu. Đi và về đều có tài xế dì Minh chở. Xăng thì không phải trả. Cứ hai tuần lại cầm cái check trong tay. Chưa kể, có những tuần lễ như tuần này, mẹ siêng năng, làm ngày không đủ, tranh thủ cày overtime. Khi đó, mẹ nói với dì Minh, chắc phải gọi xe tăng đến chở cái check. Dì Minh ngạc nhiên hỏi tại sao lại có cái vụ xe tăng ở trong đây? Mẹ nói bởi cái check nặng quá, không lấy xe tăng chở, xe thường, coi chừng, bể bánh! Chỉ có một cái mà mẹ ghét nhất là làm trong hãng điện tử, khói chì bay lên ngập hai lỗ mũi. Ngày tám tiếng, ngửi khói chì không cũng đủ ngất ngư con tàu...
Cậu Ba Hưởng lộ vẻ lo âu,
— Mẹ phải coi chừng đó…
Mẹ gật đầu,
— Mẹ biết. Cho nên mẹ phải đeo khẩu trang, che kín miệng. Ở trong hãng có ông bác sĩ chụp hình quang tuyến free. Tao ghé vào văn phòng của ông chụp hình phổi đều đặn. Hơi húng hắng ho một chút, là lại gõ cửa, xin thuốc uống ngay. Mẹ cũng chưa muốn đi bán muối như ông ngoại cho nên cũng phải lo tới sức khoẻ của mình chứ.
Cậu Ba Hưởng ngồi xuống bàn cơm, đưa lên miệng ly càfe đen,
— Mẹ ơi! Hồi đó con còn nhỏ quá cho nên không nhớ rõ, tại sao ông ngoại mất vậy mẹ?
— Ông mất là tại bệnh suyễn.
Cậu Ba Hưởng thắc mắc,
— Suyễn? Suyễn mà làm sao chết được? Bạn của con tụi nó bị suyễn hà rầm à, mà có thấy chi đâu?
Mẹ lườm con,
— Mày đi lâu quá rồi cho nên quên hết. Lúc đó thuốc thang đâu mà có… Bên đây, đau bụng, cảm cúm là chạy ra siêu thị mua thuốc về uống. Nhưng sau năm 75, hoàn cảnh Việt Nam khó khăn lắm. Kiếm được mấy viên thuốc ngoại chữa bệnh suyễn đâu có dễ. Phần nữa ông ngoại cũng bẩy chục, lớn tuổi rồi…
Cậu Hai Hoàng hỏi,
— Mẹ ơi, con không hiểu tại sao tự dưng năm ngoái lại bốc mộ của ông ngoại lên vậy?
Mẹ trả lời,
— Thì một phần cũng bởi vì nghĩa trang chỗ chôn ông ngoại, chính quyền đang chuẩn bị giải tỏa. Nhưng phần chính cũng bởi vì nhà mình qua bên đây hết rồi. Trước khi mẹ và gia đình dì chú Hạnh qua Mỹ, nhà mình, bà ngoại và các dì, các cậu bàn với nhau, thôi, bốc mộ ông lên, đốt xương, mang tro vào trong nhà nguyện của nhà thờ giáo xứ. Nếu không làm vậy, lấy ai đốt nhang, trông nom mộ của ông? Lúc mẹ còn ở nhà, chiều chiều mẹ còn ghé ngang qua thăm mộ ông ngoại, nhổ cỏ đốt nhang cho ông. Mẹ đi rồi, ai làm chuyện đó? Cho nên, thôi, tiện nhất là mang ông ngoại vào nhà thờ của giáo xứ.
Cậu Hai Hoàng thắc mắc,
— Tính từ lúc ông mất đi cho tới lúc bốc mộ của ông lên, vậy là bao nhiêu năm rồi hả mẹ?
Mẹ ngồi nhẩm đếm những ngón tay,
— Hơn hai mươi năm.
Cả hai, cậu Hai Hoàng và cậu Ba Hưởng đều buột miệng,
— Hơn hai mươi năm rồi. Nhanh quá hả mẹ.
Mắt mẹ bắt đầu long lanh, đỏ hoe hoe,
— Hơn hai mươi năm rồi. Lúc ông ngoại mất, hai thằng bay còn ở bên Việt Nam, nhỏ tí ti, đứa mười hai, thằng sáu tuổi.
Cậu Hai Hoàng nói,
— Đám tang của ông, khi đó con còn nhỏ, nhưng con vẫn còn nhớ.
Cậu Ba Hưởng nhìn lên tấm hình của ông ngoại treo trên tường của phòng khách,
— Con vẫn còn nhớ khuôn mặt của ông. Điều đặc biệt nhất con nhớ về ông ngoại là ông hiền nhất xóm. Ai nói chi, cũng chỉ cười. Chưa bao giờ con bị ông ngoại la một câu…
Mẹ nhìn lên bàn thờ,
— Tối tối, mẹ vẫn đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn của ông ngoại.
Cậu Ba an ủi mẹ,
— Con nghĩ hơn hai mươi năm đã trôi qua. Ông ngoại lên Thiên Đàng với Chúa rồi, mẹ ơi!
Nghe con nói, mẹ không nói chi. Thấy mẹ yên lặng, cậu Hai Hoàng tiếp lời của em mình,
— Con cũng nghĩ như vậy đó mẹ. Ông lên Thiên Đàng với Chúa rồi. Mẹ nghĩ coi ông ngoại thì hiền nhất xóm, hiền như bụt. Chưa bao giờ con thấy ông to tiếng với ai. Sáng thì ông đi lễ, chiều ông họp Dòng Ba, Liên Minh Thánh Tâm, Legio Maria, tối ông đọc kinh. Người nghèo đến nhà, họ xin một chén gạo, ông tặng họ hai chén đầy. Con nhớ, hồi đó, con còn nhỏ, thấy ông cho người ăn xin nhiều gạo và tiền quá, con hỏi ông, “Ông ơi, sao ông cho người ta nhiều vậy”? Con nhớ, lúc đó, ông nói, “Mình tặng người kém may mắn hơn mình là mình đang dâng tặng cho Chúa đó”.
Cậu Hai Hoàng trầm ngâm,
— Con thấy ông ngoại không chỉ sống Lời Chúa, mà ông còn thực hành Lời Chúa. Một người có niềm tin vào Thiên Chúa như ông ngoại nhà mình, con nghĩ ông lên Thiên Đàng lâu rồi mẹ ơi!
Bạn thân,
Hồi đó, có người nghi ngờ, không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Thiên Sai hay Ngài chính là một giả Kitô. Bởi thế, họ đặt vấn đề với Ngài,
— Thầy có phải là Đấng Kitô hay không, hay chúng tôi còn phải đợi chờ một người khác (Luke 7:19)?
Đứng trước câu hỏi về căn tính trời cao của mình, Đức Giêsu trả lời, một câu trả lời đơn giản,
— [Hãy nhìn đi,] kẻ què đi được; người phong, khỏi bệnh; kẻ điếc, nghe được; người chết, trỗi dậy (Luke 7:22).
Ý Đức Giêsu muốn nói,
— Tôi không phải là một giả Kitô, bởi vì ngoài những lời rao giảng về Tin Mừng Nước Trời, tôi còn thực hành những điều mà tôi đã giảng dạy.
Mà quả thật là như vậy, trong nguyện đường Nazareth, Đức Giêsu đã từng phán,
— Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi loan báo cho người nghèo khó Tin Mừng, cho người giam cầm tin được tha thứ, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (Luke 4:18-19).
Đúng như điều Đức Giêsu đã phán dạy trên sân hội đường của thị trấn Nazareth, trong suốt ba năm Ngài đi rao giảng Tin Mừng ơn cứu độ, người mù, khi gặp Đức Giêsu, mắt họ sáng ra; người liệt nằm trên cáng, khi gặp Đức Kitô, họ đứng thẳng người; người chết nằm trong mộ, khi Đấng Mêsia mở miệng gọi tên, họ ngồi bật dậy!
Đức Giêsu dạy người ta thương yêu nhau, không lên án nhau (Luke 6:27-42). Trên sân Đền Thờ Giêrusalem, trước mặt đám đông và người phụ nữ ngoại tình, Ngài không bắt chước đám đông, lên án, đòi ném đá người phụ nữ. Nhưng trên sân Đền Thờ, vào một buổi sáng mùa xuân, Đức Giêsu mang bài giảng thương yêu và tha thứ của Ngài ra thực hành (Gioan 8:3-11).
Nếu Đức Giêsu rao giảng, nhưng Ngài không thực hành những điều Ngài đã từng rao giảng, không biết sẽ có bao nhiêu người tin vào Ngài và đi theo Ngài?
Thánh Giacôbê cũng đã từng nói, “Đức tin không có thực hành là đức tin chết” (James 2:17, 26).
Ông ngoại trong câu truyện không những Sống Lời Chúa, nhưng ông còn thực hành Lời Chúa trong đời sống đức tin của ông. Đức tin của ông không phải là một đức tin chết.
Còn đức tin của bạn và của tôi thì sao?
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết bắt chước Chúa, sống và thực hành niềm tin Kitô của chúng con trong đời sống hàng ngày
Melbourne, Ngày 10 Tháng 5 Năm 2006, Kính tặng hương hồn Bố.
www.nguyentrungtay.com