Tại sao bạn là Công giáo chứ không theo bất cứ giáo phái Kitô giáo nào khác?



Đôi lần người Công giáo không dám minh chứng về “đạo thật” vì anh chị em chúng ta sợ rằng làm như thế sẽ mích lòng người nghe, hoặc giả như bạn muốn chứng minh, nhưng lại sợ không có đủ lý chứng thuyết phục. Bài này nhằm gợi ý giúp một chút để làm chứng từ mỗi khi có người hỏi về Đạo củamình. Ttrong thực tế, có thể còn nhiều thắc mắc mà chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn nữa.

Kinh nghiệm cho chúng ta biết: chúng ta không nên sợ sệt, dù chúng ta không phải là nhà thần học. Không, chúng ta không cần mình phải là nhà chuyên môn về Giáo lý hay Giáo hội học. Chúng ta chỉ cần nói cho người ta những gì chúng ta biết. Nếu có thể, chúng ta chỉ cần nêu một điểm trọng tâm, hoặc chỉ cần sửa được một điểm sai lầm là chúng ta đã chu toàn sứ mạng nhiều rồi. Bên cạnh đó, nếu một người ngoài công giáo gặp một người công giáo lịch sự, có chút hiểu biết về Kinh thánh và có lòng quan tâm đến phần rỗi của anh chị em mình, chắc chắn sẽ làm cho người ta có cảm tưởng tốt đối với Giáo hội công giáo. Sau đây là những gợi ý:

1- Giáo Hội công giáo là Hội thánh đích thực:

Vì do chính Chúa Giêsu đã thiết lập và trao quyền cho Thánh Phêrô và các Thánh Tông đồ: “Đức Giê-su đến gần, nói với các môn đệ: Thầy đã được trao toàn quyền trên Trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Matthêô 28: 18-20)

2- Phẩm trật Giáo hội công giáo được chính Chúa Giê-su thiết lập:

Chúa Cứu Thế trao quyền cai quản cho Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ (x Matthêô 16: 13-20). Dưới quyền cai quản của Thánh Phêrô và các Đấng kế vị Ngài, Giáo hội công giáo đã không ngừng trung thành thực thi sứ mệnh của mình. Trước đó, việc Chúa Giêsu Thăng thiên và ban Thánh thần đã được loan báo: “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, kẻ khác làm người loan báo Tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc dạy dỗ” (Ephêsô 4: 11). Các Thánh Tông đồ là nguồn gốc của phẩm trật Giáo hội, và Đức Kitô đã hoàn tất phận vụ ngôn sứ của mình nhờ phẩm trật này (Vat. II, hiến chế GH 35)

3- Những gì Giáo Hội Công Giáo gảng dạy là chân truyền, duy nhất và phổ quát:

Các Giáo phụ, trong đó Thánh Eusêbio thành Caesarea( thế kỷ thứ 4) nói: “ Chẳng những lãnh nhận sứ mệnh rao giảng từ nơi Chúa Cứu Thế, mà điểm sáng tỏ của Giáo hội công giáo còn là duy nhất và phổ quát, nghĩa là khắp nơi đều rao giảng một đức tin như nhau, để soi sáng đến mọi dân tộc: từ Hy lạp cho tới man di, người nô lệ hay tự do, hết thảy đều quy kết cùng một đường lối (Ecclesiastical History 4,7,13), nghĩa là Giáo huấn của Giáo hội áp dụng như nhau và phổ cập đến hết mọi người, mọi dân tộc, và mọi thời đại.

4- Ngoài những điểm kể trên, chúng ta còn có thể nêu lên những điểm đáng chú ý:

Giáo hội công giáo quả thực là một Hội Thánh đích thực vì trong đó, mọi phần tử đều được kêu gọi nên thánh. Giáo hội công giáo có nguồn gốc thánh thiện của Đấng chí thánh là Chúa Kitô, và từ thân thể mầu nhiệm đó, đã sản sinh nhiều vị Thánh. Giáo hội Công giáo đã tồn tại qua bao sóng gió hiểm nguy của lịch sử thăng trầm và những bách hại tư bề. Trong lịch sử các vua quan bắt bơ, cấm đạo triệt để nhằm tiêu diệt đạo, có thể kể cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Nêrô tại Roma là một ví dụ. Ngoài ra, tại nhiều nơi trong nhiều thời đại, vẫn luôn có sóng gió ba đào nổi lên hầu làm đắm chìm con thuyền Hội thánh, nhưng Giáo Hội Công giáo vẫn đứng vững như lời Chúa Cứu Thế đã nói với Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực Tử thần sẽ không thắng nổi.” ( Matthêô 16: 18). Chúng ta hãy nhìn coi, Giáo hội Công giáo đã đặt nền móng xây dựng văn minh thế giới Tây phương, và đã đi tiên phong mang lại ánh sáng Chúa Kitô đến khắp nơi trên mặt địa cầu. Ngày nay, Giáo hội công giáo vẫn còn tiếp tục giảng dạy với thẩm quyền ưu việt về luân lý, công bằng và bác ái xã hội cho toàn thế giới.

Sau đây là tài liệu có thể liên quan tới những trình bày nêu trên:

Giáo hội của Chúa Giê-su: nguồn gốc của các Giáo hội Kitô giáo:

Nguồn gốc các Giáo phái