HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


PHẦN II: TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH

Bài 14 (kết thúc)

Hôn Nhân là Cộng Đồng Nhân Loại Cao Cả Nhất

Ta đã phác hoạ sơ sài việc biến thái và biến đổi dung mạo mà Bí Tích Hôn Phối đã tạo ra cho hôn nhân tự nhiên. Ta còn phải sơ lược xét đến giá trị biệt loại của hôn nhân bí tích nữa.

Bất kỳ một cộng đồng tình yêu nào cũng đều có giá trị biệt loại của nó. Giá trị không chỉ cố hữu nơi tình yêu của người yêu, mà còn nơi sự phối hợp tình yêu vốn hợp nhất hai nhân vị lại với nhau nữa: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133:1). Sự phối hợp này càng sâu xa và càng tập trung bao nhiêu, thì giá trị của cộng đồng này càng lớn lao bấy nhiêu. Mà như ta đã thấy, cộng đồng tình yêu thân mật nhất giữa các nhân vị chính là hôn nhân. Vì lẽ đó, cho dù chỉ với tư cách một cộng đồng thuần tự nhiên, hôn nhân cũng đã vượt xa hơn hết (kể cả gia đình, xã hội, hay quốc gia). Nó tôn vinh Thiên Chúa nhiều hơn hẳn so với các cộng đồng khác.

Tự thân giá trị của nó, hôn nhân được đánh giá cao hơn hết mọi cộng đồng trần thế khác. Sự thiện ích hình thành nguyên lý nội tại của một cộng đồng càng cao bao nhiêu, thì cộng đồng ấy càng xếp hạng cao bấy nhiêu. Hơn nữa, sự phối hợp càng đạt tới chiều sâu trong linh hồn bao nhiêu, thì vai trò của tình yêu lại càng lớn lao và càng cốt yếu bấy nhiêu. Rồi nguyên lý hiệp nhất càng gắn bó chặt chẽ với vận mạng siêu nhiên của ta bao nhiêu, thì cộng đồng tình yêu lại càng cao cả bấy nhiêu. Tỉ như, câu lạc bộ xã hội được xếp hạng thấp hơn quốc gia. Lý do là vì sự thiện hảo văn hoá cao--nguyên lý hợp nhất của quốc gia—thì được xếp hạng cao hơn sự phát huy việc giải trí nông cạn vốn là mục tiêu của câu lạc bộ xã hội. Nguyên lý hợp nhất nơi một quốc gia rõ ràng đâm rễ vào nhân vị một cách sâu đậm hơn nhiều, và tình yêu hỗ tương đảm nhận một vai trò nổi bật hơn trong cộng đồng này.

Thế nhưng gia đình là một cộng đồng còn cao cả hơn nhiều so với quốc gia. Cái yếu tố hợp nhất các thành viên trong gia đình thì đi vào lòng nhân vị một cách sâu đậm hơn là yếu tố quốc gia. Nguyên lý hợp nhất gia đình thì vượt thật xa lãnh vực văn hóa để chạm đến trật tự siêu hình. Ở đây, tình yêu hỗ tương đóng một vai trò nội tại. Việc chu toàn của cộng đồng này bao hàm tình yêu ở một mức độ cao hơn nhiều, và cái yếu tố kiện toàn nó thì liên kết chặt chẽ với siêu nhiên hơn là trong trường hợp quốc gia hay xã hội.

Vả lại, cộng đồng hôn nhân còn cao cả hơn chính cộng đồng gia đình nữa. Ở đây cái nguyên lý hợp nhất chạm đến những căn rễ sâu xa nhất của đời sống con người. Như đã thấy ở trên, tình yêu là chính yếu tính của một quan hệ. Nguyên lý của nó không chỉ bao gồm niềm hạnh phúc thân mật nhất của mỗi người, mà còn bao hàm sự từ bỏ tình yêu hỗ tương, như một mối quan tâm nồng cháy hướng đến sự tăng triển tâm linh và luân lý của người được yêu, và như một khẳng định về ý tưởng duy nhất về Thiên Chúa vốn nhập thể nơi nhân vị kia. Cộng đồng này bao gồm nhân vị trong toàn thể bản chất của nó mà không một cộng đồng nào khác làm được. Nó vươn rộng sang mọi lãnh vực của đời sống, từ cái trọng yếu nhất cho đến cái phụ thuộc nhất. Chính vì thế, bản chất của nó rất độc đáo.

Trong hôn nhân, xét như một cộng đồng triển nở trong Chúa Kitô, và trên hết, trong hôn nhân xét như một Bí Tích, trọng tâm của nguyên lý trở thành nỗ lực noi theo tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh. Ý hướng cao cả nhất của tình yêu chính là khao khát nồng cháy về hạnh phúc vĩnh cửu của người được yêu. Do đó, hôn nhân có được một tương quan trực tiếp với Chúa Giêsu và với vận mạng vĩnh cửu của ta nhiều hơn vô kể so với bất kỳ một cộng đồng trần thế nào.

Hôn Nhân thì Lớn hơn Quốc Gia hay Xã Hội

Trong thời đại chúng ta hôm nay, một trong những sai lầm tiêu biểu của thế giới ngoại đạo là tin rằng quốc gia và xã hội được xếp hạng cao hơn gia đình và cao hơn cả hôn nhân, và trên hết, là coi lợi ích quốc gia và xã hội như là một cái gì bất vị kỷ hơn hẳn so với việc dấn thân cho gia đình hoặc cho tương quan hôn nhân. Thực ra các cộng đồng này được coi trọng hơn chỉ vì chúng có số lượng lớn hơn và có một đời sống lâu dài hơn hôn nhân.

Nhưng trong thực tê, chúng thấp hơn rất nhiều. Cho dù một quốc gia hay xã hội hoàn hảo nhất cũng không thể tôn vinh Thiên Chúa tốt đẹp hơn là một hôn nhân hoàn hảo. Ta không bao giờ được lãng quên một vấn đề quyết liệt duy nhất vốn phải luôn tồn tại nơi mọi sự vật: “Đó là làm mọi việc vì vinh quang cao cả Chúa ngày một hơn.”

Hôn nhân còn bất vụ lợi hơn nữa bởi vì tiên quyết nó không phải là một cộng-đồng-chúng-ta, mà là một cộng-đồng-tôi-em. Trong hôn nhân, cái phản đề chính hiệu của ích kỷ sẽ hình thành không phải từ ý thức về một cái toàn thể mà tôi là một thành phần, nhưng là từ tình yêu đối với cận nhân, người mà tôi đối diện như một tha ngã.

Ta không bao giờ hiểu được vấn đề quan trọng này nếu chưa nhìn thấy cái cấp bậc mà hôn nhân đang nắm giữ so với các công đồng khác, và nếu chưa thấu triệt sự kiện hôn nhân tự nó biểu hiện một cái gì cao vượt trên mọi cộng đồng khác, và tự nó, nó sẽ tôn vinh Thiên Chúa như hình ảnh mối tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, ngay cả khi không cộng đồng nào khác tồn tại.

Hôn Nhân Kitô giáo Trực Tiếp Tôn Vinh Thiên Chúa

Chúa Kitô đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Thật là giá trị cao sang nằm ngay giữa lòng hôn nhân Kitô giáo, nơi có hai nhân vị, không chỉ kết hợp với nhau khi hướng mắt nhìn lên Chúa Kitô, mà còn cùng nhau tạo thành một hiệp nhất tối hậu trong Ngài, chính sự hiện hữu của mối hiệp nhất này sẽ làm vinh danh Chúa Cứu Thế. Thật là giá trị cao sang hiện diện cố hữu trong tình yêu vợ chồng, một tình yêu đầy cảm động, trong sáng và thanh khiết, khiến cho đôi lứa cảm thấy như cùng chung một nhịp đập của con tim, đồng thời cùng mang chung một mối u sầu, một nỗi đớn đau, một niềm vui sướng, và một tình yêu đối với Chúa Giêsu. Còn vẻ đẹp nào cao sang hơn được tìm thấy trong mối dây ràng buộc này, mối dây đòi hỏi tình yêu vợ chồng và bao hàm trách vụ trở nên hình ảnh của mục tiêu vĩnh cửu: linh hồn ta được kết hợp với Thiên Chúa!

Ta cứ thử mường tượng đến hình ảnh Thánh Elizabeth, sau khi cầu nguyện suốt đêm, đã đặt bàn tay của mình trong tay người chồng đang say ngủ--một diễn tả đầy cảm động của tình yêu vợ chồng và sự kết hợp thánh thiêng chân chính và nồng nàn, đầy tràn niềm kính sợ Thiên Chúa—in conspectu Dei. Một cộng đồng như thế lại chẳng tôn vinh Thiên Chúa một cách trực tiếp và tiên quyết hay sao?

Hôn Nhân Bí Tích Khiến Ta Mau Yêu Mến Chúa Giêsu

Cần thêm rằng hôn nhân Kitô giáo còn biểu hiện cho đôi lưá như một con đường dẫn đến sự kết hợp với Chúa Giêsu ngày càng mãnh liệt hơn. Như một mối dây ràng buộc được kết thúc trong Chúa Giêsu và hướng về Ngài, sự gia tăng tình yêu vợ chồng cũng có nghĩa là sự tăng tiến trong tình yêu với Chúa Giêsu. Sự từ bỏ duy nhất trọn vẹn dành cho người được yêu, đời sống tình yêu mà đôi lứa đang có và phải có, đã mở toang trái tim ra, khiến nó càng yêu nhiều hơn nữa. Trong một tình yêu vợ chồng không-Kitô và xa lạ với Ngài, đôi lứa dễ có nguy cơ dựng nên bức tường ngăn cách giữa mình với Ngài; tuy nhiên, ở đây, chính tình yêu vợ chồng đã trở thành một nguồn mạch cho sự thăng tiến tình yêu đối với Chúa Kitô.

Đức Đồng Trinh Thánh Hiến Vẫn Cao Hơn Hôn Nhân

Chính bởi lý do đó, đức đồng trinh được thánh hiến cho Thiên Chúa thì cao cả khôn sánh so với hôn nhân. Sự cao cả này không phải do sự thiếu vắng tình yêu vợ chồng dành cho người phối ngẫu, mà do ở sự kiện này, là thay vì quy hướng về tình yêu vợ chồng dành cho Chúa Giêsu, thì trong đức đồng trinh này ta thấy được bóng dáng cuộc hôn nhân với chính Chúa Giêsu.

Hôn nhân với Chúa Kitô chính là mục tiêu chân thực của mọi tâm hồn, và dù là một hôn nhân trần thế, điều này vẫn có thể chu toàn được. Nhưng đức đồng trinh được thánh hiến cho Thiên Chúa thì hiện thực hóa cuộc hôn nhân này trong chính thực trạng của nó.

Bậc sống này cao cả hơn, bởi vì khi đó người tu sĩ ý thức dâng hiến cho Chúa Giêsu sự hy sinh lớn lao của mình đứng trước sự thiện hảo trần thế cao sang nhất, và trên hết, bởi vì người ấy trực tiếp chu toàn bậc hôn nhân với Chúa Kitô.

Bậc độc thân, tự nó, không cao sang hơn hôn nhân, có khi còn thua kém là khác. Chỉ có đức đồng trinh được chọn lựa với đầy đủ ý thức vì vương quốc của Chúa và được thánh hiến cho Ngài--hoặc trong một dòng tu hay ở ngoài đời--mới tạo thành một bậc sống cao cả hơn, vì nó bao hàm một hôn lễ chính thức với Chúa Kitô, nơi đây cần phải có một tình yêu lớn lao hơn là trong bậc sống hôn nhân nhân loại. Trong đức đồng trinh, Thiên Chúa không kêu mời ta đạt đến một lý tưởng khắc kỷ lãnh đạm, mà kêu gọi ta đổ đầy tâm hồn mình bằng tình yêu hăng nồng và sinh động nhất.

Khốn cho những ai trong bậc sống cao thượng này, thay vì trở nên nhiệt thành và nhậy cảm hơn, thì lại bị ảnh hưởng bởi một thứ tật cứng lòng khiến họ thay vì dùng sự từ bỏ mình để đến gần Chúa thì lại càng rời xa Ngài hơn nữa.

Phải, bậc đồng trinh vượt xa muôn trùng trên bậc hôn nhân bởi vì nó đòi buộc phải yêu nhiều hơn; lại nữa, để nên hoàn thiện, bậc đồng trinh không những không hề là một nấm mồ vùi chôn trái tim ta, mà còn đòi ta phải có một cảm thức sâu xa bén nhậy nhất, một tình yêu sung mãn được biến thái một cách siêu nhiên.

Tóm lại, quan niệm Công giáo về sự cao trổi của bậc đồng trinh cho thấy rằng, trước mặt Chúa, chỉ có tình yêu lớn lao hơn mới tạo nên được nét tuyệt vời. Do đó, nếu ta thấu hiểu được ý nghĩa và giá trị sâu xa của hôn nhân, thì ta không bao giờ được quên lãng những lời này của Chúa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49)

HẾT