HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG
[Marriage: the Mystery of Faithful Love]
Dietrich von Hildebrand (1889-1977)
Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991
PHẦN II
TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH
Bài 10
Tình Yêu Vợ Chồng Kitô giáo Không Thần Tượng Hóa Người Yêu
Hơn nữa, tình yêu vợ chồng tự nhiên mở ra cho ta mối nguy cơ biến người yêu trở thành trung tâm tuyệt đối của đời sống. Tình yêu này có thể thoái hoá thành ngẫu tượng. Trong tình yêu vợ chồng mang tính siêu nhiên, mối nguy cơ này bị ngăn chận lại. Một cách ý thức, tình yêu ấy tự xây dựng trong tình yêu đối với vị ‘Hoàng Đế’ và ‘Trung Tâm’ của mọi trái tim. Mục đích tối hậu của tình yêu này là thông phần vào tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Giêsu đã dành sẵn cho linh hồn người yêu.
Như vậy không có nghĩa là nó sẽ kém nồng nàn đi, hoặc ít hướng về người yêu hơn. Trái lại, nó thủ đắc một niềm hăng say và tối hậu mà trí óc thuần túy tự nhiên không thể mường tượng ra được. Việc dấn thân cho một thiện ích thì sẽ ở mức sâu xa nhất và mãnh liệt nhất khi thiện ích đó được ngắm nhìn đúng theo trật tự mà Thiên Chúa đã sắp đặt. Thần tượng hóa không hề là bằng chứng của một tình yêu dồi dào, mà chỉ là một sự băng hoại, hoặc suy thoái của tình yêu.
Sự Phong Nhiêu Tinh Thần của Tình Yêu Vợ Chồng Kitô giáo
Như đã thấy ở phần trước, y như bất kỳ một tình yêu chân chính nào, tình yêu vợ chồng mang sẵn nơi mình một tính phong nhiêu tinh thần, mà dẫu có liên kết nhiệm mầu với việc sinh sản, nó vẫn không hề bị giới hạn vào đó. Động lực thúc đẩy “nâng tâm hồn lên,” vốn là đặc trưng của tình yêu vợ chồng, không cho phép hai kẻ yêu nhau hoàn toàn bị cuốn hút vào nhau, nhưng lại làm phát sinh trong nhau một chuyển động đi lên xét về mặt tinh thần. Kẻ yêu nhau cứ để tình yêu đưa mình lên cao. Mối quan tâm đầu tiên trỗi dậy nơi tâm hồn họ là làm cho người yêu trở thành hoàn hảo.
Tình yêu sâu xa chân chính luôn luôn xây nên một cung thánh có thể chứa chất hai kẻ yêu nhau, nhưng cũng siêu vượt trên họ. Nỗ lực ngày càng đi sâu vào chốn thánh cung này chính là một phần của chuyển động nội tại của tình yêu.
Sự hiển dung siêu nhiên của tình yêu vợ chồng đem lại một ý nghĩa mới cho thành quả thiêng liêng của nó. Chính Chúa Giêsu đã xây dựng gian cung thánh tình yêu này, và tình yêu chân thật nơi Ngài thúc bách hai kẻ yêu nhau cùng dẫn nhau tới Chúa Giêsu. Tình yêu chân thật không chỉ đong dầy khao khát khôn nguôi nhìn thấy người yêu ngày càng biến đổi nên giống Chúa Kitô. Tình yêu ấy cũng không chỉ tham gia vào tình yêu thần linh của Chúa Giêsu đối với người khác, mà còn thực sự dưỡng nuôi sự biến thái này, để rồi tình yêu dành cho người được yêu sẽ nâng người yêu lên một tầm cao mới.
Hôn Nhân chỉ Đạt Được Phẩm Giá Tòan Vẹn của nó Nơi Chúa Kitô
Quan trọng hơn cả sự biến thái của tình yêu vợ chồng chính là sự biến thái của hôn nhân, một biến thái còn có ảnh hưởng hồi cố trên tình yêu vợ chồng, như ta sẽ thấy sau này. Mối dây liên kết tự nhiên xuất phát từ sự kết thúc long trọng của hôn nhân thật là lớn lao; nó nói lên ý muốn hai người thuộc trọn về nhau trong một hiệp thông vĩnh viễn, tuy nhiên, sự quyết định được thể hiện trong Thiên Chúa với trọn vẹn ý thức thì tạo nên ở đây một mối dây liên kết giữa một bên là phẩm giá cao sang vô biên với bên kia là thực tại. Một lời tuyên thệ thì nặng ký nhiều hơn so với một lời đoan hứa đơn giản, và vì là một lời nguyện cầu nhân danh Chúa, cho nên nó phát sinh một bổn phận nghiêm chỉnh và long trọng hơn nhiều. Cũng vậy, hôn nhân trong Chúa Kitô thì đạt đến một phẩm giá và thực tại lớn lao hơn. Quả vậy, chỉ trong cuộc hôn nhân được hoàn thành nơi Chúa mà khách quan tính cũng như hiệu lực tính, vốn cố hữu nội tại trong mọi cuộc hôn nhân, mới đạt tới mức thành toàn của nó. Và cũng chỉ ở nơi đây mà sự thể hiện trọn vẹn của sự phối hợp và hiệp thông tình yêu trong một hiện hữu vốn độc lập với hoàn cảnh đổi thay và cảm tính của những kẻ yêu nhau mới được hoàn chỉnh. Chỉ duy sự hiệp thông này mới biểu hiện nơi mình một thiện ích mà hai người phối ngẫu phải nỗ lực đạt đến với lòng sẵn sàng hy sinh. Cũng chỉ nơi đây mà hôn nhân mới trở thành một thực tại không những không hiện hữu độc chiếm cho hai kẻ yêu nhau, mà còn phải nói đây chính là cái lẽ hiện hữu của họ.
Hôn Nhân Kitô giáo là một Hình Thức Thánh Hiến cho Thiên Chúa
Hôn nhân Kitô giáo còn hàm chứa nhiều hơn thế nữa. Nó không chỉ kết thúc ở nơi Chúa, mà lời hứa thủy chung với nhau của đôi lứa còn là một lời thề trước mặt Chúa nữa.
Sự phối hợp long trọng này không chỉ được giao kết giữa đôi vợ chồng; nó còn liên lụy đến Chúa Kitô, Đấng mà họ hoàn toàn thuộc về, với tư cách là thành viên của Nhiệm Thể Ngài. Do đó, kết cuộc của hôn nhân trở thành một sự thánh hiến cho Thiên Chúa, y như lời khấn dòng của người tu sĩ. Không chỉ có nghĩa là đôi lứa phải hiến thân cho nhau trong Chúa; họ còn phải hiến thân cho Chúa Kitô trong nhau nữa.
Mối dây liên kết linh thánh được đặt trong bàn tay Thiên Chúa, được trao phó cho Ngài. Mối dây hôn nhân thuộc trọn về Ngài. Khai mở mối dây này trong hình thức lý tưởng của nó, ôm ấp nó như một cộng đồng tình yêu cao cả, bảo vệ nó như một gian cung thánh không ô nhơ tục lụy, đó chính là một việc phục vụ đậm mầu thần linh.
Hôn Nhân Kitô giáo Liên Quan Mật Thiết với Thiên Chúa
Điều này không được hiểu chỉ theo nghĩa rộng (tỉ như một công việc chuyên nghiệp, khi được minh thị hiến thánh cho Chúa, có thể được gọi là việc phục vụ thần linh), mà phải được hiểu theo một ý nghĩa triệt để hơn, theo kiểu loại suy sánh với bậc tu trì, cho dù ở một mức độ thấp hơn.
Lý do là, qua việc tôn vinh Thiên Chúa trong việc khách thể hóa tình yêu duy nhất, bản chất của hôn nhân bao hàm một mối tương quan với Chúa sâu xa hơn nhiều, và một cách biệt loại, nó đâm rễ sâu nơi Thiên Chúa bởi vì nó là một điều đã được long trọng kết thúc trong Chúa Kitô. Cuối cùng, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ, đã thiết lập tương quan hôn nhân với chính Ngài, nhờ đó mà nối kết nó với Thiên Chúa một cách đặc biệt thân mật.
Một thiện hảo càng cao và càng liên kết trực tiếp với Thiên Chúa bao nhiêu, thì nó càng tôn vinh Thiên Chúa nhiều bấy nhiêu. Do đó, tất cả những gì liên quan đến sự phát triển lý tưởng hôn nhân thì đều trở thành một việc phục vụ thần linh theo nghĩa hẹp, hơn là một công việc chuyên nghiệp vốn chẳng liên hệ gì trực tiếp với Nước Thiên Chúa.
Sự kiện hôn nhân long trọng kết thúc nơi Chúa Kitô và được trao phó trọn vẹn cho Ngài đã thiết lập được một mối liên hệ với Thiên Chúa càng thân mật và càng gắ n bó hơn là điều phát xuất từ một hành vi đơn giản là hiến dâng một điều gì đó cho Thiên Chúa. Cuối cùng, đó không phải là điều được liên kết với Chúa qua một số những hành vi loại biệt nào đó của ta, mà là chính Chúa Kitô đã minh nhiên thiết lập mối liên kết này.
Do bởi mối dây khách quan của hôn nhân được nối kết với Thiên Chúa qua ba cách thức và không chỉ thuộc về đôi phối ngẫu mà thôi, nhưng còn thuộc về Chúa Kitô nữa, thế nên tất cả mọi hành vi yêu thương---tức việc chu toàn ơn gọi hôn nhân cũng như việc hiện thực hóa ý nghĩa của nó như một cộng đồng tình yêu tối hậu--trở thành một việc phục vụ thần linh theo nghĩa hẹp và triệt để hơn là công việc chuyên nghiệp được thực hiện với ý hướng tôn vinh Thiên Chúa. Vì thế, hôn nhân trong Chúa Kitô vượt xa hẳn cách thức mọi vật, dù tầm thường đến đâu chăng nữa, có thể và phải liên hệ đến Thiên Chúa, theo như lời thánh Phaolô: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31).
Do đó, mối dây hôn nhân Kitô giáo trở thành một điều linh thánh, có thể sánh với lời tuyên khấn trong bậc tu trì, cho dù, như ta sẽ thấy sau này, bậc tu trì vượt xa hôn nhân do bởi tính chất linh thánh của nó.
(còn tiếp)