Hội Cao Niên Cộng Đoàn Tôi.
Một ngày nọ, tôi nhận được thư của Hội Cao Niên Cộng đoàn tôi mời tôi gia nhập Hội. Tôi ‘giật mình’. Tôi già thế rồi ư? Người khác nhìn thấy tôi già thế rồi ư? Vì vẫn chưa muốn ‘ngồi chiếu trên’ với quý vị hội viên của ‘hội lão làng’ này, nhưng không muốn làm phật lòng họ, tôi đã tìm cách từ chối một cách khiêm nhường.
Thực ra, tôi cũng biết tôi đang xài gần cạn những ngày tháng mà Thiên Chúa ban cho tôi trên cõi đời tạm bợ này. Thế nhưng tôi vẫn muốn níu kéo những tháng ngày mà tôi tưởng như ‘chưa già’ lâu hơn được chừng nào hay chừng nấy. Do đó, tôi không muốn nghĩ rằng tôi già và có lẽ do đó, nhiều người cứ bảo tôi: “Trông ông chẳng già chút nào”, hoặc: “Chắc ông tắm suối Tiên nên chẳng già chút nào”. Tôi cười ‘dã lã’, cám ơn họ, và trong lòng cũng mừng lắm. Vì vậy, tôi cứ muốn làm bạn với những bạn trẻ hơn tôi để được họ gọi là ‘anh’ hơn là sánh vai với các ‘cụ lão làng’ với những tiếng xưng hô ‘thưa ông’ hay ‘thưa cụ’. Và cũng vì vậy, tôi đã tránh sinh hoạt với Hội Cao Niên Cộng đoàn tôi cho tới lần họp mặt của Hội nhân dịp Tất niên năm nay.
Bạn thân tôi là hội trưởng của Hội Cao niên này. Anh thường nhắc tôi “Toa phải sinh hoạt vui chơi với cộng đồng chứ cứ lủi thủi một mình hoài”. Thực ra, cái ‘lủi thủi’ của tôi cũng có lý do chính đáng của nó. Tôi có những việc cần phải làm ‘lủi thủi’ và tôi muốn dành nhiều thời giờ cho những công việc đó; nhưng cuối cùng rồi tôi cũng nhận lời gia nhập hội.
Tôi ngạc nhiên và thích thú vì buổi họp mặt tất niên năm nay thật là vui vẻ. Hội Cao Niên Cộng đoàn tôi không chỉ giới hạn trong Cộng đoàn dân Chúa mà còn mở rộng vòng tay chào đón những vị cao niên ở các tôn giáo bạn vào làm hội viên. Đặc biệt là có những vị Việt gốc Hoa, hay Hoa chính gốc vì chẳng biết một tiếng Việt nào. Và cũng đặc biệt không kém là có những hội viên chưa tới tuổi cao niên. Tới đây thì tôi mới nhận ra một điều thú vị là trong lúc tôi muốn có những người bạn trẻ hơn để tìm cho mình cái cảm giác (hay cái ảo giác) trẻ hơn, thì lại có những người trẻ hơn, mà tôi quen biết gần hết, tìm đến với cái Hội Cao Niên này.
Tại sao lại có điều mà mới nghe qua có vẻ nghịch lý như vậy? Người già như tôi thì muốn có bạn trẻ, trong khi có những bạn trẻ thì lại muốn làm bạn với những người già. Chắc chúng ta dễ nhận thấy rằng sinh hoạt có tính cách "xã hội" của cộng đồng người Việt chúng ta trên quê hương thứ hai này, ngoài công việc vì cuộc sống, thì chỉ có các hội đoàn. Ở những bang có đông người Việt thì tôi tin là có nhiều hội đoàn lắm, có nhiều sinh hoạt cộng đồng lắm, và vui lắm. Thế nhưng rải rác trong bang Ohio này, những cộng đồng người Việt không đông lắm và, vì vậy, sinh hoạt cộng đồng thường giới hạn trong lãnh vực tôn giáo. Các em thiếu nhi thì có các đoàn thể thiếu nhi. Hội đoàn thanh niên thì dường như ít hơn và sinh hoạt không rộn ràng như các em thiếu nhi. Kế đến, chúng ta có một bước nhảy vọt, nghĩa là không có những Hội đoàn ‘trung niên’ mà chỉ có Hội Cao Niên, và trên nguyên tắc thì phải đủ ’60 niên’ mới được ngồi vào ‘chiếu trên’ này. Chính vì không có Hội trung niên nên các bạn ‘xồn xồn’ này mới gia nhập Hội Cao Niên, và đương nhiên họ cũng được niềm nở tiếp đón. Tôi cười nói với bạn tôi, thua tôi đúng một con giáp, nghĩa là 12 niên, khi gặp bạn tôi trong buổi liên hoan Tết vừa qua: “Chơi trèo nhé”. Anh cũng cười: “Nhìn chung quanh coi. Nhiều người còn trẻ hơn tôi”. Quả thực, những vị xồn xồn này gia nhập hội đã được mấy niên rồi mà tôi không biết, mà tôi thì chậm chạp quá. Thật là vui vẻ!
Không khí buổi liên hoan Tất niên không những thoải mái mà còn hữu ích. Đặc biệt, bác sĩ nhà đã nói chuyện về cách ăn uống để phòng bệnh cho người già, phát tài liệu phòng bệnh cũng như tặng quý vị một số dụng cụ liên quan tới bệnh tiểu đường. Tự xét mình, tôi có một bệnh mà chỉ có chính tôi mới có thể chữa được, đó là bệnh ‘tham ăn’. Nhớ ngày nào đang ăn bốn bát cơm một bữa rồi dần dần tụt xuống còn ba bát, rồi hai bát, tôi bực lắm. Thực ra, tôi cũng biết đó là luật tự nhiên mà chúng ta tin là luật của Thiên Chúa, tuổi càng lớn thì các cơ quan trong con người phải hoạt động yếu đi thôi. Hơn nữa, khi thức ăn dồi dào, nhiều chất dinh dưỡng thì cơm phải ăn ít đi là chuyện hợp lý, và giờ đây tôi chỉ còn ăn một bát cơm một bữa cũng không lấy gì làm bực mình nữa. Tuy vậy, khi nghe bác sĩ nhà nói đến chuyện kiêng cữ, tôi cười và nói nhỏ vào tai bạn tôi: “Kiêng đủ thứ như vậy thì chết sướng hơn”.
Phần văn nghệ thì thật là thú vị và cảm động. Sau vài bản đồng ca có tính cách ‘tìm về dĩ vãng một thời…’, là những bản đơn ca. Tôi không ngờ một người bạn lão làng của tôi đã có thể đệm đàn ọoc cho các ca sĩ già, các ca sĩ xồn xồn, không chuyên. Và để cho bầu không khí bớt phần ‘nặng trĩu’ về quá khứ, và cũng đồng thời có thể tìm về ‘dĩ vãng một thời’, một số bạn cùng lứa tuổi tôi, được sự hưởng ứng và cùng tham gia của các bạn trẻ hơn, đã hát những bài về tình yêu được sáng tác cách đây nhiều thập niên. Quả thật, tình yêu thì dường như chẳng bao giờ già, tình yêu gợi lại nhiều kỷ niệm mặn mà, và nếu có một vài thương đau thì cái thương đau cũng êm ái, cũng vấn vương, cũng hờn cũng trách nhưng rồi lại nhớ lại thương. Một anh bạn tôi, tay ôm ghi ta, tôi không biết anh đã yêu bao nhiêu lần nhưng anh đã ca vài bản về tình yêu một cách rất say mê, mắt anh lim dim như anh đang tìm về thời điểm của những cuộc tình ấy.
Phần đóng góp vào buổi liên hoan của các vị hội viên không thuần túy thuộc Cộng đoàn cũng thú vị không kém. Một vị đẹp lão mà tôi chưa từng có dịp gặp mặt đã ôm cây măng đô lin đệm đàn cho người khác hát và đặc biệt chính ông vừa đàn vừa hát: “Khi ấy em còn thơ ngây. Đôi mắt chưa vương lệ sầu…”. Tôi thích quá, đứng vụt dậy, gục gặc cái đầu, tán thưởng. Hát xong, trong những tiếng vỗ tay ròn rã, ông tiến về phía tôi, có lẽ vì ông đã nhận thấy tôi tán thưởng ông một cách nhiệt tình, trong khi tôi cũng đang bước về phía dàn nhạc ‘dã chiến’. Tôi bắt tay ông: “Ông hát hay quá”. Ông cười tươi: “Ông thích bài đó hả?”. “Tôi thích lắm. Bài đó quá hay mà lại do chính ‘xếp’ tôi là tác giả. Chúng tôi đã từng phục vụ trong cùng một đơn vị quân đội”. Ông nheo mắt: “Vậy hả? Tôi thích và hát bài này từ lâu lắm nhưng không biết tên tác giả”. Tôi thích thú với cách nói chuyện của vị lão ông này vì tôi không tin rằng ông không biết tên tác giả. Điều tôi không tin ông đã đúng sự thật vì sau khi tôi nói tên tác giả thì ông đã nói luôn một hơi về ‘lý lịch’ của tác giả. Và rồi câu chuyện trở nên cởi mở hơn, phong phú hơn nhờ bài Thơ Ngây này. Sau đó, tôi được biết ông là người Việt gốc Hoa nhưng tôi thấy không tiện để tìm hiểu về ông nhiều hơn trong buổi đầu gặp gỡ.
Bài kế tiếp do chính vị lão ông này hát bằng tiếng Hoa và một vị lão bà đệm ọoc. Hát xong, ông giải thích nội dung bài hát. Tôi bước tới vị lão bà để tỏ lời khen ngợi. Bà chỉ nhìn tôi, vui vẻ. Lão ông bảo rằng bà không biết tiếng Việt. Tôi bèn khen bà bằng tiếng Anh và bà cũng chỉ cười. Lão ông bảo rằng bà cũng không biết tiếng Anh nên tôi bèn nhờ ông dịch lại.
Buổi họp mặt Tất niên này gợi cho tôi một vài suy nghĩ ‘bên lề’. Ngoài những điều hay hay, có ích mà chúng ta có thể dễ nhận thấy do các Hội Cao, nói chung, mang lại, tôi nghĩ rằng còn có những điều hay hơn, tích cực hơn, và đáng cho chúng ta suy nghĩ và phát huy. Đó chính là sự ‘mở rộng vòng tay’ của các Hội Cao niên. Từ những sinh hoạt của Hội Cao niên Cộng đoàn tôi, tôi nhận thấy rằng tất cả những người tìm đến với Hội đều mang theo một tâm tình thật cởi mở; dường như họ đã gặp nhau ở một điểm chung: “Sống với nhau hài hoà hơn, lành mạnh hơn trong những ngày còn lại của cuộc đời”.
Thật vậy, thời gian mà Chúa, mà Phật, hay một Đấng Tối Cao nào đó, ban cho chúng ta trên cõi đời tạm bợ này đang sắp qua đi. Chính vì vậy mà chúng ta, những người sắp qua đi, nên sống hay tìm một cách sống tích cực hơn, có ý nghĩa hơn. Còn gì quý hơn là chúng ta tìm đến với nhau để phần nào giúp nhau gạt bỏ hay tìm cách gạt bỏ những vướng bận, những lo âu…, trong những ngày còn lại ấy. Tôi thật sự vui khi thấy buổi sinh hoạt Tất niên năm nay của Hội Cao Niên Cộng đoàn tôi không còn những biên giới về tôn giáo, về chủng tộc, những vấn đề mà nhiều khi gây ra nhức nhối, thậm chí đau thương, cho cuộc sống. Tất cả mọi người dường như đang gạt bỏ những bon chen, những tranh chấp, những tị hiềm… trong quãng đời vừa qua. Phải chăng họ đang nghĩ tới một Niết Bàn, một Thiên Đàng, hay một nơi thanh bình vĩnh cửu nào đó khi họ qua đi mà chẳng mang theo được gì.