HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG
[Marriage: the Mystery of Faithful Love]
Dietrich von Hildebrand (1889-1977)
Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991
Bài 8
Chỉ Hôn Nhân mới Biện Minh cho Phối Hợp Thể Lý
Tuy nhiên, sự biện minh cho phối hợp thể lý này không nằm trong tự thân tình yêu vợ chồng, mà chỉ nằm trong chính hành vi long trọng của hôn nhân thành toàn nói trên. Do bởi phối hợp thể lý bao hàm sự hàng phục ‘thần tốc’ và long trọng qua đó ta đi vào trong một phối hợp tối hậu và thân mật với một nhân vị khác, thế nên nó không chỉ giả định sự hiện hữu đơn thuần của tình yêu vợ chồng, mà còn giả định cả sự thành toàn long trọng của hôn nhân, trong đó ta tự hiến mình một cách tự do và bất khả hồi cho người yêu trót cả đời mình.
Tình Yêu Phải Được Nuôi Dưỡng Trong Mọi Hôn Nhân
Do bởi hiệp thông tình yêu biểu trưng cho ý nghĩa sâu xa nhất của hôn nhân, thế nên tình yêu không chỉ là một điều kiện tiên quyết của hôn nhân, nhưng còn là một tình cảm mà cả hai người phối ngẫu đều phải coi đó như là đối tượng của ý chí, một điều cần được bảo vệ và trân trọng. Tình yêu cũng là một trách vụ và bổn phận của cả hai người. Nếu đã là dọi phóng duy nhất của tình yêu vợ chồng, thì một khi đã được thiết lập, hôn nhân sẽ đòi hỏi tình yêu từ cả hai người, không chỉ tình yêu gần gũi, mà còn phải là tình yêu vợ chồng nữa.
Người chồng có quyền trên tình yêu của người vợ, và ngược lại. Duy trì tình yêu vợ chồng trong toàn vẹn nét cao cả và tinh tuyền của nó, trong ánh hào quang, chiều sâu, cũng như sự sung mãn của nó, chính là một trách vụ của cả hai người phối ngẫu như là kết luận cho cuộc hôn nhân của mình.
Do lười biếng, ngu đần, và nông cạn trường kỳ khiến nhãn quan ta hóa mù tối, thật khó mà giữ mãi được trước mắt ta, trong toàn vẹn nét trong sáng và rực rỡ, cái hình ảnh của một người khác đã được tình yêu bộc lộ diệu kỳ. Ta nên--và phải--chống lại sự ngu đần này, bởi vì nó gây ra tội lỗi phản nghịch lại ngôi đền thờ ta đã dựng xây trong hôn nhân của mình.
Theo một nghĩa nào đó, ta đã bất trung với người khác khi không còn nhìn người ấy từ bên trong, hoặc khi ta không còn hiểu nét đặc thù sâu xa của hữu thể người ấy, mà chỉ nhìn người ấy như bất kỳ ai khác, tức là nhìn từ bên ngoài.
Với những ai coi thứ tình yêu loại biệt mà ta gọi là tình yêu vợ chồng không là gì khác ngoài một cơn mê cuồng, thì nếu cứ để cho tình yêu này dần phai nhạt đi theo tháng năm. và chỉ giữ lại tình bạn mà thôi, thiết tưởng cũng là điều tự nhiên. Tuy vậy, nếu cho rằng tình yêu vợ chồng bao gồm sự thấu hiểu sâu xa đối với người khác, và hôn nhân là mối dây tơ hồng mà Chúa se định, thì ta phải lo lắng làm sao đừng để tình yêu này suy giảm đi, hay ngủ vùi ngủ dập, y như ta đã luôn luôn phải phấn đấu—trên một bình diện cao hơn--để giữ cho tình yêu đối với Chúa Giêsu luôn thức tỉnh mãi.
Nếu với tu sĩ, việc tuân giữ luật lệ nhà dòng là một nỗ lực không ngừng, thì hôn nhân cũng đòi buộc ta phải kiêng cữ tất cả những điều gây phân tâm chia trí cũng như những hướng chiều lệch lạc khiến ta không còn tập trung vào người ta yêu, và khiến cho sự tập trung nội tâm vốn bao gồm trong tình yêu bị phá hủy luôn.
Tuy nhiên, trách vụ này biến thiên tùy theo cá tính của hôn nhân. Trong lãnh vực siêu nhiên, Thiên Chúa ban ơn cho con người với nhiều mức độ, nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn từ những ai đã nhận nhiều ơn nơi Ngài. (Ta hãy nhớ đến dụ ngôn các nén bạc trong Phúc Âm). Cũng thế, hôn nhân sẽ đòi hỏi người chồng và người vợ nhiều ít tùy theo mức độ hôn nhân của họ tiến gần đến mức lý tưởng như thế nào, và tùy theo mức độ cá tính của họ hoà điệu với nhau ra sao.
Trách Vụ của Tình Yêu trong Hôn Nhân Tuyệt Hảo
Tình yêu mà họ đầu tiên cảm nhận được ở nơi nhau càng lớn bao nhiêu, và tình yêu nằm trong bản chất của sự hoà điệu nơi hai người càng mãnh liệt bao nhiêu, thì tình yêu hỗ tương của họ càng đòi hỏi bấy nhiêu. Nếu sự hoà điệu của hai người chứa chất khả hữu tính của tình yêu tối hậu vợ chồng, thì khi hôn nhân đi đến kết luận, cả hai người đều có bổn phận phấn đấu thực hiện lý tưởng này.
Họ phải nỗ lực phát triển tình yêu cao cả nhất này. Họ phải tránh né tất cả những gì có thể che khuất hay làm lu mờ tình yêu này (tỉ như người chồng quá chuyên chú làm ăn hoặc người vợ quá lo lắng việc nhà). Nhưng trên hết, họ phải ý thức về một tính dửng dưng lười lĩnh và chỉ trôi dạt theo dòng tập quán hàng ngày. Từng giờ, từng phút, họ phải nhớ lại món quà qúy giá khôn tả mà Thiên Chúa đã ban cho mình dưới dạng thức là linh hồn của người yêu. Không bao giờ họ được đánh mất cảm thức về mầu nhiệm kỳ diệu mà người yêu kia đã dành cho họ, đã sống cho họ, và họ đang sở hữu một điều gì đó cao cả vượt trên hết mọi của cải trần gian.
Trách Vụ của Tình Yêu trong Hôn Nhân Bất Toàn
Tuy nhiên, nếu sự hoà điệu cá tính của hai người không đưa đến khả hữu tính của tình yêu vợ chồng, hoặc nếu sự hợp nhất nội tại tối hậu không thể thực hiện được, thì trách vụ của hai người phối ngẫu sẽ khác đi. Trong trường hợp này, phẩm chất của tình yêu vợ chồng không đòi hỏi họ nữa, do bởi hai người không thể trao ban tình yêu cho nhau nếu không được Chúa hoàn thành trong sự hoà điệu cá tính của họ. Ở đây, trách vụ của họ là đạt đến sự hiệp thông cao nhất trong vòng giới hạn các khả hữu tính của từng trường hợp. Họ cũng phải sống cho nhau và tránh né bất cứ điều gì có thể làm họ bị tha hoá, hoặc chia rẽ họ một cách nào đó. Họ cần phải nhìn nhau trong ánh sáng rực rỡ nhất.
Trách Vụ của Tình Yêu trong Hôn Nhân Xáo Trộn
Điều này hoàn toàn đúng cho một hôn nhân không hạnh phúc. Nếu một bên hoàn toàn thiếu vắng tình yêu, hoặc nếu một người cứ làm khổ người kia một cách nào đó, ta hãy nhớ đến cuộc hôn nhân của thánh nữ Mônica, thì vẫn còn đó cái bổn phận phải sống mối dây khách quan mà kết luận của cuộc hôn nhân đã tạo ra, bất chấp sự kiện mối hoà điệu của hai người không làm cho lý tưởng tình yêu vợ chồng thực hiện được. Người này chỉ có thể yêu người kia theo kiểu tình yêu thân gần, bởi vì sợi dây hôn nhân được đan kết với người ấy. Trách vụ trong trường hợp này tiên quyết nằm ở chỗ hy sinh, từ bỏ và lo lắng cho phần rỗi của người kia.
Mỗi Hôn Nhân đều có Trách Vụ Riêng
Tóm lại, trong mỗi cuộc hôn nhân, Thiên Chúa đều ban cho đôi phối ngẫu một trách vụ riêng biệt khác xa với bổn phận chất chứa trong mọi hôn nhân: đó là tình yêu hỗ tương và tình chung thủy vợ chồng.
Do đó, cần phải hiểu ý nghĩa đặc biệt của mỗi cuộc hôn nhân riêng rẽ, tiếng gọi đặc biệt mà Thiên Chúa gửi đến cho đôi vợ chồng: đó là việc thể hiện một hôn nhân lý tưởng hoặc sự khổ đau thập gía của một hôn nhân không hạnh phúc. Cái ý nghĩa duy nhất, do Chúa an bài, của một hôn nhân cá biệt cần được khám phá ra trong mỗi hôn nhân, bao lâu trách vụ thay đổi theo khả hữu tính khả đạt cao nhất trong sự hoà điệu của hai cá tính.
Nhưng điều này không được khiến chúng ta tin rằng hình thức hôn nhân khách quan tự thân không nhắm đến sự chu toàn chủ quan của một hiệp nhất tình yêu toàn vẹn, và tất cả mọi hôn nhân nào đi ngược lại kế hoạch hôn nhân của Thiên Chúa thì sẽ đều thất bại. Hôn nhân tự thân không hiện hữu như một thử thách cho đôi phối ngẫu, hoặc như một môi trường để khước từ, mà để nối kết hai hữu thể trong tình yêu vô biên vào trong một kết hợp toàn vẹn, và nhờ đó, một cách cao thượng nhất, phản ảnh sự kết hợp giữa Chúa Giêsu và linh hồn.
(Hết phần một, còn tiếp)