Hành trình Văn Lang III
Ngày thứ Năm,
Chân lý
Ngày thứ năm đã tới với nắng ban mai đang dần dần xuất hiện trên bầu trời bao la.
Bạn thân,
- Làm sao bạn biết là bạn đang hiện diện trên trái đất? Làm sao bạn biết đó là sự thật, đây là chân lý?
Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn trong những câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà người ta có thể nghĩ tới.
- Nếu tôi không có mặt trên cõi đời ô trọc này thì làm sao tôi có thể đọc được câu hỏi ngớ ngẩn của người xuất gia?
Nếu bạn nói như vậy, bạn cũng đang có những ý nghĩ tương tự như một nhà triết học Tây Phương đó. Bạn có nhớ ai đã sáng chế ra trục tọa độ (x, y) với trục tung, x, và trục hoành, y, hay không? Cái trục mà bạn đã từng phải toát mồ hôi ngồi gò gẫm từng đường đồ thị cho bài toán đại số đầy dẫy những ẩn số (x) và (y) đó.
Thế nào? Sao rồi? Bạn đã thấy được tia sáng nơi cuối đường hầm chưa?
- Descartes???
- Đúng rồi. Tên ông ta là Descartes.
Descartes nói, Cogito, ergo sum. Dịch sang tiếng An Nam, câu này có nghĩa là: Tôi đang suy nghĩ, nên tôi biết tôi là thực thể (đang sống). Hơi dài dòng một chút nhưng phải dài dòng như vậy thì mới có thể nói ra hết ý nghĩa của câu nói vớ vẩn nhưng lại không hề vớ vẩn này. Ông tổ vớ vẩn Descartes vào một ngày đẹp trời, quyết định lên đường đi tìm chân lý. Nhà hiền triết nhớ rằng đã rất nhiều lần trong cõi đời ô trọc của riêng mình, ông mặc quần áo ngủ, ngồi trước lò sưởi cháy bập bùng ấm áp trong đêm đông băng giá tìm kiếm chân lý. Nhưng cũng đã rất nhiều lần, ông lại mơ thấy mình cũng lại đang mặc quần áo ngủ, cũng lại đang ngồi trước lò sưởi, cũng lại nghĩ ngợi về sự thật và về chân lý trong giấc mơ. Trang Tử của Đông Phương cũng đã hơn một lần ngủ và mơ thấy mình hóa bướm. Tỉnh giấc kê vàng, Trang Tử không biết mình mơ hóa thành bướm, hay bướm mơ mình hóa ra Trang Tử? Mơ mà không phải là mơ, không mơ mà lại là mơ. Tương tự như Trang Tử, Descartes thắc mắc, một cái thắc mắc rất ư là lẩm cẩm,
- Làm sao mà có thể tin tưởng được rằng mình không nằm ngủ mơ về sự xuất hiện của chính mình đây? Lỡ may ta đang hái trái cấm trong mơ? Lỡ may đôi tay hái trái cấm cũng không phải là của mình? Lỡ may…
Cả trăm ngàn cái lỡ may mà Descartes có thể hình dung ra được. Cuối cùng ngài mới chợt nhớ ra rằng dù cuộc đời vẫn chỉ là cơn mơ dài, “hai cộng với ba vẫn là năm, và hình vuông thì cho tới muôn đời vẫn chỉ có bốn cạnh”. Dù rằng có làm toán trong mơ, hoặc mơ biến thành con gì đi nữa, những định luật về toán học vẫn là những điều muôn muôn đời đúng. Amen.
Rất lấy làm hả hê với chân lý vừa khám phá ra-dù mình có đang ngủ hay đang ngồi thức nghĩ vớ vẩn, những định luật toán học là những chân lý muôn đời đúng-ông Descartes leo lên giường đi ngủ tiếp. Vậy là xong! Thế là tuyệt vời. Mình đã kiếm ra chân lý.
Ngay trong đêm đó, Descartes ngủ mơ thấy ông trời Ác (a certain evil spirit). Ông trời Ác đứng ở trên chín tầng trời cao cười ha hả vào mặt Descartes. Ông hét lên,
- Thằng lẩm cẩm kia, mày tưởng nghĩ được như vậy là mày ngon lắm rồi hả? Đừng có vội mà mừng! Tại sao mày không nghĩ rằng tao đang lừa dối mày đấy. Từ những ngày đầu tiên của trái đất, tao đã bóp méo sự thật. Cho nên, tới muôn muôn đời những thằng làm người như mày cũng sẽ không bao giờ có thể nghĩ ra được một sự thật, đó là sự thật đã bị bóp mép từ những ngày đầu tiên của cuộc sống này rồi.
Trong cơn mơ, Descartes run run như thần tử thấy long nhan. Ông hỏi, giọng nhỏ nhẹ,
- Thưa ông trời Ác, con không thỉnh được những cao kiến của ngài?
- Giời ạ! Mày là thằng thông minh mà tại sao lại có thể thắc mắc với những câu hỏi rất là cả đẫn như thế kia! Tại sao mày lại không nghĩ rằng tao đang lừa dối chúng mày bằng cách tạo ra những “chân lý sai” từ những ngày đầu tiên của trái đất. Hai cộng ba không phải là năm đâu. Hình vuông không là chỉ có bốn cạnh. Sai, hoàn toàn sai. Sai bét!!!
Đương nhiên là Descartes xanh máu mặt sau câu tuyên bố trắng trợn của ông trời Ác. Căm phẩn dâng cao trong lòng, Descartes lẩm bẩm trong miệng,
- Thôi rồi, nếu có một sự thật trắng trợn thế này thì bao nhiêu công trình đã được xây dựng từ trước tới nay của con người có mà đi đoong. Điệu này chỉ còn có nước là rủ nhau về ăn hambuger chấm với mắm tôm mà thôi. Đúng là bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay.
- Nhưng mà… Khoan.
Khoan hời hò khoan! Ơi khoan, khoan hời hò khoan. Cái khoan này đã đưa Descartes vào một trong những cái chiếu nhất của làng Triết học Tây Phương. Thế là từ đây mỗi khi bàn tới chân lý, về mối liên hệ giữa thân xác hèn mọn và tư tưởng trong suốt của con người, tên của Descartes sẽ không bao giờ được cố tình quên lãng hoặc loại bỏ,
- Khoan.
Ông trời Ác đứng trên mây hét lên sau tiếng hét “Khoan” của Descartes,
- Khoan cái chi chi?
- Ông có ngon thì cứ tiếp tục trò chơi lường gạt của ông đi. Nhưng nói cho ông biết, nếu tôi không thật sự có mặt trên trái đất này, làm sao ông có thể lừa gạt được tôi? Phải có cái chuyện đúng trăm phần trăm rằng tôi đang sống, và tôi đang thở, ông mới lừa gạt được tôi, đúng không?
- Cũng đúng. Rồi thì sao?
- Cho nên bất cứ khi nào tôi nghi ngờ về sự xuất hiện của kiếp người ba vạn chín ngàn ngày, tôi phải đang sống để nghi ngờ kiếp sống của chính mình. Tôi có thể nghi ngờ tất cả những sự thật mà người ta vẫn cho là chân lý, nhưng tôi không thể nào nghi ngờ rằng tôi đang nghi ngờ. Cho nên thưa ông trời Ác, Cogito, ergo sum; I think therefore I am; Tôi đang suy nghĩ cho nên tôi biết tôi đang sống. Và điều này, Cogito, ergo sum, là chân lý.
Ông Hegel, trưởng môn của những người mắc bệnh tâm thần thì khác. Ông Hegel không nghĩ như ông Descartes, Cogito, ergo sum. Ông tổ dẫn đầu tới tư tưởng vô thần của Nietzsche và Karl Mark thì đoan quyết rằng, “Để mà biết rằng bạn (a self-consciousness) đang vui sống trên cõi đời bon chen và đầy dẫy những ô chọc này, bạn cần một người khác (another self-consciousness) nói cho bạn biết là bạn đang sống”. Một mình bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể khẳng định được là bạn đang thở, bạn đang trở nên già úa và bạn sẽ ngủm củ tỏi y như bất cứ sinh vật nào đó trên trái đất này. Người này sẽ tiến tới xác nhận với bạn bằng cách thỏ thẻ nho nhỏ vào tai bạn,
- Oh! Honey! You are a wonderful Vietnamese.
Bạn thấy chưa, người tình của bạn đang nói rằng,
- Cưng ơi! Nghĩ ngợi làm chi cho nó già người. Em làm chứng cho cưng rằng cưng đang xuất hiện trên trái đất này đó, You are. Cưng là người Văn Lang, a Vietnamese. Và cưng tuyệt vời, wonderful. Cưng ơi! Cưng Văn Lang, tóc đen, mắt nâu; điều này là chân lý.
“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Năm” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).
Ngày thứ Sáu,
Đức Kitô và Văn Lang
Áp dụng những dòng tư tưởng của Hegel vào lối sống hiện tại của chàng, người xuất gia đã không có những người thân, thân đến nỗi họ dám ngả nghiêng hơn một nửa thân xác óng ả của chính mình vào người chàng, hoặc rót vào tai chàng những lời nói ngọt ngào để xác định rằng người xuất gia đang xuất hiện trên trái đất, chứ không phải trái đất này đã mơ hóa ra người xuất gia, như Trang Tử đã từng mơ bướm hóa ra Trang Tử. Nhưng cũng không sao, bởi vì chàng đã có Descartes. Descartes đã từng nói, “Cogito, ergo sum; Tôi đang suy tư cho nên tôi biết tôi đang sống”. Qua những suy niệm về thân phận con người, con người Việt Nam, Nam Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Bắc Mỹ, và của thế giới đại đồng, người xuất gia hiểu là chàng đang hiện diện trên cõi đời này. Chàng không biết tại sao mình đã đến với cuộc đời này. Chàng nghĩ chắc cũng chẳng ai biết. Họa may chỉ có Thiên Chúa hoặc Ông Trời, Đấng đã tạo dựng nên trời đất và con người mới có câu trả lời. Nhưng nếu lỡ may cả cái khối vũ trụ bao la này chỉ là tình cờ, câu thắc mắc về thân phận con người sẽ không bao giờ được giải đáp. Từng ngày rồi lại từng đêm, đã có bao nhiêu người vào đời. Từng phút rồi lại từng giây, đã có bao nhiêu người ra đời. Những người được sinh ra, họ từ đâu tới? Những người bỏ ra đi, họ sẽ đi về đâu? Không ai biết, ngoại trừ niềm tin tôn giáo. Cuộc sống vẫn lăn tới về phía trước.
Là người, người xuất gia biết mình sẽ tiếp tục đi tới với nửa phần của tâm hồn mà thôi. Nửa phần còn lại, phần trống vắng, chàng phải lao vào cuộc đời tìm kiếm nó. Đã từ lâu, chàng vẫn miệt mài với “cuộc chơi”, người xuất gia không bỏ cuộc chơi như phần lớn mọi người đã từng làm.
Là người xuất gia, chàng lao mình vào cuộc đời tìm kiếm một-cái-chi-đó trường tồn, vĩnh cửu, không phải tạm thời, chẳng phải phù du để lấp vào nửa phần trống vắng còn lại của riêng mình.
Nhưng ai sẽ là người lấp đầy nửa phần trống vắng của riêng mình?
Cách đây hơn hai gần hai ngàn năm, có người đã đến trong cuộc đời. Người này không lên án đồng loại bị anh chị em của họ lên án ném đá, giơ tay chối từ. Người này trở thành bạn bè thân thiết của bị bỏ rơi bên lề xã hội. Người này không chấp nhận bản án dành riêng cho người thiếu phụ lỡ lầm, bản án ném đá cho tới chết (Gioan 8:3-11). Xót thương cho kiếp người yếu đuối, người này ngẩng đầu lên, ngọt ngào nói,
- Hãy về đi về đừng phạm tội nữa.
Người xuất gia yêu biết bao câu nói lạ lùng này. Chàng nghĩ câu trả lời bất ngờ, tuyệt đẹp, và lạ lùng cho người thiếu phụ và người độc giả.
Một ngày kia thanh niên ba mươi ba tuổi được mời tham dự tiệc tại nhà ông Rabbi tên Simon. Trong khi mọi người đang ngà ngà với tiệc rượu, một cô gái vô danh tiến vào căn phòng tiệc. Cô gái vừa khóc vừa lấy làn tóc dài óng ả rửa chân cho người thanh niên bằng những giọt nước mắt của mình (Luca 7:36-50). Những giọt nước mắt thống hối hay là những giọt nước mắt hân hoan? Không ai biết. Nhưng có lẽ đó là những giọt nước mắt vui mừng của cõi lòng ngập tràn hân hoan. Làm sao không hân hoan và vui mừng cho được khi cả hai, người thiếu phụ ngoại tình và người con gái vô danh, đã bất chợt khám phá ra rằng có một người thật xa lạ mà vẫn có thể thấu hiểu và thông cảm cho những mảnh đời đầy dẫy yếu đuối của kiếp người lầm than! Không khóc làm sao được khi mình bỗng dưng khám phá ra rằng những lầm lỗi của mình đã được quên đi và xóa nhòa! Không khóc làm sao được khi cả hai người phụ nữ bỗng bàng hoàng khám phá ra cả một cõi lòng trống trải và lạnh lẽo của riêng mình đã không còn trống trải và lạnh lẽo nữa! Dù có hay không một Đấng Tạo Hóa, dù có hay không một đấng thần linh cao cả ở một nơi nào đó trên bầu trời để cho những người đàn bà này để tâm tới, trong suối quãng đời còn lại, cả hai đều đã hiểu rằng đã có một người, một người có khả năng lấp tràn đầy mãi mãi nửa phần trống vắng còn lại của họ. Nếu người này có thể lấp được những khoảng trống tâm hồn, thì tại sao người ta lại không dám mạnh dạn tuyên xưng, “Ngài là Thượng Đế” như ông Tôma đã từng tuyên xưng (Gioan 20:28).
Sáng sớm bước chân ra khỏi quán café,
Lòng bồi hồi xao xuyến.
Bởi hương vị café
Hay bởi những tia nắng sớm?
Bây giờ đang là một buổi sáng thứ Sáu, người xuất gia đang bước chân ra khỏi trung tâm cấm phòng Presentation Center tọa lạc xa xôi trong rặng núi Santa Cruz hoang vắng bóng người. Những tia nắng bình minh một ngày mới lại đang bao phủ, cuộn tròn, và phủ trùm lên người xuất gia. Thêm một lần nữa, những xôn xao và nhiệt huyết lại chợt nổi dậy dạt dào trong lòng. Chàng lan man nghĩ ngợi tới những buổi sáng xa xưa khi mình đang ngồi mong đợi những tia nắng sáng sớm của một buổi bình minh trong cô đơn, tuyệt vọng, và đói khát. Như một người bạn đời lâu năm thân thiết, những tia nắng lung linh nhảy múa không thuộc về quyền sở hữu của bất cứ một ai vẫn đều đặn, ghé ngang, ân cần thăm hỏi người tù nhân mười bẩy tuổi xanh xao, gầy còm trong căn xà lim nhỏ bé, chật hẹp. Chàng nhớ tới những khuôn mặt nhân gian đã từng gặp gỡ. Chàng mường tượng trong đầu hàng xe cộ ngược xuôi bên dưới chân những tòa cao ốc vươn cao tới trời xanh của Thung Lũng Hoa Vàng. Chàng nhớ tới dòng người ồn ào di chuyển lên xuống tấp nập trên những nẻo đường của Trung Tâm Điện Tử Silicon. Chàng nhớ tới ngôi trường cổ kính, nơi người xuất gia đang cư ngụ cho một giấc mơ. Chàng thả tư tưởng về viễn ảnh tương lai tươi đẹp của quê hương. Chàng ngước lên nhìn những tia nắng đang chiếu xiên xiên ngang qua mặt. Và bỗng dưng chàng nhớ tới khuôn mặt xinh xắn rám nắng của cô chủ quán café tóc đen, mắt nâu của Củ Chi ngày nào. Chàng nghĩ tới những tia sáng lốm đốm đọng lại trên khuôn mặt cô ta và tia mắt lạ lùng chiếu thẳng về hướng nơi chàng ngồi uống café vào một buổi sáng trên quê hương Việt Nam. Và một lần nữa, người xuất gia thả trôi xa về buổi sáng Việt Nam, buổi sáng mà mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ,
Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; chúng mình vẫn là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương●
www.nguyentrungtay.com
Hành trình Văn Lang, Nguyễn Trung Tây |
Ngày thứ Năm,
Chân lý
Ngày thứ năm đã tới với nắng ban mai đang dần dần xuất hiện trên bầu trời bao la.
Bạn thân,
- Làm sao bạn biết là bạn đang hiện diện trên trái đất? Làm sao bạn biết đó là sự thật, đây là chân lý?
Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn trong những câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà người ta có thể nghĩ tới.
- Nếu tôi không có mặt trên cõi đời ô trọc này thì làm sao tôi có thể đọc được câu hỏi ngớ ngẩn của người xuất gia?
Nếu bạn nói như vậy, bạn cũng đang có những ý nghĩ tương tự như một nhà triết học Tây Phương đó. Bạn có nhớ ai đã sáng chế ra trục tọa độ (x, y) với trục tung, x, và trục hoành, y, hay không? Cái trục mà bạn đã từng phải toát mồ hôi ngồi gò gẫm từng đường đồ thị cho bài toán đại số đầy dẫy những ẩn số (x) và (y) đó.
Thế nào? Sao rồi? Bạn đã thấy được tia sáng nơi cuối đường hầm chưa?
- Descartes???
- Đúng rồi. Tên ông ta là Descartes.
Descartes nói, Cogito, ergo sum. Dịch sang tiếng An Nam, câu này có nghĩa là: Tôi đang suy nghĩ, nên tôi biết tôi là thực thể (đang sống). Hơi dài dòng một chút nhưng phải dài dòng như vậy thì mới có thể nói ra hết ý nghĩa của câu nói vớ vẩn nhưng lại không hề vớ vẩn này. Ông tổ vớ vẩn Descartes vào một ngày đẹp trời, quyết định lên đường đi tìm chân lý. Nhà hiền triết nhớ rằng đã rất nhiều lần trong cõi đời ô trọc của riêng mình, ông mặc quần áo ngủ, ngồi trước lò sưởi cháy bập bùng ấm áp trong đêm đông băng giá tìm kiếm chân lý. Nhưng cũng đã rất nhiều lần, ông lại mơ thấy mình cũng lại đang mặc quần áo ngủ, cũng lại đang ngồi trước lò sưởi, cũng lại nghĩ ngợi về sự thật và về chân lý trong giấc mơ. Trang Tử của Đông Phương cũng đã hơn một lần ngủ và mơ thấy mình hóa bướm. Tỉnh giấc kê vàng, Trang Tử không biết mình mơ hóa thành bướm, hay bướm mơ mình hóa ra Trang Tử? Mơ mà không phải là mơ, không mơ mà lại là mơ. Tương tự như Trang Tử, Descartes thắc mắc, một cái thắc mắc rất ư là lẩm cẩm,
- Làm sao mà có thể tin tưởng được rằng mình không nằm ngủ mơ về sự xuất hiện của chính mình đây? Lỡ may ta đang hái trái cấm trong mơ? Lỡ may đôi tay hái trái cấm cũng không phải là của mình? Lỡ may…
Cả trăm ngàn cái lỡ may mà Descartes có thể hình dung ra được. Cuối cùng ngài mới chợt nhớ ra rằng dù cuộc đời vẫn chỉ là cơn mơ dài, “hai cộng với ba vẫn là năm, và hình vuông thì cho tới muôn đời vẫn chỉ có bốn cạnh”. Dù rằng có làm toán trong mơ, hoặc mơ biến thành con gì đi nữa, những định luật về toán học vẫn là những điều muôn muôn đời đúng. Amen.
Rất lấy làm hả hê với chân lý vừa khám phá ra-dù mình có đang ngủ hay đang ngồi thức nghĩ vớ vẩn, những định luật toán học là những chân lý muôn đời đúng-ông Descartes leo lên giường đi ngủ tiếp. Vậy là xong! Thế là tuyệt vời. Mình đã kiếm ra chân lý.
Ngay trong đêm đó, Descartes ngủ mơ thấy ông trời Ác (a certain evil spirit). Ông trời Ác đứng ở trên chín tầng trời cao cười ha hả vào mặt Descartes. Ông hét lên,
- Thằng lẩm cẩm kia, mày tưởng nghĩ được như vậy là mày ngon lắm rồi hả? Đừng có vội mà mừng! Tại sao mày không nghĩ rằng tao đang lừa dối mày đấy. Từ những ngày đầu tiên của trái đất, tao đã bóp méo sự thật. Cho nên, tới muôn muôn đời những thằng làm người như mày cũng sẽ không bao giờ có thể nghĩ ra được một sự thật, đó là sự thật đã bị bóp mép từ những ngày đầu tiên của cuộc sống này rồi.
Trong cơn mơ, Descartes run run như thần tử thấy long nhan. Ông hỏi, giọng nhỏ nhẹ,
- Thưa ông trời Ác, con không thỉnh được những cao kiến của ngài?
- Giời ạ! Mày là thằng thông minh mà tại sao lại có thể thắc mắc với những câu hỏi rất là cả đẫn như thế kia! Tại sao mày lại không nghĩ rằng tao đang lừa dối chúng mày bằng cách tạo ra những “chân lý sai” từ những ngày đầu tiên của trái đất. Hai cộng ba không phải là năm đâu. Hình vuông không là chỉ có bốn cạnh. Sai, hoàn toàn sai. Sai bét!!!
Đương nhiên là Descartes xanh máu mặt sau câu tuyên bố trắng trợn của ông trời Ác. Căm phẩn dâng cao trong lòng, Descartes lẩm bẩm trong miệng,
- Thôi rồi, nếu có một sự thật trắng trợn thế này thì bao nhiêu công trình đã được xây dựng từ trước tới nay của con người có mà đi đoong. Điệu này chỉ còn có nước là rủ nhau về ăn hambuger chấm với mắm tôm mà thôi. Đúng là bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay.
- Nhưng mà… Khoan.
Khoan hời hò khoan! Ơi khoan, khoan hời hò khoan. Cái khoan này đã đưa Descartes vào một trong những cái chiếu nhất của làng Triết học Tây Phương. Thế là từ đây mỗi khi bàn tới chân lý, về mối liên hệ giữa thân xác hèn mọn và tư tưởng trong suốt của con người, tên của Descartes sẽ không bao giờ được cố tình quên lãng hoặc loại bỏ,
- Khoan.
Ông trời Ác đứng trên mây hét lên sau tiếng hét “Khoan” của Descartes,
- Khoan cái chi chi?
- Ông có ngon thì cứ tiếp tục trò chơi lường gạt của ông đi. Nhưng nói cho ông biết, nếu tôi không thật sự có mặt trên trái đất này, làm sao ông có thể lừa gạt được tôi? Phải có cái chuyện đúng trăm phần trăm rằng tôi đang sống, và tôi đang thở, ông mới lừa gạt được tôi, đúng không?
- Cũng đúng. Rồi thì sao?
- Cho nên bất cứ khi nào tôi nghi ngờ về sự xuất hiện của kiếp người ba vạn chín ngàn ngày, tôi phải đang sống để nghi ngờ kiếp sống của chính mình. Tôi có thể nghi ngờ tất cả những sự thật mà người ta vẫn cho là chân lý, nhưng tôi không thể nào nghi ngờ rằng tôi đang nghi ngờ. Cho nên thưa ông trời Ác, Cogito, ergo sum; I think therefore I am; Tôi đang suy nghĩ cho nên tôi biết tôi đang sống. Và điều này, Cogito, ergo sum, là chân lý.
Ông Hegel, trưởng môn của những người mắc bệnh tâm thần thì khác. Ông Hegel không nghĩ như ông Descartes, Cogito, ergo sum. Ông tổ dẫn đầu tới tư tưởng vô thần của Nietzsche và Karl Mark thì đoan quyết rằng, “Để mà biết rằng bạn (a self-consciousness) đang vui sống trên cõi đời bon chen và đầy dẫy những ô chọc này, bạn cần một người khác (another self-consciousness) nói cho bạn biết là bạn đang sống”. Một mình bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể khẳng định được là bạn đang thở, bạn đang trở nên già úa và bạn sẽ ngủm củ tỏi y như bất cứ sinh vật nào đó trên trái đất này. Người này sẽ tiến tới xác nhận với bạn bằng cách thỏ thẻ nho nhỏ vào tai bạn,
- Oh! Honey! You are a wonderful Vietnamese.
Bạn thấy chưa, người tình của bạn đang nói rằng,
- Cưng ơi! Nghĩ ngợi làm chi cho nó già người. Em làm chứng cho cưng rằng cưng đang xuất hiện trên trái đất này đó, You are. Cưng là người Văn Lang, a Vietnamese. Và cưng tuyệt vời, wonderful. Cưng ơi! Cưng Văn Lang, tóc đen, mắt nâu; điều này là chân lý.
“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Năm” (Sáng Thế Ký 1-2:4a).
Ngày thứ Sáu,
Đức Kitô và Văn Lang
Áp dụng những dòng tư tưởng của Hegel vào lối sống hiện tại của chàng, người xuất gia đã không có những người thân, thân đến nỗi họ dám ngả nghiêng hơn một nửa thân xác óng ả của chính mình vào người chàng, hoặc rót vào tai chàng những lời nói ngọt ngào để xác định rằng người xuất gia đang xuất hiện trên trái đất, chứ không phải trái đất này đã mơ hóa ra người xuất gia, như Trang Tử đã từng mơ bướm hóa ra Trang Tử. Nhưng cũng không sao, bởi vì chàng đã có Descartes. Descartes đã từng nói, “Cogito, ergo sum; Tôi đang suy tư cho nên tôi biết tôi đang sống”. Qua những suy niệm về thân phận con người, con người Việt Nam, Nam Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Bắc Mỹ, và của thế giới đại đồng, người xuất gia hiểu là chàng đang hiện diện trên cõi đời này. Chàng không biết tại sao mình đã đến với cuộc đời này. Chàng nghĩ chắc cũng chẳng ai biết. Họa may chỉ có Thiên Chúa hoặc Ông Trời, Đấng đã tạo dựng nên trời đất và con người mới có câu trả lời. Nhưng nếu lỡ may cả cái khối vũ trụ bao la này chỉ là tình cờ, câu thắc mắc về thân phận con người sẽ không bao giờ được giải đáp. Từng ngày rồi lại từng đêm, đã có bao nhiêu người vào đời. Từng phút rồi lại từng giây, đã có bao nhiêu người ra đời. Những người được sinh ra, họ từ đâu tới? Những người bỏ ra đi, họ sẽ đi về đâu? Không ai biết, ngoại trừ niềm tin tôn giáo. Cuộc sống vẫn lăn tới về phía trước.
Là người, người xuất gia biết mình sẽ tiếp tục đi tới với nửa phần của tâm hồn mà thôi. Nửa phần còn lại, phần trống vắng, chàng phải lao vào cuộc đời tìm kiếm nó. Đã từ lâu, chàng vẫn miệt mài với “cuộc chơi”, người xuất gia không bỏ cuộc chơi như phần lớn mọi người đã từng làm.
Là người xuất gia, chàng lao mình vào cuộc đời tìm kiếm một-cái-chi-đó trường tồn, vĩnh cửu, không phải tạm thời, chẳng phải phù du để lấp vào nửa phần trống vắng còn lại của riêng mình.
Nhưng ai sẽ là người lấp đầy nửa phần trống vắng của riêng mình?
Cách đây hơn hai gần hai ngàn năm, có người đã đến trong cuộc đời. Người này không lên án đồng loại bị anh chị em của họ lên án ném đá, giơ tay chối từ. Người này trở thành bạn bè thân thiết của bị bỏ rơi bên lề xã hội. Người này không chấp nhận bản án dành riêng cho người thiếu phụ lỡ lầm, bản án ném đá cho tới chết (Gioan 8:3-11). Xót thương cho kiếp người yếu đuối, người này ngẩng đầu lên, ngọt ngào nói,
- Hãy về đi về đừng phạm tội nữa.
Người xuất gia yêu biết bao câu nói lạ lùng này. Chàng nghĩ câu trả lời bất ngờ, tuyệt đẹp, và lạ lùng cho người thiếu phụ và người độc giả.
Một ngày kia thanh niên ba mươi ba tuổi được mời tham dự tiệc tại nhà ông Rabbi tên Simon. Trong khi mọi người đang ngà ngà với tiệc rượu, một cô gái vô danh tiến vào căn phòng tiệc. Cô gái vừa khóc vừa lấy làn tóc dài óng ả rửa chân cho người thanh niên bằng những giọt nước mắt của mình (Luca 7:36-50). Những giọt nước mắt thống hối hay là những giọt nước mắt hân hoan? Không ai biết. Nhưng có lẽ đó là những giọt nước mắt vui mừng của cõi lòng ngập tràn hân hoan. Làm sao không hân hoan và vui mừng cho được khi cả hai, người thiếu phụ ngoại tình và người con gái vô danh, đã bất chợt khám phá ra rằng có một người thật xa lạ mà vẫn có thể thấu hiểu và thông cảm cho những mảnh đời đầy dẫy yếu đuối của kiếp người lầm than! Không khóc làm sao được khi mình bỗng dưng khám phá ra rằng những lầm lỗi của mình đã được quên đi và xóa nhòa! Không khóc làm sao được khi cả hai người phụ nữ bỗng bàng hoàng khám phá ra cả một cõi lòng trống trải và lạnh lẽo của riêng mình đã không còn trống trải và lạnh lẽo nữa! Dù có hay không một Đấng Tạo Hóa, dù có hay không một đấng thần linh cao cả ở một nơi nào đó trên bầu trời để cho những người đàn bà này để tâm tới, trong suối quãng đời còn lại, cả hai đều đã hiểu rằng đã có một người, một người có khả năng lấp tràn đầy mãi mãi nửa phần trống vắng còn lại của họ. Nếu người này có thể lấp được những khoảng trống tâm hồn, thì tại sao người ta lại không dám mạnh dạn tuyên xưng, “Ngài là Thượng Đế” như ông Tôma đã từng tuyên xưng (Gioan 20:28).
Sáng sớm bước chân ra khỏi quán café,
Lòng bồi hồi xao xuyến.
Bởi hương vị café
Hay bởi những tia nắng sớm?
Bây giờ đang là một buổi sáng thứ Sáu, người xuất gia đang bước chân ra khỏi trung tâm cấm phòng Presentation Center tọa lạc xa xôi trong rặng núi Santa Cruz hoang vắng bóng người. Những tia nắng bình minh một ngày mới lại đang bao phủ, cuộn tròn, và phủ trùm lên người xuất gia. Thêm một lần nữa, những xôn xao và nhiệt huyết lại chợt nổi dậy dạt dào trong lòng. Chàng lan man nghĩ ngợi tới những buổi sáng xa xưa khi mình đang ngồi mong đợi những tia nắng sáng sớm của một buổi bình minh trong cô đơn, tuyệt vọng, và đói khát. Như một người bạn đời lâu năm thân thiết, những tia nắng lung linh nhảy múa không thuộc về quyền sở hữu của bất cứ một ai vẫn đều đặn, ghé ngang, ân cần thăm hỏi người tù nhân mười bẩy tuổi xanh xao, gầy còm trong căn xà lim nhỏ bé, chật hẹp. Chàng nhớ tới những khuôn mặt nhân gian đã từng gặp gỡ. Chàng mường tượng trong đầu hàng xe cộ ngược xuôi bên dưới chân những tòa cao ốc vươn cao tới trời xanh của Thung Lũng Hoa Vàng. Chàng nhớ tới dòng người ồn ào di chuyển lên xuống tấp nập trên những nẻo đường của Trung Tâm Điện Tử Silicon. Chàng nhớ tới ngôi trường cổ kính, nơi người xuất gia đang cư ngụ cho một giấc mơ. Chàng thả tư tưởng về viễn ảnh tương lai tươi đẹp của quê hương. Chàng ngước lên nhìn những tia nắng đang chiếu xiên xiên ngang qua mặt. Và bỗng dưng chàng nhớ tới khuôn mặt xinh xắn rám nắng của cô chủ quán café tóc đen, mắt nâu của Củ Chi ngày nào. Chàng nghĩ tới những tia sáng lốm đốm đọng lại trên khuôn mặt cô ta và tia mắt lạ lùng chiếu thẳng về hướng nơi chàng ngồi uống café vào một buổi sáng trên quê hương Việt Nam. Và một lần nữa, người xuất gia thả trôi xa về buổi sáng Việt Nam, buổi sáng mà mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ,
Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; chúng mình vẫn là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương●
www.nguyentrungtay.com