Chúa Nhật 32 Thường Niên
Mt 25,1-13


Sống trung tín và tỉnh thức


Thưa Quí vị,

Vào thời tiết này, nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ, nhất là ờ miền Nam ấm áp, cây cối vẫn còn rực sáng trong nắng cuối thu. Trời đất quả là một bức tranh tuyệt đẹp. Lá vàng nhuộm màu sặc sỡ khắp đó đây. Nhiều thi nhân, hoạ sĩ gọi là mùa pháo bông của thiên nhiên. Tiết đông chưa tới, gió lạnh nghiệt ngã chưa thổi luồn qua các khóm lá vàng trên cành khô. Ánh sáng mặt trời óng ả đọng từng mảng trên triền núi, mái nhà, ngọn cây cao làm tăng thêm vẻ rực rỡ cho các phiến lá đầy màu sắc cuối thu. Những tia sáng nhạt xuyên qua kẽ lá làm bầu khí ban chiều thật yên tĩnh. Mọi người đều khao khát những khoảnh khắc nhàn rỗi để đi dạo chơi trong quang cảnh quyến rũ của vạn vật vào những buổi chiều tàn cuối năm. Nhưng có điều chi không ổn trong tâm trí tôi : Cảnh trí rực rỡ kia lại như báo trước cái chết có sẵn trong thiên nhiên.

Những tấm lá vàng cực kỳ đẹp đẽ kia lại đang nói rằng chúng sắp qua đời, đang tàn tạ dần. Những chiếc lá vàng cho biết rằng chúng đang run rẩy chết trên các cành cây, chẳng mấy chốc nữa sẽ quay cuồng trong gió lạnh rồi rơi xuống mặt đất khô, người ta sẽ gom chúng lại, chở đi đổ ở mãi tận đâu xa. Chấm hết một đời lá. Chắc chắn mùa đông sẽ tới, năm tận tháng cùng. Những người trọng tuổi, các thân hình đau yếu, bệnh hoạn rất sợ mùa lạnh lẽo, gía rét này. Bởi nó có nghĩa là họ sẽ bị giam hãm dài ngày trong những căn phòng chật hẹp, tù túng bốn bề, từng giây từng phút ngóng đợi đến khi tuyết tan, nước chảy, cho đến ngày lại được chống gậy đi đây đi đó cho khuây khoả tấm lòng, lại được thấy cây xanh nẩy lộc, chim hót líu lo.

Thật kỳ diệu, phụng vụ của Hội Thánh luôn đi song song với cảnh sắc thiên nhiên. Nó cũng đang kết thúc một chu kỳ, chù kỳ năm A. Chúng ta đang ở trong ba tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, trước khi bước vào mùa vọng năm tới, năm B. Suy tư và lời kinh nguyện của chúng ta cũng đang hướng về ngày cánh chung, kết thúc thời gian trần thế. Mọi chỉ dẫn của phụng vụ đều nhắc nhớ các tín hữu phải ngẫm nghĩ, không những về sự chết riêng của mình, mà còn về kết thúc tất cả các kinh nghiệm mà chúng ta phải trải qua trong cuộc đời. Những thành công và thất bại, những ân huệ và tội lỗi, những trung tín và phản bội. Các bài đọc Thánh kinh cũng hằng khuyến khích cộng đồng suy niệm về những thực tại chắc chắn và bền vững của kiếp sống con người, những phù vân mau qua của thế gian mà không đáng tín hữu đầu tư thời gian, sức lực hoặc tiền tài, những điểm hội tụ chính đáng của cuộc sống mỗi người, cũng như những điều phải gạt bỏ đi, những chi nâng đỡ và cứu giúp chúng ta qua khó khăn khủng hoảng trong cuộc sống.

Tác giả sách Khôn ngoan bộc lộ sự hiện diện của một nhân tố tối cần thiết cho các linh hồn để vượt qua biển đời trần thế là Khôn Ngoan. Sách này được soạn bằng ngôn ngữ Hy Lạp ở thành phố Alexandria, nước Ai Cập vào khoảng giữa các năm 100 và 50 trước Chúa Cứu Thế. Bà chúa Khôn Ngoan "sáng chói và không hề tàn tạ" là tâm điểm của sách. Bà sánh đôi với khao học, triết học, thần học và các môn khác của khôn ngoan nhân loại. Bà không thể thiếu trong tư duy và hành động của một con người khôn khéo. Bà dạy dỗ những việc lành phải làm, việc ác phải tránh, để được hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại và sự sống mai hậu. Bà được nhân cánh hoá để thi hành ý muốn của Thượng Đế nơi trần gian. Hội Thánh có thói quen đồng hoá Bà chúa Khôn Ngoan với Đức Giêsu Kitô, khuyên dạy chúng ta lấy Bà làm tiêu chuẩn để lọc lựa những phù vân thế tục, giữ vững những điều chi "sáng chói và không hề tàn tạ"của cuộc sống trên thế gian này, khi những xoắn vặn mùa đông, những gian nan thử thách, những tin tức không vui ập đến, bà chúa khôn ngoan sẽ là điểm tựa để chúng ta chống đỡ, kêu cầu. Bà là ngọn hải đăng "sáng chói không hề tàn tạ" hướng dẫn mọi cuộc đời vượt biển trần gian trong tối tăm.

Như vậy chúng ta có thể đáp trả bài đọc 1 trong thánh lễ hôm nay bằng cách mời mọc Bà đến cư ngụ trong linh hồn mình. Bí tích thánh thể sẽ khích lệ chúng ta canh thức và ngóng trông Bà, vì Bà luôn luôn gặp gỡ linh hồn với mọi nỗi "lắng lo". Tác giả bài đọc còn gợi ý rằng tất cả những ai cất công tìm kiếm ngôn khoan sẽ được gặp Bà: "Ai kiếm tìm Đức khôn ngoan thì Đức khôn ngoan cho gặp, ai khao khát Đức ngôn ngoan thì đức khôn ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết." Điều kiện duy nhất là có một trái tim trong sạch, thành thật kiếm tìm. Sách các Vua quyển thứ I còn cho hay khôn ngoan là ân huệ Chúa ban và cung cấp cho người tìm kiếm " một trái tim hiểu biết để phán đoán và phân biệt phải trái " (1V 3,9). Mọi sự trên trần gian sẽ qua đi, nhưng Bà chúa khôn ngoan sẽ dẫn chúng ta đến với những chi vững bền, bởi bà giống như Thượng Đế toàn năng và bất biến (Kn 7,22-27). Hơn nữa, ngay cả khi chúng ta chỉ khởi sự tìm kiếm thì Đức khôn ngoan đã ngự sẵn trong lòng: " Ai từ sáng sớm đã tìm Đức khôn ngoan thì không phải nhọc nhằn vất vả, họ sẽ thấy Đức khôn ngoan ngồi ngay trước cửa nhà ". Khôn ngoan như vậy là ân huệ hơn là cố gắng thủ đắc. Nó chỉ đường dẫn nẻo để chúng ta tận lực sống trung tín và tỉnh thức.

Chúa Giêsu là hiện thân của sự Khôn Ngoan thần linh, là Khôn Ngoan Thiên Chúa nhập thể. Những ai hằng ngày kiếm tìm Ngài, sẽ thấy Ngài là ánh sáng "rực chói và không hề tàn tạ". Trong Tin mừng hôm nay chúng ta ngồi dưới chân Ngài mà học cho biết khôn ngoan để bước đi trên những đường lối Thiên Chúa, không bị thế gian, ma quỉ, xác thịt lừa đảo trong những chuyện chóng qua. Phong tục tập quán cưới hỏi ở thời Ngài khác xa bây giờ. Cô dâu và đoàn tuỳ tùng ngồi ở nhà đợi chú rể và đám bạn bè tới dự tiệc. Tại sao tiệc lại trễ? Ấy là vì theo thói tục thời đó, người bên chú rể còn phải thương lượng với bố cô dâu và gia đình. Càng thương lượng lâu thì là dấu cô dâu càng đắt giá và danh tiếng. Có khi người ta phải thức thâu đêm hay nhiều ngày để thương lượng. (Patricia Sanchez : Lời Chúa chúng ta cử hành, năm A). Cuối cùng, chú rể và bạn bè cũng đến. Tiệc cưới khởi sự. Nó có thể kéo dài cả tuần lễ, vì vậy Chúa đã sử dụng tục lệ này để minh hoạ cho việc Ngài trở lại bất ưng và tuyên bố triều đại Thiên Chúa ngự trị. Mặc dầu thời giờ trở lại là việc chắc chắn, nhưng chúng ta vẫn dễ dàng vô tâm, không sẵn sàng, đúng như năm cô gái khờ dại trong truyện ngụ ngôn.

Hàng chữ cuối cùng của Tin Mừng hôm nay thật đột ngột và dứt khoát : "Rồi người ta khoá cửa lại." Không phải chỉ khép mà khoá lại (locked). Những cánh cửa mở rộng đón khách, nay được khoá lại. Tiếng then lóc cóc gài vào ổ nhắc tôi nhớ đến ngay các cánh cửa của nhà tù đóng lại. Nhưng đây là tiệc cưới, không phải nhà giam. Những thực khách bên trong đang hưởng sự vui mừng hớn hở của bữa tiệc. Họ chấm dứt những giây phút mong đợi dài dằng dặc. Những ai ở ngoài là vĩnh viễn ở ngoài. Họ lỡ hẳn cơ hội dự tiệc, bởi đã hoang phí thời giơ, sức lực vào những công việc vô ích, không dự trữ dầu đèn đầy đủ. Rõ ràng họ ngu ngốc hết cỡ. Đáng lý, khi chờ đợi họ phải tỉnh thức canh phòng, làm những chi cần làm do hoàn cảnh đòi hỏi, để không phải rơi vào kết thúc đáng buồn. Khi đang viết những dòng này, tôi nhận được cú điện thoại của một anh bạn. Anh báo cho tôi hay rằng bạn anh, 45 tuổi, cha của hai đứa nhỏ, chồng của một người vợ trẻ, vừa mới đột ngột qua đời khi vượt qua chỗ quẹo gấp. Gia đình anh rất buồn và đau lòng. Anh là một lực sĩ nổi tiếng, chẳng bao giờ ngờ rằng mình sẽ vĩnh viễn ra đi chỉ sau một cuộc chạy đua vào buổi chiều thu như hôm nay. Người ta vẫn hy vọng anh còn nhiều sức lực, đèn của anh còn cháy sáng và có nhiều dầu, anh còn đủ thời gian để nói những lời yêu thương với vợ con, lời xin lỗi với bạn bè. Người ta vẫn hy vọng anh sống khôn ngoan, biết thương cảm những ai bất hạnh, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn, thực phẩm cho người đói, nước uống cho người khát, đón tiếp khách lạ, áo mặc cho kẻ trần truồng, thăm viếng người tù tội hay yếu đau (Lễ Chúa Kitô Vua chúng ta sẽ được nghe Tin Mừng Chúa phán xét về những công việc tương tự).

Câu truyện Tin Mừng Chúa nhật này không những nói đến ngày cánh chung, nhưng cả đến thời khắc hiện tại. Nó nhắc nhở chúng ta phải luôn tỉnh thức và hướng dẫn cuộc đời mỗi người theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tỏ hiện nơi Đức Kitô. Chúng ta chưa được trông thấy ngày Ngài trở lại. mà chỉ được kinh nghiệm những công việc hằng ngày, lao động, học hành, buôn bán, cầy cấy, gieo trồng... Nhưng đôi khi cũng gặp những điều bất ngờ xảy đến cho mình, cho gia đình và bạn bè thân yêu. Chúng ta có luôn luôn sẵn sàng không? Nó tuỳ vào dầu đèn của mình đầy đủ hay thiếu thốn. Nếu hiện thời chúng ta phí phạm thời giờ, tiền của, sức lực, e rằng lúc gặp những khủng hoảng chúng ta chẳng thể trở tay kịp. Thời gian đã hết, muộn quá rồi, cửa đã khoá. Chúa giảng dụ ngôn là để cảnh giác toàn thể nhân loại luôn tỉnh thức chờ đợi ngày Ngài xuất hiện. Ngài luôn sẵn lòng ban khôn ngoan giúp chúng ta sống trung thành và xứng đáng.

Để kết thức bài suy niệm, xin kể một câu truyện nhỏ :

Trong một vụ đắm tàu, đoàn thuỷ thủ chết hết, chỉ còn xót lại một thanh niên trẻ. Nhờ tấm ván anh lênh đênh trên mặt biển cả suốt mấy ngày đêm. Anh hoàn toàn kiệt sức vì đói khát, gío lạnh, nằm chờ chết. Trời phật thương tình, nổi cơn gió lớn đưa anh dạt vào một hòn đảo giữa đại dương. Cư dân trên đảo cứu anh sống, rồi phong làm vua. Anh ngỡ ngàng hết sức, tưởng mình nằm mơ. Dân trên đảo bàn tán sôi nổi với nhau mà anh chẳng hiểu chi. Anh cố gắng học ngôn ngữ của họ. Sau hiểu ra, theo thói tục, mỗi người chỉ được làm vua có một năm, sau đó bị đày ra một hòn đảo hoang vu, xa cư dân và bỏ cho chết đói. Anh thuỷ thủ trẻ lo lắng sợ hãi quá. Vận may hoá thành tai hoạ. Anh thức suốt đêm, tìm ra một phương kế để không bị chết đói sau khi mãn hạn một năm. Anh dùng quyền làm Vua của mình phái một số nông dân giỏi ra đảo canh tác trước, biến nó thành màu mỡ, sản xuất đủ lương thực thực phẩm. Nhờ khôn ngoan anh đã thành công lớn. Sau năm mãn hạn anh ung dung ra đảo với tương lai vững chắc.

Chúng ta cũng chỉ làm vua ở thế gian này bất quá một đời người, cho nên phải biết khôn ngoan lợi dụng thời gian, tài năng để lo liệu cho cuộc sống tương lai như người thủy thủ trẻ. Bằng không, sẽ ngu dốt như năm cô trinh nữ dại khờ.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể soi sáng chúng ta trong thánh lễ này để làm những quyết định Khôn Ngoan cho cuộc đời mình. Amen.