PALACIOS, TEXAS -- Toàn thể giáo dân Việt Nam chừng 120 gia đình Công giáo thuộc giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời tại Palacios, Texas (địa chỉ: 100 Vietnam St., Palacios, TX 77465) vào ngày 23/9 trước khi cơn bão Rita tới đã được lệnh phải di tản toàn bộ. Do đó cha chính xứ Phạm Đức Trịnh cùng toàn thể bà con lớn bé tất cả đều vội vã lên đường trực chỉ hướng Austin tìm nơi tạm trú, để lại thuyền bè, nhà cửa, giáo đường và tất cả mà chạy thoát thân.

Một Cộng Đoàn Việt Nam khác nhỏ bé hơn cũng bao gồm toàn dân nghề biển gần đó là Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Seadrif cho Cha Cố Trần Văn Kiệm quản nhiệm, (địachỉ: P.O. Box 934 Seadrif, TX 77983) cũng được lệnh phải di tản. Dân chúng cũng đã cuốn gói lên đường.



Với kinh nghiệm tàn phá của bão Katrina đánh vào Biloxi tại bang Mississippi cũng là làng thuyền chài, mà mọi người đều đã xem trên truyền hình, nên lần này ai cũng vội vã ra đi, bỏ của chạy lấy người, vì chính quyền cho biết có thể hướng bão đánh tới chính là vùng Galveston, mà 2 hai cộng đoàn Việt Nam ở Palacios và Seadrif này lại nằm ngay sát ven biển và không xa Galveston là bao nhiêu. Ai mà không lo sợ và xao động.

Vào sáng thứ Bảy 24/9 khi biết cơn bão Rita đã chuyển hướng và đánh vào vùng Port Arthur và Lake Charles, thi dân dân chúng Palacios di tản đến Austin đã thở phào nhẹ nhõm. Thế rồi chiều hôm đó, Cha con tất bật lại lên xe kéo nhau về giáo xứ. Khi về đến nhà thấy mọi sự đều bình yên, nên qúi Cha và con cái giáo xứ đều vui mừng hớn hở. Nhà cửa và thuyền bè cũng không bị thiệt hại gì cả.

Nên sáng Chúa Nhật 25/9 toàn thể giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời đã cùng nhau tụ hợp đầy đủ bên trong nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cho cho đoàn con thoát cơn hoạn nạn cuồng phong, đồng thời cũng không quyên cầu nguyện cho các nạn nhân của hai cơn bão vẫn còn gieo bao tang thương cho không biết bao nhiêu người khác.

Khi chúng tôi tiếp xúc với Chị Thủy là chủ nhân Công ty Hải Sản "Captain Tom" ở Palacios, nét mặt chị rạng ngời và rất vui vẻ, chị nói: "Cám ơn Chúa, chúng tôi ở đây không gia đình nào bị gì cả và mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường... Và một điều khác thật lạ lùng, đó là sau cơn bão, các tầu bè của chúng tôi đã ra khơi trong mấy ngày qua thì những mẻ đánh cá và tôm còn thu hoạch lớn hơn trước rất nhiều... Cám ơn Chúa và Mẹ".



Giáo dân Việt Nam sống trong vùng này có cuộc sống thật chất phác đơn thuần, hiếu khách và luôn có trái tim quảng đại, cánh tay rộng mở. Chả thế mà sau khi nghe tin giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Biloxi bị bão Katrina tàn phá trong lần bão tháng trước, Cha xứ và giáo dân ở đây đã vận chuyển 2 xe vận tải tới cứu trợ "anh chị em đồng bào" tại Biloxi. Trong xe nào là tôm, cá, hải sản, đá lạnh, và các quà tặng khác...



Nhớ lại vào năm 1975, khi đoàn người di cư đến đây lập nghiệp chỉ vỏn vẹn có mấy chục gia đình dưới sự hướng dẫn của cha Phạm Đức Trịnh, lúc đó chả ai biết một xu tiếng Anh tiếng em nào, còn Cha Trịnh thì tiếng Anh cũng tiếng đực tiếng cái... Dù vậy Cha Trịnh trong những ngày đầu thật vất vả, cả đoàn người lúc đó chỉ có Cha là có một chiếc xe cà-tàng. Cha phải mua xe để có thể chơ từng gia đình đi chợ đi búa, hay đi làm thủ tục này nọ. Thánh lễ thì được cử hành trong gian phòng chập hẹp. Nghề nghiệp thì đi bóc ghẹ, nhặt tôm, hoặc là bóc vỏ con hào. Một thời cơ cực, nhưng cũng đủ sống...

Còn tại Seadrif thì có cha Nguyễn Thanh Bình giúp dân lập nghiệp. Tình trạng cũng tương tự như vậy. Nay Cha cố Bình đã qua đời và được Cha Cố Trần Văn Kiệm tiếp tục coi sóc dân chúng. Tình nghĩa cha con thấm thiết mặn nồng...

Cuộc sống cứ thế trôi qua, nay đã 30 năm! Dần dần do sức cần lao chăm chỉ, sự đoàn kết gắn bó yêu thương, dân chúng bắt đầu tậu xe, tậu nhà, tậu thuyền bè, xây nhà thờ, nhà xứ... Họ sống quây quần bên nhau và bên mái nhà thờ, giống y như những xứ đạo tại Gia Kiệm hay Hố Nai vậy! Có điều kiến trúc nhà cửa thì đẹp và thanh thoát hơn.

Nay thì dân chúng hai Cộng Đoàn Việt ở Palacios và Seadrif đã có đủ thứ, trong nhà TV màn ảnh lớn, xe hơi không sang thì cũng De Lux... Nhìn những chiếc tầu đánh cá đậu ngoài khơi, có chiếc trị giá 200 ngàn, hay nửa nửa triệu, có tầu đến cả gần một triệu. Ai nói rằng, người Việt Nam chúng ta không làm lại từ đầu được từ hai bàn tay trắng vào năm 1975?

Sự thành công ở đây là sức mạnh tinh thần và tình yêu thương. Cha con lúc vui lúc buồn có nhau, sớm chiều kinh kệ ngân nga, tình thương trải dài như những làn gió biển khi mạnh khi nhẹ, một không khí chan hòa, nhẹ nhàng và tự nhiện tự tại. Dù đời sống dân chài có lúc cơ cực phải "ăn sóng nuốt bão", nhưng cũng như những người anh em của bác thuyền chài tông đồ Phêrô thì họ lúc nào cũng bộc trực, nhiệt tình, thẳng thắn, vẫn một nụ cười hồn nhiên và hết lòng vì Chúa.

Nhiệm mầu thay!