Chương 10: Hai nước Pháp (tiếp theo): Charles Péguy

Có một lý do cho sự lặp lại. Thay vì lối lập luận tuyến tính (linear), một lối lập luận đối với Péguy chỉ phản ảnh một chủ nghĩa duy lý nông cạn, ông kéo người đọc tham gia cách nào đó vào tác phẩm đang phát triển. Ngay từ những ngày đầu tiên, bản văn của ông giống như những sợi cói do mẹ và bà của ông đan vào những chiếc ghế tân trang, kết quả tích lũy của những hành động nhỏ lặp đi lặp lại. Cả trong các tiểu luận giải thích thẳng thắn hơn của mình và trong các bản văn văn học, Péguy luôn là một nhà văn đầy thần chú, gần như thôi miên trong việc lặp lại các từ và cụm từ của mình như một cách để thu hút người đọc vào một mô tả năng động hơn là chỉ mô tả một cách trừu tượng. André Gide đã từng viết một cách xuất sắc về quy trình này sau khi đọc một trong những bí quyết của Péguy như sau “Péguy không giải thích bất cứ điều gì, anh ấy mô tả.” Và Gide viết tiếp:



Mười hai câu là đủ để tôi tóm tắt 250 trang này. Nhưng các lặp lại... là bản chất và là một phần của toàn bộ... Văn phong của Péguy giống như văn phong của những kinh cầu [litanies] rất xưa... như những bài hát Ả Rập, như những bài hát đơn điệu của vùng Landes; người ta có thể so sánh nó với một sa mạc; một sa mạc cỏ linh lăng, cát hoặc sỏi.... Mỗi cái trông giống cái kia, nhưng chỉ khác một chút, và sự khác biệt này chỉnh sửa, từ bỏ, lặp lại hoặc có vẻ như lặp lại, nhấn mạnh, khẳng định và luôn luôn chắc chắn hơn là một khác biệt tiến bộ... Giống như một tín hữu [đọc] cùng một lời cầu nguyện trong suốt thời gian họ cầu nguyện, hoặc ít nhất, gần như cùng một lời cầu nguyện... hầu như họ không nhận ra, hầu như bất chấp chính anh ta, [bắt đầu] lại từ đầu. (29)

Không giống như với bất cứ nhà văn đơn thuần nào khác, đọc Péguy là trở thành một phần của nhu cầu được ban phước đó.

Điều được Gide đề cập đến là một điều gì đó giống như kết cấu thi ca như nó có thể được nhìn thấy và cảm nhận trong những đoạn văn như đoạn trích này từ mầu nhiệm thứ ba trong các mầu nhiệm được Péguy trước tác, The Mystery of the Holy Innocents [Mầu Nhiệm Các Thánh Anh Hài]:

Ta là cha chúng, Thiên Chúa nói. Cha chúng con ở trên trời. Con Ta thường nói với chúng rằng Ta là Cha chúng.
Ta là thẩm phán của chúng. Con Ta đã nói điều đó cho chúng. Ta cũng là Cha chúng.
Trên hết Ta là Cha chúng.

Tóm lại Ta là Cha chúng. Ai là Cha thì trên hết là Cha. Cha chúng con ở trên trời. Người đã từng làm Cha thì không bao giờ có thể thôi làm Cha.

Chúng là anh em của Con Ta; chúng là con Ta; Ta là Cha chúng.

Cha chúng con ở trên trời, Con Ta đã dạy chúng lời cầu nguyện đó. Sic ergo vos orabitis. Cho nên, các ngươi cầu nguyện như vậy.

Lạy Cha chúng con ở trên Trời, ngày đó Người biết rất rõ những gì Người làm, Con Ta là Đấng vô cùng yêu thương chúng.

Ai sống giữa chúng, giống như một trong số chúng.

Ai cư xử như chúng, nói như chúng, sống như chúng.

Chịu đau khổ.

Ai chịu đau khổ như chúng, chết như chúng.

Và ai yêu chúng rất nhiều, sau khi biết chúng.

Đều đã đem trở lại Trời một loại hương người, một loại hương đất.

Con Ta là Đấng yêu thương chúng rất nhiều, Đấng yêu thương chúng vĩnh viễn trên Thiên Đàng.

Người biết rất rõ những gì Người làm ngày hôm đó, Con Ta, Đấng rất yêu thương chúng.

Khi Người đặt rào cản đó giữa chúng và Ta, Cha chúng con ở trên trời, ba hoặc bốn từ ngữ đó.

Rào cản đó mà sự tức giận của Ta và có lẽ công lý của Ta sẽ không bao giờ vượt qua.

Phúc thay kẻ ngủ dưới sự che chở của ba bốn chữ tiên phong ấy.

Những lời đó đi trước mọi lời cầu nguyện như bàn tay của một người van xin đặt trước mặt họ.

Khi hai bàn tay của một người van xin chắp lại trước mặt họ và những giọt nước mắt trên khuôn mặt họ.

Ba hoặc bốn chữ đó chinh phục Ta, Ta, Đấng vốn không thể bị chinh phục,
Và điều họ gửi trước cảnh khốn cùng của họ như hai bàn tay bất khả chiến bại chắp vào nhau.

Ba bốn chữ ấy tiến lên như mũi tàu mạnh trước con thuyền yếu ớt,
Và điều đó đã cắt đứt làn sóng giận dữ
của Ta.

Và khi mũi tàu đã đi qua, con tàu sẽ đi qua và tất cả hạm đội phía sau nó.

Ngày nay, Thiên Chúa nói, đó là cách Ta thấy chúng; Và trong cõi vĩnh hằng của Ta, một cách vĩnh viễn, Thiên Chúa nói, Bởi mưu kế của Con Ta, chính vì vậy mà Ta phải vĩnh viễn thấy chúng.

(Và Ta phải phán xét chúng. Lúc này, các ngươi muốn Ta phán xét chúng thế nào,
Sau đó)?

Cha chúng con ở trên trời. Con Ta chỉ biết thiết lập ra sao về nó,
Để trói buộc cánh tay công lý của Ta và nới lỏng cánh tay thương xót của Ta
(Ta không nói về sự tức giận của Ta, điều không bao giờ là gì ngoài công lý của Ta,
Và đôi khi lòng từ ái của Ta).

Và ngày nay Ta phải phán xét chúng như một người Cha,
Bao lâu người Cha có thể phán xét.
(30)

Sự lặp lại câu thần chú này, cùng với nét dịu dàng, tạo thành một sợi chỉ trung tâm ngay trong tác phẩm trước khi Péguy trở lại đạo. Một trong những văn bản đầu tiên của ông, La Cité harmonieuse, trình bày một thành phố hoàn hảo trên trần thế—thông qua các khối lặp lại tương tự—về một số khía cạnh, đó là cuốn thay thế của nhà duy xã hội trẻ tuổi cho cuốn Kinh thành Thiên Chúa của Thánh Augustinô. Nó không loại trừ ai và đặc biệt là không để bất cứ ai không có đủ phúc lợi vật chất để sống—và sống một cuộc sống nhân bản đàng hoàng. Sự tập chú ban đầu vào một lãnh vực trần gian công bằng vẫn là nền tảng cho lãnh vực tâm linh của Péguy khi ông thấy mình lại là người Công Giáo. Giống như Chúa Kitô, tầm nhìn Kitô giáo phải hợp nhất con người và thần linh trong một cuộc sống chung. Do đó - ít nhất là trong suy nghĩ của riêng ông - Péguy không trở thành người Công Giáo một lần nữa bằng cách trở lại đạo theo nghĩa quay trở lại. Ông tuyên bố rằng chính bằng cách tiếp tục đi sâu hơn vào con đường liên đới nhân bản, bằng mọt đào sâu, một hy vọng mới rằng tất cả cũng có thể được cứu chuộc trong Kinh thành sắp đến của Thiên Chúa, Kinh thành mà ông đến để tích hợp tạm thời và vĩnh cửu, thường được coi là tách biệt nhau trong nền chính trị văn hóa Pháp, thành một thể thống nhất trở lại.

Ông mô tả quá trình này theo một văn phong đặc trưng:

Chúng ta đã liên tục đi theo, chúng ta đã liên tục đi theo cùng một con đường thẳng, và chính con đường thẳng đó đã dẫn chúng ta đến nơi chúng ta hiện đang ở. Đó hoàn toàn không phải là một sự biến hóa, như người ta nói hơi ngu ngốc, sử dụng một cách thiếu cân nhắc, thông qua sự lạm dụng không ngừng, một trong những hạn từ của ngôn ngữ hiện đại đã trở nên lỏng lẻo nhất, đó là một sự đào sâu... Chính bằng cách không ngừng đào sâu trái tim của chúng ta theo cùng một con đường, nó không hề thông qua một cuộc biến hóa. Qua một cuộc quay ngược lại, chúng ta không có cách chi tìm thấy con đường của Kitô giáo. Chúng ta đã không tìm thấy nó khi quay trở lại. Chúng ta tìm thấy nó ở cuối đường.... Chúng ta rất có thể đã từng là tội nhân. Chúng ta chắc chắn đã như vậy rất nhiều. Pro nobis peccatoribus [cho chúng con là những kẻ tội lỗi]. Nhưng chúng ta chưa bao giờ ngừng đi trên con đường tốt lành. (31)

Đây là một cách “hoán cải” bất thường, và có lẽ không hoàn toàn tự nhận thức như người ta vẫn tưởng, vì theo truyền thống hai nghìn năm của Giáo hội, thậm chí cả những vị thánh vĩ đại nhất cũng chưa từng tuyên bố rằng mình đã đi trên con đường ngay chính trước khi hoán cải hoặc thậm chí việc quay trở lại đơn giản là không cần thiết bởi vì họ đã khám phá ra rằng đời sống nhân đức của chính họ bao gồm Đạo Công Giáo. Sự hoán cải thường là một sự thay đổi và định hướng lại, ngay cả khi nó dẫn đến sự bình an lớn lao. Có khá nhiều bằng chứng cho thấy đây cũng là trường hợp của Péguy, cả trong đời sống nội tâm và trong mối quan hệ của ông với những người xung quanh. (32) Nhưng ngay cả khi việc Péguy hướng về Giáo hội là điều đáng nghi ngờ trong những thuật ngữ chính xác được ông sử dụng, nó vẫn là biểu tượng của một điều gì đó khá quan trọng trong điều kiện hiện đại.

Viết “Các Mầu Nhiệm”



Có một vòng cung nhất định trong tác phẩm của Péguy dẫn từ sự đơn giản đến những sáng tạo quan trọng trong quá trình trưởng thành của ông. Nỗ lực văn học lớn đầu tiên của ông, Jeanne d'Arc [Gioana thành Arc], xuất bản năm 1897 khi ông mới hai mươi tuổi, là một vở kịch dài và lan man, trong đó, mặc dù theo quan điểm trong căn bản có tính duy xã hội, nhưng khía cạnh tôn giáo đã hiện diện mặc dù chưa được phát triển (ở đấy rõ ràng hẳn ông đã có một trực giác nào đó rằng nhân vật này, rất nổi bật trong lịch sử tôn giáo và chính trị của Pháp, vừa là tiền hô vừa là mục tiêu mà người ta nên khao khát).

Péguy theo nghĩa đen đã “đào sâu” quan điểm và cách trình bày của ông về nhân vật huyền thoại người Pháp này khi ông trở thành người Công Giáo. Ông đã viết nhiều tiểu luận đáng chú ý trong vài năm sau đó, nhưng mãi đến năm 1910, sau khi đã đi sâu vào đức tin, ông mới viết một vở kịch khác, mặc dù “vở kịch” nới rộng giới hạn. Nó thực sự là một kiểu suy tư thơ dài liên quan đến tiếng nói của một số nhân vật. Cuốn này cũng viết về Gioana thành Arc, nhưng giờ đây chiều kích thời gian và vĩnh cửu hiện diện đầy đủ trong một văn bản thơ rất trữ tình và giàu sức gợi cảm. Tiêu đề đặt cho tác phẩm hoàn toàn khác rất có ý nghĩa: Le mystère de la charité de Jeanne d’Arc (Mầu nhiệm đức ái của Gioana thành Arc). Ông đã lên kế hoạch sản xuất mười hai đến mười lăm “mầu nhiệm” như vậy nhưng chỉ có thể hoàn thành hai điều nữa — The Porch of the Mystery of the Second Virtue [Hiên nhà của Mầu nhiệm Nhân đức Thứ hai] (một bài thơ về hy vọng) và The Mystery of the Holy Innocents [Mầu nhiệm Các Thánh Anh hài]— trước khi ông qua đời.

Trong tất cả những “mầu nhiệm” này, một thuật ngữ liên quan đến quan niệm huyền nhiệm và chính trị của ông, mục tiêu không bao giờ chỉ là trình bày một hành động hay ý tưởng nào đó, mà là lôi cuốn người đọc vào một mối quan hệ sống động với một linh đạo sâu sắc, nhà huyền nhiệm vẫn đang sống như một cô gái nông dân chất phác trong ngôi làng nhỏ Domrémy của mình. Nói cách khác, đây là sự gợi lại thực tại đã có trước và tạo điều kiện cho sự nghiệp thay đổi thế giới mà cô sẽ có sau này. Ở một số khía cạnh, đó cũng là câu chuyện của Péguy. Péguy kiên quyết chỉ trích nền linh đạo trừu tượng của một loại đạo Công Giáo nào đó như sự thất bại của huyền nhiệm, thậm chí như một tà giáo hiện đại đã đánh mất người dân Pháp do không nói chuyện với họ và duy trì tình liên đới với họ trong thế giới hàng ngày của việc làm. Chủ đề này xuất hiện đầy đủ và rõ ràng nhất trong hai tiểu luận dài của ông: Notre jeunesse [tuổi trẻ của chúng ta] và Véronique, hay đối thoại của lịch sử và của linh hồn nhục thể. (33)

Notre jeunesse kể lại việc các lợi ích Do Thái, Công Giáo và của Cộng hòa Pháp, những lợi ích thường xung đột trong Vụ Dreyfus khét tiếng, thực sự đã cho thấy mối quan hệ của huyền nhiệm và chính trị trong thế giới hiện đại. Nhìn bề ngoài, việc xét xử và kết án bất công Đại úy Dreyfus, một sĩ quan quân đội gốc Do Thái, dường như chỉ chứng tỏ chủ nghĩa bài Do Thái đê tiện và mong muốn tìm ra đặc điểm vật tế thần của nhiều người Công Giáo ở Pháp. Nhưng đối với Péguy, những người bênh vực Dreyfus nhanh chóng suy giảm chính nghĩa cao cả và chính đáng của họ và cho thấy họ có thể nhỏ nhen và óc bè phái ngang nhau. Trên thực tế, bản thân Dreyfus đã tỏ ra là một con người không hấp dẫn và nông cạn —trong mắt Péguy, một sự trợ giúp thực sự cho Chủ nghĩa Dreyfus đích thực vì sự không phù hợp rõ ràng của Dreyfus trong tư cách một loại anh hùng nào đó đã khiến những người ủng hộ Dreyfus trở nên thuần khiết hơn ở chỗ nó không được hỗ trợ bởi bất cứ phẩm chất nào của bản thân Dreyfus, mà chỉ là cam kết không vụ lợi để đạt được công lý và do đó, bảo vệ danh dự của nước Pháp.

Như một con người coi trọng kỷ luật, lòng dũng cảm và việc sử dụng đúng đắn sức mạnh quân sự vì chính nghĩa, Péguy đặc biệt ghét những gì ông coi là phần tử chống Pháp, chống quân đội, gần như phản bội trong một số người ủng hộ Dreyfus:

Mọi người muốn xỉ nhục và lạm dụng quân đội, bởi vì ngày nay đây là một đường lối tốt.... Trên thực tế, tại tất cả các cuộc biểu tình chính trị, đó là một chủ đề tất yếu. Nếu không đi theo đường lối đó, người ta sẽ bị coi là không đủ tiến bộ... và sẽ không bao giờ biết được những hành động hèn nhát nào đã được thúc đẩy bởi nỗi sợ bị coi là không đủ tiến bộ. (34)

Ở một nơi nào đó trên con đường phản bội của những người theo chủ nghĩa xã hội và ủng hộ Dreyfus, Péguy đã trở lại đạo Công Giáo, mặc dù ông bị ngăn cản lãnh nhận các bí tích vì cuộc hôn nhân của ông ở bên ngoài Giáo hội và mãi là người chỉ trích quan điểm chính trị và xã hội sai lầm của Giáo hội vì Giáo hội chủ yếu là của người giàu. Một người bạn, Joseph Lotte, là giáo sư đại học, đã ghé thăm Péguy khi ông bị ốm liệt giường ở nhà. Sau một cuộc trò chuyện dài, Péguy chỉ nhận xét lúc người bạn chia tay, “Tôi chưa nói với bạn mọi điều... Tôi đã tìm lại được đức tin của mình. Tôi là một người Công Giáo." Không có lời giải thích lớn lao nào được đưa ra sau đó. Lotte đã rất ngạc nhiên—và ngạc nhiên khi nhận ra rằng chính ông cũng sắp sửa trở lại đạo, điều này sẽ sớm xảy ra sau đó. (35)

Nhưng Péguy đã không tìm ra rằng các đảng Công Giáo - chưa nói gì đến Giáo hội đúng nghĩa - đang làm tốt hơn nhiều so với những đảng khác trong việc giữ cho nền chính trị của họ không lấn át tính huyền nhiệm của họ. Giáo Hội Công Giáo dường như đã phản bội sự huyền nhiệm của mình bằng cách trở thành một đảng trần thế ở Pháp và các nơi khác. Péguy rất hiếm trong số các nhân vật Công Giáo hiện đại ở chỗ ông phải đối đầu trực diện với việc phi Kitô giáo Châu Âu mà không đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài. Ông nhận thức khá rõ về các lập luận triết học như chúng ta đã thấy, và sự xuất hiện của khoa học hiện đại gây ra một số trở ngại. Nhưng việc tích cực phi Kitô giáo nơi người dân, việc chuyển từ sự nhạy cảm Công Giáo gần như thống nhất sang sự thờ ơ, ông cho là một sự thất bại lớn trong nội bộ của Giáo hội. Ông tin rằng các giáo sĩ nào đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài đang tự chứng tỏ là những người duy hiện đại và trí thức theo nghĩa họ thực sự tin rằng một chủ nghĩa duy lý mỏng manh có thể phá vỡ nền linh đạo sâu sắc. Nhưng vì họ không có một nền linh đạo hay bác ái sâu xa, nên họ đã quá chú trọng vào những lập luận trí thức bất chính.

Péguy không được người Công Giáo đón nhận nồng nhiệt khi ông còn sống, có lẽ một phần là do thái độ hiếu chiến này đối với giới giáo sĩ hiện đại. Giáo Hội đã trở thành Giáo Hội của nhà giàu và đánh mất giai cấp lao động. Và điều đó một phần là do tính dễ mua chuộc và khao khát được thoải mái của Giáo Hội. Nhưng ông còn đi xa hơn. Péguy đưa ra những tuyên bố chung chung về phong trào đơn tu và việc rút lui khỏi thế giới có điểm hay - nhưng ông đi hơi quá xa. Như ông nói, đúng là khi Thiên Chúa quyết định nhập thể, Người không hề rút lui khỏi thế giới. Một cách nào đó, Nhập thể là hình thức vĩ đại nhất có thể tưởng tượng được của việc bước vào thế giới để cứu và biến đổi nó. Như ông từng nói đùa, nếu Thiên Chúa muốn tách biệt khỏi thế giới—và muốn chúng ta cũng làm như vậy—thì đơn giản là Người đã không đến. Nhưng Người đã nhập thể vì đó là cách thích hợp duy nhất để cứu chúng ta. Giáo Hội, nghĩa là các giám mục và giáo sĩ, phải bước vào trật tự thế tục nơi những người bình thường — và gia đình của họ — cần được nuôi dưỡng bằng huyền nhiệm Kitô giáo. Thay vào đó, họ tự tách mình ra khỏi thế giới hiện đại “thù địch” này, hoàn toàn trái ngược với những gì cần phải làm. Trong việc này, một cách hiển nhiên, Péguy đã tiên đoán sự phát triển thần học sau này và định hướng chung của Công đồng Vatican II.

Tầm nhìn đó nằm sau tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Péguy, vở kịch đầy thơ của ông The Mystery of the Charity of Joan of Arc [Mầu nhiệm đức ái của Gioana thành Arc]. (36) Nó diễn ra trên một sườn đồi trong ngôi làng nhỏ Domrémy của Gioana, nơi cô đang chăn cừu và cầu nguyện. Và sau đó cô nói chuyện trực tiếp hơn với Thiên Chúa, đề cập đến một số chủ đề trong một lời cầu nguyện dài (sau đây là một loạt đoạn trích):

Lạy Thiên Chúa, ước chi chúng con có thể nhìn thấy sự khởi đầu của vương quốc Ngài. ước chi chúng con có thể nhìn thấy mặt trời của vương quốc Ngài mọc. Nhưng không có gì, không bao giờ có bất cứ điều gì. Ngài đã gửi cho chúng con người con mà Ngài vô cùng yêu quý, người con của Ngài đã đến, người đã phải chịu đựng rất nhiều và đã chết. Và bây giờ, không có gì... Mười bốn thế kỷ (nhưng đó có phải là thế kỷ của Kitô giáo không?), mười bốn thế kỷ kể từ khi linh hồn chúng con được cứu chuộc. Và không có gì, không có gì, không bao giờ, triều đại của trái đất chẳng là gì ngoài triều đại của sự diệt vong.... Nó tồi tệ hơn bao giờ hết. Ước chi chúng con có thể nhìn thấy mặt trời công lý của Ngài mọc lên. Nhưng có vẻ như, lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, xin tha thứ cho con, có vẻ như triều đại của Chúa đang qua đi.... Có lẽ một điều khác gì đó mới cần thiết, lạy Chúa, Ngài biết mọi sự. Ngài biết những gì chúng con thiếu. Có lẽ chúng con cần một điều gì đó mới, một điều gì đó chưa ai từng thấy. Điều mà chưa ai từng làm. Nhưng lạy Chúa, ai dám nói rằng có thể có điều gì mới sau mười bốn thế kỷ Kitô giáo, sau bao nhiêu vị thánh nam nữ, sau tất cả những vị tử đạo của Chúa, sau cuộc khổ nạn và cái chết của con trai Chúa.

(Cô ngồi xuống và tiếp tục quay chỉ.)

Điều chúng ta cần, lạy Thiên Chúa, điều cuối cùng chúng con cần, là một người phụ nữ cũng sẽ là một vị thánh... và là người sẽ thành công. (37)

Péguy sau đó trình bầy Hauviette, người bạn mười tuổi của Gioana, là một cô gái nông dân người Pháp bình thường; cô đọc những lời cầu nguyện của mình nhưng không mong đợi mọi điều khác ngoài lời cầu nguyện hàng ngày, công việc và việc nghỉ ngơi của cuộc sống làng quê vào Chúa nhật. Tuy nhiên, Hauviette nhận thức được rằng Gioana là một điều khác hẳn. Tất cả các cô gái khác đều học giáo lý, nhưng Gioana là một người tốt kiểu Péguy: “Bạn không biết những điều này, bạn nhìn thấy chúng, và những lời cầu nguyện của bạn, bạn không đọc chúng, bạn không chỉ đọc chúng, bạn nhìn thấy chúng..” (38) Gioana tuyên bố mình chỉ là một giáo dân như những người khác, điều đó đúng ở một khía cạnh nào đó, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện, và Hauviette không bị lừa dối. Cô biết Gioana không hạnh phúc, không chỉ vì sự thất bại dường như của Thế giới Kitô giáo, mà còn vì cái đói đơn giản của người nghèo và người vô gia cư trong làng.

Gioana không nhìn mọi sự đơn giản như vậy, và trên thực tế, sau khi đem thức ăn trong ngày cho một số trẻ mồ côi (cha mẹ chúng bị người Burgundy tàn sát, tức là những người Pháp khác, không phải người Anh), cô có một thị kiến khủng khiếp:

Những kẻ bất hạnh tội nghiệp đã mệt mỏi với bất hạnh và đồng thời với chính niềm an ủi; họ sớm mệt mỏi vì được an ủi hơn là chúng ta an ủi họ; như thể có một lỗ hổng trong trái tim an ủi; như thể những con sâu đang ở đó; và khi ta còn sẵn sàng cho đi thì họ đã không còn sẵn sàng nhận nữa;... họ không còn muốn nhận bất cứ thứ gì; làm thế nào để cho một người không còn muốn nhận nữa; bạn sẽ phải có những vị thánh; bạn sẽ phải có những vị thánh mới, những người sẽ phát minh ra các loại an ủi mới. (39)

Tất nhiên, điều này phản ảnh một kiểu tuyệt vọng chung của những người nghèo khổ. Nhưng đồng thời, Gioana thấy rõ rằng gươm giáo và những tệ nạn xã hội khác hạ gục con người nhanh hơn bất cứ tổ chức bác ái nào có thể nâng họ dậy, trong khi không ai, kể cả Chúa Giêsu, có thể “diệt được chiến tranh” đang hoành hành khắp thế giới. Hauviette nói đùa về nghịch lý rằng để tiêu diệt chiến tranh, bạn phải gây ra chiến tranh. Ngụ ý rõ ràng rằng đây là một nghịch lý mà Gioana sẽ phải chấp nhận sau này khi lớn lên khi cô vừa trở thành một chiến binh cho nước Pháp vừa là một người tử vì đạo vì viễn kiến của mình. Trong khi đó, sự tàn phá và hỗn loạn đang làm xáo trộn đời sống trần thế và tâm linh, và một trong những hậu quả khủng khiếp đúng với thế kỷ XX cũng như thế kỷ XV: “Người thiếu cơm ăn hàng ngày thì không còn ham muốn gì đối với bánh trường sinh, bánh của Chúa Giêsu Kitô.” (40)

Tại thời điểm này, Hauviette rút lui, và “Madame Gervaise”, một nữ tu 25 tuổi được cha của Gioana đặc biệt kêu gọi mong giúp cô vượt qua những khó khăn, xuất hiện và bắt đầu một bài thơ dài gợi lên cuộc khủng hoảng hiện tại và việc duyệt qua lịch sử của Kitô giáo kéo dài hơn một trăm trang chỉ với vài dòng ngắt quãng của Gioana. Trong những trang đầy chất thơ và giàu sức gợi nhớ này, Péguy trình bày quan điểm của ông về lịch sử như thực sự bắt nguồn từ đời sống riêng tư vốn diễn ra trước đời sống công khai, giống như ba mươi năm cuộc đời của Chúa Kitô trong tư cách một người thợ giỏi sống ở nhà diễn ra trước ba năm trong thừa tác vụ công khai của Người. Bà Gervaise biết rằng đây không phải là một sự an ủi cho Gioana bởi vì người phụ nữ trẻ bị dằn vặt vì Chúa Kitô đã đến, chết, sống lại, cứu chuộc thế giới, và - có vẻ như vậy - vẫn không có gì đã thay đổi. Cô đã thấy những người trong làng, người cha và người mẹ thân yêu của cô, hèn nhát và không thể làm gì để thay đổi cung cách sự vật: “Đồng lõa, đồng lõa, giống như tác giả. Chúng ta là đồng phạm trong việc này, chúng ta là tác giả của việc này.... Và khi bạn cho phép tội ác được vi phạm, bạn cũng phạm cùng một tội ác và sự hèn nhát để khởi động.... Đồng lõa, đồng lõa, còn tệ hơn cả tác giả, tệ hơn vô cùng.” (41)

Gioana sẵn sàng từ bỏ linh hồn của chính mình để bị diệt vong nếu điều đó có thể ngăn mọi người khác rơi vào địa ngục, một chủ đề cũ với Péguy, như von Balthasar đã nhận xét. Nhưng bà Gervaise, nói như Giáo hội, gọi điều này là ngu xuẩn. Theo định nghĩa, địa ngục là nơi đau khổ để cứu chuộc người khác không còn áp dụng nữa. Điều này cũng làm khổ Gioana. Tất cả những gì Gervaise có thể làm là gợi lên lịch sử của Israel và cuộc đời của Chúa Giêsu, tuy nhiên, cuộc đời kỳ lạ của Người đã sống, phần lớn giống như những người khiêm tốn khác trong suốt lịch sử, tại một ngôi làng nghèo:

Cho đến ngày Người bắt đầu việc vô trật tự.
Du nhập việc vô trât tự.
Vụ vô trật tự lớn nhất trên thế giới.
Việc vô trât tự lớn nhất từng có trên thế giới.
Trật tự lớn nhất trước đó từng có trên thế giới.
Trật tự duy nhất.
Trước đây từng có trên thế giới
. (42)

Péguy - thông qua bà Gervaise – trưng dẫn một câu nói đùa xúi quẩy [gallows hunour] từ cuộc đời của Chúa Kitô. Sự kiện mọi người đều chống lại Người, cả những nhóm thường ghét và chống đối nhau, chẳng hạn như các chính trị gia và người dân, cho thấy rằng Người đã làm một điều vĩ đại: Người đã cứu thế giới. Từ góc độ trần gian, “Người đã không làm hại nhiều như vậy”, (43) và không thể làm vì Người không có nhiều thời gian. Chỉ có ba năm. Nhưng tất cả mọi người, từ các chính trị gia đến những người có học cho đến những người dân, đều cảm nhận được một cách trực quan cuộc cách mạng mà Người đang thực hiện.

Tuy nhiên, Gioana và Madame Gervaise không hoàn toàn đồng ý, và vở kịch không kết thúc với việc hai người này chia tay trong êm đẹp. Bất chấp cách bà Gervaise gợi lên câu chuyện về Chúa Kitô, Gioana vẫn kiên quyết cho rằng những người ở thời của bà sẽ không bỏ rơi Chúa Kitô; họ sẽ chiến đấu vì Người. Họ không phải là những kẻ hèn nhát - mặc dù trước đó cô đã thừa nhận rằng họ là những kẻ hèn nhát. Không chỉ các vị thánh hiện đại như Thánh Phanxicô và Thánh Louis, mà ngay cả những người dân thị trấn, giờ đây theo tuyên bố của cô, không sợ đau khổ khi làm điều đúng nữa. Và có những “hiệp sĩ Pháp”, thậm chí cả những hiệp sĩ Anh (những người mà cô không thích), cũng sẽ làm như vậy. Gervaise coi đây là những Kitô hữu sống trong Thế giới Kitô giáo khi đức tin dễ dàng hơn trong việc chỉ trích những Kitô hữu đầu tiên, những người không những chịu thử thách mà không được đào tạo trước đó mà còn không được lịch sử Kitô giáo hỗ trợ. Cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt về phía Gervaise cũng như ngoan cố về phía Gioana và kết thúc ở một dòng dường như là mở đầu của một bài thơ:

Orléans, ngươi thuộc đất Sông Loire [Orléans, qui êtes au pay du Loire].

Nhưng với câu nói mầu nhiệm cuối cùng này của Gioana—“Orléans, ngươi thuộc đất sông Loire” (44)—vở kịch kết thúc, rõ ràng hướng tới cuốn tiếp theo.

Vở kịch tiếp theo cũng là một “mầu nhiệm”, nhưng Péguy không kể tiếp câu chuyện về Mầu nhiệm Đức ái của Gioana thành Arc. Lần này ông viết về một trong ba nhân đức đối thần trong Le porche du mystère de la deuxième vertu [Hiên nhà của Mầu nhiệm Nhân đức Thứ hai], (45), một trong những bài thơ vĩ đại nhất và bị lãng quên một cách bất công nhất của thế kỷ hai mươi. Đức cậy là nhân đức mà như chúng ta thấy ngay hầu hết các Kitô hữu cũng đã quên khuấy. Và lần này, thay vì viết một vở kịch gián tiếp về việc đức ái được hình thành ra sao một cách riêng tư, ở những nơi tối tăm, tránh xa sự dòm ngó của thế gian, Péguy mở đầu bài thơ của mình bằng “Thiên Chúa nói”:

Đức tin mà Ta yêu thích nhất, Thiên Chúa nói, là đức cậy.
Đức tin không làm Ta ngạc nhiên.
Nó không có gì đáng ngạc nhiên.

Ta rực rỡ trong sáng tạo của Ta....
Đến nỗi để thực sự không nhìn thấy Ta, những kẻ tội nghiệp này hẳn phải đui mù.

Đức mến, Thiên Chúa nói, điều đó không làm Ta ngạc nhiên.
Nó không có gì đáng ngạc nhiên.

Những tạo vật đáng thương này khốn khổ đến mức ngoại trừ họ không có trái tim sắt đá, thì làm thế nào họ có thể không có tình yêu dành cho nhau.
Làm thế nào họ có thể không yêu anh em mình được.
Làm thế nào họ không lấy miếng bánh từ chính miệng mình, miếng bánh hàng ngày của mình, để chia cho những đứa trẻ bất hạnh đi ngang qua.

Và Con Trai Ta đã có tình yêu như vậy đối với họ....
Nhưng đức cậy, Thiên Chúa nói, đó là điều làm Ta ngạc nhiên.
Ngay cả Ta.
Điều đó thật đáng ngạc nhiên.

Việc những đứa con tội nghiệp này nhìn thấy mọi điều đang diễn ra như thế nào mà vẫn tin rằng ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn.
Việc họ thấy mọi điều diễn ra như thế nào hôm nay mà vẫn tin rằng chúng sẽ tốt đẹp hơn vào sáng mai.
Điều đó thật đáng ngạc nhiên và cho đến nay đó là điều kỳ diệu nhất của ân sủng của Chúng Ta.
Và chính Ta cũng ngạc nhiên về điều đó. Và ân sủng của Ta thực sự phải là một sức mạnh đến không thể tin được. (46)

Trong toàn bộ lịch sử văn học Kitô giáo, và có lẽ là trong tất cả các loại văn học, đây có thể là trường hợp duy nhất mà Thiên Chúa tuyên bố mình ngạc nhiên trước bất cứ điều gì, và thậm chí còn ngạc nhiên hơn nữa và gần như bối rối rằng ân sủng của chính Người có thể có những tác động kỳ diệu như vậy. Có một giọng điệu nông dân pha trò nhất định trong Ý Niệm Thiên Tính của Péguy, và rất dễ đi đến chỗ nói quá. Nhưng Péguy đã thể hiện rất hay bài thơ trực tiếp, ấn tượng và thú vị này về đức cậy, một nhân đức giữ cho thế giới luôn sống động và tiến về phía trước.

Có một yếu tố nữ rõ ràng và liên tục trong phần lớn những gì Péguy viết: Gioana thành Arc, Madame Gervaise, và trong những bài thơ sau này, EveSainte Geneviève. Và trong điều này, ông cho thấy sự đồng cảm với điều mà sau này sẽ trở thành sự nhấn mạnh của von Balthasar về sự cần thiết phải có tính tiếp nhận của Đức Mẹ trước khi tham gia vào các đức tính nam tính hơn trong hành động. Péguy thậm chí còn quan niệm về đức cậy như một cô gái trẻ dẫn dắt các chị của mình đi trước:

Đức tin là một người vợ trung thành.
Đức ái là Mẹ.
Một người mẹ nồng nàn, nhân hậu.

Hay một người chị giống người mẹ.
Đức cậy là một cô bé, không có gì cả.
Cô đã đến thế giới vào ngày Giáng sinh vừa qua.

Cô vẫn đang chơi với người tuyết của cô....
Tuy nhiên, chính cô bé này sẽ kéo dài thế giới.
Cô gái nhỏ này, không có gì cả.
Một mình cô cõng những người khác, những người sẽ vượt qua các thế giới quá khứ. (47)

Một khi ông hoàn toàn ôm lấy chúng, thì lòng trung thành, đức cậy và lòng phó thác cho thánh ý Thiên Chúa bắt đầu trở thành một công việc toàn thời gian. Con trai của Péguy, Marcel, bị ốm nặng vào khoảng thời gian ông đang viết The Porch. Ông trao cậu con trai cho sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ và “bỏ đi”, hứa rằng nếu Marcel hồi phục, Péguy sẽ thực hiện một cuộc hành hương đi bộ giữa Nhà thờ Đức Bà ở Paris và Nhà thờ Đức Bà ở Chartres, cách đó sáu mươi dặm. Marcel hồi phục, và Péguy giữ lời thề. Sau đó, ông sẽ lặp lại cuộc hành hương vì những lý do khác. Trong những năm giữa hai cuộc chiến, khi sự sùng bái Péguy phát triển ở Pháp, hàng nghìn người đã thực hiện lại sự sùng kính cụ thể này hàng năm. Ngay cả ngày nay, khi hầu như không còn ai đọc Péguy nữa và nhiều tập tục sùng kính cổ xưa đã biến mất, thì những nhóm lớn những người đam mê vẫn thực hiện chuyến đi.

Đối với Péguy, lòng trung thành và đức cậy không phải là những thói quen hay khái niệm tĩnh tụ, mà là những động lực sống động. Đó là một cái nhìn sâu sắc của Bergson. Bản thân những học thuyết trừu tượng đơn thuần về lòng trung thành hay đức cậy có thể trở thành chướng ngại vật đối với tinh thần. Ngược lại, đức cậy thực sự là lực đẩy về phía trước của cuộc sống; một người đang tuyệt vọng, theo nghĩa đen là không có hy vọng, không thể đơn thuần chuyển sang một trạng thái cảm xúc khác. Đức cậy chỉ có thể nhận được từ Thiên Chúa; nó kết nối lại con người vô vọng “với cội nguồn, với sự đánh thức lại đứa trẻ trong họ”.

Kỳ tới: Niềm đam mê và lòng trung thành