Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo

G. K. Chesterton: Người Công Giáo viết theo văn phong Dickens (tiếp theo)

Những tuyên bố về tính ưu việt của Kitô giáo không còn phù hợp với một số người, đặc biệt trong nửa thế kỷ trong đó chính Giáo Hội Công Giáo đã khuyến khích đối thoại giữa các tôn giáo. “Lepanto” có quan điểm rất tiêu cực về Hồi giáo như một kiểu nô lệ so với tự do của Kitô giáo (nô lệ Kitô giáo chèo thuyền trên những con tàu của người Hồi giáo là hình ảnh cụ thể của quan điểm này). Ở đây, hình thức cũng kỳ lạ, đặc biệt là đối với một nhà văn rõ ràng ý thức được dòng chẩy [flow] và hình thức như vậy trong các tác phẩm khác. Có một cách trong đó có lẽ phía quân phiệt của Chesterton—cũng như của Belloc, người đã dự đoán chính xác sự trở lại của chiến tranh Hồi giáo chống lại phương Tây—đơn giản là không tìm thấy hình thức thỏa đáng vì không hề có hình thức thỏa đáng nào cho các trận chiến thời ấy. Khi xử lý các chủ đề lịch sử bằng thơ, Chesterton cố gắng làm cho nó hoạt động hữu hiệu.

Ngược lại, Chesterton hoàn toàn chỉ là ông trong các yếu tố của ông và những từ ngữ kỳ diệu chỉ tuôn ra khi ông đề cập đến khía cạnh khiêm tốn của Kitô giáo, như trong “The Donkey” [Con Lừa]:

Khi cá bay và rừng bước đi
Và sung mọc trên gai
Một lúc nào đó khi mặt trăng là máu
Thì lúc đó, chắc chắn tôi đã được sinh ra.

Với cái đầu quái dị và tiếng kêu ghê rợn
Và đôi tai như đôi cánh lang thang
Qủy nhại đi bộ
Bằng cả bốn chân.

Kẻ ngoài vòng pháp luật tả tơi của trái đất
Của ý chí quanh co cổ xưa
Bỏ đói, trừng phạt, nhạo báng tôi; Tôi lầm lì ít nói,
Tôi vẫn giữ bí mật của mình.

Đồ ngốc! Vì tôi cũng có giờ khắc của mình,
Một giờ dữ dội và ngọt ngào
Có tiếng hét bên tai tôi
Và lòng bàn tay trước chân tôi
.” (47)

Đoạn kết cảm động của bài thơ này, khi Chúa Kitô cưỡi lừa vào thành Giêrusalem để được mọi người tung hô, cho thấy một khía cạnh dịu dàng của Chesterton thường bị bỏ qua giữa sự hài hước và nghịch lý.

Sản lượng khổng lồ của Chesterton—các nghiên cứu về Thánh Phanxicô thành Assisi, Tôma Aquinô, Dickens, Shaw, các tác giả thời Victoria, Cobbett, America (hai cuốn sách), Ái Nhĩ Lan, Giêrusalem, Rôma, và các chủ đề khác—cùng với số lượng sách ổn định được tập hợp từ các tiểu luận bị thất lạc của ông và báo chí hàng ngày phải được lướt qua kỹ lưỡng để hiểu được phạm vi thiên tài thực sự phi thường của ông. (48) Ông là một bộ óc phổ quát đến mức ông có thể đánh giá cao những bộ óc khác cùng tầm cỡ với mình mà hầu như không cần đọc họ. Một trường hợp điển hình: Étienne Gilson nói về cuốn sách của ông viết về Thánh Tôma Aquinô:

Tôi coi đây là cuốn sách hay nhất từng được viết về Thánh Tôma một cách vô sánh. Không có gì kém hơn thiên tài có thể giải thích cho một thành tích như vậy. Mọi người chắc chắn sẽ thừa nhận rằng đó là một cuốn sách “khéo léo”, nhưng một số ít độc giả từng dành hai mươi hoặc ba mươi năm để nghiên cứu về Thánh Tôma Aquinô, và có lẽ chính họ đã xuất bản hai hoặc ba tập về chủ đề này, thì không thể không nhận ra rằng điều gọi là “sự khéo léo” của Chesterton đã khiến nền học giả của họ trở nên đáng xấu hổ. Ông đã đoán ra tất cả những gì họ đã cố gắng chứng minh, và ông đã nói ra tất cả những gì mà họ ít nhiều cố gắng diễn đạt một cách vụng về bằng các công thức học thuật. (49)

Nhờ Thư ký Dorothy Collins của Chesterton, chúng ta biết rằng Chesterton đã mượn một vài cuốn sách viết về Aquinô nhưng ông chỉ đọc lướt qua chúng trước khi đọc chính tả từng phần công việc hàng ngày của mình về “Tommy”. Điều mà ông dường như đã trực giác được từ việc đọc tương đối ít của ông, là cảm thức ổn định của chính Thánh Tôma về thế giới bình thường, nhưng một thế giới bình thường được duy trì lành mạnh qua sự tiếp xúc liên tục và năng động với những thực tại cao nhất và sâu sắc nhất.

Khả năng nắm bắt những bộ óc vĩ đại khác gần như phi thường này đã sớm xuất hiện ở Chesterton. Ông là một người ham đọc sách từ khi còn trẻ và dường như hoàn toàn hấp thụ được những nhà văn mà ông đã đọc. Nhưng không giống như hầu hết các độc giả “học giả”, ông ghi nhớ những tác giả mà ông rất yêu thích và dường như ngay lập tức có thể liên hệ họ với một sự khôn ngoan vượt thời gian. Tác phẩm Charles Dickens của ông, được viết khi Chesterton mới ngoài ba mươi, cho thấy một sự nắm bắt bách khoa toàn thư về sản lượng khổng lồ của tiểu thuyết gia vĩ đại, nhưng cũng là khả năng vượt quá hàng nghìn trang và nhân vật để đạt tới những khoảnh khắc thấu hiểu sâu sắc đến mức việc không ai từng nghĩ về chúng trước đây quả là một chuyện lạ:

Sức mạnh của ông, như thế, nằm ở chỗ ông phát biểu với một năng lực và sáng chói hiếm hoi những điều gần gũi với tâm trí chung. Nhưng với cụm từ tâm trí chung đơn thuần này, chúng ta đụng tới một lầm lỗi hiện thời. Tính thông thường và tâm trí chung hiện nay thường được nói đến phần nào như có nghĩa một sự thấp kém và tâm trí thấp kém; tâm trí của đám đông đơn thuần. Nhưng tâm trí chung ở đây là tâm trí chung của mọi nghệ sĩ và anh hùng; nếu không nó sẽ không phải chung. Platông có tâm trí chung; Dante có tâm trí chung; hay tâm trí ấy không chung. Tính thông thường nghĩa là phẩm chất chung của thánh nhân và tội nhân, của triết gia và kẻ ngu xuẩn; và chính điều này đã được Dickens nắm bắt và khai triển. Trong mỗi người đều có một thứ gì đó yêu trẻ con, sợ chết, thích ánh sáng mặt trời: thích thưởng thức Dickens. (50)

Để có thể viết được như vậy, cần phải có sự tham gia của chính Chesterton vào “tâm trí chung” đó. Bí quyết, liên quan đến việc hân hoan khám phá ra rằng có một thế giới được tạo ra có thật và cực kỳ đáng lưu ý vượt quá việc sáng tạo của chính chúng ta, là bí quyết ông gán cho Dickens: “Hãy loại bỏ cách học tai hại mà bạn cho là quá rõ ràng; hãy phủ nhận những kiến thức chết người mà bạn cho rằng mình biết. Hãy đầu hàng chính bông hoa của nền văn hóa của bạn; hãy từ bỏ viên ngọc tự hào của bạn. Hãy từ bỏ sự tuyệt vọng hỡi tất cả những ai bước vào đây.” (51)

Tiểu thuyết của Chesterton kỳ vọng các phẩm chất được ông gán cho Dickens. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, The Napoleon of Notting Hill [Napoleon của Notting Hill), kể về một khu vực nổi tiếng của London, không xa nơi Chesterton lớn lên, nổi dậy chống lại sự chuyên chế của chính quyền trung ương thành phố, ly khai khỏi thành phố và bảo vệ các quyền tự do cổ xưa của nó theo thời trung cổ bằng vũ lực chống lại các quận khác của London. Nó chủ yếu là hài hước và không được coi là quá nghiêm túc khi mô tả trận chiến bạo lực giữa các công dân của các khu phố khác nhau, nhưng nó phải được coi là nghiêm túc vì Chesterton, giống như Belloc, đang hướng tới niềm tin rằng các cộng đồng nhỏ trong đó người ta trực diện với nhau là cần thiết để bảo tồn những gì sâu sắc nhất của con người khỏi sự xâm lược quy mô lớn của các lực lượng kinh tế, chính trị và xã hội hiện đại.

Bất chấp những cốt truyện đầy màu sắc và pháo bông bằng lời nói (verbal fireworks) (*), tiểu thuyết của Chesterton — bao gồm loạt truyện Father Brown vô cùng thành công của ông về một thám tử-linh mục, một số trong số đó cũng đã được chuyển thể thành phim (do Alec Guinness đóng vai chính) — bộc lộ hai thiếu sót chung. Đầu tiên, như trường hợp của Belloc, ông luôn viết với một luận điểm rõ ràng. Thí dụ, trong Notting Hill, cộng đồng địa phương và lòng yêu nước hẹp hòi được phát biểu thông qua một kiểu phô trương thời trung cổ. Bất chấp các lý thuyết hiện đại nói ngược lại, không có gì sai khi một tác phẩm nghệ thuật có mục đích giáo huấn, miễn là trước tiên, nó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Nói bất cứ điều gì khác đi sẽ là gạt bỏ ba phần tư nền văn chương của thế giới, từ Homer đến Virgil, Dante đến Shakespeare đến Dickens. Vấn đề phát sinh khi mục đích quan trọng hơn hoặc giáo huấn làm hỏng hình thức nghệ thuật. Chuyện như thế thường xảy ra nơi Chesterton. Hầu hết các tình huống hư cấu của ông đều bất cái nhiên một cách có chủ ý, và việc giải quyết nghịch lý để thoát khỏi các tình huống khác nhau này, một điều dường như có tác dụng tốt trong các tiểu luận nổi tiếng của ông, lại không phù hợp lắm với nhiều tác phẩm hư cấu, vốn thường chứa đựng những cốt truyện khiến các vở nhạc kịch [opera] xem ra có dáng thực tại. Thí dụ, các đàm luận giữa các nhân vật thường có vẻ là ngụy trang cho một số luận điểm được kịch tính hóa hơn là các cuộc trao đổi hư cấu thực sự. (52)

Và một yếu tố thứ hai dẫn khởi từ yếu tố đầu tiên này. Trong The Napoleon of Notting Hill, để tiếp tục với thí dụ trên, thật thú vị khi tưởng tượng London bị chia cắt thành các khu dân cư cạnh tranh mang lại cộng đồng và phong cách hiệp sĩ thực sự. Nhưng thật không vui chút nào khi nghĩ rằng sự tái sinh này phụ thuộc vào chiến tranh đô thị trên đường phố London. Trong một loại sách phù hợp, người đọc có thể ngưng phán xét vì tất cả nhằm mua vui hoặc giả tưởng. Nhưng nơi Chesterton, một phần, nó còn có ý nghĩa giáo huấn nữa. Và điều này, kết hợp với những gì rõ ràng đôi khi chỉ là những trò đùa không trưởng thành, làm giảm chất lượng văn học. Dễ dàng hình dung Chesterton bác bỏ thứ vui nhộn như thế như là “phẩm chất văn chương”. Nhưng khi bạn trước tá văn học—như ông trước tác trong tiểu thuyết, thơ, kịch và truyện—bạn đã bước vào một trong những lĩnh vực được Chesterton yêu thích, vốn có những tiêu chuẩn lâu đời của riêng nó.

Một ngoại lệ đối với phán đoán này có thể là cuốn tiểu thuyết The Man Who Was Thursday [Người có tên Thứ Năm], một tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Nó đã được đọc với sự đánh giá cao của nhiều độc giả khác nhau khắp thế giới và đã ảnh hưởng đến các nhà văn khác như Kingsley Amis, Jorge Luis Borges và Graham Greene. Rất dễ dàng thấy lý do tại sao. Đầu tiên, giống như mọi điều thuộc Chesterton, nó có những nét vẽ thiên tài không hề sút giảm ở từng trang một. Nhưng xét rộng hơn, rất khó để nói “mục đích” của Ngày thứ Năm rốt cuộc là gì, và chính Chesterton có thể cũng không biết, bởi vì cuối cùng, có vẻ như nó đã thoát khỏi sự kiểm soát của chính ông và mở ra một mầu nhiệm tôn giáo nào đó.

Nó cũng bắt đầu bằng một mầu nhiệm. Scotland Yard tuyển dụng Gabriel Syme để giúp chống lại một nhóm vô chính phủ. Anh ta bí mật hoạt động và xâm nhập một trong những "hội đồng" vô chính phủ. Các thành viên lấy tên bí mật theo các ngày trong tuần. Syme là Thứ Năm – cho nên có tựa đề "Người Có tên Thứ Năm". Một thành viên khác của hội đồng mô tả niềm tin vô chính phủ: “Những người theo chủ nghĩa đa cảm ngớ ngẩn của Cách mạng Pháp đã nói về Những Cái Đúng của Con người! Chúng tôi ghét Những Cái Đúng như chúng tôi ghét Những Cái Sai. Chúng tôi đã xóa bỏ Đúng và Sai.” (53) Tất nhiên, đó là một nghịch lý cơ bản của Chesterton: nhiều ý tưởng hiện đại có vẻ tiến bộ ở chỗ chúng vượt qua quá khứ với ấn tượng cho rằng điều này sẽ dẫn đến sự giải phóng con người. Nhưng có một số điều bạn chỉ vượt qua được bằng cách rơi xuống bên dưới. Một hữu thể nhân bản không đúng và sai không hơn—một Siêu nhân—nhưng kém hơn một con người.

Tuy nhiên, trong một bước ngoặt kỳ lạ, sau nhiều cuộc phiêu lưu khác nhau, các thành viên hội đồng đều được tiết lộ là đặc vụ cảnh sát. Mỗi người đều nghĩ rằng mình đang chiến đấu với những người theo chủ nghĩa hư vô nhưng thực sự chỉ đang tiến hành giám sát những hành động giả vờ của nhau. Tất cả họ đã bị thao túng bởi chủ tịch của hội đồng vô chính phủ, có tên là Chúa nhật. Và điều đó chưa phải là tất cả. Ngôi nhà vui nhộn phản ảnh những nghi ngờ và phán đoán sai lẫn nhau này có một bước ngoặt xa hơn khi, vào cuối câu chuyện, Chúa nhật tiết lộ rằng anh ta là nhân viên tuyển dụng ban đầu của Scotland Yard, dường như biến hình từ một người đàn ông thành một điều gì đó khó mô tả - Thiên Chúa, thiên nhiên, Chúa Kitô? - và dẫn họ hết thẩy vào một cuộc rượt đuổi hoang dã. Nhiều yếu tố biểu tượng và phúng dụ nảy sinh trong quá trình rượt đuổi đó, một điều chỉ có thể đánh giá được bằng cách đọc toàn bộ sự việc, nhưng chúng trở nên nổi bật, sau khi dấu vết đã bị mất, trong mô tả của Syme về cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Chúa Nhật:

Syme chậm rãi nói, “Khi gặp Chúa Nhật lần đầu, tôi chỉ nhìn thấy lưng anh ta; và khi tôi nhìn thấy lưng anh ta, tôi biết anh ta là người đàn ông tồi tệ nhất thế giới. Cổ và vai của anh ta rất tàn bạo, giống như của một vị thần khỉ nào đó. Đầu anh ta có dáng gù gù khó giống người, giống như dáng gù của một con bò. Thực thế, ngay lập tức tôi có một tưởng tượng ghê tởm rằng đây hoàn toàn không phải là một con người, mà là một con thú mặc áo người.” (54)

Nhưng khi Syme đi vòng ra phía trước, khuôn mặt của Chúa Nhật làm anh kinh hãi “vì nó quá đẹp, vì nó quá tốt”.

Nó giống như khuôn mặt của một vị tổng lãnh thiên thần cổ xưa nào đó, phán xét công bằng sau những cuộc chiến anh hùng. Trong mắt có cười, trong miệng có vinh và có sầu. Vẫn mái tóc bạc trắng ấy, vẫn đôi vai vĩ đại, xám xịt mà tôi đã nhìn thấy từ phía sau. Nhưng khi tôi nhìn thấy anh ta từ phía sau, tôi chắc chắn anh ta là một con vật, và khi tôi nhìn thấy anh ta từ phía trước, tôi biết anh ta là một vị thần. (55)

Đây là ai, tùy thuộc vào cách bạn nhìn anh ta, dường như có thể là hiện thân của thiện hay ác?

Không có câu trả lời rõ ràng nào sắp xuất hiện cả. Sáu người khác mang tên "ngày" được mời tham dự một cuộc họp với Chúa Nhật và được trao cho quần áo cho thấy họ là sáu loại triết gia khác nhau. Sau đó, Syme cũng hiểu rằng họ đã trải qua thử thách để có thể hiểu biết đầy đủ hơn về thế giới và có thể đáp lại những lời tuyên bố của Satan về sự thờ ơ của Thiên Chúa đối với đau khổ. Và trên con đường của những tầm nhìn vĩ đại, Syme cuối cùng thấy mình, anh không biết bằng cách nào, trở lại thế giới bình thường:

Bình minh đang tỏa trên mọi sự bằng màu sắc vừa rõ ràng vừa rụt rè; như thể Tự nhiên lần đầu tiên thử màu vàng và lần đầu tiên thử màu hồng. Một làn gió thổi rất trong lành và ngọt ngào, đến nỗi người ta không thể nghĩ rằng nó thổi từ bầu trời; nó thổi qua một cái lỗ nào đó trên bầu trời. Syme cảm nhận một sự ngạc nhiên đơn giản khi anh nhìn thấy xung quanh mình mọc lên khắp hai bên đường những tòa nhà màu đỏ, không đều của Công viên Saffron.... Ở đó, anh nhìn thấy em gái của Gregory, cô gái có mái tóc đỏ ánh vàng, đang cắt hoa tử đinh hương trước bữa sáng, với vẻ nghiêm trang vô thức của một cô gái. (56)

Có nhiều điều trong cái kết nhẹ nhàng, dù bỏ lửng, có vẻ hoàn toàn đúng đắn nhưng lại đúng theo cách mà Chesterton đã không lên kế hoạch trước—một bước đột phá lần đầu tiên mang lại cho tính sáng tạo của ông trong các hiệu quả địa phương một khuôn khổ không những chỉ sắp xếp chúng cho một mục đích khá hiển nhiên. Thứ Năm là một câu chuyện đáng lo ngại dù hấp dẫn, thậm chí, quả như thế, đối với Chesterton.

Tuy nhiên, có lẽ cuốn sách vĩ đại nhất của ông thuộc bất cứ thể loại nào là The Everlasting Man [Người vĩnh cửu] (1925)—cuốn sách đã mê hoặc Evelyn Waugh, Graham Greene và nhiều người khác khi nó xuất hiện và rất lâu sau đó. Trong đó, Chesterton đã có những bước đột nhập xuất sắc vào một số cuộc tranh luận khó khăn nhất: Kitô giáo không chỉ là một tôn giáo khác trong cuộc khảo sát tổng quát về các tôn giáo thế giới, và Chúa Kitô (Người vĩnh cửu) tạo ra sự khác biệt trên thế giới như thế nào? Thật sự, có hai con người “vĩnh cửu” được tìm thấy trong cuốn sách. Bên cạnh Chúa Giêsu, còn có một người vĩnh cửu mà chúng ta đã gặp trong phần đối đáp của Chesterton với Siêu nhân của Shaw: “người đàn ông già uống bia, thiết lập tín ngưỡng, chiến đấu, thất bại, nhục dục, đáng kính”. Và chính người đàn ông này, người luôn có những trực giác tôn giáo lộn xộn, từ khi loài người đầu tiên xuất hiện cho đến ngày nay, đã làm mất uy tín những tầm nhìn duy tiến bộ đơn giản như những tầm nhìn trong Outline of History [Bản phác thảo lịch sử] của H. G. Wells. Đối với Wells và nhiều nhà tư tưởng hiện đại, con người tôn giáo chỉ đơn giản là một con trẻ, một người nguyên thủy trong thời thơ ấu của chủng tộc đã bịa ra những câu chuyện cổ tích để giải thích các hiện tượng tự nhiên mà anh ta chưa có lời giải thích khoa học. Chống lại sự bôi lọ các thời kỳ trước đó của con người như nột điều yếu kém hơn so với thời kỳ của chúng ta, Chesterton trình bầy một tầm nhìn về con người không thay đổi qua các thời đại, tầm nhìn này cũng chứng minh cao điểm của nhiều gợi ý và phỏng đoán mơ hồ và mâu thuẫn về sự xuất hiện của Thiên Chúa đích thực trong thế giới.

Sức mạnh lớn nhất mà ông mang đến cho chủ đề này là sự đánh giá cao và kinh nghiệm của chính ông về trí tưởng tượng như một công cụ của sự thật. Nền học giả hiện đại, như chúng ta đã thấy trong trường hợp nghiên cứu Kinh thánh, dường như bị chia rẽ giữa các loại phương thức khoa học, là các phương thức, nếu được sử dụng đúng cách, có thể dẫn đến một số nhận thức nào đó, nhưng nếu sử dụng sai sẽ làm mọi điều vượt ra ngoài những giới hạn không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hoặc chứng minh bằng luận lý. Từ lâu, người ta đã hiểu rõ ràng rằng thực hiện bước đầu tiên đó trong các vấn đề tôn giáo, về căn bản, là loại bỏ những gì Kitô hữu coi là tôn giáo của họ. Ngược lại, những người theo đuổi khía cạnh trực giác hoặc cảm xúc hơn của tôn giáo có xu hướng lạc vào những gì hầu như có vẻ là những câu chuyện thần tiên thuần túy. Chesterton đánh giá cao giá trị chân thực của những câu chuyện cổ tích cũng như tính vui đùa giàu trí tưởng tượng của chúng. Nhưng quan trọng hơn, sự hồi phục của ông qua cơn rồ dại khi còn là một sinh viên nghệ thuật trẻ tuổi đạt đến đỉnh cao ở đây trong sự tổng hợp xuất sắc của một mặt là những gì thuần lý và thực tiễn, và mặt khác những gì tạo nên các hình thức khác nhau của trực giác và trí tưởng tượng tôn giáo đích thực.

Nếu chúng ta nhớ lại trải nghiệm của ông về cơn ác mộng của chủ nghĩa duy ngã và chủ nghĩa duy lý, mà Chesterton phát hiện rải rác dưới nhiều chiêu bài khác nhau trong toàn bộ nền văn hóa hiện đại, thì bức tranh mà ông đang cố gắng phác họa trở nên khá rõ ràng. Các lập luận của ông không hoàn toàn mang tính thần học theo nghĩa thông thường là phân tích hợp lý chặt chẽ các chất liệu Kitô giáo; toàn bộ cách tiếp cận của ông có thể khiến độc giả chới với. Có rất nhiều lập luận rõ ràng trong The Everlasting Man [Người Đàn Ông Vĩnh Cửu], nhưng nó được bối cảnh hóa trong điều có lẽ nên được gọi là nhân học văn chương [literary anthropology]. Thí dụ, Chesterton coi nghệ thuật là ranh giới phân chia giữa con người và mọi điều khác mà chúng ta biết trong quá trình sáng tạo. Động vật đưa ra những suy luận thực tế [practical inferences] đơn giản và một số trong số chúng thậm chí còn sử dụng các công cụ. Thậm chí có những “ngôn ngữ” nguyên thủy có thể phát hiện được ở cá voi, voi, cá heo, các loài linh trưởng bậc cao. Nhưng không có đặc điểm nào của động vật này thực sự có thể so sánh với khả năng tạo biểu tượng và ngôn ngữ của loài người. Chesterton nhận thức được những lời giải thích khoa học có thể phủ nhận sự kiện này, nhưng ông nắm bắt toàn bộ khả năng sáng tạo của con người theo cách làm cho sự phân biệt lớn—và tầm quan trọng của nó đối với việc hiểu về tiền sử và lịch sử loài người—khó có thể phủ nhận.

Tương tự như vậy, một cảm thức văn học nhạy bén giúp ông nhìn thấy các yếu tố trong các truyền thống tôn giáo của con người mà các học giả thuần túy thường bỏ qua. Thí dụ, rất lâu trước khi trường phái “lịch sử tôn giáo” bị chính các học giả tách rời, Chesterton đã biết rằng toàn bộ vấn đề này là một “lỗi phân loại”, một điều khá rõ ràng trong những cuốn sách có ảnh hưởng một thời như The Golden Bough [Cành vàng] của Frazer. Ông thừa nhận rằng có những yếu tố chung trong các truyền thống văn hóa, đặc biệt là trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, vốn có chung một số lịch sử. Nhưng những thứ đã được phân loại là “tôn giáo” không hoàn toàn giống nhau. Thí dụ, các vị thần và nữ thần trong thần thoại Hy Lạp và La Mã dường như không thực sự là “tôn giáo” của các quốc gia đó. Từ Platông đến Virgil đến Marcus Aurelius, dường như đã có một thuyết độc thần lâu đời hơn, chưa phát triển và có thể là dấu tích của một trật tự cũ hơn, cùng tồn tại với những điều ít nghiêm túc hơn nhiều—và Chesterton đúng khi thấy—đôi khi chỉ là những câu chuyện khôi hài về các vị thần (yếu tố vui tươi này, cũng tồn tại trong các câu chuyện về những kẻ lừa đảo, chó sói, v.v. của người Mỹ bản địa, vẫn là một yếu tố tương đối bị bỏ quên trong học thuật tôn giáo). Ông có thể là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rõ ràng rằng, vì các nền văn hóa nhân bản trước đó chứa đựng những con người thông minh như chúng ta, nên không những một thiên tài hiếm hoi như Socrates mới biết rằng những câu chuyện tầm phào hoặc phù phiếm về các vị thần là không xứng đáng với tôn giáo. Nhưng Chesterton thậm chí còn đi xa Socrates hơn khi hiểu rằng những câu chuyện thần thoại có thể vừa khôi hài vừa đáng được quan tâm một cách nghiêm túc.

Khi bạn bắt đầu chuyển sang các nền văn hóa khác, ông lưu ý một cách đúng đắn, ý tưởng về “tôn giáo” thế giới thậm chí còn khó xác định hơn. Chẳng hạn, Nho giáo, theo nhiều cách là một thuyết bất khả tri về đạo đức, có rất ít điểm chung với các giáo phái Trung Đông hoặc Trung Mỹ cổ đại thực hành hiến tế con người và một số thứ như nghệ thuật hắc ám. Ở một nơi như Ấn Độ, liệu Ấn Độ giáo, với hàng ngàn nam nữ thần thánh, có thuộc cùng loại với Phật giáo, một tôn giáo có chủ nghĩa khổ hạnh khắc khổ và, theo cách của nó, là một loại giải thoát thông qua sự tự hủy [self-annihilation]? Ông lập luận rằng các nhầm lẫn giữa tất cả những điều này đã nảy sinh, chủ yếu vì, ở một thời điểm nhất định trong lịch sử phương Tây, người ta muốn sử dụng các điểm tương đồng để phủ nhận tính độc đáo của Kitô giáo—nói cách khác, theo Chesterton, những điểm song hành dường như đúng với những người một phần rời bỏ Kitô giáo nhưng chưa đủ xa để nhìn thấy nó một cách tổng thể và về điều độc đáo, trong những khía cạnh quan trọng, thấy nó thực sự là: “sự sụp đổ của tôn giáo so sánh khi không có sự so sánh giữa Thiên Chúa và các vị thần minh.” (57)

Vì vậy, để làm rõ nét độc đáo đó, ông kích thích trí tưởng tượng—“tưởng tượng không có nghĩa là hoang tưởng (imaginary)” (58)— hơn là đưa ra các lập luận triết học hoặc thần học thông thường. Hoàn toàn tách rời khỏi công việc riêng của triết học và thần học, những yếu tố tưởng tượng này gợi ý những tương ứng trong thế giới “dường như thực sự tương ứng với một điều gì đó trong tâm hồn”. (59) Và điều này phải đóng một vai trò lớn lao trong việc các cố gắng phân tích sau này nên tự hiểu ra sao vì “ai không có thiện cảm với thần thoại thì không có thiện cảm với con người.” (60) Trong quan điểm rộng lớn và giàu trí tưởng tượng này về vang vọng tôn giáo của nhân loại, hai yếu tố lớn cuối cùng phải được dung hòa: “Những dòng sông thần thoại và triết học chạy song song và không trộn lẫn với nhau cho đến khi chúng gặp nhau ở đại dương thế giới Kitô giáo.” (61) Chỉ ở đó, những tìm kiếm của cả trí tưởng tượng lẫn lý trí mới kết hợp thành một “sự thật hoàn chỉnh và phức tạp”. (62)

Một điều như sự thật như thế cho thấy rõ ràng là con người phức tạp hơn người ta thường nghĩ và không bị thúc đẩy chủ yếu hoặc phần lớn bởi các yếu tố kinh tế và vật chất, như hầu hết các lý thuyết hiện đại giả định. Tất nhiên, có những nhu cầu vật chất thực sự, nhưng những nhu cầu đó hầu như không làm cạn kiệt cuộc sống con người. Thật vậy, cuộc sống con người là một điều gì đó hoàn toàn khác với tầm nhìn của Homo economicus [nhân dạng kinh tế] hay Homo Politicus [nhân dạng chính trị] có thể nắm bắt được. Hoặc, như Chesterton nói, “Lịch sử kinh tế thậm chí sẽ không phải là lịch sử.” (63) Có một đặc điểm kỳ quặc trong nhiều trước tác về lịch sử hiện đại là câu chuyện nội tại của con người, phần mà tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm, là phản ứng thực sự của chính chúng ta đối với thế giới, gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Kể từ khi Chesterton viết, đã có rất nhiều sự nhấn mạnh vào lịch sử được viết “từ bên dưới” về cuộc sống bình thường, nhưng điều đó thường sử dụng các lăng kính chủ nghĩa Mác hoặc các hệ tư tưởng khác mà bỏ sót những điều tối hậu của con người: “Chúng ta muốn biết tình cảm thực sự vốn là dây nối kết xã hội của nhiều con người bình thường, lành mạnh và vị kỷ như chúng ta.” (64) Nhiều việc, có lẽ hầu hết mọi việc, được thực hiện với những động cơ và mục tiêu khác xa nhau:

Sẽ khó để chủ trương rằng các Thập tự quân đã từ quê hương họ đi vào một vùng hoang địa hoang vu bởi vì những con bò từ vùng hoang địa đã đi tới những bãi cỏ thoải mái hơn. Sẽ khó có thể khẳng định rằng các nhà thám hiểm Bắc cực đã đi về phía bắc với cùng một động cơ vật chất từng khiến những con én bay về phía nam. Và nếu bạn loại bỏ những thứ như mọi cuộc chiến tôn giáo và tất cả những cuộc khám phá phiêu lưu đơn thuần ra khỏi câu chuyện của con người, thì không những nó ngưng, không còn là nhân bản nữa mà cả như một câu chuyện nó cũng không còn là nữa. Đường nét của lịch sử được tạo nên từ những đường cong và góc độ quyết định do ý chí của con người ấn định. Lịch sử kinh tế thậm chí sẽ không còn là lịch sử.

Nhưng có một sai lầm sâu xa hơn bên cạnh sự thật hiển nhiên này; đó là con người không cần phải sống vì thức ăn chỉ vì họ không thể sống thiếu thức ăn. Sự thật là điều hiện diện nhiều nhất trong tâm trí con người không phải là bộ máy kinh tế cần thiết cho sự hiện hữu của họ; mà đúng hơn là chính sự hiện hữu đó; thế giới mà họ nhìn thấy khi thức dậy mỗi sáng và bản chất của vị trí tổng quát của họ ở trong đó. Có một thứ gần gũi với họ hơn là sinh kế, và đó là sự sống. Vì một khi họ nhớ chính xác việc làm nào tạo ra tiền lương của họ và chính xác tiền lương tạo ra các bữa ăn của họ, họ đã mười lần nghĩ rằng đó là một ngày đẹp trời hay đó là một thế giới kỳ lạ, hoặc tự hỏi liệu cuộc sống có đáng sống không, hoặc tự hỏi liệu hôn nhân có thất bại hay không, hoặc hài lòng và bối rối với những đứa con của chính mình, hoặc nhớ lại tuổi trẻ của chính mình, hoặc bằng bất cứ cách nào như vậy đánh giá một cách mơ hồ về số phận mầu nhiệm của con người. (65)

Điều này có vẻ là một lời bào chữa đặc biệt, nhưng Chesterton lập luận rằng nó phản ảnh những sự kiện khó nhá hơn là các phương thức một nguyên nhân [monocausal]: “Chừng nào chúng ta còn bỏ qua khía cạnh chủ quan này của lịch sử, có thể gọi đơn giản hơn là phần bên trong của lịch sử, thì sẽ luôn có một giới hạn nhất định đối với khoa học đó mà nghệ thuật có thể vượt qua tốt hơn. Chừng nào nhà sử học còn không làm được điều đó, thì hư cấu sẽ đúng hơn sự thật. Sẽ có nhiều thực tại hơn trong một cuốn tiểu thuyết; vâng, ngay cả trong một tiểu thuyết lịch sử.” (66)

Chesterton không hiểu điều này theo nghĩa trừu tượng nào đó. Ông cho thấy khá chính xác sự kiện này là mọi người tham gia chiến tranh - những người lính thực sự, nghĩa là, bất kể các chính trị gia có ý định gì - vì quan điểm tối hậu của họ về sự vật, nghĩa là về tôn giáo của họ. Họ không chiến đấu để bảo đảm các cảng nước ấm hoặc tài nguyên thiên nhiên; đúng hơn, họ làm như vậy để bảo vệ quê hương—hoặc chọn không làm như vậy bởi vì họ tin rằng có điều gì đó còn quan trọng hơn điều đó hoặc bất cứ điều gì các chính trị gia đã chọn để nói với họ. Những người không tin vào việc hành động vì những mục tiêu tối thượng như vậy làm như thế bởi vì quan điểm tối hậu của họ về sự vật là Thiên Chúa không có thật, và họ coi mọi tình cảm cao đẹp, tinh thần hiệp sĩ, lòng yêu nước và những lý tưởng khác do đó đều không có thực. Nhưng đối với hầu hết con người ta, chúng hoàn toàn có thật, trên thực tế, là những thứ có thật nhất. Và do đó, bất cứ giải trình nào về những sự việc nhân bản mà bỏ qua tôn giáo như một động lực chính bề mặt của nó là một giải thích không đầy đủ. Và chủ chốt trong số những giá trị tối thượng này là gia đình: “Chỉ những người đàn ông coi gia đình là thánh thiêng mới có tiêu chuẩn hoặc tư cách để chỉ trích nhà nước.” (67)

Sau khi thiết lập tính trung tâm của chủ nghĩa hữu thần, Chesterton chuyển sang những tuyên bố chuyên biệt của Kitô giáo. Ông lập luận, sẽ không có ích gì khi nói với những người theo chủ nghĩa duy lý rằng việc Thiên Chúa trở thành Người là điều không thể xảy ra. Bản thân Kitô giáo luôn coi đó là điều hơn hẳn bất cái nhiên, trên thực tế, là một phép lạ thần thánh. Về vấn đề này, ngay từ đầu, nó đã tuyên bố một cách công khai những gì mà những người khác cho rằng chỉ mới phát hiện ra gần đây. Và mặc dù câu chuyện này có những điểm tương đồng với những câu chuyện thần thoại, nhưng nó khác với những câu chuyện đó - một lần nữa, kể từ khi câu chuyện bắt đầu được kể - ở chỗ những người kể đã khẳng định nó không phải chỉ là một câu chuyện mà thực sự nó có thật. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự kiện là sự ra đời của Chúa Giêsu giống như bất cứ đứa trẻ nào khác, từ một người mẹ nhân bản. Tuy nhiên, cuộc đời của Chúa Giêsu vượt xa mọi phạm trù hiểu biết thông thường của chúng ta.

Chesterton thử một thử nghiệm khó khăn là đọc các sách Tin Mừng như thể ông chưa từng nghe về chúng trước đây. Theo mức độ đó, ông nói, Chúa Giêsu khá phi thường. Người hoàn toàn không phải là người của thời đại mình, như khoa phê bình lịch sử thường nghĩ, và việc Người bị bác bỏ trong thời đại của Người đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, Người không phải là người chủ hòa dịu dàng theo cách tiếp cận nhạt nhẽo hiện đại đối với các sách Tin Mừng. Chesterton nói, có một sự khốc liệt vào những thời điểm bất ngờ trong các giải trình về Chúa của chúng ta đòi một thứ luận lý thu hút nhưng vượt quá chúng ta. Nhưng có lẽ điều nổi bật nhất về các sách Tin Mừng là một loại thiên tài văn chương không thể chỉ xuất phát từ các thiên tài văn học. Trong một đoạn văn thiên tài theo đúng nghĩa của nó, Chesterton đưa ra một Thí dụ:

Có lẽ không có gì hoàn hảo trong bất cứ ngôn ngữ hay văn học nào bằng việc sử dụng ba mức độ này trong câu chuyện dụ ngôn về hoa huệ ngoài đồng; trong đó dường như trước tiên Người cầm một bông hoa nhỏ trong tay và ghi nhận sự đơn giản và thậm chí sự bất lực của nó; rồi đột nhiên mở rộng nó trong những màu sắc rực rỡ vào tất cả các cung điện và các sảnh đường đầy tên tuổi trong truyền thuyết và vinh quang quốc gia; và sau đó, đến lần đảo ngược thứ ba, một lần nữa thu nhỏ nó thành hư không bằng một cử chỉ như thể ném nó đi '... và nếu Thiên Chúa mặc cho cỏ cây, hôm nay còn ngày mai bị ném vào lò lửa, thì huống chi!...’ Nó giống như việc xây dựng một tòa tháp Babel tốt bằng ma thuật trắng trong một khoảnh khắc và trong chuyển động của một bàn tay; một tòa tháp đột ngột nhô lên trời, trên đỉnh có thể nhìn thấy hình người từ xa, cao hơn chúng ta tưởng tượng; được ba vô cực trên tất cả những thứ khác nâng lên một bậc thang đầy sao của luận lý nhẹ nhàng và trí tưởng tượng nhanh chóng. Nếu chỉ xét về khía cạnh văn học, nó sẽ là một kiệt tác hơn hầu hết các kiệt tác trong các thư viện; nhưng dường như nó được thốt ra gần như ngẫu nhiên trong khi người ta hái một bông hoa. (68)

Và Chesterton đưa ra một chủ trương khác về tính độc đáo của Kitô giáo. Không có đức tin nào khác nói rằng các tín hữu của nó đã lẫn lộn người sáng lập của nó với Thiên Chúa. Môsê không được coi là Giêhôva, Mohammed cũng không phải là Allah. Lời tuyên bố của Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng, “Ta hiện hữu trước khi có Ápraham,”, thật kỳ lạ theo cách tiếp cận “lịch sử các tôn giáo” thông thường — vốn xem tất cả các tôn giáo, bất chấp những khác biệt rõ ràng về sự kiện, về căn bản, là y như nhau — đến nỗi sự kỳ quặc tuyệt đối của Kitô giáo về điểm này ít nhất phải được ghi nhận. Nó cũng kỳ quặc theo quan điểm của Do Thái giáo vào thế kỷ thứ nhất và loại não trạng mà các tông đồ có thể đã có. Và nó vẫn ở đó, bây giờ cũng đáng chú ý như lúc đó.

Cha Ian Ker, một linh mục thuộc dòng Oratory và là học giả Newman, đã lập luận một cách sâu sắc rằng Chesterton đã thực hành điều mà ngài gọi là “Đạo Công Giáo của Dickens”. Việc Chesterton từ sớm bác bỏ cơn ác mộng của lý trí duy vật và lòng biết ơn mạnh mẽ đối với sự hiện hữu đơn thuần của vũ trụ đã khiến ông trở nên phấn khích trước những điều thông thường gần giống với thái độ của một tiểu thuyết gia vĩ đại thế kỷ 19. Ở Dickens, Chesterton đã phát hiện ra một trong những nhà văn, giống như ông, cùng nhau giữ thái độ bi quan không thể tránh khỏi mà chúng ta cảm thấy trước cái ác trên thế giới và sự lạc quan của chúng ta trước vẻ đẹp và sự hiện hữu đơn thuần của nó: họ “không tán thành vũ trụ; thậm chí họ không ngưỡng mộ vũ trụ. Họ yêu mến nó. Họ ôm lấy cuộc sống gần đến độ không còn chỉ trích hoặc thậm chí nhìn thấy nó. Với những con người như vậy, sự hiện hữu mang vẻ đẹp hoang dã của một người đàn bà, và những người yêu cô mãnh liệt nhất chính là những người yêu cô ấy một cách ít có nguyên cớ nhất.” (69)

Tất nhiên, Chesterton quan niệm điều này trong bối cảnh tín điều Kitô giáo: tín điều về sự tốt lành của sáng thế Thiên Chúa và những điều xấu xa do Sự sa ngã gây ra. Nhưng điều này làm nảy sinh một nghịch lý nữa—và có lẽ là một vấn đề. Dickens không những bác bỏ, ông còn khinh miệt đạo Công Giáo thời trung cổ, đạo mà cả Chesterton và Belloc đều coi là nguồn gốc của tính hồ hởi [exuberance] hết sức nhân bản. Bạn chỉ có thể thực sự hân hoan nếu vũ trụ, vào lúc tận cùng mọi sự, là niềm vui. Chesterton đã viết một cuốn sách về Chaucer, trong đó ông đã tạo ra mối nối kết khá chặt chẽ này. Nhưng còn Dickens thì sao? Làm sao ông ta có được tình cảm Công Giáo mà không có niềm tin Công Giáo? Bản thân Chesterton cũng từng đạt tới điểm tương tự trong thời thơ ấu của mình, trước khi trở lại Công Giáo khá trễ sau này. Có thể lập luận rằng một số tâm hồn vĩ đại, nhờ ân sủng không thể giải thích được của Thiên Chúa, đã đạt tới cuộc sống Công Giáo điều mà, như chúng ta đã thấy ở trên, Belloc cũng đã cổ vũ: “Nhưng những người Công Giáo sống nhờ rượu / Chìm sâu trong nước, và thẳng thắn và tinh tế.” (70) Tuy nhiên, nhận thức đó đã hạ giá mối liên hệ khá chặt chẽ mà cả Chesterton và Belloc rút ra giữa niềm tin Công Giáo và sự lành mạnh của xã hội. Và sự kiện phần lớn những người Công Giáo dường như không chia sẻ sự hồ hởi thiêng liêng của Dickens, Belloc và Chesterton càng làm phức tạp thêm bất cứ bức tranh đơn giản nào.

Điều Chesterton nhìn thấy ở Dickens hết sức rực rỡ và chắc chắn; những gì ông lập luận từ Dickens rất hữu ích nhưng ít chắc chắn hơn. Điều này sẽ không quan trọng lắm nếu nó không cho mình, theo một nghĩa nào đó, là một mô tả chuẩn mực về văn học “Công Giáo”. Chắc chắn, sự nồng nhiệt hàng ngày đối với thế giới và niềm vui về tất cả con cái của Thiên Chúa là một loại văn học Công Giáo, cho dù nó xuất hiện ở một người Công Giáo như Chaucer hay một người không Công Giáo như Dickens. Bản thân Chesterton và Belloc đã làm việc rất nhiều trong lĩnh vực này (mặc dù Belloc, ít nhất phải nói rằng, không được tất cả những đứa con của Thiên Chúa hài lòng như nhau). Nhưng chúng ta biết nói gì về một tác phẩm như Divine Comedy [Thần Kịch] của Dante, tác phẩm thi ca Công Giáo vĩ đại nhất từng được viết, hai phần ba trong số đó kể chi tiết về tội lỗi đáng sợ (Inferno) và sự thanh tẩy đau đớn tột cùng (Purgatorio). Ngay cả Thiên đường cũng trình bày Phúc Kiến [Beatific Vision] như một sự phát triển đau đớn thường xuyên của thị giác con người. Và mặc dù có rất ít hài kịch, như Chesterton thường hiểu về nó, nhưng trong Thần Kịch, Dante coi tác phẩm của mình là hài kịch vì nó kết thúc có hậu cho người hành hương.

Đức Hồng Y Newman đã trực tiếp đề cập đến khó khăn này trong The Idea of a University [Ý tưởng về một trường đại học] khi ngài nói rằng văn học, dựa vào tình trạng sa ngã của con người, sẽ không đơn giản là Kitô giáo theo nghĩa thuần túy giáo dục và nâng cao tinh thần. Giống như chính Kinh thánh, văn học sẽ cho thấy cả ánh sáng lẫn bóng tối trong thân phận con người. Rõ ràng, một số thể loại văn học—thơ thiếu nhi hoặc hài kịch nhẹ nhàng, trong số những thể loại khác—không cần phản ảnh tội lỗi và sai lầm mà bất cứ Kitô hữu trưởng thành nào cũng biết đã đi qua thế giới và trái tim của chính mình. Nhưng khi chúng ta xem xét toàn bộ văn học, bên cạnh sự hồ hởi và tình yêu sáng tạo của Dickens và Chesterton, chúng ta nên mong đợi tìm thấy nhiều thứ khác bên cạnh đó, và không phải lúc nào ý thức thần học cũng cho rằng chúng ta là những người tham gia vào một vở hài kịch thần thánh. Và trên thực tế, một số tác phẩm văn học Công Giáo vĩ đại nhất cùng thời với hoặc sau Chesterton một chút—Hopkins, Graham Greene, Waugh, trong số những người Anh, và Mauriac, Undset, Flannery O'Connor, trong số nhiều người khác ở những nơi khác—cung cấp sự xác nhận thực nghiệm cho sự phân tích này. Chúng ta sẽ chuyển sang một vài tác giả trong số này trong phần tiếp theo.

Kỳ tới: Gerard Manley Hopkins