Jonathan Liedl của hãng tin CNA, ngày 1 tháng 11, tường trình rằng Đức Phanxicô đã kêu gọi một “sự thay đổi mô hình” trong thần học Công Giáo, lấy việc tham gia rộng rãi với khoa học, văn hóa đương thời và kinh nghiệm sống của con người làm điểm khởi đầu thiết yếu.



Trích dẫn sự cần thiết phải giải quyết “những biến đổi văn hóa sâu sắc”, Đức Giáo Hoàng đã trình bày tầm nhìn đầy ấn tượng của mình về tương lai của thần học Công Giáo trong một tự sắc mới được ban hành hôm nay.

Với tiêu đề Ad Theologiam Promovendam, hay “để thúc đẩy thần học”, tài liệu sửa đổi các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học (PATH) “để làm cho chúng phù hợp hơn với sứ mạng mà thời đại chúng ta đặt ra đối với thần học”.

Đức Giáo Hoàng viết trong tông thư: “Thần học chỉ có thể phát triển trong một nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ giữa các truyền thống và kiến thức khác nhau, giữa các niềm tin Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác nhau, tiếp xúc một cách cởi mở với mọi người, những người có niềm tin cũng như những người không có niềm tin”.

‘Theo ngữ cảnh từ nền tảng'

Đức Phanxicô viết rằng thần học Công Giáo phải trải qua một “cuộc cách mạng văn hóa can đảm” để trở thành một “thần học theo ngữ cảnh từ nền tảng”. Được hướng dẫn bởi sự nhập thể của Chúa Kitô vào thời gian và không gian, cách tiếp cận thần học này phải có khả năng đọc và giải thích “Tin Mừng trong những điều kiện mà con người nam nữ sống hàng ngày, trong những môi trường địa lý, xã hội và văn hóa khác nhau”.

Đức Giáo Hoàng đã tương phản cách tiếp cận này với một nền thần học chỉ giới hạn ở việc “đề xuất lại một cách trừu tượng các công thức và kế hoạch từ quá khứ” và lặp lại lời chỉ trích lâu dài của ngài về “nền thần học quanh quẩn ở bàn giấy”. Thay vào đó, ngài nhấn mạnh rằng các nghiên cứu thần học phải cởi mở với thế giới, không phải như một “thái độ ‘chiến thuật’” mà như một “bước ngoặt” sâu sắc trong phương pháp của chúng, điều mà ngài nói phải là “quy nạp”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng việc xem xét lại thần học từ dưới lên này là cần thiết để hỗ trợ tốt hơn cho sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.

Đức Giáo Hoàng viết: “Một Giáo hội đồng nghị, truyền giáo và ‘đi ra ngoài’ chỉ có thể tương ứng với một nền thần học ‘đi ra ngoài’”.

Liên quan đến điều này, Đức Giáo Hoàng nói, cách tiếp cận đối thoại này có thể cho phép thần học “mở rộng ranh giới” của lý luận khoa học, cho phép nó vượt qua các xu hướng phi nhân hóa.

‘Xuyên ngành’ và mục vụ

Để đạt được “thần học ‘đi ra ngoài’ này,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng thần học phải trở thành “xuyên ngành”, một phần của “mạng lưới các mối liên hệ, trước hết với các ngành khác và kiến thức khác”. Ngài viết, sự dấn thân này dẫn đến “nhiệm vụ khó khăn” của các nhà thần học là sử dụng “các phạm trù mới được phát triển bởi kiến thức khác” để “thâm nhập và truyền đạt các chân lý đức tin và truyền tải lời dạy của Chúa Giêsu bằng các ngôn ngữ ngày nay, một cách độc đáo và ý thức phê phán.”

Đức Phanxicô cũng viết rằng ưu tiên phải được dành cho “kiến thức về ‘lẽ thường’ của con người”, điều mà ngài mô tả như là một “nguồn thần học trong đó có nhiều hình ảnh về Thiên Chúa sống động, đôi lúc không tương ứng với khuôn mặt Kitô giáo về Thiên Chúa, duy nhất và luôn luôn yêu thương."

Đức Giáo Hoàng nói rằng “dấu ấn mục vụ” này phải được đặt trên toàn bộ nền thần học Công Giáo. Được mô tả là “thần học đại chúng”, bằng cách bắt đầu từ “những bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể khác nhau trong đó con người được đưa vào” và để mình “bị thách thức nghiêm trọng bởi thực tại”, suy tư thần học có thể hỗ trợ việc phân định “các dấu chỉ thời đại”.

Đức Giáo Hoàng viết thêm, “Thần học đặt mình vào việc phục vụ việc truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội và truyền tải đức tin, để đức tin trở thành văn hóa; nghĩa là, triết lý hành động đầy khôn ngoan của dân Chúa, một đề xuất về vẻ đẹp nhân bản và nhân bản hóa cho tất cả mọi người”.

Các quy chế mới

Sự thay đổi của Đức Giáo Hoàng trong việc nhấn mạnh đến thần học Công Giáo đã được phản ảnh trong các quy chế mới được ban hành cho Giáo hoàng Học viện Thần học. Ad Theologiam Promovendam đã chuyển tập chú của học viện 200 năm tuổi này từ “cổ vũ cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin” sang cổ vũ “đối thoại xuyên ngành với triết học, khoa học, nghệ thuật và tất cả các kiến thức khác”. Các quy chế mới đặt Giáo hoàng Học viện Thần học “phục vụ các định chế học thuật dành riêng cho thần học và các trung tâm phát triển văn hóa và kiến thức khác quan tâm đến việc tiếp cận con người trong bối cảnh đời sống và tư tưởng của họ”.

Sự thay đổi này đã được chủ tịch Giáo hoàng Học viện Thần học, Giám mục Antonio Staglianò hoan nghênh.

Vị giáo chủ người Ý nói trong một thông cáo báo chí, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô giao phó cho Giáo hoàng Học viện của chúng ta một sứ mệnh mới: đó là thúc đẩy mọi lĩnh vực kiến thức, thảo luận và đối thoại nhằm tiếp cận và lôi kéo toàn thể dân Chúa vào nghiên cứu thần học để đời sống của người dân trở thành cuộc sống thần học.”

Quy chế mới kêu gọi Giáo hoàng Học viện Thần học tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các nhà thần học của Công Giáo và “của các tuyên tín Kitô giáo khác hoặc tôn giáo khác”. Học viện cũng sẽ “kết nối” với các trường đại học và trung tâm sản xuất văn hóa và tư tưởng” và khám phá những cách thức “đủ tiêu chuẩn về văn hóa” để đề xuất Tin Mừng như một hướng dẫn cuộc sống cho ngay cả những người vô thần, một quá trình được mô tả trong thông cáo báo chí Giáo hoàng Học viện Thần học là “phổ biến sự khôn ngoan”.

Hòa hợp với “huấn huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, theo quy chế mới, Giáo hoàng Học viện Thần học cũng sẽ thực hiện cam kết “bác ái trí thức” bằng cách tập trung vào các câu hỏi và nhu cầu của những người “ở các vùng ngoại vi hiện sinh”.