Lá thư Canada
VẪN NHƯ XƯA


Tôi đã định thôi viết vì tuổi già sức yếu nhưng dân làng không cho, người đòi tôi viết tiếp như trước mà tha thiết nhất là Cụ.B.95 và Chị Ba Biên Hòa. Hai vị này đã nghiện chữ của tôi. Ngoài hai nữ vĩ nhân trên thì các nhà quân tử như Cụ Chánh, ông ODP, ông Từ Hòe cũng dục tôi cầm bút trở lại vì các bài tôi viêt được coi là sổ nhât ký của làng. Thấy những lời yêu cầu tha thiết quá nên từ bữa nay kẻ hèn này xin lai rai như thường lệ nhưng chắc là không dài như trước.

Làng An Lạc của tôi gồm toàn các vĩ nhân cao niên, xưa thì họp nhau hàng tháng và các dịp lễ lớn, nay thì họp hàng tuần, xưa thì luân phiên, bây giờ thì luôn luôn là nhà Cụ Chánh tiên chỉ và luôn là chiều chủ nhật sau khi mọi người đã đầy đủ bỏn phận với gia đình
Xưa thì các vĩ nhân quân tử chúng tôi ưa nói các chuyện thời sự như chuyện Cô Víd-19, chuyện Tàu Cộng Trập Cận Bình, chuyện Ông Putin xâm lăng xứ Ukraine, chuyện Đức Giáo Hoàng tông du Mông Cổ, chuyện Cụ Biden thăm VN.. Bây giờ làng tôi trở thành các triết gia, toàn bàn chuyện đời người pha với các chuyện cười, coi như chia sẻ các kinh nghiệm sống để ai cũng được hạnh phúc hơn.

Tuần qua, trong phần uống trà sau bữa ăn, cụ già B.95 nhìn ông H.O. rồi bảo : Tôi toàn nghe chuyện của người khác mà chưa nghe anh nói gì về Anh. Nào, anh có chuyện gì vui thì kể cho cả làng nghe đi. Ông H.O.liền cười ồ ồ rôi nói : Tuần qua tôi nhận được thư một người bạn già từ miền tây, anh này cũng già và tếu như phe già chúng ta, tôi thấy bức thư hay quá nên có đem theo đây, bây giờ tôi xin đọc một đoạn anh tả về đời già của mình nha. Nói rồi ông H.O. lôi trong túi ra lá thư và đọc :

… Buổi sáng ư? tao dậy muộn một chút, ngáp hai ba cái thật to rồi vươn vai cũng hai ba cái thật khỏe, mắt nhắm mắt mở, bò ra khỏi giường, khệnh khạng ra mở cửa lấy tờ báo, rồi chưa vội đánh răng rửa mật cạo rậu, tao lò mò xuống bếp tìm cái hộp cà phê, múc 2 muỗng, nấu nước sôi đổ vào cái phin, rồi bỏ bánh mì vào nướng. Khi nào ngửi thấy mùi cháy khét là biết bánh mì và cà phê đã xong, liền ngưng đọc báo, mở TV coi tin tức, gác một chân lên bàn, ôi nó sướng làm sao. Rồi bỏ gác chân mà ngồi chồm hổm trên ghế, vừa ăn bánh mì vừa húp cà phê, nuốt cái ực. Rồi khà một tiếng thật lớn. Khoái quá sức. Ôi tuổi già,sao mà nó sướng làm vậy…

Ông Từ Hòe nghe xong thì nói ngay : Đúng là chúng ta đang sống trên đất thiên đàng. Tôi cũng giống y như bạn anh, cũng múa may chừng đó động tác. Mãi rồi mới xong các động tác vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt, thay quần áo cho ngày mới, và ngày mới mới thưc sự bắt đầu. Ôi bọn già làng ta sao mà sướng thế này. Mà có lẽ chẳng riêng gì dân già làng ta mà tôi thấy hình như người Việt người Tàu trên đất này ai cũng sướng như vậy, phải không cơ?

Anh John chồng Chị Ba Biên Hòa lên tiếng ngay : Bây giờ thì đúng, chứ trên đất Canada này ngày xưa người Tàu khổ cực vô cùng. Nghe xong câu này thì ai cũng giật mình, ai cũng hỏi vậy sao. Anh John dân da trắng gốc Canada liền kể : Theo sử thì cuối thế kỷ 19, khi vừa lập quốc, Canada đã không cho người Tàu vào xứ này. Ai muốn vào thì phải nộp thuế đầu người gọi là Head Tax. Con số thuế này tăng lên khủng khiếp. Từ $50/ năm 1885, lên $100 /năm 1990, lên $500 /năm 1903.Theo các tài liệu thì giá trị đồng tiền Canada lúc đó lớn lắm : một bữa ăn đầy dủ ở nhà hàng lúc đó là 20 cents, lương tháng công nhân làm 7 ngày một tuần là $20. Chưa hết. Năm 1923, tức là cách đây 100 năm, Canada cấm người Tàu họp nhau sinh hoạt. Từ năm 1923 tới 1941, chỉ có 150 người Tàu được vào Canada. Báo còn ghi ở BC có hàng ngàn dân da trắng đã xuống đường ném đá và phá tài sản người Tàu. Từ năm 1885 đến 1923 Canada đã thu được 23 triệu đồng do thuế đầu người từ người Tàu. Số tiền 23 triệu đồng này lúc đó có thể mua được 3 lãnh thổ Alaska, Hoa Kỳ đã mua Alaska với giá 7.2 triệu đồng từ Nga ! Trong thế chiến thứ I, 5,000 người Tàu đã bị chở sang Pháp để đào hầm cho quân đội Đồng Minh.

Kể đến đây xong thì nhà sử học John vừa cười vừa kết luận : Thế mới biết Canada đã cưng các ngườu tỵ nạn VN sau 1975 biết chừng nào ! Ông Từ Hòe đáp ngay : Mà nếu không có chiến tranh VN và hiệp ước 1973 thì Anh và phái đoàn Canada làm gì có cơ hội sang VN tham gia ủy ban kiểm sát đình chiến và gặp gỡ Chị Ba Biên Hòa.

Cả làng An Lạc đã cười òa khi nghe đến đây. Quả là duyên số.

Ông Từ Hòe để cho làng cười xong liền nói tiếp : Người Tàu bị kỳ thị năm xưa ớ Canada, còn ở VN thì người Tàu không bị kỳ thị mà còn được cho ở, cho sinh họa buôn bán, đa số họ là những người Minh Hương, những người phù Minh diệt Thanh. Họ đã hòa nhập với đời sống Viêt Nam. Họ là những người Hẹ, Tiều, Phúc Kiến Quảng Đông. Mạc Cửu là người Tàu có công đầu khai phá và xây dựng Hà Tiên…

Nhân vì có lá thư ông H.O đem ra đọc làm tôi nhớ tới người anh họ của ông, một người trí thức rất nổi tiếng, chủ bút một thời của tuần san Thời Báo Canada, đó là GS Trần Quốc Hùng, bút hiệu là Thày Khóa Tư. Tôi có số hên nên được quen thân với nhà văn nhà giáo khả ái này. GS Hùng nổi danh ngay từ thời trước 1975. Ông là người tinh thông văn học VN và Tàu. Tôi thích nhất những câu đối tuyệt hay của ông mà ai cũng nhớ và thích. Chẳng hạn câu đối về phở, chỉ 2 câu 10 chữ mà ông nói hết được mọi thứ của một tô phở ngon ở Saigon :
- Tái chin nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá sống
- Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành trần

Và câu đối tiếp theo rất nổi tiếng nói về Tết mà xưa ở Saigon ai cũng nhớ. Nó hay đến nỗi nhà báo Thiên Hổ tức LM Thanh Lãng chủ tịch Văn Bút VN trước 1975 đã ca ngợi “ câu đối này đáng sơn son thếp vàng và ghi vào văn học sử VN”. Nhà báo nổi tiếng Chu Tử đã trả 20.000 $ đăng trên nhật báo SỐNG số tết.

- Quân tử phì phò, nghe tết đến từ trong củ tỉ
- Thuyền quyên ứ hự, thấy xuân vào tới tận thâm cung

Sở dĩ Thày Khóa Tư Nguyễn Quốc Hùng tài giỏi như vậy vì có máu văn học gia truyền. Theo gia phả thì thân phụ của ông là 1 khoa bảng triều Nguyễn, từng giữ chức Huấn Đạo ở Hải Dương. Cụ quen thân với một nhà nho uyên thâm nổi tiếng ở Hà Nội, tên là Ông Phủ Vinh. Trước 1954 Hà Nội có câu Tứ Quý này, giới ăn chơi ai cũng biết :

Tóc mao cô Tố Hoa
Nước da ông Phán Thực
Bút mực ông Phủ Vinh
Latin Cha Bửu Dưỡng

Thân phụ Thày Khóa Tư ưa họp bạn nhậu nhẹt trà đàm. Thày Khóa Tư còn nhỏ tuổi được đứng hầu, để quạt và châm trà. Một hôm các cụ bàn về tuổi già và đề nghị mỗi người làm một đôi câu đối tả về cái già của mình. Thân phụ của ông đã làm 2 câu này và được mọi người vỗ tay coi là hay nhất :

Trên thì móm mém nhai không vỡ
Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào

Nghe tôi kể xong, cả làng tôi cùng vỗ tay và khen tiếng Bắc Kỳ hay quá, phe các bà cười nghiêng ngà và đấm nhau thùm thụp. Ý câu đối thì quả là thâm trầm và lâm ly qúa sức.

Nhân nói tới chuyện tiếng Bắc kỳ thì tôi liền nhớ tới chuyện nhà Thơ Nguyễn Bính gốc Bắc Kỳ đã vào Nam theo kháng chiến. Ở chiến khu dân quân muốn xây một đài chiến sĩ vô danh để ghi ơn những người đã nằm xuống. Thông thường trên các đài như vậy người ta quen ghi chữ ‘Tổ quốc ghi ơn’. Ban chỉ huy thấy 4 chữ này thường quá, nhân có Nguyễn Bính là một nhà văn, bèn xin ông cho 4 chữ khác. Ông nhà văn Bắc Kỳ cho ngay 4 chữ ‘ Chết mà bất tử’. Hay quá chứ. Thế nhưng lại không xong, không được, vì đây là đất miền Nam. Tiếng Bắc Kỳ bất tử là vĩnh viễn thên thu, còn tiếng Nam kỳ bất tử là ‘thình lình ẩu tả’ như ăn nói bất tử, nóng giận bất tử… Thế là chiến khu bị kẹt chữ.

Các cụ có chữ gì giúp ông Nguyễn Bính gốc Bắc Kỳ này không?

Xin hẹn lá thư sau chúng ta bàn tiếp.