TIỂU SỬ LINH MỤC ANTÔN PHẠM QUANG HÀM, C.F.S.
(1914-2002)


Cha Cố Antôn Phạm Quang Hàm qua đời vào ngày 29 tháng 10, 2002 tại Cénacle Saint-Pierre de Pointe-du-Lac, hưởng thọ 88 tuổi. Ngài là tu sĩ Dòng Fraternité Sacerdotale, một dòng chuyên giúp các cha già hưu.

Cha Cố Antôn Phạm Quang Hàm sinh ngày 15 tháng 5, 1914, tại làng Quân Triêm, Xã Cách Tâm, Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo Phận Phát Diệm. Ngài là con Ông Cố Phạm Đức Uông và Bà Cố Hoàng Thị Tía. Sau khi học tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc từ năm 1924 tới 1932, ngài đi du học tại trường Truyền Giáo tại Rôma từ 1933-1936. Nhưng vì lý do sức khỏe không chịu dược khí hậu lạnh, ngài phải về nước sớm và tiếp tục học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội. Ngài được Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục Phát Diệm đồng thời là Đức Giám Mục tiên khởi của Việt Nam truyền chức linh mục vào ngày 3 tháng 6, 1939 tại Phát Diệm.

Sau đó, Cha Phạm Quang Hàm đã làm giáo sư Đại Chủng Viện Phát Diệm. Vì có ý muốn đi tu dòng nên đã có lần Ngài tới tĩnh tâm ở tu viện Châu Sơn, lúc đó do Cố Giám Mục Lê Hữu Từ làm bề trên. Khi Đức Cha Lê Hữu Từ được phong làm Giám Mục Phát Diệm, Đức Cha đã chọn cha Hàm làm bí thư . Cha Hàm chính là người giúp soạn thảo những bức thư luân lưu thời danh của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ và giữ vai trò ngoại giao liên lạc với Tòa Thánh cũng như với các nhân vật chính trị thời đó như cựu hoàng Bảo Đại và ông Hồ Chí Minh. Ngài cũng đã sát cánh với Đức Cha cùng với các Linh Mục Hoàng Quỳnh, Nguyễn Gia Đệ trong giai đoạn Phát Diệm lập khu tự trị chống lại Việt Minh thời gian 1945.

Theo những người quen biết ngài, Cha Hàm được coi là một người rất thông minh, hiểu biết rộng và có tài ngoại giao. Theo cố linh mục Nguyễn Gia Đệ kể lại, sau cuộc gặp gỡ với cựu Hoàng Đế Bảo Đại, cựu hoàng đã hết mực khen ngợi Cha Phạm Quang Hàm và ông nói với Đức Cha: "Ước gì tôi có một bí thư như Cha Hàm."

Sau khi quân Pháp đổ bộ Phát Diệm vào năm 1949, Cha Hàm đã xin với Đức Cha để được đi tu dòng và Đức Cha đã nhận lời. Từ khi đi tu dòng, Cha đã không bao giờ nói về thời gian hoạt động tại Phát Diệm dù có ai muốn gợi lại chuyện cũ.

Khoảng năm 1952 ngài sang Rôma và vào ngày 8 tháng 11, 1952, Ngài gia nhập dòng Fraternitẻ Sacerdotale tại Rôma. Vào ngày 8 tháng 11, 1953, Ngài khấn trọn đời trong dòng này. Vào năm 1964, Cha Phạm Quang Hàm được bầu làm Bề Trên cả của dòng, trụ sở đặt tại Rôma. Sau đó Ngài lần lượt phục vụ giúp các nhà giúp các cha già hưu dưỡng tại các trung tâm của dòng ở Rôma, Bogota và Cali ở Colombia, Pointe-du-Lac, Ile d’Orleans và Montréal ở Canada. Vào năm 1989, Ngài về hưu ở Cénacle Saint-Pierre ở Pointe-du-Lac, Canada, cho tới khi qua đời.

Gia đình linh tông của Ngài gồm có cựu linh mục Trần Hùng Dũng (đã qua đời), cựu LM Trần Ngọc Bích (hiện ở Pháp), GS Trần Trung Lương tức nhà văn Trà Lũ (Canada), Ông Nguyễn Mạnh Hiệt ở Monterey, California, LS Phạm Văn Phổ, Orange County, California. Về họ ruột thịt, Ngài là con trưởng trong một gia đình gồm có 7 người con: 2 trai, 5 gái. Em gái của Ngài là sơ Ana Phạm Thị Huân, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, cũng mới qua đời trong năm nay tại Việt Nam, hưởng thọ 81 tuổi. Em trai là Ông Phạm Văn Hải, cựu chủ tịch xã Tân Phát, Lâm Đồng, cũng mới qua đời đầu năm nay tại Arkansas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 78 tuổi. Em gái út của ngài là Phạm Thị Hiến, chồng là kỹ sư Nguyễn Văn Thành, cựu trưởng ty công chánh Long Xuyên và Gia Định, cũng đã qua đời cách đây 2 năm.

Xét về đời linh mục va tu trì, một số người tiếp xúc với Cha Cố Hàm, đã nhận định như sau: Đời sống Ngài thật đơn sơ, chân thành, biểu lộ một cuộc sống siêu nhiên đi vào chiều sâu, kết hiệp với Chúa. Ngài rất yêu mến Phép Thánh Thể và trung thành với các giờ chầu Thánh Thể. Ngài có lòng yếu mến Giáo hội sâu xa, rất kính trọng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mà Ngài vẫn coi là vị Giáo hoàng rất thánh thiện. Có lần Ngài đã thổ lộ với một linh mục như sau: "Đức Ông Thụ thật hạnh phúc vì được sống bên cạnh một vị thánh". Cho dù trước đó là giáo sư, là bí thư của một toà giám mục, khi đi tu Ngài đã sống trọn vẹn các lời khuyên phúc âm: vâng lời, khó nghèo và trong sạch và tuân giữ luật dòng một cách thật cẩn trọng. Đôi khi Ngài có thể làm theo điều Ngài muốn, như có đủ lý do ở ngoài tu viện, và nếu có xin phép Bề trên, thì chắc chắn sẽ được, nhưng Ngài đã không làm như thế. Người ta cũng nhận ra nơi Ngài một lối sống từ bỏ và khổ hạnh rất đáng thán phục.

Riêng các sơ thuộc dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ đã cho biết Cha Cố Phạm Quang Hàm là ân nhân của nhà dòng vì chính Ngài đã lo liệu học bổng cho 5,6 chị được đi du học vào năm 1952 vào lúc việc đi du học vào thời đó rất khó khăn. Khi một số sơ di cư sang Mỹ, Ngài đã khuyên các sơ phải gia nhập ngay vào Giáo Hội địa phương và nhờ đó Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm ngày nay đã phát triển thật lớn mạnh và vững vàng. Đó cũng nhờ những lời khuyên nhủ khôn ngoan của Ngài.

Tang lễ của Cha Cố Phạm Quang Hàm được cử hành vào lúc 12 giờ 30, thứ sáu ngày 1 tháng 11, 2002 tại nhà nguyện của các sơ dòng Bác Ai Ottawa ở Cénacle St-Pierre, Pointe-du-Lac, Canada và sẽ được chôn cất tại nghĩa trang của thành phố. Theo ước nguyện của ngài, tang lễ sẽ được cử hành rất đơn giản theo đúng tinh thần đơn sơ và khó nghèo của Ngài.

( Phạm Văn Phổ viết theo tài liệu của Cha Francois Breton, Bề Trên Dòng Fraternité Sacerdotale, Montréal, Canada và một số tài liệu khác khác do Đức Ong Trần Văn Khả và Anh Trần Trung Lương cung cấp)