1. Một số các nhà lãnh đạo Công Giáo và những người khác lên tiếng ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân khi phiên tòa của ngài bắt đầu

Khi Đức Hồng Y Joseph Đức Hồng Y Quân bắt đầu phiên tòa ở Hương Cảng, một số nhà lãnh đạo Công Giáo và các nhà hoạt động nhân quyền đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ vị giám mục hiệu tòa 90 tuổi.

Đức Hồng Y Quân và năm người khác bị buộc tội không đăng ký hợp lệ một quỹ hỗ trợ pháp lý dành cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Là một nhà phê bình thẳng thắn đối với chế độ cộng sản của Bắc Kinh, Đức Hồng Y Quân từng là người được ủy thác của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, giúp thanh toán các hóa đơn pháp lý và y tế cho những người biểu tình bị bắt và bị thương trong các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hương Cảng.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, học giả và nhà hoạt động nhân quyền, đã công khai bày tỏ tình đoàn kết của họ với Đức Hồng Y Quân khi phiên tòa bắt đầu xét xử ngài:

Đức Hồng Y Fernando Filoni, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã viết bài ủng hộ Đức Hồng Y Quân trên tờ Avvenire vào ngày 23 tháng 9.

“Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là 'người của Chúa'; can đảm phục tùng tình yêu của Chúa Kitô, Đấng muốn ngài làm tư tế của Ngài, trong tình yêu sâu đậm, như Don Bosco, với tuổi trẻ.”

Ngài kết luận tuyên bố của mình rằng “Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân không thể bị lên án. Hương Cảng, Trung Quốc và Giáo hội có một người con tận tụy nơi ngài, không có gì phải xấu hổ”.

Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, Rhode Island, đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện trên Twitter vào ngày 19 tháng 9 khi phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Quân dự kiến bắt đầu, nó đã bị hoãn lại vì thẩm phán nhiễm coronavirus.

“Hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến người anh em trong đức tin của chúng ta, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân 90 tuổi, người đang bị xét xử ở Trung Quốc, và cũng hãy cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, nơi thường xuyên bị chính quyền tấn công và bách hại. Và cầu nguyện cho các Kitô hữu ở khắp mọi nơi đang bị bách hại vì đức tin của họ.”

Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas, đã viết vào ngày 18 tháng 9:

Hãy cầu nguyện cho Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người sẽ phải hầu tòa vào ngày mai tại một tòa án ở Hương Cảng. Cuộc chiến của vị Hồng Y 90 tuổi để bảo vệ người dân Hương Cảng khỏi Cộng sản nên được viết bằng chữ Vàng.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã chia sẻ lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Lạy Đức Maria Cởi Bỏ Nút Thắt, xin hay chống lại tất cả những điều bất công, chúng con xin Mẹ cầu bầu cho người anh em của chúng con, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, xin cho công lý có thể được thực hiện và trái tim của ngài được an ủi.

Đức Cha Athanasius Schneider, Giám Mục Phụ Tá của Maria Santissima ở Astana, Kazakhstan, đã dâng lời cầu nguyện của mình trên Twitter vào ngày 26 tháng 9:

Chúng con cầu xin Chúa bảo vệ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một người con trung thành của Giáo hội, người đang bị xét xử với tư cách là bị cáo ở Hương Cảng. Cầu mong niềm tin luôn ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh cho ngài trong thời khắc mong manh này. Cầu mong Đức Maria, Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, ở bên cạnh ngài để truyền cảm hứng cho ngài với lòng can đảm.

Vào ngày 1 tháng 9, Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chia sẻ sự thất vọng của mình rằng Đức Hồng Y Quân đã không có mặt trong cuộc họp Hồng Y Đoàn vào tháng Tám.

“Có lẽ Giáo hội nên tự do hơn và ít bị ràng buộc hơn vào luận lý của thế gian, dựa trên quyền lực, và vì thế, tự do hơn trong việc can thiệp và, nếu cần, chỉ trích những chính trị gia g đàn áp nhân quyền. Trong trường hợp này, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không dám chỉ trích Bắc Kinh.”

Đức Hồng Y Muller nói rằng, trong cuộc họp Hồng Y Đoàn, không có quan chức cấp cao nào của Vatican hoặc thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đề cập đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân hay phiên tòa của ngài.

“Sẽ có một phiên tòa bất công vào tháng tới. Không ai đặt ra câu hỏi về vấn nạn của người anh trai Đức Hồng Y Quân của chúng tôi. Cả Niên trưởng Hồng Y Đoàn là Đức Hồng Y Giovanni Batista Re, cả Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thậm chí cả Đức Giáo Hoàng đều không lên tiếng. Không ai bày tỏ tình đoàn kết, không có sáng kiến cầu nguyện nào cho vị Hồng Y Trung Hoa”, vị Hồng Y người Đức than thở

Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã nói như sau ngay khi Đức Hồng Y Quân bị bắt vào tháng 5:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc đơn giản vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố đáp ứng án phí là một quyền thích hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, có người đại diện hợp pháp như thế làm sao lại có thể coi là tội phạm”.
Source:Catholic News Agency

2. Thượng Phụ Kirill cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng.

Thượng Phụ Kirill đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin và là người ủng hộ trung thành cho cuộc xâm lược Ukraine, đã lên tiếng chỉ trích những người phản đối chiến tranh

Ông nói trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi có lệnh động viên: “Nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực”.

“Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.”

“Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo”.

“Họ hy sinh bản thân vì người khác. Và do đó, chúng tôi tin rằng sự hy sinh này rửa sạch mọi tội lỗi mà người đó đã phạm phải, và thiên đàng chắc chắn là phần thưởng dành cho họ”.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhận xét cay đắng rằng Putin đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính ông ta; trong khi Thượng Phụ Kirill đem Chúa ra để hứa thiên đàng cho các chiến binh Nga lao mình vào cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ cho Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Top Priest Tells Russians Not to Fear Death Amid Mobilization”, nghĩa là “Giáo sĩ hàng đầu của Putin nói với người Nga rằng đừng sợ cái chết khi bị gọi nhập ngũ.”

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã kêu gọi công dân Nga đừng sợ chết trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin quyết định điều động quân dự bị đến chiến đấu ở Ukraine.

“Hãy dũng cảm lên để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Và hãy nhớ rằng nếu bạn hy sinh mạng sống của mình cho đất nước của bạn, bạn sẽ được ở với Chúa trong vương quốc của Ngài, trong vinh quang và cuộc sống vĩnh cửu,” ông nói trong một bài giảng tại Tu viện Zachatyevsky ở Mạc Tư Khoa.

Kirill, người đã biện minh cho quyết định xâm lược Ukraine của Putin vào tháng 2 trên cơ sở tinh thần và ý thức hệ, đưa ra nhận xét ngay sau khi các quan chức Nga cho biết có tới 300.000 quân dự bị sẽ được triệu tập để chiến đấu.

Kirill tuyên bố trong bài giảng của mình rằng một người có “đức tin chân chính” không phải sợ cái chết.

Theo ông, một người trở nên “bất khả chiến bại” khi có một “chiều kích mạnh mẽ gắn liền với vĩnh cửu” trong người đó, và anh ta không còn sợ hãi cái chết nữa.

Ông nói: “Niềm tin làm cho một người trở nên rất mạnh mẽ, bởi vì nó chuyển ý thức của anh ta khỏi cuộc sống hàng ngày, từ những lo lắng về vật chất, sang chăm sóc cho tâm hồn, cho sự vĩnh cửu. Cụ thể là, nỗi sợ hãi cái chết đã đẩy một chiến binh ra khỏi chiến trường, đẩy kẻ yếu đến chỗ phản bội và thậm chí nổi loạn chống lại anh em của mình. Nhưng đức tin chân chính phá tan nỗi sợ hãi về cái chết”.

Lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Nga trước đây đã đưa ra ý tưởng rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc.

Ông kêu gọi người Nga trong bài giảng của mình đừng coi người Ukraine là kẻ thù.

Theo Kirill, người dân Ukraine “đang gặp nguy hiểm,” và nói thêm rằng bây giờ “điều rất quan trọng là không có cảm giác trong lòng rằng có kẻ thù”.

Kirill kêu gọi hội thánh của mình cầu nguyện cho việc tăng cường “tình cảm huynh đệ của các dân tộc ở Nước Nga Thánh thiện,” để “sự thống nhất của Giáo hội, vốn là bảo đảm cho hòa bình trên đất nước Nga rộng lớn, càng trở nên mạnh mẽ hơn.”

Kirill cũng lưu ý rằng các Kitô hữu Chính thống giáo ở Ukraine tiếp tục cầu nguyện cho “việc thiết lập hòa bình trên các vùng rộng lớn của nước Nga lịch sử”.

Giáo chủ Kirill, kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã biện minh cho xung đột bằng cách đưa ra các bài phát biểu về Nga như một “cường quốc yêu chuộng hòa bình” không tham gia vào “các cuộc phiêu lưu quân sự”.

Vào tháng 6, ông nói rằng Nga đang bị “tấn công” trên toàn thế giới vì cảm giác ghen tị, đố kỵ và phẫn nộ. Kirill cho biết ông tin rằng điều này đang xảy ra bởi vì Nga “khác” với các dân tộc khác.

Ông Putin cho biết động viên bán phần của ông sẽ ảnh hưởng đến những công dân đang trong lực lượng dự bị, và họ sẽ trải qua các khóa huấn luyện bổ sung trước khi được triển khai.
Source:Newsweek

3. So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry

Trong một diễn biến gây ra đau buồn sâu sắc cho thế giới Chính Thống Giáo, Thượng Phụ Kirill, trong cố gắng bênh vực cho lệnh động viên của Putin, đã cho rằng những người lính Nga tử trận trong cuộc chiến chống Ukraine sẽ được tha tội và lên thẳng thiên đàng, bất kể những tội lỗi họ đã phạm trong chiến tranh.

Ký giả Peter Anderson có bài tường trình nhan đề “A comparison of last Sunday's sermons by Kirill and Onufry”, nghĩa là “So sánh các bài giảng vào Chúa Nhật tuần trước của Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Onufry”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật, ngày 25 tháng 9, cả Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và Tổng Giám Mục Onufry, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Ukraine, đã đưa ra các bài giảng cho các tín hữu của họ. Bài giảng của Thượng phụ Kirill đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Tuy nhiên, bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Onufry cũng rất quan trọng. Hai bài giảng rất khác nhau về đường lối. Theo Thượng phụ Kirill, những người chết ở Ukraine vì chiến đấu cho Nga sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi do hoàn thành lời thề trong quân ngũ. Trái lại, theo Đức Tổng Giám Mục Onufry, những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các cộng đồng Ukraine cần những lời cầu nguyện để hoán cải trái tim của họ. Điều này rõ ràng ngụ ý rằng thiên đường không được bảo đảm cho những kẻ giết người, hiếp dâm, và phá hủy.

Vào ngày Chúa Nhật, Thượng phụ Kirill đã cử hành Phụng vụ Thánh mừng sinh nhật của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong nhà thờ chính tòa Thánh Alexander Nevsky gần Peredelkino. Nhà thờ chính tòa này gần nơi ở của vị Thượng Phụ và là nơi ngài đã cử hành cáclễ nghi trong thời kỳ tự cô lập của mình trong đại dịch. Đoạn bài giảng của vị Thượng Phụ nhận được sự quan tâm lớn nhất như sau:

Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.

Đối với “sự cần thiết phải thực hiện lời thề”, tôi hiểu rằng tất cả những người tham gia lực lượng vũ trang Nga có nghĩa vụ phải thực hiện lời thề sau: “Tôi, (tên đầy đủ), long trọng tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của tôi - là Liên bang Nga. Tôi xin thề tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của điều lệ quân đội, mệnh lệnh của chỉ huy và cấp trên. Tôi thề sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự với phẩm giá cao, can trường bảo vệ tự do, độc lập, trật tự hiến pháp của nước Nga, nhân dân và Tổ quốc”. Bởi vì lời tuyên thệ là bắt buộc đối với tất cả các binh sĩ, có vẻ như theo ngài Thượng Phụ, tất cả những người lính Nga chết khi đang thi hành nghĩa vụ quân sự đều đang thực hiện lời thề của họ và sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi.

Cùng ngày Chúa Nhật đó, Đức Tổng Giám Mục Onufry đã cử hành Phụng vụ Thánh tại Nhà thờ Truyền tin ở Sviatoshyn. Trang web chính thức của Nhà thờ Chính thống Ukraine đã nêu bật một số nhận xét của Đức Tổng Giám Mục Onufry. Những nhận xét này như sau:

Chúng con cầu xin Chúa đổ đầy tình yêu thương trong lòng mọi người, và nhất là những kẻ ngày nay giết hại dân tộc chúng con, phá hủy các thành phố, làng mạc của chúng con, để họ nhớ rằng Chúa đã không mang chúng ta đến thế gian này để giết nhau, để cướp đi từ nhau một điều gì đó mà chúng ta mong muốn, nhưng để chúng ta sống trong hòa bình, trong tình yêu dành cho Chúa và cho nhau.

Những điều đã nói ở trên đặt ra một số câu hỏi. Sau đây chỉ là một số điều: Những kẻ giết người Ukraine và phá hủy các khu định cư của Ukraine có cần hoán cải trước khi mọi tội lỗi của họ được rửa sạch không? Liệu Thượng phụ Kirill có cho rằng những người lính Ukraine chết trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được rửa sạch mọi tội lỗi của họ không? Có khả năng những nhận xét của Thượng phụ Kirill sẽ làm nảy sinh nhiều cuộc thảo luận thú vị của Chính thống giáo và các nhà thần học khác.
Source:Sismografo