(Giêrusalem 19/7/2005).
Cựu thượng phụ Irineos
Tòa án Do Thái tại Giêrusalem đã truyền bác bỏ thỉnh cầu của ông Ireneos, cựu thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem. Ông Ireneos đã khiếu nại với tòa án Do Thái tại Giêrusalem để mong ngăn chặn việc công nhận Đức Giám Mục Locum Tenens của giáo phận Chính Thống Giáo Cornelios làm giám quản tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem và chặn đứng khóa họp Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem để bầu ra thượng phụ mới thay cho Ireneos.

Tòa án Do Thái nhận định rằng đây là việc nội bộ của Chính Thống Giáo Hy Lạp ở ngoài vòng tài phán của tòa án. Hôm thứ Ba 19/7/2005, Michaela Shidlowsky Or, chánh án, đã đồng ý với luật sư của Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp cho rằng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của tòa án Do Thái và truyền ông Ireneos phải bồi thường án phí cho Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp.

Được biết, tuần trước Ireneos đã từng kiện Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp tại tòa án quận Haifa và tòa án này đã truyền tương tự. Tuy nhiên, Ireneos vẫn tiếp tục kiện lên nữa.

Đức Tổng Giám Mục Aristarchos, thư ký Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp, một trong những ứng cử viên sáng giá trong cương vị thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem cho biết quyết định của tòa án Do Thái tại Giêrusalem cũng chưa phải là ý kiến chung cuộc của chính quyền trung ương Do Thái nhưng ngài hy vọng Do Thái rồi ra cũng thấy rõ là không thể tiếp tục ủng hộ ông Ireneos.

Đức Tổng Giám Mục Aristarchos cho biết hôm 17/7/2005, Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp vẫn tiến hành họp như đã dự trù bất chấp những vụ kiện cáo của Ireneos.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 14/7/2005, chủ tịch Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Palestine, ông Mahmoud Abbas đã ký sắc lệnh công nhận phán quyết trục xuất cựu thượng phụ Irineos của Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem do Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp đưa ra hồi tháng Năm vừa qua. Với sắc lệnh này, Irineos không còn cơ sở pháp lý để tiếp tục lãnh đạo tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem cho dù Do Thái có vẫn tiếp tục ủng hộ.

Sau khi Hồi Giáo chiếm được Giêrusalem, tòa Thượng Phụ Công Giáo tại đây đã bị phá hủy và người Hồi Giáo đã thành lập tòa thượng phụ mới và giao cho các tu sĩ Chính Thống Giáo trông coi. Theo những hiệp định phức tạp do Hồi Giáo quy định từ thế kỷ 16, vị thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem do Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo Hy Lạp bổ nhiệm dưới sự đồng thuận của Jordan và Palestine.

Trong thời gian Tuần Thánh, nhiều cáo buộc đã nổi lên, theo đó, thượng phụ Irineos đã bí mật bán các tài sản của Giáo Hội cho người Do Thái. Một ủy ban của quốc hội Joradan đã đến Giêrusalem điều tra. Kết quả điều tra của ủy ban này đã được ông Audeh Quawas, chủ tịch uỷ ban điều tra của quốc hội Jordan công bố hôm 10/5/2005 cho thấy thượng phụ Irineos đã bán các tài sản của Giáo Hội lấy 1.5 triệu Mỹ Kim.

Khi kết quả điều tra đã gần như hiển nhiên, hôm 7/5/2005, Hội Đồng Chính Thống Giáo tại Giêrusalem biểu quyết bất tín nhiệm Irineos. Ngày 24/5/2005, tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo tại Istanbul ra quyết định loại bỏ tước hiệu thượng phụ của ông Irineos. Jordan nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết này. Tuy nhiên, chính quyền Do Thái phái cảnh sát đến bảo vệ Irineos chiếm giữ tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo bất hợp pháp. Phản ứng của Do Thái là dễ hiểu vì những quyền lợi béo bở của Do Thái có cơ bị phương hại một khi thượng phụ Irineos bị mất chức. Chính quyền Palestine vì không muốn làm mất lòng người Do Thái nên phản ứng dè dặt trong vụ này.

Từ ngày 9/6, thượng phụ lâm thời của Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem là Đức Giám Mục Locum Tenens đã liên tục gởi thư "đến tất cả các cơ quan tôn giáo và các chính quyền trên thế giới" để yêu cầu can thiệp bảo vệ quyền tự trị tôn giáo của Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem.

Những lời kêu cứu của Đức Giám Mục Locum Tenens đã có kết quả và rồi ra Do Thái có lẽ cũng phải ngưng không can thiệp vào việc nội bộ của Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại khi thượng phụ Ireneos, thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem rời khỏi nhà thờ Mộ Chúa cuối Lễ Lá (Chính Thống Giáo) hôm Chúa Nhật 24/4/2005, ngài đã chạm trán với một đoàn biểu tình khổng lồ gồm chính các tín hữu của ngài và những người khác nữa yêu cầu ngài nên từ chức hay nên bị đuổi khỏi cương vị hiện nay. Nhiều người lớn tiếng gọi ngài là “Giuđa Ítcariô”. Tất cả những chuyện này đã diễn ra sau khi báo chí đưa ra những bằng chứng buôn bán tài sản của Giáo Hội cho người Do Thái.

Cuộc biểu tình hôm Lễ Lá là cao điểm của một loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra từ trước Tuần Thánh của Công Giáo. Ngay trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh của Công Giáo, tại ngay chính nhà thờ Mộ Chúa cũng đã xảy ra biểu tình và xô xát giữa ngài và những người Kitô Giáo Palestine trong vùng.

Các cáo buộc và bằng cứ báo chí đưa ra cho thấy ngài đã bán các tòa nhà ngay bên trong cửa Jaffa của Thành Cổ Giêrusalem. Các cuộc điều tra độc lập đã được chính quyền Hy Lạp, Palestine và Jordani tiến hành. Vụ tai tiếng này còn nghiêm trọng hơn sau khi một phụ tá thân cận của ngài mà vài năm trước đây ngài luôn giới thiệu với mọi người như một người bạn đáng tin cậy của ngài thực ra là một tay tội phạm quốc tế đang bị nhiều nước truy nã và đã bị cảnh sát Italia bắt tại Bologna cuối tháng Tư vừa qua. Người này là trưởng ban tranh cử của ngài trong cuộc tranh cử vào chức vụ thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem. Một phụ tá đắc lực khác của ngài thì mới vừa bỏ trốn sau khi bị cáo buộc tội biển thủ qũy Giáo Hội và gian lận sổ sách.

Thượng phụ Ireneos luôn từ chối không trả lời các câu hỏi của các viên chức điều tra của chính quyền Hy Lạp và luôn công khai nói rằng ngài không bán cái gì cả. Thực ra câu nói này của ngài có thể đúng “về mặt kỹ thuật”. Thực vậy, cũng như tất cả các sang nhượng đất đai do hàng loạt các thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tiến hành từ nhiều thế kỷ qua cách kín đáo, các tài sản đã chỉ được “chuyển nhượng” dưới hình thức cho thuê. Tuy nhiên, đó là thứ cho thuê dài hạn.. rất dài hạn hàng mấy thế kỷ hay mấy thập niên (đã có những khế ước cho thuê 999 năm hay một khế ước khác kéo dài 99 năm). Nghĩa là trong thực tế cũng không khác với bán đứt là bao nhiêu. Những tài sản này trong thực tế vĩnh viễn ra đi trong khi không ai biết những khoản tiền kếch sù này đi đâu. Những cố gắng để lật lại các vụ buôn bán này không bao giờ thành công vì các tòa án ở Do Thái luôn khẳng định các thượng phụ này có toàn quyền tài phán trên các đất đai của họ.

Tòa thượng phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem đã có từ thế kỷ thứ 16. Đế quốc Ottoman vào năm 1516 đã chiếm được thánh địa và chấm dứt truyền thống suy tôn các thượng phụ từ các Giám Mục bản xứ. Các giáo sĩ Hy Lạp được đưa sang để coi sóc phần đất này và họp thành một huynh đoàn gọi là Hagiotaphitic (huynh đoàn Mộ Thánh). Huynh đoàn này chỉ gồm người Hy Lạp và loại trừ tất cả những người địa phương khỏi các vị trí quyền hành. Điều này cũng xảy ra tương tự tại tòa Thượng Phụ Antiôkia tại Syria cho đến năm 1899 khi các tín hữu Chính Thống Giáo địa phương nổi dậy trục xuất vị thượng phụ Hy Lạp. Sau đó, toà thượng phụ Antiôkia tại Syria còn đi xa hơn và cố đặt chi nhánh tại Giêrusalem và Jordani.

Thượng phụ Ireneos, năm nay 66 tuổi, đã được bầu vào chức vụ này vào tháng 8 năm 2001 thay cho Đức Thượng Phụ Diodoros I qua đời năm 2001. Đức Thượng Phụ Diodoros I đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 2000 khi Đức Thánh Cha hành hương đến Giêrusalem. Ngài là người nhã nhặn và có tinh thần đại kết.

Chữ Ireneos theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là hòa bình. Tuy nhiên, thượng phụ Ireneos lại khét tiếng là rất hay sinh sự. Ngài sinh sự với cả Công Giáo lẫn Chính Thống Giáo Armênia Tông Truyền. Dựa hơi Do Thái, ngài thường gây ra những gương mù rất thê thảm. Một trong những gương mù bi đát nhất là chuyện tấn công các tu sĩ dòng Phanxicô tại nhà thờ Mộ Thánh.

Tại Giêrusalem có nhiều nhà thờ và một số các nơi thánh dùng chung cho cả Công Giáo lẫn Chính Thống Giáo Hy Lạp và Chính Thống Giáo Armênia. Việc sử dụng các nơi này được quy định bởi thỏa ước Nguyên Trạng đã có từ thế kỷ thứ 19. Trong số những nơi thánh quy định bởi thỏa ước Nguyên Trạng có Thánh Đường Mộ Chúa Giêsu là nơi theo truyền thống tin Chúa Giêsu đã được mai táng. Tháng 9 năm 2004, thượng phụ Ireneos yêu cầu được rước kiệu qua phần đất dành riêng cho người Công giáo là Nhà Nguyện bà thánh Maria Mađalêna. Điều này trái với thỏa ước Nguyên Trạng đã được chính quyền Do Thái long trọng cam kết duy trì trong Hiệp Định Căn Bản ký kết với Tòa Thánh năm 1993. Các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa chịu nhiều áp lực của phía Do Thái và phần khác cũng để thể hiện tinh thần đại kết đã đồng ý để ngài rước kiệu qua phần đất này. Tuy nhiên, trong cuộc rước kiệu ngày 27/9/2004, ngài lại buộc các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô phải đóng cánh cửa bằng đồng của Nguyện Đường Chúa Hiện Ra bên cạnh Thánh Đường Mộ Chúa Giêsu trong suốt thời gian hành lễ của ngài. Đây là yêu cầu quá đáng vì các linh mục tu sĩ Phanxicô phải chịu ngột ngạt nóng bức trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô từ chối không chịu đóng lại, và cảnh sát Do Thái cũng từ chối vì thấy quá đáng, ngài đã ra lệnh cho các tín hữu và các tu sĩ Chính Thống Giáo và chính ngài cũng nhào vào tấn công cảnh sát và các linh mục tu sĩ dòng Phanxicô. Cuộc tấn công kéo dài đến 30 phút đồng hồ cho đến khi cảnh sát được tăng viện và khống chế được tình hình.

Trong những ngày tuần thánh của Chính Thống Giáo năm nay, tại Giêrusalem cảnh sát đã được tăng cường vì thượng phụ Ireneos ra lệnh cấm không cho thượng phụ Giáo Hội Chính Thống Giáo Armênia xuống hầm mộ Chúa đốt lửa Phục Sinh chung với ngài trong đêm thứ Bẩy 30/4/2005. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Armênia đã khiếu nại với tòa án tối cao của Do Thái nhưng không có kết quả.