CÙNG MỘT CON ĐƯỜNG, CHUNG MỘT MỤC ĐÍCH
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”.

Một nhà tu đức nói, “Khi ngu khờ, chúng ta muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, chúng ta muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống mỗi người không được đo bằng những gì chúng ta giành được; nó được đo bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi chúng có ‘cùng một con đường, chung một mục đích’. Đó là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như chính mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cùng một con đường, chung một mục đích’; đó cũng là điều Lời Chúa hôm nay cho thấy! Quả vậy, mọi lề luật Cựu Ước và Tân Ước có ‘cùng một con đường, chung một mục đích’. Cùng một con đường, ‘Yêu như Chúa yêu’; chung một đích đến, ‘Kính mến Chúa trên hết mọi sự!’.

Môisen, trong bài đọc thứ nhất, nói với dân, “Tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa mà truyền dạy cho anh em biết lề luật và huấn lệnh của Ngài”; “Anh em hãy tuân giữ và thực hành!”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Từ Môisen đến Chúa Giêsu, việc giữ luật có thể thực hiện theo hai cách: hoặc là chu toàn những điều được yêu cầu, hoặc là hoàn thành những điều còn thiếu. Chúa Giêsu hoàn thành luật Cựu Ước bằng luật mới của tình yêu, ‘Yêu như Chúa yêu!’. Ngài chu toàn luật không chỉ bằng cách hoàn thành mỗi giới luật, nhưng bằng cách cho thấy tất cả các giới luật đều đi trên một con đường yêu thương và có chung mục đích cuối cùng; đó là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Khi tuân theo luật yêu thương, chúng ta đã thực hiện tất cả các lề luật, chúng ta đang đưa chúng về đích tự nhiên của chúng. Thánh Phaolô thật chí lý khi nói, “Yêu thương là chu toàn cả lề luật!”.

Chúa Giêsu nói thêm, “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành”; Ngài đang nói đến ‘tính toàn diện’ của luật mới. Các giới răn đi trên con đường yêu thương sẽ không bao giờ bị giới hạn; trái lại, toả lan và vươn đến tận cùng trái đất! Không vật tạo thành nào trong vũ trụ lại nằm ngoài quy luật yêu thương Ngài dạy; không thực thể nào, dù là nhỏ nhất, thoát khỏi yêu cầu của định luật yêu thương này. Sử dụng phép ẩn dụ, “một chấm, một phẩy trong bộ luật”, Chúa Giêsu cho thấy sự ‘hoàn thiện tuyệt đối’ của luật này. Tình yêu và những đòi hỏi của nó vươn tới chỗ tận cùng xa nhất của vũ trụ, đến sinh vật nhỏ nhất được tạo thành, và tận mút cùng của thời gian!

Các điều của luật cũ được nêu trong Mười Điều Răn như ‘ngươi không được giết người; không được tà dâm; v.v..’ là những vi phạm nghiêm trọng nhưng dễ xác định, như những hành động bên ngoài. Nhưng các điều răn của luật mới như ‘ngươi không được biểu lộ sự tức giận; không được ham muốn trong lòng; hãy tha thứ cho kẻ thù; v.v..’ có những cách diễn đạt tinh tế hơn, và vì điều này, chúng thường khó tuân giữ hơn. Sống những điều răn này với động cơ thích hợp và thái độ ân cần, tận tụy, là điều ‘khiến cho một con người trở nên vĩ đại!’. Lấy tình yêu làm động lực cho mọi hành động, không chỉ giúp chúng ta lên thiên đàng, mà còn giúp chúng ta được chia sẻ nhiều hơn trong hạnh phúc và vinh quang của Đấng ở trên thiên đàng. Rõ ràng, luật Môisen và luật của Chúa Giêsu, bấy giờ, có ‘cùng một con đường, chung một mục đích!’.

Anh Chị em,

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn!”. Bản thân Chúa Giêsu chính là toàn bộ lề luật. Và toàn bộ lề luật ấy được kiện toàn bằng chính cái chết của Ngài. Luật không có giá trị, nếu không xây dựng trên tình yêu; luật sẽ trở nên dây trói, nếu không cứu sống! Bước vào trần gian, Chúa Giêsu đã chịu chi phối bởi tất cả những lề luật Cựu Ước và luật tự nhiên, nhưng Ngài đã mặc cho chúng một giá trị vĩnh cửu bằng tình yêu trao hiến. Như thế, việc tuân giữ lề luật của chúng ta cũng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta làm mọi sự chỉ vì ước mong nên giống Chúa Giêsu; chúng ta giữ luật vì ‘Yêu như Chúa yêu’ và ‘Kính mến Chúa trên hết mọi sự!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, luật tình yêu đòi con phải yêu thương tất cả mọi người; xin cho con đừng bao giờ hạn chế yêu thương với bất cứ ai, nhưng biết để con tim mình vươn tới mọi chân trời!”, Amen.

(Tgp. Huế)