THIÊN CHÚA LUÔN ĐỐI LẬP VỚI SỰ DỮ
CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C
Kể từ khi Nga rải trên nhiều thành phố, nhiều làng mạc, nhiều cơ sở vật chất, kể cả cơ sở tôn giáo và dân sự, đồng thời dội lên đầu người dân Ucraina vô tội, không biết cơ man nào là vũ khí, và là vũ khí tối tân, đã khiến máu đổ, người của cả hai phía từ quân nhân đến dân thường chết hay thương vong, triệu triệu người đói rét, lâm cảnh màn trời chiếu đất, triệu triệu người phải ly tán, phải sống trong bất ổn, trong tâm trạng lúc nào cũng hoang mang, sợ hãi...
Đã có bao nhiêu trường học, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi đổ sập. Đã có quá nhiều trẻ em bị giết chết. Đã có bao nhiêu người mất tích, lạc mất người thân, lạc mất gia đình trong ly loạn, hay trên đường chạy trốn khỏi biên giới...
Chiến tranh luôn là sự tàn bạo hãi hùng, luôn là nổi ám ảnh đớn đau, luôn gây ra thảm cảnh và để lại hậu quả thương đau khó có thể nói hết.
Dù đã qua nửa thế kỷ, hơn ai hết, người Việt thấu nỗi đau của chiến tranh là gì. Người Việt, vì thế càng cảm thông, đoái thương và cầu nguyện thật nhiều cho cảnh bi thương mà đất nước và người dân Ucraina đang hứng chịu.
Giữa những khủng hoảng mà cả thế giới đang chứng kiến, giữa cảnh vô số người lành, người vô tội phải trân mình hứng chịu khổ đau, chúng ta lại nghe trong Chúa nhật thứ III mùa Chay lời đầy xót thương và an ủi của Thiên Chúa.
Nội dung bài đọc I kể chuyện Chúa gọi Môsê. Lúc ấy, người Dothái đang trong thân phận nô lệ cho người Aicập. Họ bị dân Aicập tước đoạt tự do, cũng có nghĩa là tước đoạt phẩm giá cao quý.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Thiên Chúa hiện đến cùng ông Môsê từ giữa bụi gai, dưới hình ảnh bụi gai cháy ngùn ngụt mà chính bụi gai không bị thiêu rụi.
Quang cảnh lạ thường khiến ông tò mò chạy đến xem. Càng kỳ diệu hơn, khi ông đến gần, từ giữa bụi gai, Thiên Chúa bắt đầu trò chuyện với ông.
Chúa nói bằng những lời rất con người: "Ta thấy dân Ta phải khổ cực... Ta nghe tiếng chúng kêu than... Ta biết nỗi đau khổ của chúng... Ta xuống giải thoát chúng...".
Bằng cách nói như nhân: "Ta thấy", "Ta nghe", "Ta biết", "Ta xuống", Thánh Kinh vừa cho biết Thiên Chúa là Đấng gần gũi, thấu hiểu, cảm thông với con người, vừa bày tỏ khuôn mặt của Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Chúa luôn khao khát sự cứu độ, sự giải thoát mà mình dành cho con người.
Dẫu ngày ấy, Thiên Chúa muốn ông Môsê đại diện Ngài lãnh đạo toàn dân giải phóng họ về mặt chính trị, kinh tế. Nhưng điều quan trọng mà Thiên Chúa nhắm không dừng ở phương diện chính trị, kinh tế mà là nội tâm con người.
Bằng chứng là thời Chúa Giêsu, Ngài không mấy quan tâm đến chính trị nhưng quan tâm đến việc rao giảng Nước trời, đến sự thống hối ăn năn.
Nghe chuyện tổng trấn Philatô giết người Galilê, Chúa không phản đối sự bất bình về cái ác đang có nơi người kể chuyện cho Chúa, nhưng cũng không muốn họ dừng ở nỗi bất bình, mà mời gọi họ sám hối. Chúa mặc cho lời mời gọi hình thức đe dọa để nhấn mạnh hơn, đòi phải ăn năn quyết liệt hơn: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi cũng bị huỷ diệt".
Hoặc như cây vả không sinh lợi ích, dù Thiên Chúa có kiên nhẫn đợi ngày trở về của kẻ tội lỗi, thì cũng phải đến lúc rời bỏ sự sống.
Trang Lời Chúa chứng minh cách hùng hồn, Thiên Chúa không bao giờ muốn sự dữ, càng không bao giờ làm ra sự dữ. Thiên Chúa mong muốn con người được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của cái ác, cái xấu tận trong tâm hồn chứ không chỉ thân xác, cả sự sống đời sau chứ không dừng lại ở đời này.
Hơn nữa, chính Chúa Giêsu chấp nhận đồng hành với ta trong kiếp người, cùng sớt chia về mọi gian nan thử thách, cả cái chết bi ai, nhục nhằn đến tận cùng của kiếp người trong cái chết ấy.
Vì thế, khi đối diện cùng sự dữ, ta phải xác tín:
- Sự dữ và mọi hình thức mà nó gây nên, đều do chính con người. Lòng thù của họ dẫn đến không biết bao nhiêu oan khuất, thê lương: Philatô sát hại nhiều người; những trận bom và tên lửa dữ dội đang tàn phá nhiều nơi vô tội vạ.
- Sự dữ cũng có thể đến từ thiên nhiên. Nhưng nhiều trường hợp, sự cuồn nộ ấy có "góp sức" đáng kể của con người, bởi họ không sử dụng thiên nhiên để phát triển chúng, và mang lại lợi ích cho chính sự sống của họ.
- Sự dữ có thể ập đến do nhiều lý do: thù ghét nhau; con người không thể lường hết những rủi ro; thiếu năng lực; không nhìn thấy hết những bất cập; sự bất toàn của chính mình; hoặc tham lam, ước ao giàu có nhưng không bằng con đường lao động chân chính; những công trình khai phá thiên nhiên, những công trình mà con người nỗ lực dựng xây... không bảo đảm... đã và sẽ còn làm cho biết bao nhiêu người phải chết, phải thương tật, bệnh tật và nghèo đói suốt đời...
Điều quan trọng và cần thiết, khi chứng kiến sự dữ, chúng ta càng phải ăn năn thống hối như Chúa Giêsu dạy: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi cũng bị huỷ diệt". Hoặc: "Hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!".
Qua sự dữ, Chúa có thể giáo dục ta như người cha dùng roi đánh con mình. Qua sự dữ mà ta kiên trung chịu đựng, đức tin của ta sẽ mạnh mẽ hơn, lòng cậy trông sẽ vững vàng hơn, tình yêu mến sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Chiến tranh là sự dữ đáng sợ. Chiến tranh xuất phát từ sự tàn ác và ích kỷ của lòng người. Không thể hiểu nổi, vì sao thế giới đã bước vào thế kỷ của nhiều thứ văn minh, nhiều công nghệ làm phát triển nhằm giải quyết xung đột bằng tình yêu, bằng việc xích lại gần nhau, bằng bao nhiêu phương tiện đàm phán và hòa giải mà người ta lại có thể nhẫn tâm đem vũ khí trút lên đầu nhau?
Mọi hình thức chiến tranh, dù quốc tế, quốc gia, sắc tộc, phe nhóm hay gia đình đều là những nguy hiểm mà mỗi chúng ta cần phải loại trừ.
Cùng Đức Thánh Cha, trong nỗi đau mà ngài liên tiếp bày tỏ: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh. Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công! …Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!” (Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 13.3.2022), chúng ta không ngừng cầu nguyện cho chiến tranh vãn hồi, máu của mọi người ngừng chảy, các trẻ em, các người già, và nhiều thân phận nhạy cảm khác được bảo vệ.
Chúng ta nguyện xin cho việc đàm phán đi tới thành công, các lãnh đạo các quốc gia và thế giới dẹp bỏ mưu tính lợi lộc cho phe mình, quốc gia mình trong khi làm ngơ trước cái ác, trước sự tàn độc của những kẻ gieo rắc chiến tranh.
Chúng ta nguyện xin cho các lãnh đạo độc tài có chút lòng trắc ẩn để nhìn thấy những khổ đau, nghe thấy những rên xiết, thấm thía máu của bao nhiêu đồng loại mà dẹp bỏ sự kiêu ngạo, sự ích kỷ. Xin cho họ có chút lương tri nhằm tôn trọng sự sống đồng loại, tôn trọng nhiều giá trị lớn lao khác của thế giới, của loài người.