NỖ LỰC CHO SỰ THÁNH THIỆN
“Suốt bốn mươi ngày, Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”.

Nói về cám dỗ, C. S. Lewis nhận xét, “Sẽ rất ngớ ngẩn khi nói, những người tốt không biết cám dỗ là gì! Đó là một lời nói dối. Chỉ ai cố gắng chống lại cám dỗ, người ấy mới biết nó mạnh thế nào… Chúa Giêsu, người duy nhất không bao giờ khuất phục cám dỗ, người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì. Vì thế, Ngài nâng đỡ tất cả mọi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của bất cứ ai!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu, người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì!”. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay chứng tỏ nhận định sâu sắc của Lewis. Qua đó, chúng ta khám phá một thực tế thú vị, rằng, với Satan, khi chúng ta tầm thường, không có ‘nguy cơ’ trở thành thánh, vốn sẽ làm hỏng kế hoạch của nó… thì nó không quan tâm. Nhưng một khi chúng ta bắt đầu ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’, nó sẽ đặt đủ chướng ngại và chúng ta sẽ phải đối mặt với mọi loại hình cám dỗ.

Một chi tiết khá bất ngờ trong các Tin Mừng là, những lần duy nhất Chúa Giêsu bị cám dỗ là những lần Ngài đang cầu nguyện hoặc ăn chay hãm mình. Chính khi Ngài tịnh tâm, khổ chế như Tin Mừng hôm nay cho biết; hoặc khi Ngài tâm sự với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu đêm thứ Năm Tuần Thánh, thì ma quỷ tấn công. Một kịch bản tương tự cũng thường xuất hiện với chúng ta! Khi chúng ta quyết định làm một điều lành, thì rất nhanh chóng, công việc trở nên khó khăn, ‘một ai đó’ đã cản trở. Rõ ràng, ma quỷ sợ chúng ta thành thánh! Nó giăng mắc cạm bẫy; và quyết đánh bại chúng ta cho đến khi nào chúng ta bỏ đi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình.

Vậy tại sao Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, lại ở trong sa mạc, chịu đau khổ và bị cám dỗ? Tại sao Chúa Cha lại cho phép điều này xảy ra? Hơn thế nữa, Tin Mừng nói, Chúa Thánh Thần đã đưa Ngài vào sa mạc! Đâu là lý do? Lý do duy nhất là tình yêu! Ngài biết đã là con người thì phải chịu cám dỗ. Ngài chia sẻ phận người với chúng ta; và quan trọng hơn, Ngài chỉ cho chúng ta cách để chiến thắng. Ngài yêu thương chúng ta đến mức sẵn sàng cam chịu mọi đau khổ để có thể nhìn thẳng chúng ta và nói, “Vâng, Ta hiểu những gì con đang trải qua... Ta thực sự hiểu!”. Đây là tình yêu, một tình yêu sâu đậm đến nỗi Ngài sẵn sàng trải qua những yếu đuối và đau đớn của con người để có thể gặp con người ở đó; Ngài an ủi chúng ta giữa những gì chúng ta đang trải qua và nhẹ nâng chúng ta ra khỏi đó. Đau khổ của Ngài có một mục đích, một ý định. Và ý định, là trải nghiệm và nắm lấy những gì chúng ta đang nếm trải; Ngài phải nắm lấy!

Chiến thắng cám dỗ, Chúa Giêsu trở nên sức mạnh và nguồn cảm hứng cho chúng ta. Vào một ngày, chúng ta có thể cảm thấy sự cô đơn và cô lập của một người bị đẩy vào sa mạc tội lỗi; cảm thấy mình như một con thú hoang dã giữa những đam mê ngổn ngang; như thể Satan, tên xấu xa, đang chung đường với mình… Phải, Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy, và Ngài cho phép mình trải nghiệm điều này trong nhân tính để có thể cứu thoát và nâng đỡ những ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mỗi người. Điều quan trọng, là mỗi người biết tựa nương vào một mình Ngài. Thật thâm trầm lời Thánh Kinh qua thư Rôma hôm nay, “Ai tin vào Ngài, sẽ không phải hổ thẹn”; Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”, “Chúa Giêsu là người duy nhất biết cám dỗ có nghĩa là gì!”, là tình yêu và cứu độ! Cũng thế, chúng ta không thể không bị cám dỗ, nhưng chúng ta sẽ mặc cho nó một giá trị và ý nghĩa khi chiến thắng nó, đó là điều Lời Chúa muốn dạy chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu, hãy vào sa mạc lòng mình; nơi đó, Ngài đợi tôi, Ngài có thể gặp tôi bên trong sa mạc của tôi. Ngài ở đó, tìm kiếm tôi, gọi cho tôi; Ngài ở đó, giữa mọi thứ mà tôi có thể sẽ trải qua. Chính Ngài, Đấng đã đánh bại cám dỗ của sa mạc này, sẽ nhẹ nhàng dìu dắt tôi ra khỏi đó, đem tôi về cung lòng yêu thương của Cha. Ngài đã chinh phục sa mạc một lần và mãi mãi, Ngài cũng có thể chinh phục bất kỳ sa mạc nào trong đời tôi, hầu chấp cánh cho tôi trong mọi ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa yêu con đến mức trải nghiệm mọi đau khổ kể cả chước cám dỗ. Xin giúp con luôn ‘nỗ lực cho sự thánh thiện’ của mình với bất cứ giá nào, khi chỉ cậy trông vào Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)