00:00:00 Đài Hiệu

1. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhận xét về chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Malta

“Malta và Địa Trung Hải đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình đoàn kết.” Đây là những lời mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, trong đó ngài kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ Âu Châu để Biển này, nơi thường xuyên trở thành nghĩa địa, có thể trở thành một khu vực đồng trách nhiệm cụ thể.

Những lời này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Florence, nơi sẽ quy tụ các thị trưởng và giám mục của khoảng 60 thành phố Địa Trung Hải, và một tháng trước chuyến tông du Malta của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Scicluna, “cam kết đối thoại là con đường dẫn chúng ta đến một vùng biển chung, hòa hợp và công lý,” đồng thời đòi hỏi “sự đồng trách nhiệm của mỗi người”.

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2022. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo Hoàng 85 tuổi bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô như sau:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.

Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.
Source:Vatican News

2. Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị giam cầm đến 9 tháng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Giám Mục của giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡) vừa được trả tự do vào ngày 21 tháng Hai sau 9 tháng mất tích. Ngài được trả về để điều trị bịnh ung thư.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 63 tuổi, là giám mục giáo phận Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam từ năm 1991. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận và điều này khiến ngài trở thành một tên “tội phạm”.

Đức Cha Trương và các linh mục của ngài đã bị bắt trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm ngoái trong một chiến dịch cảnh sát quy mô có sự tham gia của 100 cảnh sát từ Thương Châu (Cangzhou, 沧州), Hà Gian (Hejian, 河间) và Sa Hà Cao (Shaheqiao, 沙河桥). 10 sinh viên đang theo học thần học trong một nhà máy được dùng làm chủng viện cũng bị bắt. Sau đó, ba sinh viên khác bỏ trốn được, cũng đã bị bắt. Tính đến chiều ngày 25 tháng 5, năm ngoái, tất cả các chủng sinh đã được thả về với gia đình của họ, sau khi bị đe nẹt, và bị cấm tiếp tục học thần học.

Tại Trung Quốc, Pháp lệnh tôn giáo mới chỉ cho phép các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các lớp thần học, diễn ra trong các cơ sở được bọn cầm quyền cho phép và kiểm soát. Các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện các chức năng của mình nếu họ gia nhập Giáo hội quốc doanh độc lập với Tòa thánh, và phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không làm thay đổi bản chất của việc kiểm soát này: Tòa thánh đã ký thỏa thuận với bộ ngoại giao Trung Quốc. Nhưng hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tôn giáo quản lý. Mọi thỏa thuận với bộ ngoại giao không có một chút ảnh hưởng nào đến tình hình cụ thể ở quốc gia này.

Vì lý do này, mặc dù Thỏa thuận công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và do đó cũng là của Giáo hội Trung Quốc, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào liên quan đến quyền tự do thờ phượng cho các cộng đồng địa phương. Ngược lại, sau Thỏa thuận, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.

Việc giam giữ Đức Cha Trương - giống như nhiều nhân vật tôn giáo và phi tôn giáo khác - phủ bóng đen lên sự nhấn mạnh về tình bạn được tuyên bố trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, kết thúc ngày 20 tháng Hai. Khẩu hiệu của Trò chơi là “Cùng nhau vì một tương lai chung”.

Nhiều nhà quan sát quốc tế không tin rằng Trung Quốc muốn có một tương lai chung, mà chỉ là “sự khuất phục trước sức mạnh của họ”.

Từ quan điểm này, ngay cả Hiệp định Tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh dường như đã bị “phản bội”. Việc đàn áp người Công Giáo - đặc biệt là người Công Giáo thầm lặng - đã gia tăng kể từ sau hiệp định này

Ở Hà Nam, cuộc đàn áp được báo cáo là khốc liệt hơn các nơi khác vì người Công Giáo chiếm khoảng 4% dân số, một tỷ lệ cao hơn so với phần còn lại của đất nước. Giáo phận Tân Hương có 100,000 tín hữu.
Source:Asia News

3. Các Tông đồ có thiết lập Mùa Chay không?

Các nhà sử học không đồng ý về tuyên bố rằng Mùa Chay là do các Thánh Tông đồ thành lập, và chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau trong Kitô giáo sơ khai.

Mặc dù có vẻ như Mùa Chay đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, các sử gia vẫn tiếp tục tranh luận về việc liệu có phải chính các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay hay không.

Ví dụ, một cuốn sách đầu thế kỷ 20 có nhan đề “Một bài bình luận về Giáo huấn Công Giáo”, lập luận rằng các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay.

Nhiều Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội nói rằng các Tông đồ ra lệnh rằng Lễ Phục sinh trọng thể phải được chuẩn bị trước bởi một thời gian chay tịnh phổ quát và để tưởng nhớ đến bốn mươi ngày của Chúa Kitô trong sa mạc, các ngài đã thiết lập Mùa Chay.

Tuy nhiên, đồng thời, các tác giả của cuốn sách cho rằng không có một hình thức thống nhất để cử hành Mùa Chay trong Giáo hội sơ khai.

Trước hết, không có một hình thức thống nhất trong việc cử hành Mùa Chay. Các tín hữu trong bốn mươi ngày đã tự mình chay tịnh và cầu nguyện theo gương Thầy của họ. Ban đầu, các tín hữu Kitô áp dụng cùng một phong tục ăn chay như đã được quy định trong Luật cũ, theo đó vào những ngày ăn chay, họ chỉ được ăn một bữa và sau khi mặt trời lặn.

Nhận định này được khẳng định thêm bởi Nicholas V. Russo trong một bài báo viết cho Đại học Baylor.

Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ hơn các nguồn cổ xưa cho thấy một sự phát triển lịch sử dần dần. Mặc dù việc nhịn ăn trước Lễ Phục sinh dường như đã có từ xưa và phổ biến, nhưng thời gian của việc nhịn ăn đó thay đổi đáng kể giữa các nơi và qua các thế hệ. Ví dụ, vào nửa sau của thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê thành Lyons (ở Gaul) và Giáo Phụ Tertullian (ở Bắc Phi) cho chúng ta biết rằng thời gian chay tịnh chuẩn bị chỉ kéo dài một hoặc hai ngày, hoặc bốn mươi giờ - kỷ niệm chính xác thời gian Chúa Kitô nằm trong mộ.

Mãi cho đến Công đồng Nicê năm 325, thời gian Mùa Chay mới được ấn định là bốn mươi ngày.

Một phần lý do đằng sau sự tuân thủ khác nhau của Mùa Chay trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo hội là các Kitô hữu thường chỉ đơn giản là cố gắng sống sót và không bị giết. Sự bắt bớ lan rộng trong Đế quốc La Mã đã không cho phép các mùa phụng vụ phổ quát.

Mặc dù các Thánh Tông đồ có thể không thiết lập Mùa Chay như chúng ta biết hiện nay, nhưng có lẽ các ngài đã thực hiện một giai đoạn chuẩn bị ráo riết trước Lễ Phục sinh, theo gương Chúa Giêsu về việc chay tịnh và cầu nguyện.
Source:Aleteia