ĐƯỢC GỌI ĐỂ CHUYỂN TRAO
“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”.
Rudyard Kipling, một nhà thơ người Anh, đã nói, “Thiên Chúa không thể có mặt ở khắp mọi nơi; vì thế, Ngài đã tạo nên các bà mẹ!”.
Anh Chị em,
Rudyard Kipling không chỉ nói đến các bà mẹ, mà là tất cả các bà mẹ của mọi loài, ngay cả thảo mộc và động vật. Bởi lẽ, nói đến mẹ là nói đến sự sống; nói đến sự sống là nói đến Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự sống. Hôm nay, mồng hai Tết, Giáo Hội cho con cái dành riêng một ngày để kính nhớ ông bà cha mẹ; đó là những con người chuyển trao sự sống. Họ đón nhận mầm sống từ Thiên Chúa, làm cho mầm ấy trổ sinh và trao về lại cho Thiên Chúa. Tắt một lời, họ là những con người ‘được gọi để chuyển trao’, chuyển trao sự sống, chuyển trao đức tin!
Một cách hình tượng, Augustino đã viết về sự chuyển trao, cũng như sự kế thừa của các thế hệ thế này, “Hỡi các bạn! Các thế hệ trên mặt đất như những chiếc lá luôn luôn xanh tươi trên cành; trái đất mang những con người như những thân cây mang đầy những chiếc lá. Địa cầu đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này khóc chào đời, người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ chiếc áo xanh của mình, nhưng xin các bạn hãy nhìn xuống gốc. Các bạn đang đạp trên một tấm thảm đầy những chiếc lá khô mục!”. Sách Huấn Ca hôm nay gọi các ngài là những vĩ nhân, “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ, họ đã sinh ra các vĩ nhân và các thánh nhân.
Chỉ trong 5 tuần gần đây, “Mang Tiền Về Cho Mẹ”, một tác phẩm thể loại Rap của nhạc sĩ Đen Vâu, tạo nên một cơn sốt cho giới trẻ Việt Nam; hơn 53 triệu lượt view sau hơn một tháng ra mắt. BBC có bài viết tựa đề, “Con số lượt xem ấn tượng, nhưng thông điệp có thực sự phá cách?”. Một nhà báo nhận định, “Tác giả muốn nhắc nhở những đứa con xa nhà phải làm ăn chăm chỉ và chân chính để có thành quả ‘đo bằng tiền’ mang về. Tất nhiên đây là điều tốt, nhưng việc nhắc đi nhắc lại 3 lần một câu một trong điệp khúc 4 dòng đã khiến ‘thông điệp vật chất’ bị nhấn mạnh đến mức lấn át khía cạnh tinh thần; trở thành một kiểu khẩu hiệu, kim chỉ nam”. Riêng tôi, một cách nào đó, có phần đồng tình với nhà báo kia; và ước có được thời giờ, để viết thêm bài “Mang Tình Về Cho Mẹ”. Tiền quả là cần, nhưng với tôi, mẹ cha cần tình hơn cần tiền!
Cần tình hơn cần tiền! Mẹ cha cần sự gần gũi, kính trọng và nâng niu; cần được yêu thương và vâng lời. Thư Êphêsô hôm nay nói, “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”. Chúa Giêsu cũng nhắc lại luật Cựu Ước vốn khá khắt khe trong Tin Mừng hôm nay, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, phải bị xử tử!”.
Anh Chị em,
“Hạnh phúc thay cho con có mẹ, mẹ ơi; đau đớn thay cho người, người trong cảnh mồ côi!”. Tôi đã trải nghiệm một cách sâu sắc câu nói ấy cách đây 14 năm và 7 năm khi biết thế nào là mồ côi mẹ, và mồ côi cha. May thay, sau đó, tôi cảm nhận hơn tình thương của Cha trên trời; đồng thời, được an ủi bởi sự chăm sóc của Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Maria, La Vang. Cảm nhận mất mát này, tôi viết ca khúc “Mẹ Dạy Con Tin Yêu Hy Vọng”. Con Thiên Chúa đến trần gian qua một gia đình nhỏ, trong đó Maria và Giuse cũng dạy Ngài tin yêu hy vọng, nên người, nên thánh. Và trẻ Giêsu hằng vâng phục và phụng dưỡng cha mẹ mình; trước khi tắt hơi, Ngài ân cần trao Mẹ cho môn đệ thân tín chăm sóc. Ngài để lại cho chúng ta gương hiếu thảo của kẻ làm con. Hãy nhớ rằng, hiếu thảo với mẹ cha, không chỉ là hiếu thảo với các đấng sinh thành thể lý; nhưng qua đó, chúng ta đáp trả Thiên Chúa, Đấng ban sự sống mà các ngài là người chuyển trao.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con có mẹ có cha; xin cho con biết trân quý sự sống và đức tin Chúa ban qua các ngài; nhờ đó, con khỏi phụ lòng các đấng ‘được gọi để chuyển trao’”, Amen.
( Tgp. Huế)
Kính mời Anh Chị em thưởng thức sáng tác “Mẹ Dạy Con Tin Yêu Hy Vọng” của người viết ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=R-NHxR8qmTk