THÁNH LỄ TẤT NIÊN 30/12 Âm Lịch
TÂM TÌNH TẤT NIÊN
Is 63,7-9; 1 Cr 1,3-9; Lc 1,39-56

Chúng ta đang ở trong một thời khắc đặc biệt, khi năm cũ sắp chấm dứt, năm mới sắp ló dạng. Theo tục truyền, ngày cuối năm, chính xác là cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, ông Táo hay ông Công là “thần bếp” trong mỗi gia đình, cưỡi cá chép về thiên giới để chầu yết và báo cáo cho Ngọc Hoàng biết tất cả mọi chuyện đã xãy ra ở hạ giới, chuyện tích cực cũng như tiêu cực. Năm qua quả là một năm nhiều bất trắc, rủi ro hơn là thuận lợi đối với người dân Việt Nam do nhân tai và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Trung. Nên có lẽ, năm nay ông Táo không cưỡi cá chép, vì cá đã chết do bị nhiễm độc của Formosa, nhưng ông Táo đi bằng du thuyền vì giá rẻ hơn. Dù là câu chuyện có tính thần thoại, nhưng nó cũng nhắc nhở con người ý thức có một Ai đó trên cao vẫn hằng quan tâm theo dõi mọi sinh hoạt của con người hạ giới.

Đối với hầu hết mọi người Việt, những ngày Tất Niên là những ngày bận rộn. Người đi xa lo về quê ăn tết; chủ lo tiền công trả cho thợ; thương gia thì tranh thủ kiếm tiền; gia đình nào cũng phải mua sắm gì đó để gọi là “hương vị ba ngày tết.” Tất Niên tất nhiên là tất bật! Vì tất bật nên dễ tai nạn trên đường! Nên cũng phải thận trọng khi lái xe.

Theo truyền thống văn hóa tốt lành người Việt Nam, Tất Niên là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau, bỏ qua những thiếu sót trong năm cũ, và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong năm mới. Chúc tết là một nét đẹp của văn hóa. Tuy nhiên, ngày hôm nay, xem ra điều chính yếu lại trở thành điều tùy phụ. Nên có người chép miệng: “Phong hoa, phong tục, phong thư. Trong ba phong ấy, người ta thích nhất “phong bì!”

Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, Tất Niên là dịp để chúng ta cảm tạ Thiên Chúa và tri ân mọi người vì những gì chúng ta đón nhận trong năm qua. Đồng thời, đây cũng là thời khắc để cầu xin Chúa tiếp tục tuôn đổ phúc lành cho mỗi người trong năm mới.

Bởi thế, tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa là tâm tình chính yếu mà mỗi người Kitô hữu phải có luôn mãi trong từng ngày sống, đặc biệt là trong những ngày Tất Niên và Xuân mới. Bởi lẽ, trong cái nhìn đức tin, chúng ta xác tín rằng tất cả là hồng ân. Nếu chúng ta có là gì cũng là nhờ ơn Đức Chúa. Theo thần học, Thánh Lễ (eucaristia) là nghi thức tạ ơn tuyệt hảo mà chúng ta dâng lên để cảm tạ Thiên Chúa. Trong ý nghĩa đó, Lời Chúa của thánh lễ Tất Niên giúp chúng ta đào sâu về tâm tình tạ ơn này.

Tiên tri Isaia trong bài đọc I, nhắc nhở chúng ta hãy “dâng lời ca tụng Đức Chúa…, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63,7). Cựu Ước đã có kinh nghiệm về một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn hiện diện và luôn che chở mỗi người, nhưng vẫn là vị Thiên Chúa còn vô hình. Tân Ước giới thiệu với chúng ta một vị Thiên Chúa hữu hình mà chúng ta có thể tới gần, đụng chạm. Người là hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô thành Nadarét. Nhờ Người, chúng ta đón nhận từ ơn này tới ơn khác (x. Ga 1,16).

Theo đó, trong thư 1 Côrintô, thánh Phaolô bày tỏ: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu. Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm Người” (1 Cr 1,4).

Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta đón nhận được ơn làm con Thiên Chúa, được hưởng ơn cứu độ, được trở thành chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, tức là Giáo Hội, được nuôi dưỡng mình bằng các bí tích, được lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày và được hứa ban phần thưởng Nước Trời mai sau.

Chân dung của Đức Maria được thánh Luca trình bày trong bài Tin Mừng trở thành khuôn mẫu và lý tưởng cho tất cả chúng ta. Mẹ là người đã quảng đại để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi thưa “xin vâng.” Mẹ đã vội vã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình ông Dacaria và bà Êlisabét. Xét cho cùng, lý tưởng đời sống Kitô hữu là bước theo Chúa Kitô, là yêu mến và mang Chúa đến cho người khác. Mỗi người chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và học hỏi Đức Maria để sống và thi hành tốt sứ vụ của mình.

Tâm tình của Đức Maria hôm nay phải là tâm tình của chúng ta mỗi ngày đối với Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.”

Xin cho cuộc đời của mỗi chúng ta trở nên lời cảm tạ chân thành, sinh động và mạnh mẽ để trở thành chứng nhân niềm hy vọng, liên đới, phó thác, an vui… dẫu cuộc đời vẫn còn đó những khó khăn, hoạn nạn, khổ đau. Hy vọng rằng những chuyện tiêu cực, buồn phiền sẽ đi vào dĩ vãng cùng với năm cũ. Và thánh lễ tạ ơn Tất Niên này sẽ thắp lên ngọn lửa tin yêu, đầy hy vọng, để nối dài vòng tay yêu thương của mỗi người chúng ta trong mỗi cộng đoàn và giang rộng đến tận những nơi và những ai đang cần, đang mong, đang chờ đợi chúng ta như một quà tặng hiến dâng!

Nhân dịp tết đến xuân về, xin gửi tới anh chị em những lời chúc sau đây:

NĂM mới xin tiễn năm cũ qua
MỚI đón tân xuân đến mọi nhà
CHÚC mọi người thêm nhiều hoan hỷ
MỪNG vui khắp chốn rộn lời ca
HẠNH – dung - lễ - nghĩa ngời tâm ngọc
PHÚC lộc, công, danh rạng ý Trời!
Amen!