MỘT THOÁNG BÊN THỀM XUÂN HIỆP HÀNH

Mỗi năm vào Thu, lá cây bắt đầu đổi sắc vàng và rơi rụng. Đến mùa Đông thì cây trụi lá, trơ ra những cành khô khẳng khiu. Nhưng sự sống, sức sống vẫn còn tiềm tàng trong những cành khô ấy. Tàn Đông, cây cối căng tràn nhựa sống, đâm chồi nảy lộc khi Xuân về. Chúng ta sẽ được thấy những cành lá xanh mơn mởn, rồi những chùm hoa tỏa hương sắc ngạt ngào trong hương Xuân.

Tất cả đến từ sự sống tiếm tàng trong cây. Sự sống đó đem lại thay đổi. Thay đổi từ bên trong, thể hiện ra bên ngoài và đem lại kết quả tươi đẹp. Có được như vậy là nhờ khí tiết của mùa Xuân với những tia nắng ấm áp, dịu dàng. Ba yếu tố quan trọng của mùa Xuân là sự sống, thay đổi và tươi mới. Đời sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần có sự sống, để rồi có thay đổi và sẽ luôn luôn tươi mới.

Đã sinh ra làm kiếp người thì ai cũng có sự sống. Nhưng ở đây ta muốn nói đến sự sống thật, sự sống viên mãn, sống với đầy đủ ý nghĩa. Chúng ta đang sống nhưng nếu sống chỉ là những sinh hoạt của thể xác hay ngay cả những sinh hoạt của tâm hồn đi nữa thì đó cũng chỉ mới là hiện hữu chứ không phải sống thật.

Sống thật là sự sống đầy ý nghĩa, sống với mục đích và sống trong mối tương giao với nguồn sống là Thiên Chúa. Người tin Chúa được gọi là người “chết đi sống lại” hay là người được tái sinh. Tái sinh không phải là đầu thai kiếp khác nhưng thật sự là được lột xác. Là chết đi con người cũ tội lỗi, xấu xa và có sự sống của một con người mới. “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cr 5,17)

Những người Kitô hữu thường ví sánh cuộc đời tin Chúa như được bước vào một mùa Xuân vĩnh cửu. Vĩnh cửu vì có Chúa là Chúa Xuân vĩnh hằng, không biến đổi theo thời gian hay không gian. Chúa Xuân này cũng không phải là một nhân vật tưởng tượng hay truyền thuyết, mà là một người của lịch sử. Từng sinh ra trong trần thế, sống với nhân loại và đụng chạm tới con người.

Những người tin Chúa thì trở nên con Chúa được sinh ra trong gia đình của Chúa, có sự sống của Người. Sự sống của Thiên Chúa luôn tuôn trào trong mỗi Kitô hữu và người đó tự nhiên được thay đổi như cây cỏ đến mùa Xuân thì được thay đổi. Sự thay đổi nầy mang tính cách liên tục, nghĩa là lúc nào cũng thay đổi cho nên đời sống sẽ luôn luôn tươi mới.

Trong Thánh lễ Khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục 16 cấp Giáo phận vào lúc 8g Chúa nhật 28-11-2021 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đã chia sẻ với mọi người niềm hy vọng về một Giáo hội hiệp hành, đổi mới. Trong đó các tín hữu hăng say dấn thân, tham gia, biết lắng nghe nhau, cùng nhau tìm ra ánh sáng của Chúa Thánh Thần trên mọi tổ chức và mọi người, để đem lại một sức sống mới cho Tổng Giáo phận.

Có thể nói Thượng Hội đồng Giám mục 2023 là khởi đầu của 1 mùa Xuân mới trong Thiên niên kỷ thứ III của Giáo hội từ sau Công Đồng Vaticano II. Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Giáo hội được mời gọi trở nên “dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhân loại, bằng cách “cùng bước đi với nhau” trên con đường sứ mạng và lắng nghe Chúa Thánh Thần mời gọi hoán cải.

Kỳ Thượng Hội đồng Giám mục lần này sẽ kéo dài 3 năm, với 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục, hoàn vũ. Giai đoạn đầu tiên ở cấp giáo phận bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, giai đoạn châu lục dự kiến sẽ được tổ chức từ tháng 9-2022 đến tháng 3-2023 và giai đoạn hoàn vũ với sự tham dự của các vị Giám mục đến từ khắp thế giới sẽ diễn ra tại Rome vào tháng 10-2023 trên tinh thần “mỗi người lắng nghe mọi người; và mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần”.

Trong tinh thần đó, bài viết ngắn này chỉ là một chút cảm nhận phiến diện dưới góc độ của một người Kitô hữu được sinh hoạt trong đoàn thể Công Giáo tiến hành. Các tài liệu chuẩn bị, cẩm nang hướng dẫn cũng nhắc đến các phong trào giáo dân cũng như mọi thành phần khác trong Giáo hội đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống hiệp hành.

Nhờ Bí tích Rửa tội và Thêm sức tất cả các tín hữu được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, được ban cho những ân sủng và đặc sủng khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội, với tư cách là chi thể của Thân thể Chúa Kitô.

Một trong những mối quan tâm lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô là làm sao đưa Giáo Hội hoàn vũ đi vào tiến trình hiệp hành như một lối sống và hành động: lắng nghe nhau và có thái độ mục vụ, đặc biệt đứng trước cám dỗ của chủ nghĩa duy giáo sĩ và thái độ cứng nhắc đã được Tin Mừng nhắc đến: “Ngài lật đổ những người cường quyền khỏi tòa cao, và nâng cao những người hèn mọn” (Lc 1,52).

Do ảnh hưởng của quá trình lịch sử và văn hóa, người Việt thường hay “cả nể, sợ mất lòng” và thói quen ứng xử: “tôn ti trật tự”, “kính trên nhường dưới”; nên thường “xưng khiêm, hô tôn” với các bậc giáo sĩ và rất e ngại khi phải góp ý cho “các đấng, các bậc” dễ đi đến cảm thức nhạt nhòa về Giáo hội.

Đồng thời với sự tiến bộ của xã hội, nhiều người cũng đòi hỏi sự dân chủ với trào lưu “giáo dân trị”. Nhấn mạnh vào những thiếu sót, tiêu cực cục bộ ở một số nơi rồi thay vì góp ý xây dựng lại đâm ra hằn học, kéo bè nhóm phái đả kích. Đồng thời với khuynh hướng đóng kín coi mình có đủ mọi câu trả lời cho mọi vấn đề nhân loại. Hãy nhớ rằng “người dưới và người trên thực sự tôn trọng lẫn nhau” thì mới có trao đổi dân chủ bình đẳng được.

Tất cả chúng ta đều đều có thể học và đón nhận cái gì đó từ người khác qua việc gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại và phân định cho cộng đồng. Khi ai đó đứng ngoài bàng quan hoặc chỉ trích, đàm tiếu thì không phải là hiệp thông và tham gia mà là làm cho Giáo Hội suy yếu, nhiều người sẽ rời bỏ Giáo Hội và Giáo Hội có nguy cơ bị loại khỏi thế giới. Hiệp hành là cùng nhau bước đi trên một con đường để chu toàn sứ vụ trong Giáo Hội; để gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và phân định; để giúp anh chị em chúng ta nhận được ánh sáng và sự sống… (Đức TGM Giuse Nguyễn Năng)

Có thể nói một mùa Xuân mới trong Giáo Hội đã được mở ra để mời gọi tất cả mọi người cùng tham gia, theo ơn gọi riêng của mỗi người, cùng với thẩm quyền được Đức Kitô trao cho Giám mục đoàn có Giáo Hoàng đứng đầu. Nên cùng đi, nhưng có dẫn đầu. Cần lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau. “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy” (1 Tx 5,19-21).

Một năm mới bắt đầu với mùa Xuân sẽ là một cuộc lữ hành mới. Là người Công Giáo, trong cuộc lữ hành trần thế của mỗi người sẽ luôn có Chúa đồng hành và đó chính là hành trình đời sống đức tin. Xin tạ ơn vì muôn ơn lành Thiên Chúa đã ban cho mỗi người trong từng khoảnh khắc của cuộc đời. Cầu chúc mọi người được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để có những đóng góp xứng đáng cho Giáo Hội hiệp hành trong năm Nhâm Dần 2022.