“ĐỪNG SỢ!”
“Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói đến sự tàn phá và mất mát! Đaniel nói về sự chia cắt các quốc gia; Chúa Giêsu nói về sự sụp đổ của Giêrusalem và những sự kiện đen tối khác trong thiên nhiên và trong thế giới. Thế nhưng, qua đó, thật ủi an, Ngài dạy chúng ta, “Đừng sợ!”.
Với giấc mơ của vua Nabucôđônôsor, Đaniel tiên báo sự chia cắt lãnh thổ của các nước; để sau đó, một Vương Quốc ngàn năm còn mãi ra đời, “Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá…; nó sẽ đứng vững muôn kiếp”; từ đó, thần dân của Vương Quốc Ngài có thể “Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời” như lời Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Theo nghĩa đen, lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực vào năm 70 cho Giêrusalem, vốn là một trong bảy kỳ quan của thế giới vào thời Chúa Giêsu. Sau khi báo trước số phận mai ngày của thành, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về các hỗn loạn sẽ xảy đến; sẽ có tiên tri giả, chiến tranh, động đất, nạn đói và dịch bệnh, với “Những hiện tượng kinh khủng từ trời và những điềm lạ cả thể”. Vậy tại sao Chúa Giêsu nói tiên tri về tất cả những điều này?
Câu trả lời rất đơn giản là, Ngài không cố làm cho chúng ta sợ hãi. Ngài báo trước để không ai trong chúng ta trở nên lầm lạc hoặc run sợ khi những sự việc xảy ra. Ngài nói, “Đừng để mình bị lừa dối!”, và “Đừng sợ!”. “Cuộc sống không phải là một bát anh đào!”. Đúng thế, chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, hỗn loạn, nhầm lẫn, lừa dối, lạm dụng, tai tiếng, xung đột và những thứ tương tự đang xảy ra…; trước những điều ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng. Đó có thể là xung đột gia đình, bất ổn dân sự hoặc thậm chí, chia rẽ trong chính Giáo Hội. Chúa Giêsu trấn an, Ngài muốn chúng ta cố giữ lấy bình an và tin cậy tuyệt đối vào Ngài.
Chuyện kể về một người cha và con gái đang đi dạo trên một thảo nguyên mênh mông. Từ xa, họ bỗng nhìn thấy một ngọn lửa cuối chân núi; người cha nhận ra rằng, lửa sẽ sớm nhấn chìm hai cha con. Ông biết, chỉ có một cách thoát thân: họ phải nhanh chóng phóng hoả ngay tại nơi họ đang đứng và đốt cháy một mảng cỏ lớn nhất có thể. Khi lửa đến gần, họ đã ở trong phần đất đã cháy. Ngọn lửa tiếp cận, cô gái vô cùng hoảng sợ, nhưng người cha đã trấn an, “Đừng sợ! Lửa không thể đến được với chúng ta. Chúng ta đang đứng trong vùng an toàn, nơi lửa đã bùng lên!”.
Anh Chị em,
Người cha dũng cảm và khôn ngoan đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu. Giữa cuộc đời ô trọc ví tựa bể khổ, Ngài đã có mặt bên mỗi người chúng ta. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh, Ngài đã thiết lập cho chúng ta một vùng an toàn; để chúng ta có thể sống trong tình trạng ân sủng của con cái Thiên Chúa. Ngài đến, một đời cho đi; nhưng, cuối cùng, bị bắt, bị buộc tội, bị kết án tử hình và bị đóng đinh… nhưng vượt qua tất cả, Chúa Giêsu đã toàn thắng, vì biết rằng, mọi khổ đau Ngài chịu sẽ trở thành căn nguyên ơn cứu độ, phát sinh một sự sống mới. Nếu Thiên Chúa là Cha, Đấng có thể mang lại điều tốt nhất từng được biết đến qua việc Con Yêu Dấu của Ngài bị ‘đốt cháy’ một cách tàn bạo, thì chắc chắn, Thiên Chúa cũng có thể làm điều tương tự với tất cả chúng ta. Hãy tin tưởng mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Đấng Toàn Năng cũng có thể mang lại điều tốt lành từ mọi sự. Sự sống mới của Đấng Phục Sinh sẽ vọt lên từ những hư nát, kể cả thân xác của chúng ta, vốn từng là thức ăn cho giun dế. “Đừng sợ!”; đây không phải là lời khuyên suông của một ai đó bất toàn nhưng là lời của một Đấng từng bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại vì tình yêu. Đấng ấy là Vua vũ hoàn. Như Ngài, chúng ta hãy sống hiên ngang và chết hiên ngang, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, là người môn đệ của vị Vua có tên Giêsu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng phục sinh của Thánh Thần, để con can trường giữa mọi nghịch cảnh. Con tin, Chúa có thể đem cho con điều tốt nhất từ những gì nghiệt ngã nhất!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Những gì các con nhìn ngắm đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói đến sự tàn phá và mất mát! Đaniel nói về sự chia cắt các quốc gia; Chúa Giêsu nói về sự sụp đổ của Giêrusalem và những sự kiện đen tối khác trong thiên nhiên và trong thế giới. Thế nhưng, qua đó, thật ủi an, Ngài dạy chúng ta, “Đừng sợ!”.
Với giấc mơ của vua Nabucôđônôsor, Đaniel tiên báo sự chia cắt lãnh thổ của các nước; để sau đó, một Vương Quốc ngàn năm còn mãi ra đời, “Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời sẽ không hề bị tàn phá…; nó sẽ đứng vững muôn kiếp”; từ đó, thần dân của Vương Quốc Ngài có thể “Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời” như lời Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào!”. Theo nghĩa đen, lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực vào năm 70 cho Giêrusalem, vốn là một trong bảy kỳ quan của thế giới vào thời Chúa Giêsu. Sau khi báo trước số phận mai ngày của thành, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về các hỗn loạn sẽ xảy đến; sẽ có tiên tri giả, chiến tranh, động đất, nạn đói và dịch bệnh, với “Những hiện tượng kinh khủng từ trời và những điềm lạ cả thể”. Vậy tại sao Chúa Giêsu nói tiên tri về tất cả những điều này?
Câu trả lời rất đơn giản là, Ngài không cố làm cho chúng ta sợ hãi. Ngài báo trước để không ai trong chúng ta trở nên lầm lạc hoặc run sợ khi những sự việc xảy ra. Ngài nói, “Đừng để mình bị lừa dối!”, và “Đừng sợ!”. “Cuộc sống không phải là một bát anh đào!”. Đúng thế, chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, hỗn loạn, nhầm lẫn, lừa dối, lạm dụng, tai tiếng, xung đột và những thứ tương tự đang xảy ra…; trước những điều ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ để sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng. Đó có thể là xung đột gia đình, bất ổn dân sự hoặc thậm chí, chia rẽ trong chính Giáo Hội. Chúa Giêsu trấn an, Ngài muốn chúng ta cố giữ lấy bình an và tin cậy tuyệt đối vào Ngài.
Chuyện kể về một người cha và con gái đang đi dạo trên một thảo nguyên mênh mông. Từ xa, họ bỗng nhìn thấy một ngọn lửa cuối chân núi; người cha nhận ra rằng, lửa sẽ sớm nhấn chìm hai cha con. Ông biết, chỉ có một cách thoát thân: họ phải nhanh chóng phóng hoả ngay tại nơi họ đang đứng và đốt cháy một mảng cỏ lớn nhất có thể. Khi lửa đến gần, họ đã ở trong phần đất đã cháy. Ngọn lửa tiếp cận, cô gái vô cùng hoảng sợ, nhưng người cha đã trấn an, “Đừng sợ! Lửa không thể đến được với chúng ta. Chúng ta đang đứng trong vùng an toàn, nơi lửa đã bùng lên!”.
Anh Chị em,
Người cha dũng cảm và khôn ngoan đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu. Giữa cuộc đời ô trọc ví tựa bể khổ, Ngài đã có mặt bên mỗi người chúng ta. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh, Ngài đã thiết lập cho chúng ta một vùng an toàn; để chúng ta có thể sống trong tình trạng ân sủng của con cái Thiên Chúa. Ngài đến, một đời cho đi; nhưng, cuối cùng, bị bắt, bị buộc tội, bị kết án tử hình và bị đóng đinh… nhưng vượt qua tất cả, Chúa Giêsu đã toàn thắng, vì biết rằng, mọi khổ đau Ngài chịu sẽ trở thành căn nguyên ơn cứu độ, phát sinh một sự sống mới. Nếu Thiên Chúa là Cha, Đấng có thể mang lại điều tốt nhất từng được biết đến qua việc Con Yêu Dấu của Ngài bị ‘đốt cháy’ một cách tàn bạo, thì chắc chắn, Thiên Chúa cũng có thể làm điều tương tự với tất cả chúng ta. Hãy tin tưởng mọi lúc, mọi hoàn cảnh, Đấng Toàn Năng cũng có thể mang lại điều tốt lành từ mọi sự. Sự sống mới của Đấng Phục Sinh sẽ vọt lên từ những hư nát, kể cả thân xác của chúng ta, vốn từng là thức ăn cho giun dế. “Đừng sợ!”; đây không phải là lời khuyên suông của một ai đó bất toàn nhưng là lời của một Đấng từng bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại vì tình yêu. Đấng ấy là Vua vũ hoàn. Như Ngài, chúng ta hãy sống hiên ngang và chết hiên ngang, với tư cách là con cái của Thiên Chúa, là người môn đệ của vị Vua có tên Giêsu!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin ban cho con ân sủng phục sinh của Thánh Thần, để con can trường giữa mọi nghịch cảnh. Con tin, Chúa có thể đem cho con điều tốt nhất từ những gì nghiệt ngã nhất!”, Amen.
(Tgp. Huế)