TÔI VUI MỪNG VÌ SỰ TRẺ TRUNG TRONG GIÁO HỘI
Suốt những Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 15 vừa qua, thế giới Công giáo (và có thể cả thế giới Kitô giáo) như lên cơn sốt cùng với hàng triệu bạn trẻ tại Rôma. Qua các phương tiện truyền thông: báo chí, phát thanh, truyền hình, liên mạng... một nỗi hân hoan vô bờ, một bầu không khí tươi trẻ, một niềm phấn khởi lớn lao bao trùm tất cả mọi kitô hữu khắp thế giới.

Dù ở tận góc trời, không có thể xem truyền hình trực tiếp trên tivi qua vệ tinh, trên vi tính qua Internet (vì bị nhiều bức tường lửa!), chỉ có những bài vở và hình ảnh bất động qua email do bạn bè gửi (xin cám ơn VietCatholic Network và anh John Phạm Hùng Sơn), tôi cũng đã thật sự trải qua nhiều giây phút xúc động vui mừng. Nay xin được phép trình bày đôi cảm nghĩ:

1. TÔI VUI MỪNG VÌ SỰ TRẺ TRUNG CỦA GIÁO HỘI

Thấy hình ảnh hàng triệu bạn trẻ vây quanh Ðức Thánh Cha và nhiều Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ hướng dẫn viên để cùng nhau cầu nguyện, dâng thánh lễ, học giáo lý, đến tòa giải tội, ca hát múa nhảy trong một bầu khí sốt sắng, phấn khởi... ai ai cũng thấy Giáo Hội thật trẻ trung.

Nói thế chẳng có nghĩa là phần lớn dân số trong Giáo Hội thuộc thành phần trẻ. Theo tôi được biết, hình như chưa có thống kê về vấn đề đó. Thật ra sự trẻ trung của Giáo Hội nằm ở chỗ khác, sâu xa hơn nhiều. Nếu bạn đồng ý với tôi rằng trẻ trung có ba dạng: trẻ trung thể xác, trẻ trung trí tuệ và trẻ trung tâm hồn, dạng càng về sau càng đáng kể (như cha A.D. Sertillanges nói: “Sự trẻ trung không phải là một tuổi, nhưng là một bầu khí của tâm hồn”, hay như đại tướng Mac Arthur: “Tuổi thanh niên chẳng phải là một giai đoạn của đời người, mà là một trạng thái của trí tuệ. Người ta không trở thành già vì đã sống qua một số năm, tháng, ngày giờ, mà vì đã chối bỏ lý tưởng”). Và nếu bạn cũng nhất trí với tôi rằng trẻ trung là tràn đầy sức sống, là phong phú sáng kiến, là liên tục đổi mới, là nhanh nhạy thích nghi... (vì già cỗi hẳn là sức sống lụi tàn, sáng kiến cạn kiệt, đổi mới chậm chạp, thích nghi khó khăn..., như Chantecler từng viết: “Bí quyết của một tuổi xuân bất tận là gợi lên, là quan tâm đến những gì trong ta hay quanh ta làm cho ta biết hớn hở, biết thân thiện, cởi mở với kẻ khác, biết cảm phục và biết vui sống...”). Nếu quan niệm về sự trẻ trung như thế thì Giáo Hội thật là một cái gì rất trẻ.

Trước hết, xin được hỏi các sử gia: có tổ chức thống nhất nào đã sống còn qua hai mươi thế kỷ, có tôn giáo nào mang tính chất một tổ chức thống nhất đã tồn tại suốt hai nghìn năm? Sự tồn tại của Giáo Hội qua từng ấy thời gian, bất chấp những tấn công bởi ngoại thù lẫn nội thù, chứng tỏ Giáo Hội luôn tràn đầy sức sống. (Dĩ nhiên Phật giáo tồn tại lâu hơn Công giáo nhưng Phật giáo chẳng phải là một tổ chức thống nhất toàn cầu). Sức sống này cụ thể biểu lộ qua sự hiện diện của Giáo Hội hầu như khắp mọi quốc gia năm châu (sự có mặt của các bạn trẻ thuộc 165 nước trong Ngày GTQT là một bằng chứng. VietCatholic News 25/8) và qua số tín hữu đông đảo (1.005.254.000. Hồi giáo tuy đông hơn: 1.088.500.000 [theo Zenit] nhưng không phải là một tổ chức thống nhất. Ngoài ra Hồi giáo còn chia thành nhiều hệ phái nhỏ). Giáo Hội có khả năng đổi mới liên tục. Hai mươi mốt Công đồng chung là những lần thay da đổi thịt của Giáo Hội; đó là chưa kể các công đồng miền. Các tổ chức trong lãnh vực điều hành (giáo triều, giáo phận, giáo xứ...), trong lãnh vực sinh hoạt (tu hội dòng, tu hội đời, phong trào giáo hội, tông đồ giáo dân...), trong lãnh vực bác ái (trường học, bệnh viện, nhà nuôi cô nhi...) là những sáng kiến phong phú nhằm duy trì và gia tăng sự sống trong Giáo Hội. Các văn kiện giáo huấn của giáo quyền qua bao thế kỷ về mọi vấn đề tín lý, luân lý, xã hội... là những thích nghi nhanh nhạy của Giáo Hội với hoàn cảnh. Các vị thánh, đặc biệt những vị thánh lớn, đều là những câu trả lời cho các ưu tư và khát vọng của thời đại.

Xin nói thêm về sức sống đầy tràn, dấu hiệu của sự trẻ trung. Tràn đầy sức sống chính là có khả năng nhận vào, có khả năng mở ra, có khả năng liên kết. Một thể xác chẳng còn có thể tiếp nhận những thức ăn bổ, một đầu óc chẳng còn có thể tiếp nhận những tư tưởng mới, một con tim chẳng còn tiếp nhận những tình cảm cao thượng, bạn có thể nói là tràn đầy sức sống chăng? Giáo Hội tràn đầy sức sống vì có Thiên Chúa là nguồn sống, vì Giáo Hội luôn sẵn sàng đưa mọi giá trị của nhân loại vào lòng mình, luôn nỗ lực rao giảng Tin mừng tình yêu cho trần gian, luôn tìm mọi cách thực thi lòng bác ái, luôn cổ vũ sự đoàn kết liên đới, luôn rao giảng tinh thần hòa giải hòa hợp.

Giới trẻ năm châu tìm đến với Giáo Hội, được cụ thể hóa tại Ðại Hội Thanh niên Thế Giới Rôma lần này, vì thấy Giáo Hội là nơi họ có thể nhận được nguồn sống qua cầu nguyện dâng lễ, nhận được sự canh tân qua bí tích giải hòa, nhận được những tư tưởng làm chỉ nam cho cuộc đời qua những buổi giáo lý... như lời bài hát chính thức của Ðại hội: “Kinh thành này, nơi đã tuôn đổ máu-sự sống vì tình yêu và đã biến đổi thế giới cũ, sẽ sai chúng ta đi trên con đường mình. Bằng cách theo Chúa, cùng với Phêrô, đức tin chúng ta được tái sinh, tâm hồn chúng ta được Lời hằng sống triển nở bên trong và canh tân đổi mới”, đúng như nhận xét của triết gia Maximo Karchary, thị trưởng thành phố Venitia: “Tôi đã tiếp xúc với một số bạn trẻ (tại ÐHGT)... và tôi thấy được những thái độ nội tâm sâu xa của họ: tìm kiếm đối thoại, tìm kiếm chiều kích nội tâm, tìm kiếm tư tưởng, suy tư và nguyện cầu... Ngày nay, Giáo Hội là cơ cấu duy nhất có thể nói với giới trẻ” (VietCatholic News 28/8). Tại đó, hơn hai triệu rưỡi bạn trẻ đã gặp gỡ nhau trong tình yêu thương, không phân biệt màu da, tiếng nói, văn hóa, trình độ, đã đón tiếp nhau như con cùng một mẹ, như những giá trị làm phong phú cho cuộc sống mình. Tại đó, “vượt lên trên tất cả chủng tộc và nền văn hoá, họ đã cảm thấy như là những anh chị em hiệp nhất trong cùng đức tin, đức cậy, và cùng sứ vụ: nung nấu thế giới bằng tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã cho thấy rằng ở trong họ, có một nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa. Họ tìm kiếm những lý do để hi vọng và khao khát những kinh nghiệm thiêng liêng đích thực” (Gioan Phaolô II, Diễn từ buổi triều yết chung 23/8. VietCatholic News 29/8).

Chúng ta hãy nhớ lại Woodstock Festival (Liên hoan nhạc rock của giới trẻ Âu Mỹø) năm 1969 rồi 1994. Hai lần ấy (cũng ngày 15/8) đã quy tụ được kha khá: lần đầu 500.000 bạn trẻ, lần hai 250.000. Nhưng ở đó giới trẻ chỉ có hoan hô đả đảo, ăn mặc lố lăng, thoải mái dùng ma túy và tự do cảm nghiệm tình dục (theo CD Encarta 98 và Nouvel Observateur 8/94). Hay những Liên hoan Thanh niên Thế giới trong hạ bán thế kỷ 20, đầy màu sắc chính trị, đủ thứ tiếng gào thét hận thù, và chỉ giới hạn cho một số thể chế quốc gia, bị chính Ðức Thánh Cha tố cáo trong bài giảng đêm canh thức 19/8: “Trong thế kỷ vừa trải qua, nhiều bạn trẻ như chúng con đã bị tập trung trong những cuộc tụ tập khổng lồ để học những cách thức thù hận; họ được gởi đi để chiến đấu chống lại nhau. Những chủ thuyết cứu thế vô thần khác nhau đã muốn thay thế cho niềm hy vọng Kitô Giáo, để rồi tự chứng tỏ chúng là hỏa ngục của nhân loại”.

Thánh Phaolô từng nói: “Ðức Kitô luôn thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,26-27). Thánh Gioan trong Khải huyền cũng có một thị kiến: “Bấy giờ tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2). Ðó là sự trẻ trung ngàn đời của Giáo Hội, và các bạn trẻ vẫn sẽ đến với Giáo Hội là vì thế. Vấn đề là phải có những con người biết giới thiệu và trình bày sự trẻ trung đó cho họ. Chúng ta muốn nói tới các thánh: các thánh nhân và những kitô hữu thánh thiện.

2. TÔI VUI MỪNG VÌ SỰ TRẺ TRUNG CỦA CÁC THÁNH

Trong Ðường Hy Vọng của Ðức Cha P.X. Nguyễn Văn Thuận có câu: “Các thánh càng già, trái tim họ càng trẻ”. Thật ra, trong Giáo Hội vẫn có những vị thánh trẻ: Anê, Xêxilia, Goretti, Ðôminicô Saviô, Têrêxa Hài Ðồng, Tôma Trần Văn Thiện... và gần đây nhất là hai chân phước Phanxicô và Giaxinta Marto. Nhưng sự trẻ trung của các thánh nằm ở chỗ khác: trẻ trung của tâm hồn, của tình yêu: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhân loại. “Khi con người hướng lên Thiên Chúa thì được nâng cao và trẻ mãi không già” (ÐHY Marty).

Chúng ta thấy các họa sĩ thường vẽ Ðức Mẹ trẻ trung, xinh đẹp, mặc dầu Ngài đã sống tới tuổi già. Chắc không phải chỉ để đề cao nét đẹp thể lý của nữ giới. Sâu xa hơn, các họa sĩ có lẽ đã muốn diễn tả sự trẻ trung muôn đời của một tâm hồn “đầy ân sủng”, trung trinh trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Ai có thể bảo thánh Phanxicô Axidiô là kẻ già cỗi, lỗi thời khi mà suốt 7-8 thế kỷ nay, biết bao thanh niên nam nữ đã theo gót vị tu sĩ hèn mọn ấy, biết bao đoàn hành hương đã đến Italia để chiêm ngắm con người hằng cảnh báo về mối nguy già nua cằn cỗi của một xã hội duy vật hưởng thụ? Nhân Ðại hội lần này, không thiếu những nhóm bạn trẻ đến hành hương bên mộ thánh nhân. Chị Têrêxa Hài Ðồng Giêsu trẻ trung không phải vì chỉ hưởng dương 24 tuổi, nhưng vì cuộc sống và sứ điệp của chị là nguồn cảm hứng nên thánh khôn vơi, mến yêu bất tận cho biết bao tâm hồn. Nếu không thì làm sao Giáo Hội nâng chị lên hàng “tiến sĩ đàng trọn lành” được! Chị đã hiện diện (với hài cốt của mình) tại Paris nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 12. Nghe nói lần này chị cũng có mặt tại Rôma bên cạnh các bạn trẻ. Ai dám bảo Ðức Gioan XXIII (sẽ được phong chân phước Chúa nhật 3/9 tới), con người lên ngôi giáo hoàng lúc đã 80 tuổi, là một ông già khú đế, tàn tạ, khi mà chính ngài triệu tập một công đồng đã mãnh liệt canh tân Giáo Hội hạ bán thế kỷ vừa qua và sẽ còn tiếp tục canh tân trong thế kỷ mới?

Nhưng con người thánh thiện đầy nét tươi trẻ chúng ta đặc biệt muốn nói đến ở đây là Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, lại cũng một cụ già 80 tuổi. Nhìn ngài lưng bắt đầu còng, tay run run vì bệnh Parkinson, giọng nói khi to khi nhỏ trong các ngày Ðại Hội, chúng ta không thể không liên tưởng tới nhiều nhà lãnh đạo, nhất là trong thế giới chính trị hiện giờ. Khi xuất hiện trước công chúng, đặc biệt giới trẻ, họ thường tỏ ra là những người trẻ trung, tràn đầy nhựa sống: mặc áo thể thao, cười thật rạng rỡ, biểu diễn một nhạc khí nào đó, cho biết mình thích ban nhạc Beatles, Rolling Stones hay Spice Girls v.v.... Có vị trước khi đăng đàn diễn thuyết còn trang điểm để xóa hết các vết nhăn, nhuộm đen những sợi tóc bạc, còn được các cố vấn dặn dò: không được nhăn mặt, thở hổn hển, lau mồ hôi trước ống kính. Thế nhưng họ hứa hẹn với người trẻ những gì: ngoài những chuyện thông thường như học hành, việc làm, an sinh xã hội..., có khi còn là ủng hộ đồng tính luyến ái (phó tổng thống Mỹ Al Gore, với vụ tuần hành World Pride 2000 của các nhóm đồng tính luyến ái tại Rôma; hay thỏa ước PACS do Quốc hội Pháp chuẩn nhận -cho các cặp đồng tính luyến ái có những quyền lợi trước pháp luật như những cặp vợ chồng bình thường- là những thí dụ), là hợp pháp hóa việc dùng thuốc phá thai, chất ma túy (như chính quyền thành phố Zurich, Thụy sĩ, đã dành quảng trường Platzspitz làm nơi cho giới trẻ tự do sử dụng heroin; như bà bộ trưởng Y tế Pháp mới đây đề nghị cung cấp thuốc phá thai cho các nữ sinh trung học). Các siêu sao nhạc rock cũng đã nhiều phen ca ngợi tình dục, phá thai, ma túy... Ðó là chưa nói đến chuyện rất đông trong số những “thần tượng giới trẻ” này có cuộc sống thác loạn hay nhân cách hết sức tầm thường.

“Siêu sao” Gioan-Phaolô II thì không như thế. Ngài bảo giới trẻ hãy tìm kiếm Chúa Kitô, nói với họ về lý tưởng sống hướng thượng cao đẹp, khuyên nhủ họ giữ mình trong trắng trước khi lập gia đình, nhắc nhở họ chung thủy trong cuộc sống hôn nhân, mời gọi họ hiến thân trong đời linh mục tu sĩ (x. bài giảng đêm canh thức Ðại hội. VietCatholic News 20/8). Ngài tự xưng là “bạn của người trẻ nhưng là một người bạn rất đòi hỏi”. Ngài cũng đã từng nói “không” trước những yêu cầu của một số giáo dân Mỹ xin Giáo Hội hãy cho phép phá thai, ly dị, linh mục có gia đình... nhân dịp ngài sang chủ tọa Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Denver Hoa Kỳ năm 1993. Lạ lùng thay, trước những câu trả lời thẳng thắn đó, giới trẻ đã hoan hô ngài nồng nhiệt. Tiếng reo “John-Paul II, we love you! John-Paul II, we love you!” và “Viva Papa! viva Papa!” như còn ngân vang mãi trong mọi tâm hồn. Các bạn trẻ nhận ra nơi ngài một con người hiểu giới trẻ, có một tâm hồn trẻ, am tường những khát vọng sâu xa của tuổi trẻ và nắm bắt được ý nghĩa đích thực của sự xuân trẻ.

Mà không trẻ sao được khi chính ngài là người đã có sáng kiến thành lập “Ngày QTGT” với ba mục tiêu: khuyến khích Giáo Hội và xã hội tin tưởng vào giới trẻ - đem việc toàn cầu hóa phục vụ con người - nhắc lại đòi hỏi đón tiếp người xa lạ. Ngài đã muốn cho các Ngày Quốc tế Giới trẻ thành một dấu chỉ của tình huynh đệ, nơi biểu lộ sự đón tiếp, lòng cởi mở, và ý chí muốn xây dựng một nền văn minh tình thương. Sự trẻ trung nơi Ðức Thánh Cha là sự trẻ trung đích thực, chứ không phải kiểu trẻ trung “mî dân” và bề ngoài của các nhà lãnh đạo chính trị, như ÐGM Stanislaw Rylko, thư ký Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Giáo dân nhận xét trong một bài phỏng vấn: “Ðức Giáo Hoàng giúp đỡ người trẻ mở rộng cõi lòng cho Ðức Giêsu Kitô. Trong khi đó các chính trị gia chẳng quan tâm đến giới trẻ, họ tiếp xúc với giới trẻ trong một thái độ trục lợi, chỉ lo lắng làm sao lèo lái giới này. Ở đây ẩn chứa sự khác biệt: về sự thật và tính lương thiện. Người trẻ cảm được điều này: đến tham dự những cuộc tập họp đông đảo này, họ gặp gỡ Ðức Giáo Hoàng và họ biết rằng ngài không có những tính toán mờ ám đối với họ, ngài chỉ muốn sự thiện hảo sâu xa của họ” (VietCatholic News 25/8). Một văn sĩ đã từng nói: “Nhân loại sẽ đi theo những con người biết nâng họ lên cao, giới thiệu cho họ những lý tưởng tốt đẹp”

Nhớ lại định nghĩa chúng ta đã nhất trí với nhau trên kia, thì sự trẻ trung của Ðức Thánh Cha còn biểu lộ qua cả một triều đại giáo hoàng đầy sáng kiến: các Thượng hội đồng Giám mục từng đại lục để Giáo Hội hiểu rõ từng môi trường hoàn cảnh, hầu thích nghi và đổi mới chính mình; các văn kiện lớn nhỏ vô số về đủ mọi khía cạnh trong đời sống Giáo Hội và xã hội để Tin mừng tình thương và chân lý thấm nhập hầu canh tân mọi thực tại; các cuộc công du (hơn 90 lần) khắp năm châu để thêm sinh khí cho các Giáo đoàn địa phương và lay tỉnh các xã hội; các cuộc phong thánh và phong chân phước tới tấp để đưa lên bàn thờ những mẫu gương dồi dào sự sống thần linh và phong phú sự sống nhân bản.

Bên ngoài Giáo Hội, Ðức Thánh Cha không ngừng lên tiếng chống lại nạn phá thai, án tử hình, lối giải quyết những tranh chấp bằng bạo lực; yêu cầu đón tiếp dân nhập cư người tî nạn, dung nạp mọi nền văn hóa, xóa nợ cho các nước nghèo, bỏ những cuộc cấm vận đầy bất công; đề cao các giá trị luân lý và thể chế gia đình, nền tảng chủ yếu của xã hội... Và phải công nhận có lúc chỉ mình ngài bênh vực các nhân quyền, các giá trị đó. Tất cả nhằm xây dựng một nền “văn hóa sự sống”, một nền “văn minh tình thương”.

Hết thảy những cái ấy phản ảnh một sự trẻ trung, tươi mới trong cách nghĩ, cách nhìn; phản ảnh một quan niệm phong phú, cao cả, đích thực về cuộc sống. Chính vì thế mà qua7 lần Ðại hội Thanh niên Quốc tế, giới trẻ đã tuôn đến đông đảo bên ngài.

Nhưng phải nói: sự trẻ trung của Ðức Thánh Cha cũng như của mọi thánh nhân và mọi kitô hữu thánh thiện đều đã phát sinh từ một nguồn: sự trẻ trung của Chúa Kitô

3. TÔI VUI MỪNG VÌ SỰ TRẺ TRUNG CỦA CHÚA KITÔ

Có người nói vui: chẳng bao giờ có ai vẽ được Ðức Giêsu với chòm râu và mái tóc bạc, vì Người đã chết trẻ. Bởi thế mà trong một cuộc cãi cọ giữa ba đứa bé theo ba tôn giáo khác nhau: Khổng giáo, Phật giáo và Công giáo, đứa công giáo đã tự hào: “Chúa Giêsu của tao đẹp trai hơn ông Phật và ông Khổng của hai thằng bây!” (cả hai vị này đều chết già).

Chúa Giêsu là một người trẻ trung, “xinh đẹp nhất trong con cái loài người”, truyền thuyết vẫn cho như thế. Nếu bức khăn liệm hiện đang được trưng bày tại thành Turinô đúng là khăn liệm của Người, thì truyền thuyết này chẳng sai sự thật. Ai đã từng nhìn khăn liệm đó, nhất là tấm phim của nó, thì thấy con người từng nằm trong khăn có một khuôn mặt khôi ngô quý phái, một thân hình cân đối, cao ráo, đẹp đẽ (1m80).

Nhưng nét đẹp kiểu đó không phải là cơ bản, trái lại rất hời hợt, ngoại diện. Các kitô hữu những thế kỷ đầu đã nhiều phen trình bày Chúa Giêsu rất trẻ, song với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Phần chính của thạch mộ Junius Bassus, tìm thấy phía dưới tòa giải tội của đền thờ thánh Phêrô tại Rôma, đề năm 359, là một bức tượng Ðức Kitô vinh hiển, được trình bày rất trẻ trung, không râu, ngồi trên ngai trời, đạp trên thần trời Ouranos của dân ngoại. Vây quanh Người là hai tông đồ Phêrô và Phaolô. Cả hai hướng về Người và nhận lãnh hai cuốn Luật mới. Nét trẻ trung như thế cố ý diễn tả thần tính của Người (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, nhà xb TpHCM, trang 621, hình minh họa đầu phần thứ ba). Thánh Augustinô, cũng thế kỷ thứ 4, trong cuốn “Những lời tuyên xưng”, đã từng thán phục: “Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, lại vừa tân kỳ”. Trước đó, thánh vịnh 45 (44), mà truyền thống Do thái giáo và Kitô giáo đều cho rằng nói về Ðấng Mêsia, cũng đã viết: “Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ, nét duyên tươi thắm nở môi Ngài” (c.3). Nhưng tiếp đó, thánh vịnh mô tả: “Bảo kiếm đeo lưng, này kiện tướng; lẫm liệt oai hùng, hãy phóng ngựa tiến lên; bênh sự thật, lòng nhân và công lý... Vương trượng Ngài, vương trượng công minh; Ngài yêu chính trực, ghét điều gian ác” (cc. 4-5.7-8).

Chúa Giêsu là một con người trẻ trung, mãi mãi trẻ trung, vì Người là Ðấng Vĩnh cửu, có hiện tại sung mãn, chẳng bao giờ biến đổi hay suy tàn về chân, thiện, mỹ ở nơi Người. Người trẻ trung vì Người là Ngôi Lời sự sống (x. Ga 1,3), tràn đầy sự sống (x. Ga 14,6), trao ban sự sống sung mãn: “Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người trẻ trung vì Người đã chẳng bị hư nát trong phần mộ (x. Cv 2,27), đã chẳng lụy phục thần chết (x. Kh 1,18), đã sống lại vinh quang (x. Ga 11,25).

Chúa Giêsu trẻ trung vì Người đã sống hết mình, đã yêu thương tột độ (x. Ga 13,1); đã dám chết vì sự thật, công lý và lòng nhân; đã chuộng chính trực, ghét gian tà, như thánh vịnh 45 (44) tiên báo; đã không bao giờ chọn những giải pháp nửa vời.

Chúa Giêsu trẻ trung vì có “lời ban sự sống” (Ga 6,68) chứ không chỉ là lời vàng ngọc, vì nêu những tư tưởng chẳng khi nao xưa cũ lỗi thời, vì đưa ra các bí quyết của một hạnh phúc chân thật (x. Mt 5,1-12), vì giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề của cuộc sống xã hội lẫn cá nhân, vì thỏa mãn được mọi khát vọng sâu xa chính đáng của tâm hồn con người.

Chúa Giêsu trẻ trung vì đã quyết liệt đòi hỏi môn đệ Người sống hướng thượng, “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5,48), từ bỏ mọi sự kể cả mạng sống như chính Người, để đạt được sự sống sung mãn, đích thật (x. Mt 10,39; Lc 9,23-24), vâng theo sức thúc đẩy của Thần Khí Sự Sống. “Các thánh tử đạo đã chạy đến khổ hình với một lòng hăng hái của tuổi trẻ: các ngài không do dự, các ngài không tranh luận; đối với các ngài chẳng có nghi vấn. Chính Ðức Kitô đã chẳng biểu lộ cũng một nhiệt tình như thế sao? Phải chăng Người đã cân nhắc khi đòi hỏi tất cả từ môn đệ mình: từ bỏ gia đình, tiền bạc, bản thân? Phải đặt mình trước sự táo bạo và nhiệt tình của một sức trẻ trung lôi cuốn như thế, mới tìm lại được dòng chảy Kitô giáo đích thực” (J. Badelle)

Chính vì thế, Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô đã nói với các bạn trẻ: “Các con đến Rôma, trong Năm Thánh kỷ niệm hai ngàn năm Ðức Kitô giáng sinh này, để mở rộng tâm hồn đón nhậïn quyền năng của sự sống đang ở trong Người... Các con đến để canh tân trong chính tâm hồn các con ý thức về phẩm giá của con người, được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa... Một triết gia đương thời đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự chết trong cuộc sống nhân loại, tới độ mô tả con người như là “một hữu thể được tạo dựng cho cái chết”. Tin mừng, ngược lại, xác định rõ rằng con người là một hữu thể được tạo dựng cho sự sống. Ai nấy đều được Thiên Chúa mời gọi chia sẻ sự sống thần linh” (Diễn văn khai mạc Ngày QTGT, VietCatholic News 16/8)

“Các con thân mến, ngày nay, để tin vào Chúa Giêsu, để theo Chúa như Phêrô, Tôma, các Tông Ðồ tiên khởi, và các chứng nhân trong quá khứ , chúng ta phải lựa chọn một lập trường, sự lựa chọn này nhiều khi gian nan đến độ là một cuộc tử đạo mới... Thật ra, khi các con mơ mộng hạnh phúc là các con đang tìm kiếm Chúa Giêsu. Người chờ đợi các con khi chẳng còn gì làm các con thỏa mãn; Người là vẻ đẹp mà các con bị quyến rũ tới; Người khiêu khích các con với sự khát khao điều trọn hảo mà không cho phép các con chấp nhận những dàn xếp khoan nhượng; Người thúc đẩy các con hãy lột những mặt nạ của cuộc sống giả dối; Người đọc thấu trong tâm can các con những quyết tâm mà lắm kẻ muốn bóp nghẹt. Chính Người khuấy động trong lòng các con ước muốn làm một điều gì đó vĩ đại trong cuộc đời mình, ý chí theo đuổi một lý tưởng, sự khước từ để khỏi bị chà đạp nhân vị xuống tận đất đen với những điều tầm thường xoàng xĩnh, lòng can đảm để dấn thân khiêm hạ, đức kiên nhẫn để cải thiện xã hội và chính mình, làm cho thế giới này nhân bản hơn và đầy tình huynh đệ hơn” (Bài giảng đêm canh thức. VietCatholic News 20/8)

“Chung quanh các con, các con nghe đủ mọi lời. Nhưng chỉ Chúa mới có những lời đứng vững với những thử thách của thời gian và tồn tại mãi mãi. Thời buổi các con đang sống luôn luôn đòi các con phải có những lựa chọn có tính cách quyết định... Ðiều quan trọng cần phải nhận ra là trong số các câu hỏi nổi lên trong trí óc các con, những câu hỏi có tính chất quyết định, không phải là "cái gì" mà là "ai": Tôi đến với "ai", tôi theo "ai", "với ai" tôi tín thác cuộc đời mình?... Nhưng hãy cẩn thận! Mỗi con người đều có những giới hạn không thể tránh khỏi... Thành ra, các con thân mến, chẳng lẽ điều này không khẳng định điều ta mới nghe từ Tông đồ Phêrô đó sao? Mọi người sẽ tự thấy là sớm hay muộn, họ sẽ nói lên điều mà thánh nhân đã nói: "Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai? Ngài mới có lời ban sự sống đời đời". Chỉ mình Chúa Giêsu thành Nazaret, Con của Thiên Chúa và của Ðức Maria, Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, đã sinh ra cách đây 2000 năm tại Bêlem xứ Giuđêa, mới có thể thỏa mãn khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn con người” (Sứ điệp bế mạc đại hội. VietCatholic News 21/8).