1. Hồng Y Mỹ ra đường bán các bữa ăn không đồng nhưng thập toàn đại bổ

Tử vong tại New York tính đến ngày 31 tháng 7 đã lên đến 54,241 người, trong số 2,213,800 trường hợp nhiễm coronavirus.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York đang trao những phần ăn trưa cho người nghèo trên đường phố Brookluy.

Báo cáo của tổng giáo phận hôm 30 tháng 7 cho biết, 10 triệu phần ăn bữa sáng, bữa trưa và bữa tối của tổ chức bác ái Công Giáo của tổng giáo phận New York đã được phân phát cho những người có nhu cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Những phần ăn này không chỉ ăn cho no bụng nhưng đầy đủ các dưỡng chất và vitamine cần thiết. Nói tắt một lời là dù không đồng nhưng thập toàn đại bổ.

Nhân đây thiết tưởng cũng nên đề cập đến tình hình cụ thể tại New York từ lúc bắt đầu đại dịch coronavirus cho đến nay.

Từ khi đại dịch bùng phát, Thống đốc Andrew Cuomo, của đảng Dân Chủ, họp báo gần như hàng ngày, đôi khi ngày Chúa Nhật cũng mở các cuộc họp báo để chỉ đạo phòng chống dịch, nhưng cũng để chỉ trích Tổng thống Trump và bào chữa cho tình trạng đối phó thê thảm của ểu bang đối với đại dịch coronavirus.

Nhóm người thứ hai Andrew Cuomo thường xuyên xung đột là các Giám Mục trong tiểu bang New York, đặc biệt là Đức Hồng Y Timothy Dolan. Andrew Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đường hướng của đảng Dân Chủ là phò phá thai. Đó là lý do chính dẫn đến các xung đột với hàng giáo phẩm Công Giáo.

Trong thời gian sau này lại nổi lên một lý do xung đột thứ hai là việc cắt giảm ngân sách cho người nghèo. Các giám mục của New York đã lên tiếng kích liệt phản đối đề xuất cắt giảm ngân sách của tiểu bang New York, kêu gọi Thống đốc Andrew Cuomo đừng tạo thêm gánh nặng cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương đã quá khốn đốn vì đại dịch coronavirus.

“Khi thống đốc xem xét các bước cần thiết để khôi phục tình trạng ổn định tài chính của tiểu bang chúng ta, các giám mục của New York đưa ra những lời cầu nguyện xin ơn khôn ngoan cho ông, đồng thời lời nhắc nhở rằng tiểu bang không bao giờ có thể cân bằng ngân sách trên lưng người nghèo và dễ bị tổn thương,” tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New York được công bố vào Tháng Chín năm ngoái viết.

Mặc dù những cắt giảm này là “có thể hiểu được”, và có vẻ như là một đối xử bình đẳng đối với tất cả các bộ phận, các giám mục tuyên bố, “chúng ta phải ghi nhớ rằng đối với hàng trăm nghìn người New York dễ bị tổn thương, những người phụ thuộc vào các tổ chức cung cấp dịch vụ nhân sinh phi lợi nhuận được nhà nước tài trợ, công bằng xã hội đã loại trừ họ và bao đời nay vẫn loại trừ họ.”

“Chúng ta không được quay lưng lại với phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, những người nhập cư tìm kiếm các trợ cấp hợp pháp, những người khuyết tật về thể chất hoặc chậm phát triển, những người già yếu, những bà mẹ đơn thân đang gặp khó khăn và con nhỏ của họ, những gia đình vô gia cư, những người mất việc làm và không có đủ thức ăn để đặt trên bàn, những người bị nghiện hay bệnh tâm thần, những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, những người phạm tội đang tái hòa nhập với xã hội, hoặc nhiều người dân New York khác, những người cần nhất sự ủng hộ của chúng ta,” các Giám Mục viết.

Không chỉ đưa ra các tuyên bố, các Giám Mục tại New York còn trực tiếp cứu trợ các nạn nhân của COVID-19 và của Coumo.
Source:NetTVNY

2. Quê hương của Hồng Y Becciu chìm trong biển lửa

Khi đảo Sardinia, quê hương của Hồng Y Becciu, tiếp tục bị tàn phá bởi những gì người dân địa phương mô tả là trận hỏa hoạn “ngày tận thế”, các giám mục địa phương và trên toàn Italia cho biết các ngài gần gũi với những ai đau khổ, hoặc có bị mất tất cả mọi thứ.

Trong một tuyên bố vào đầu tuần này, các giám mục của Sardinia cho biết hai điều luôn hiện hữu trong tâm trí họ khi ngọn lửa tiếp tục bao trùm phần lớn hòn đảo: đó là “Sự gần gũi với người dân và nỗi buồn trong tim”.

“Là giám mục của Sardinia, chúng tôi cảm thấy một cảm giác mất tinh thần vô hạn trong khi nhìn thấy một lần nữa, vì hỏa hoạn mà nhân dân ta chịu đau khổ và đất đai của chúng ta chìm trong biển lửa.”

Đám cháy lan nhanh ở Sardinia, với dân số khoảng 1,64 triệu người, cho đến nay đã phá hủy khoảng 50,000 hécta rừng và buộc 1,500 người phải di tản.

Nhiều cơ sở kinh doanh nông nghiệp và tài sản tư nhân cũng bị thiệt hại do vụ cháy xảy ra hôm thứ Bảy ở tỉnh Oristano và đã lan nhanh sang các khu vực xung quanh.

Trong một hành động đoàn kết quốc tế, Liên minh Âu Châu đã triển khai 4 máy bay cứu hỏa vào hôm Chúa Nhật để tăng viện cho 11 máy bay đang làm việc cật lực để dập tắt đám cháy, hiện đang đe dọa 13 thị trấn.

Cho đến nay các nỗ lực làm chậm hoặc dập tắt đám cháy đã bị cản trở bởi gió mạnh và nóng, khiến các tờ báo địa phương gọi đám cháy là trận hỏa hoạn “ngày tận thế”. Họ cảnh báo rằng tổng thiệt hại có thể còn tồi tệ nhất so với các vụ cháy lớn năm 1983 và 1994.

Trận hỏa hoạn năm 1983, bắt đầu vào tháng 7 năm đó ở Curraggia, lần đầu tiên bùng phát ở thành phố phía tây nam Tempio Pausania và các vùng lân cận của Aggius và Bortigiadas, phá hủy gần 4,500 hécta đất, giết chết 9 người và 15 người khác bị thương.

Tương tự, trận hỏa hoạn năm 1994 đã thiêu rụi gần 60,000 hécta rừng, phá hủy nhiều vùng đất ở các khu vực Seneghe, Bonarcado, Cuglieri, Santu Lussurgiu và Scano Montiferro.

Cuối tuần qua, khoảng 400 người đã phải di tản khỏi nhà ở thị trấn Scano di Montiferro của Sardinia, với hàng trăm người khác buộc phải di tản khỏi các ngôi làng gần đó.

Người ta lo sợ rằng khi đám cháy kéo dài, chúng có thể sớm lan đến Nuoro, một trong những thành phố quan trọng nhất của hòn đảo.

Hơn 7,000 nhân viên cứu hỏa và tình nguyện viên đang làm việc để dập tắt đám cháy. Chính quyền khu vực đã tuyên bố “tình trạng thiên tai” và đang tìm kiếm quỹ từ chính phủ trung ương để sửa chữa thiệt hại và hỗ trợ về tài chính cho những người bị ảnh hưởng.

Các văn phòng Caritas của khu vực đang cộng tác với giáo phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đám cháy, là giáo phận Alghero-Bosa, để đánh giá nhu cầu hiện tại và phát triển một kế hoạch hành động cho các nỗ lực phục hồi.

Trong tuyên bố của mình, các giám mục của Sardinia cho biết các ngài đang trở thành “một tiếng kêu đau đớn và đoàn kết cho những ai đã chứng kiến các trang trại, doanh nghiệp và sản phẩm của họ bị tàn phá trước mắt”.

Các ngài nói rằng chính những bi kịch như thế này “khi cuộc gặp gỡ hòa bình giữa con người và môi trường bị đe dọa,” đã giúp nhân loại tái khám phá “việc giáo dục có ý nghĩa quyết định như thế nào trong việc tôn trọng thiên nhiên, để chúng ta quan sát thế giới xung quanh chúng ta như một khu vườn, theo kế hoạch của Thiên Chúa”.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của Perugia, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, cũng thay mặt cho các giám mục Ý, nói lên “sự gần gũi và tình đoàn kết” của mình với người dân Sardinia, những người mà ngài nói đã “bị thử thách bởi những đám cháy đang gây ra những thiệt hại khôn lường”.

Ngài nói: “Ở Sardinia, hơn 50,000 hécta rừng và đất nông nghiệp đã bốc khói, và rất nhiều công ty và nhà cửa bị đốt cháy.” Ngài lưu ý rằng ngoài những thiệt hại về môi trường, “còn có hàng nghìn người phải di dời và hàng loạt gia súc bị giết,” ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn sinh kế và là nguồn lực cơ bản cho nền kinh tế của khu vực”.

Ngài cũng bày tỏ sự quan tâm và gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt ở miền bắc nước Ý, đã gây ra thiệt hại đáng kể, đặc biệt là ở khu vực gần Como.
Source:Crux

3. Đức Thánh Cha Phanxicô mang đến cho nhà lãnh đạo Á Căn Đình một sự hỗ trợ rất cần thiết

Tổng thống Alberto Fernandez là một người Công Giáo, nhưng ông ta kiên quyết cho rằng phá thai là một nhân quyền cơ bản của phụ nữ. Ông Alberto Fernandez đã đưa ra dự luật hợp pháp hóa việc phá thai để thực hiện lời hứa tranh cử của ông ta. Dự luật này đã được thông qua tại Thượng Viện hôm 30 tháng 12 với 38 phiếu thuận, 29 phiếu chống, 1 phiếu trắng và 4 phiếu vắng mặt sau 12 giờ tranh luận. Trước đó, nó đã được Hạ Viện thông qua.

Sau khi Thượng Viện ở Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai vào đầu giờ ngày thứ Tư, 30 tháng 12, Hội đồng Giám mục Á Căn Đình đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc giới lãnh đạo chính trị của đất nước đã xa rời tình cảm của người dân và thề sẽ tiếp tục làm việc “với sự kiên định và lòng say mê trong việc chăm sóc và phục vụ cuộc sống”.

Trong những ngày qua, đại dịch coronavirus bùng phát mạnh tại Á Căn Đình. Tính đến ngày mùng một tháng 8, tử vong tại Á Căn Đình đã lên đến 105,721 người, trong số 4,929,764 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong suốt tháng 7, mỗi ngày Á Căn Đình có khoảng 13,000 trường hợp nhiễm bệnh mới và khoảng 400 trường hợp tử vong.

Tình trạng nguy kịch vì coronavirus, và thái độ lúng túng của Alberto Fernandez càng làm tăng sự bất mãn của người dân.

Inés San Martín, người Á Căn Đình, phóng viên thường trú của tờ Crux tại Rôma, cho biết trong bối cảnh bi đát của quê hương vì coronavirus, Đức Thánh Cha vừa viết một lá thư cho Alberto Fernandez. Điều này vô tình lại là một sự ủng hộ mà cá nhân Alberto Fernandez đang rất cần.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Là nhà lãnh đạo tinh thần của 1,3 tỷ người, các vị giáo hoàng được trông đợi là không nên thiên vị một nhóm nào. Tuy nhiên, với tư cách là con người, các ngài thường cho thấy một sự ưa thích nhất định đối với một phong trào tôn giáo cụ thể, một lòng sùng kính Đức Mẹ cụ thể, thậm chí cả một số quốc gia nhất định - thường bắt đầu bằng quốc gia của chính các ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không ngoại lệ, khi một lần nữa xác nhận vị trí đặc biệt của Á Căn Đình trong trái tim ngài qua một bức thư gửi Tổng thống Alberto Fernandez. Nó được gửi đi ngay sau khi Đức Phanxicô rời Bệnh viện Gemelli ở Rome và được nhận vào thời điểm Fernandez đang rất cần được một sự hỗ trợ như thế, vì Á Căn Đình vừa trải qua hơn 100,000 ca tử vong do COVID-19.

“Tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu để ngay trong những thời điểm khó khăn vì đại dịch này, xin Ngài ban cho những người Á Căn Đình yêu dấu những phước lành dồi dào, để họ có thể tiến bước trên con đường công lý, tình huynh đệ và tiến bộ”. Đức Phanxicô viết như trên trong một lá thư được gửi đến chính phủ Á Căn Đình thông qua Sứ thần Tòa Thánh tại nước này.

Bức thư được gửi ngày 15 tháng 7, một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Vatican sau 10 ngày nhập viện sau cuộc phẫu thuật ruột kết. Fernandez, giống như nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, đã gửi cho Đức Giáo Hoàng một bức thư chúc ngài mau chóng bình phục. Cho đến nay, chính phủ của ông là người duy nhất nhận được phản hồi của Đức Giáo Hoàng.

Tổng thống Á Căn Đình hiện đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì những gì các nhà phê bình gọi là một trong những cách đối phó với đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, đến mức Bloomberg gần đây đã coi đây là nơi “tồi tệ nhất” trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Giữa những thứ khác, Á Căn Đình hiện có số người chết tính theo đầu người cao nhất và tỷ lệ nghèo đói tăng hơn 10% trong 18 tháng qua, có nghĩa là gần một nửa đất nước không thể kiếm sống.

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa trở lại Á Căn Đình, nhưng ngài đã đưa ra một số dấu chỉ trong suốt tám năm qua cho thấy rằng, mặc dù ngài có thể bay với hộ chiếu của Quốc Gia Thành Vatican, ngài vẫn rất là người Á Căn Đình - bao gồm cả thực tế là ngài vẫn giữ cho thẻ căn cước quốc gia của mình được cập nhật thường xuyên.

Ngài cũng đã chào đón các tổng thống Á Căn Đình nhiều lần hơn so với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác. Ngài chào đón ba tổng thống ít nhất hai lần và đích thân can thiệp vào khoản nợ quốc tế của quốc gia Mỹ Latinh này, đến mức The New York Times đã đăng một đoạn ý kiến dưới tiêu đề “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể mang lại một phép lạ về món nợ cho Á Căn Đình không?”

Trở lại năm 2016, Đức Phanxicô đã gửi một đoạn video cho những người đồng hương nói rằng ngài sẽ không quay trở lại năm 2017, trong nỗ lực dập tắt những tin đồn rằng một chuyến đi đang được thực hiện: “Anh chị em không biết tôi ước ao muốn gặp gỡ anh chị em biết là ngần nào. Nhưng tôi sẽ không thể làm điều đó trong năm tới vì có những dàn xếp với Á Châu và Phi Châu … và thế giới này rộng lớn hơn Á Căn Đình”.

Tuyên bố đó rất đúng, nhưng dù thế vẫn có những bằng chứng cho thấy Đức Giáo Hoàng vẫn yêu mến xứ sở Gauchos, thịt đỏ và Lionel Messi hơn.
Source:Crux